Chuối chín, chuối xanh có ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
Nhiều người thích ăn chuối chín, nhiều người khác lại thích chuối xanh. Vậy sự khác biệt của hai loại chuối này là gì?
21:00 19/07/2018
Mới đây, một vòng tròn chuối với các mức độ chín khác nhau được chia sẻ trên Instagram đã nhận được sự quan tâm của khá nhiều người dùng. Các quả chuối được đánh số từ 1 đến 15 theo mức độ chín khác nhau. Hầu hết người dùng cho biết loại chuối ưa thích của họ có độ chín từ 8 đến 10, một số khác chọn từ 4 đến 7.
Theo Rhiannon Lambert, một chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại Anh, tác giả cuốn sách “Re-Nourish: Một cách đơn giản để ăn uống lành mạnh” cho biết mặc dù chuối là nguồn cung cấp kali cùng một số chất dinh dưỡng tuyệt vời khác nhưng ở các cấp độ chín khác nhau, chuối có những lợi ích khác nhau. Người dùng nên chọn độ chín của chuối tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bản thân.
Người mắc bệnh tiểu đường nên cân nhắc khi ăn chuối chín quá. Bởi khi chuối chín, tinh bột bắt đầu chuyển thành đường. Lambert cho biết: "Nghiên cứu cho thấy trong chuối tinh bột chiếm 80-90%, khi chín chúng chuyển thành đường tự do. Vì vậy, những người mắc bệnh tiểu đường ăn chuối quá chín có thể làm tăng lượng đường trong máu.”
Các quả chuối được đánh số từ 1 đến 15 theo mức độ chín khác nhau
Mặt khác, chuối hơi chín là một lựa chọn tốt hơn cho bất kỳ ai gặp khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn.
Một quả chuối xanh hơn có nhiều “kháng tinh bột” (resistant starch, RS), loại tinh bột không được tiêu hóa khi đi qua hệ thống ruột non. Một số loại kháng tinh bột được vi sinh vật ở ruột già lên men sản xuất ra các axit béo chuỗi ngắn, tăng khối lượng vi khuẩn nên rất có lợi ích cho sức khỏe con người. Trong nhiều cách khác nhau, kháng tinh bột có tác dụng sinh lý tương tự như chất xơ, hoạt động như một thuốc nhuận tràng nhẹ, do đó dùng nhiều kháng tinh bột có thể dẫn đến đầy hơi.
Trong khi đó, chuối chín già chuyển sang màu nâu lại chứa lượng chất chống oxy hóa cao. Một bài báo trên Đại học Spoon cho biết khi một quả chuối quá chín, nó gần như chuyển thành màu nâu. Về cơ bản, tất cả tinh bột trong quả chuối này đã được chuyển thành đường do vậy chúng ngọt hơn và thường được sử dụng để nướng bánh. Việc chuối chín chuyển sang màu nâu cũng là do chất diệp lục đã được loại bỏ khỏi vỏ chuối. Sự phân hủy chất diệp lục này là lý do tại sao mức độ chống oxy hóa tăng khi chuối chín già.
Có thể nói, hàm lượng dinh dưỡng trong chuối không thay đổi ở các mức độ chín khác nhau của quả chuối. Điều duy nhất thực sự thay đổi là hương vị và cách cơ thể xử lý đường. Vì vậy, chọn mức độ chín của chuối có thể dựa trên sở thích hoặc dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại.
An Nhiên