Chuyến bay cắt đứt giấc mơ của những người nhập cư Mỹ
Những người nhập cư phạm tội ở Mỹ sẽ phải hồi hương trên chuyến bay do cơ quan di trú Mỹ thuê.
06:09 18/07/2023
Với tay chân bị còng và dây giày bị tháo, một hàng dài những người nhập cư bị trục xuất đứng đợi trên đường băng, trong khi nhóm sĩ quan lục soát người và kiểm tra miệng họ để đảm bảo không có vật gì được giấu. Quá trình này diễn ra trong 20 phút, sau đó từng người đi lên cầu thang vào trong máy bay. Họ sẽ được tháo còng tay và trả lại dây giày khi hạ cánh xuống El Salvador, theo AP.
Những người nhập cư trái phép vào Mỹ bị trục xuất về El Salvador hôm 16/11. Ảnh: AP.
Chuyến bay này diễn ra hôm 16/11 tại sân bay Liên lục địa George Bush ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. Chiếc Boeing 737 không có dấu hiệu nào cho thấy đây là một chuyến bay trục xuất. Nó mang logo của hãng hàng không Swift Air, một hãng tư nhân chuyên phục vụ các chiến dịch chính trị và đội thể thao chuyên nghiệp.
Khi chiếc máy bay tới Houston, khoảng 30 người nhập cư El Salvador đang ở trên khoang. Họ di chuyển từ thành phố Alexandria, bang Louisiana. Sau đó hai xe buýt tới, chở theo 50 người, gồm 45 người đàn ông và 5 phụ nữ bị trục xuất. Hành lý của họ được đựng trong những chiếc túi đỏ xếp trên đường băng.
Chuyến bay do Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thực hiện. Khoảng 100.000 người bị trục xuất mỗi năm trên những chuyến bay này. Theo ICE, 29 trong số 50 người lên chuyến bay lần này bị bắt vì các tội hình sự, trong đó có 4 người bị truy nã ở El Salvador vì giết người. 21 người còn lại được cho là bị trục xuất bởi vi phạm quy định nhập cư. 20/50 người từng bị trục xuất trước đó.
Các phóng viên không được vào trong máy bay. Tuy nhiên, các quan chức cho biết những người trên máy bay chấp hành kỷ luật và trật tự, được phục vụ bữa ăn và có bác sĩ đi theo. Tuy nhiên, họ sẽ bị còng cho tới khi máy bay hạ cánh. "Chúng tôi cố gắng nhân đạo nhất có thể và giữ an toàn cho họ. Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo rằng không ai làm điều gì sai trái", Pat Contreras, giám đốc phụ trách việc trục xuất của văn phòng ICE ở thành phố Houston, cho biết.
Trong khi người nhập cư từ Mexico thường bay tới các thành phố phía nam, sau đó được đưa bằng ôtô đến biên giới để trở về quê hương, những người gốc Trung Mỹ khác bị đưa thẳng về nước bằng đường hàng không. Phần lớn những người nhập cư bị trục xuất hiện nay đến từ ba quốc gia nghèo khó là El Salvador, Guatemala và Honduras. Dữ liệu cho thấy những chuyến bay trục xuất tới Guatemala và Honduras đã tăng vọt trong năm nay.
Trong thập kỷ qua, chính phủ Mỹ chi khoảng một tỷ USD cho các chuyến bay trục xuất và Tổng thống Donald Trump đang tìm cách nâng khoản ngân sách này lên 30%. ICE năm ngoái ước tính họ đã dành khoảng 7.785 USD mỗi giờ cho các chuyến bay. Cơ quan này chuyển sang thuê máy bay tư nhân từ năm 2010, còn trước đó họ sử dụng dịch vụ của chính phủ do Cảnh sát Tư pháp tiến hành.
ICE cho biết việc dùng máy bay tư nhân giúp tiết kiệm khoảng 25 triệu USD mỗi năm và có tính linh hoạt hơn. Cách này còn giúp tránh được việc đưa số lượng lớn người bị trục xuất lên máy bay thương mại, đòi hỏi phải mua cả vé cho các sĩ quan áp giải, hoặc giữ những người này ở Mỹ lâu hơn cần thiết khiến các trung tâm giam giữ bị quá tải.
Tuy nhiên, các nhóm ủng hộ người nhập cư cho rằng các chuyến bay của ICE là minh chứng cho thấy việc siết chặt quy định nhập cư của Mỹ làm giàu cho các công ty tư nhân như thế nào.
"Cách để tiết kiệm tiền cho các chuyến bay là trục xuất ít người đi, chứ không phải tư nhân hóa lĩnh vực này", Bob Libal, giám đốc tổ chức Grassroots Leadership, nhận định. "ICE phần lớn đã bị tư nhân hóa. Cơ quan này bị thâu tóm bởi các ngành công nghiệp kiếm lời từ việc trục xuất và giam giữ".
Trong chuyến bay hôm 16/11, Swift Air được thuê bởi Classic Air, công ty giành được hợp đồng phụ trách các chuyến bay trục xuất của ICE vào năm ngoái. ICE năm nay đã trả cho Classic Air 51 triệu USD, theo hồ sơ ngân sách liên bang. Nhà thầu trước đó là CSI Aviation được trả 906 triệu USD kể từ năm 2010.
Nguồn: Vnexpress.net
Cựu ĐS Mỹ: Chính quyền Tổng thống Biden xem trọng quan hệ với Việt Nam
Trả lời Zing, 2 chuyên gia nhận định chuyến thăm ngày 28-29/7 của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhằm tái khẳng định cam kết với khu vực và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Việt Nam.