Chương trình di cư 130.000 trẻ em trước đây của Anh bị đánh giá ‘là hành động bất lương’
Trong giai đoạn 1920 – 1970, dưới chương trình di cư trẻ em, hơn 130.000 đứa trẻ đã được đưa tới những nơi có “cuộc sống tốt đẹp hơn” ở các thuộc địa cũ của Anh, chủ yếu là Úc và Canada.
11:30 11/03/2018
Tờ The Guardian đưa tin gần đây, một cuộc điều tra quốc gia về lạm dụng trẻ em, đã tiếp nhận lời khai từ những người bị đưa sang Úc khi còn nhỏ.
Những đứa trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 14 tuổi, hầu hết thường có gia cảnh khó khăn, và được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc từ thiện. Người ta tin rằng những đứa trẻ di cư sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các tổ chức từ thiện như Barnardo’s và Fairbridge Society, các nhà thờ Anh giáo và Công giáo và chính quyền địa phương, đã đứng ra giúp đỡ cho việc tổ chức di cư này.
Một khi đến ‘miền đất mới’, những đứa trẻ thường được gọi là trẻ mồ côi, để giúp chúng có một sự khởi đầu mới tốt hơn. Cha mẹ của các trẻ em này đa phần là những người mẹ đơn thân, buộc phải từ bỏ con mình vì nghèo đói hoặc bị kỳ thị xã hội. Họ tin rằng đây là cơ hội giúp con cái mình có được cuộc sống tốt đẹp hơn, dù không hề hay biết chúng sẽ được người ta đưa tới đâu.
Nhưng thực tế đáng buồn là một số trẻ em này đã phải trải qua một tuổi thơ đầy đau khổ. Chúng bị bắt làm nô lệ, phải lao động nặng nhọc trong các trại nuôi dưỡng, mà đa phần thường là các trang trại xa xôi, trại tế bần của nhà nước, và các trường dòng. Bọn trẻ thường bị tách khỏi anh em của mình. Một số bị lạm dụng về thể xác và tình dục.
Vào năm 2010, Thủ tướng Anh khi đó là ông Gordon Brown đã đưa ra lời xin lỗi chính thức, bày tỏ sự hối tiếc về chương trình di dân “sai lầm” này.
Phát biểu trước những người dân Anh, ông Brown nói: “Chúng tôi thành thật xin lỗi tới tất cả những người là trẻ em di dân trước đây, và gia đình họ. Họ đã bị thất vọng. Chúng tôi rất tiếc họ đã bị gửi đi đúng vào thời điểm họ dễ bị tổn thương nhất. Chúng tôi rất tiếc, thay vì chăm sóc họ, đất nước này đã quay lưng với họ”.
Sau đó, ông Brown tuyên bố lập ra một quỹ 6 triệu Bảng Anh, để tài trợ cho việc đoàn tụ các gia đình đã phải chia ly trước đây.
Mặc dù những đứa trẻ cuối cùng lên thuyền di dân là vào năm 1967, nhưng chỉ mới gần đây, khi những câu chuyện của họ được kể lại, thì những chi tiết về sự ngược đãi mới trở nên công khai nhờ sự thừa nhận chính thức của chính quyền.
Chính phủ Úc đã đưa ra lời xin lỗi chính thức lần đầu tiên vào năm 2009 về những hành động thô bạo đối với những đứa trẻ di cư.
Chương trình di cư trẻ em này có hai mục đích: một là nhằm giảm bớt gánh nặng cho các trại trẻ mồ côi ở Vương quốc Anh; hai là để gia tăng dân số ở các nước thuộc địa.
Mãi cho đến tận đầu năm 1980, bà Margaret Humphreys, nhân viên bảo trợ xã hội thành phố Nottingham, đã phát hiện rằng có những người di cư trước đây ở Úc, nay mới nhận ra họ có thể vẫn còn có người thân ở Anh, mặc dù họ được nói rằng họ là những đứa trẻ mồ côi. Kể từ đó, bà Humphreys đã dành hết công việc của mình, nhằm giúp đỡ những đứa trẻ bị thất lạc đoàn tụ với gia đình của họ.
Các cáo buộc về trại trẻ Fairbridge bắt đầu nổi lên sau vụ việc của ông David Hill, một trẻ di cư bị gửi đến trại trẻ Fairbridge ở thị trấn Molong (Úc), và sau này trở thành chủ tịch, giám đốc điều hành Tập đoàn Truyền thông ABC.
Cùng với những người là trẻ em di cư khác, ông Hill đã phơi bày tình trạng bị đánh đập và ngược đãi trong cuốn sách “Những đứa trẻ bị lãng quên” của mình vào năm 2007. Đây cũng là tựa đề cho một bộ phim tài liệu của Tập đoàn Truyền thông ABC trong năm 2009.
Những yêu cầu bồi thường cho 215 đứa trẻ di cư trước đây ở trại trẻ Fairbridge, trong đó có 129 người tố cáo bị lạm dụng tình dục, đã được thực hiện thành công, tờ The Guardian cho biết.
Ủy ban Hoàng gia Úc về vấn đề lạm dụng trẻ em gần đây tiết lộ rằng có 853 người đã cáo buộc tổ chức Công giáo Christian Brothers, một tổ chức tham gia chương trình di cư trẻ em, là ngược đãi những đứa trẻ.
Vào năm 1956, trong một chuyến khảo sát thực tế, ba quan chức của Vương quốc Anh đã đến Úc, để kiểm tra 26 tổ chức tiếp nhận trẻ cư trú. Các quan chức này sau đó đã đưa ra một báo cáo khá quan trọng, cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong việc chăm sóc trẻ em, và đặc biệt lo ngại về những địa điểm ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh.
Tuy nhiên, báo cáo không đề cập đến tình trạng lạm dụng tình dục hay thể xác. Và việc di cư trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra, cho đến tận những năm 1970.
Tâm Minh
Đấu súng ở khu nhà cựu quân nhân Mỹ, ba con tin bị giữ
Tay súng giữ ba con tin và cố thủ tại khu nhà cựu quân nhân lớn nhất Mỹ ở bang California, sau khi đấu súng với cảnh sát.