Chuyện ân hận day dứt cả đời nhà lập quốc được in hình trên tờ 100 USD của Mỹ: Gián tiếp lấy mạng con trai 4 tuổi chỉ vì 2 chữ "tiêm vaccine"
“Tôi muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh rằng không ai có thể tha thứ cho bản thân mình nếu để con trẻ phải chết vì không được tiêm vaccine như sai lầm của tôi. Vì vậy, hãy lựa chọn giải pháp an toàn cho con mình hơn là không làm gì cả”.
23:00 14/07/2023
5 tuần sau cái chết của cậu con trai 4 tuổi, Benjamin Franklin - người được mệnh danh là "người cha lập quốc" đem lại nền độc lập cho nước Mỹ - vẫn cố bưng bít về cái chết của con trai mình khi thiên hạ truyền tai nhau rằng cậu bé chết chỉ vì không được tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa.
Một khi càng cố giấu thì người ta lại càng nghi kỵ. Đến ngày 30 tháng 12 năm 1736, người đàn ông (khi ấy 30 tuổi) biết rằng mình không thể giấu thêm được nữa nên quyết định kể hết toàn bộ câu chuyện trên tờ nhật báo Pennsylvania Gazette do chính ông chủ biên.
Tranh vẽ cậu bé Francis “Franky” Franklin 4 tuổi, con trai của Benjamin Franklin.
"Vì một số người đang lan truyền tin đồn về cái chết của con trai tôi có thể khiến nhiều người chần chừ trong việc tiêm chủng cho con em mình", Benjamin viết. "Tôi xin thành thật tuyên bố rằng con trai tôi không được tiêm chủng, thằng bé đã bị nhiễm bệnh".
Đây là lời thú nhận khiến nhiều người bàng hoàng bởi trước đó, Benjamin luôn tỏ ra là người ủng hộ việc tiêm vaccine như “một biện pháp phòng ngừa an toàn và có lợi”, và rồi chính con trai ông lại không được vaccine bảo vệ.
Trong bài báo, Benjamin cũng đưa ra lời giải thích rằng: "Tôi đã định tiêm vaccine cho con mình ngay sau khi thằng bé khỏi hẳn bệnh tiêu chảy đã đày đọa nó suốt thời gian dài”.
Một bức chân dung của Benjamin Franklin vào khoảng năm 1785.
Hơn 50 năm sau, trong cuốn tự truyện được xuất bản sau khi Benjamin đã qua đời, ông nói rằng ông đã “vô cùng hối hận, day dứt mãi mãi” vì cái chết của con.
Gần 3 thế kỷ sau, câu chuyện của Benjamin lại được nhắc lại liên tục khi làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 bao trùm khắp nước Mỹ. Biến thể Delta rất dễ lây lan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người Mỹ chưa được tiêm vaccine, bao gồm cả trẻ em dưới 12 tuổi, những người chưa đủ điều kiện để được chủng ngừa, và cả thanh thiếu niên - nhóm người có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Mỹ.
Tầm quan trọng to lớn của vaccine
Khái niệm "chủng ngừa" đã đến với các nước thuộc địa châu Mỹ thông qua châu Phi. Vào đầu những năm 1700, Bộ trưởng Giáo hội Hoa Kỳ Cotton Mather đã học được từ một người hầu tên Onesimus về một phương pháp phòng bệnh được sử dụng từ lâu ở Tây Phi. Phương pháp này giúp bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa có triệu chứng nhẹ hơn, tỷ lệ sống sót cao hơn đáng kể. Và sau đó, bệnh nhân sẽ được miễn dịch vĩnh viễn. Cotton Mather đã đưa ra phương pháp và khái niệm ấy cho một bác sĩ địa phương, người này bắt đầu thử nghiệm nó trên các thành viên trong gia đình và cả người hầu trong nhà.
Lớn lên ở Boston và phụ giúp công việc kinh doanh in ấn của anh trai, cậu thiếu niên Benjamin Franklin khi ấy đã rất sôi nổi trong cuộc tranh luận công khai về thí nghiệm của vị bác sĩ làm theo lời Cotton Mather. Chàng trai trẻ Benjamin khi ấy luôn luôn yêu thích khoa học và phát minh.
Sau này, khi có tờ báo của riêng mình ở Philadelphia, ông đã trở thành một trong những “nhà tuyên truyền tiêm vaccine phòng bệnh hàng đầu của nước Mỹ”.
Khi một đợt bùng phát bệnh đậu mùa tấn công Boston vào năm 1730, ông đã cẩn thận kể lại câu chuyện của những người chọn cách tiêm chủng đã sống tốt như thế nào. "Chỉ có 4 người chết trong số hàng trăm người được tiêm", ông viết. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở những người mắc bệnh mà không được tiêm chủng là gần 30%.
Sau đó, ông đã công bố các hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện việc tiêm chủng. Việc lập danh mục tỷ lệ sống sót trong nhiều thập kỷ của ông có lẽ đã đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của George Washington trong cuộc "Chiến tranh Cách mạng" là ra lệnh tiêm chủng cho toàn bộ quân đội. Bản thân George Washington đã có khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi sống sót qua một đợt bệnh đậu mùa thời trẻ.
Nỗi day dứt khôn nguôi của một người cha
Vậy lý do tại sao, chỉ 6 năm sau, con trai của Benjamin lại không được tiêm chủng khi một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khác hoành hành ở Philadelphia?
Nhiều nhà sử học đã chấp nhận lời giải thích “xứng đáng” của Benjamin rằng ông đang chờ sức khỏe của con trai mình được cải thiện.
Tuy nhiên, tác giả Stephen Coss (người viết cuốn "The Fever of 1721: The Epidemic That Revolutionized Medicine and American Politics") đưa ra một lời giải thích khác, rằng vợ của Benjamin sợ tiêm chủng và thuyết phục chồng mình không cho con trai tiêm vaccine. Stephen Coss cũng lưu ý rằng mối quan hệ của Benjamin và vợ, vốn tràn đầy tình yêu và ngọt ngào, đã rạn nứt sau cái chết của cậu con trai Franky. Benjamin đã chỉ trích vợ mình là người vô trách nhiệm và đặt câu hỏi về vai trò làm mẹ của bà.
Năm 1759, Benjamin đã "ngầm" hé lộ về nguyên do từ người vợ, đồng thời thăm dò sự dè dặt của công chúng trong việc chấp nhận việc tiêm chủng. Ông viết: "Khi một bên là cha hoặc mẹ hoặc những người có quan hệ họ hàng gần phản đối tiêm chủng, thì người ta không được phép tiêm chủng cho trẻ mà không có sự đồng ý hoàn toàn của tất cả các bên, kẻo trong trường hợp xảy ra điều đáng tiếc, bạn sẽ bị đổ lỗi vĩnh viễn”.
"Rồi Benjamin dần xa lánh vợ, chẳng hạn như chuyện ông ở suốt hơn 1 thập kỷ tại Anh, trong khi ban đầu ông nói mình chỉ đi vài tháng. Ông thường dẫn con gái, cháu trai và các thành viên khác trong gia đình đi cùng trong những chuyến đi này, nhưng không bao giờ có mặt vợ. Trong 17 năm cuối đời, họ chỉ ở bên nhau 2 năm", Stephen Coss viết.
Gần cuối đời, khi Benjamin viết tự truyện, ông vẫn nhắc đến nỗi day dứt năm nào. Sau khi bày tỏ sự "hối hận và cay đắng" về cái chết của con trai mình, ông đã viết thêm lời cảnh báo này:
“Tôi muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh rằng không ai có thể tha thứ cho bản thân mình nếu để con trẻ phải chết vì không được tiêm vaccine như sai lầm của tôi. Vì vậy, hãy lựa chọn giải pháp an toàn cho con mình hơn là không làm gì cả”.
Tại sao chân dung Benjamin Franklin được in trên tờ 100 USD?
Benjamin Franklin xuất hiện trên tờ 100 USD vì ông là người đóng vai trò rất quan trọng trong những ngày đầu hình thành nước Mỹ.
Benjamin là một trong 7 “người cha lập quốc” của Mỹ (6 người còn lại bao gồm: John Adams, Alexander Hamilton, John Jay, Thomas Jefferson, James Madison và George Washington).
Benjamin Franklin còn được đặc biệt coi trọng bởi những cống hiến của ông cho công cuộc giành độc lập của Mỹ. Ông chính là người ký Hiệp ước Đồng minh Pháp-Mỹ và là người thuyết phục Chính phủ Pháp ủng hộ Mỹ chống lại thực dân Anh. Ngoài ra, Benjamin Franklin cũng là người đàm phán về các khoản cho vay và thương mại với các nước châu Âu.
Benjamin Franklin là “người cha lập quốc” duy nhất ký vào 3 văn kiện quan trọng nhất đem lại nền độc lập cho nước Mỹ là Hiệp ước Đồng minh Pháp-Mỹ, Hiệp ước Paris và Tuyên ngôn Độc lập. Ông cũng là một trong những người đặt bút ký vào bản Hiến pháp Mỹ.
Không chỉ là một chính trị gia lỗi lạc, Benjamin Franklin còn là một doanh nhân và một nhà khoa học trứ danh. Ông là một trong những người Mỹ được biết đến nhiều nhất tại châu Âu trong thế kỷ 18.
Nguồn: WP
Quốc gia định cấp 70 triệu đồng/tháng cho người dân: Không cần đi làm, người nước ngoài đến sống cũng nhận được tiền
Sáng kiến nghe rất hấp dẫn nhưng điều kỳ lạ là 80% cử tri bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở quốc gia này lại phản đối và từ chối nhận tiền.