Chuyện bi hài của một gia đình ở Vũ Hán

Mộc Lan (21 tuổi) ở quận Kiều Khẩu, Vũ Hán kể chuyện một tháng tự nhốt mình trong nhà của gia đình cô với phóng viên tờ Southern Metropolis Daily.

08:00 25/02/2020

Bạn có thể nói tôi đang phóng đại, nhưng tất cả sẽ nghĩ lại nếu biết nhà tôi nằm cạnh Bệnh viện phổi và Trung tâm huyết học Vũ Hán. Nó cũng đối diện với hai bệnh viện khác, trong đó có nơi đang chữa trị cho những bệnh nhân Covid-19. Bao quanh bởi các bệnh viện lớn, tôi luôn cảm thấy không khí ngập tràn virus.

Những hạt lạc chưa ăn

Tối 21/1, một chị bạn làm việc tại công ty thiết bị y tế nhắn tin: "Dịch bệnh đang rất nghiêm trọng, đừng ra ngoài". Những ngày trước đó tôi thường xuyên ra ngoài đi chơi với bạn bè và luôn đeo khẩu trang để bảo vệ da.

Những ngày cận Tết, rảnh là mẹ tôi ngồi bóc lạc sống. Đây là nguyên liệu bà sử dụng trong những món ăn thiết đãi họ hàng ngày đầu năm mới. Thế nhưng ngày 23/1, khi Vũ Hán đóng cửa, mẹ dừng công việc này. Cho đến giờ, những hạt lạc đã bóc bà cũng chưa đụng đến.

Thay vì bóc lạc, khi nhàn rỗi mẹ lầm bầm: "Mẹ chưa bao giờ gặp phải chuyện như vậy trong cuộc đời". Bà chăm chỉ lau nhà bằng cồn nhiều lần trong ngày. Sàn nhà vì thế sáng hơn trước rất nhiều. Mẹ cũng sử dụng nhiều giấm trắng để nấu ăn, thứ mà bà nói có thể ngăn ngừa virus.

Một con ngõ nhỏ tại quận Kiều Khẩu, Vũ Hán những ngày dịch CoVid 19 bùng phát. Ảnh: Southern Metropolis Daily.
Một con ngõ nhỏ tại quận Kiều Khẩu, Vũ Hán những ngày dịch CoVid 19 bùng phát. Ảnh: Southern Metropolis Daily.

Gia đình bốn người chúng tôi cố gắng không bước chân ra khỏi cửa. Trong nhà còn rất nhiều thịt đông lạnh và thịt xông khói mẹ mua tích trữ từ trước. Bà cũng chuẩn bị sẵn rất nhiều củ cải trước khi thành phố đóng cửa.

Những ngày đầu "nội bất xuất, ngoại bất nhập", rác trong nhà chất thành đống. Không được phép để rác ngoài hành lang nên mẹ có nhiệm vụ mang ra thùng rác công cộng do bố tôi mới phẫu thuật chân. Nói là đi nhưng bà toàn chạy. Tốc độ chạy của bà đến giờ vẫn khiến tôi ngạc nhiên.

Ngày đầu đổ rác trở về, mẹ tôi nói trong hoảng loạn: "Trong khu có 5 người được chẩn đoán mắc nCov. Ảnh của họ đang được treo ở bảng thông báo". Tôi bủn rủn chân tay, hỏi đi hỏi lại xem thông tin chính xác không. "Mẹ chạy vội nhưng đã kịp liếc qua chiếc bảng treo dưới khu", bà hùng hồn khẳng định rồi ra lệnh cho cả nhà "Từ giờ tất cả ở trong nhà. Càng ra ngoài cơ hội nhiễm bệnh càng cao".

Khi trấn tĩnh, tôi lại suy nghĩ nếu đăng ảnh người mắc bệnh là vi phạm quyền riêng tư và không ai lại làm thế. Bố tôi cũng nghĩ vậy. Ngày hôm sau ông đề nghị đổ rác thay mẹ. Khi lên ông thông báo đó là ảnh của những người đứng đầu Ủy ban phòng chống dịch bệnh của quận. "Nhìn gà hóa cuốc. Lần sau phải đọc cho kỹ, tuyên truyền lung tung", bố mắng mẹ.

Chúng tôi cười. Đây là tiếng cười hiếm hoi trong gia đình tôi thời gian này.  

Bố trở thành nhà phân tích dữ liệu

Bố là người đàn ông duy nhất trong gia đình. Trước mặt mọi người bố cố tỏ ra cứng rắn, nhưng tôi thấy ông có chút hoảng loạn và lo lắng. Lần cuối ông ra khỏi nhà là ngày 24/1. "Virus ủ bệnh trong 14 ngày" là câu nói quen thuộc của bố thời điểm này.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, thói quen mới của bố là ghi lại số người mắc bệnh và tử vong vào mỗi sáng. Sau đó ông sẽ phân tích dữ liệu để xác định xu hướng. Công việc này diễn ra đã được 20 ngày.

Vào ngày 13/2, thông tin có 15.000 ca mắc bệnh ở Hồ Bắc, riêng Vũ Hán tăng hơn 1.300 ca so với hôm trước khiến ông lo lắng. Sau bữa trưa ông bất ngờ đi tắm. Tôi chưa bao giờ thấy bố tắm vào ban ngày. Tôi hỏi: "Bố sợ à?". Ông trả lời: "Ai chẳng sợ, cố gắng sống khỏe qua đại dịch là may mắn lắm rồi".

Người dân Vũ Hán trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi mua đồ ăn trong siêu thị. Ảnh: Southern Metropolis Daily.
Người dân Vũ Hán trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi mua đồ ăn trong siêu thị. Ảnh: Southern Metropolis Daily.

Mẹ nấu ăn mà không có rau

Ngày 8/2 cũng là rằm tháng giêng, đáng lẽ như mọi năm gia đình sẽ có một bữa ăn ngon. Nhưng ngày này năm nay, nhà hết rau. Chúng tôi bắt đầu thay thể bằng các loại khác như nấm hương khô và mộc nhĩ nhưng ăn mãi cũng hết.

Số lượng bữa ăn trong ngày cũng giảm, ba bữa đổi thành hai vì bữa sáng bị bỏ qua. Thịt xông khói chiếm lĩnh bàn ăn. Mặc dù trong nhà vẫn còn cá khô nhưng mẹ nhất quyết không động vào, bà bảo nó là nguồn dự trữ thức ăn sau này, nhỡ dịch vẫn chưa dứt.

"Con đã quá ngán ngẩm với thịt xông khói", tôi hậm hực nói với bà.

Không để thịt xông khói lởn vởn trong cả giấc mơ, tôi quyết tâm mua bằng được rau trên chợ điện tử. Dù vận dụng hết sự nhanh nhẹn của trí não kèm tốc độ đánh máy đạt đến hạng thượng thừa, tôi vẫn thất bại.

"Muốn sống vẫn phải ăn rau", mẹ tôi nói và quyết định ra chợ mua nhưng tôi đã kịp chặn lại.

Đến ngày 18/2, gia đình chúng tôi đã không có rau ăn trong 10 ngày. Tôi không thể chịu đựng được nữa quyết tâm phải mua bằng được rau rao bán trên chợ điện tử. Sau nhiều lần thất bại, tôi mua được 12 kg rau gồm rau diếp, bắp cải, su hào với giá 77 tệ.

Ngày 21/2, các loại rau được mang đến. Cả nhà reo hò. Buổi trưa, mẹ đã làm một đĩa bắp cải và rau diếp xào. Ngồi vào bàn, bố thở hắt "Thật là xa xỉ".

Tiếng la hét và ác mộng

Ăn uống là chuyện nhỏ, nếu phải ở nhà thời gian dài, ảnh hưởng nhất chính là tinh thần. Nhiều lần trong đêm, tôi nghe thấy tiếng la hét của đàn ông ở nhà đối diện. Tôi đoán anh ta chắc đang rất chán nản và tuyệt vọng.

Trong thời gian ở nhà, kết nối của tôi với thế giới bên ngoài không chỉ là chiếc điện thoại mà còn là khung cửa sổ. Đôi lúc, tôi sẽ đứng cạnh cửa sổ đếm một vài chiếc ô tô lưu thông trên cầu cạn. Nếu ai đi qua, tôi để ý họ có đeo khẩu trang không.

Rồi tôi bắt đầu có những cơn ác mộng. Trong giấc mơ tôi bị nhiễm virus khi sốt cao và ho. Không chỉ một mình, một số bạn trong lớp và thậm chí là cô giáo cũng nói rằng họ có giấc mơ tương tự.

Mấy ngày nay có thông tin thời gian ủ bệnh của virus nCoV có thể hơn 14 ngày và thậm chí một số người mắc mà không có triệu chứng. Hoang mang, tôi nhắn tin cho bạn: "Không biết sáng mai ngủ dậy tôi có nằm trong danh sách trên không?"

Thế nhưng hiện tại tôi bình tĩnh hơn rất nhiều. Sự hoảng loạn và bất an của tôi được pha loãng dần với sự gia tăng của thời gian.

Tôi đang mong chờ một cuộc sống mới sau đại dịch, được ăn sáng với bạn bè và đạp xe quanh công viên gần nhà. Nếu dịch kết thúc sớm, tôi có thể mặc quần áo mới và diện đôi giày mới mua từ trước Tết. Tôi đã không dám mặc nó vào thời điểm đó vì sợ bẩn.

Ngoài bản thân, tôi hy vọng tình hình vệ sinh ở Vũ Hán sẽ được cải thiện, đặc biệt ở những nơi đông dân cư như chợ và siêu thị. Nhiều người nói rằng dịch bệnh xảy ra đột ngột nhưng tôi nghĩ dịch bệnh phản ánh phần nào vấn đề nan giải của thành phố này. Nó chỉ nổ ra vào lúc này nhưng đó không phải là một tai nạn.

Tôi đã sống ở thành phố này hơn 10 năm và hy vọng nó sớm sẽ tấp nập trở lại như xưa.

Hải Hiền (Theo qq)

Link nguồn: https://beta.vnexpress.net/chuyen-bi-hai-cua-mot-gia-dinh-o-vu-han-4059526.html

Tags:
Kiếm 7 tỷ đồng/năm vẫn sống “khổ” ở Mỹ

Kiếm 7 tỷ đồng/năm vẫn sống “khổ” ở Mỹ

Ở Mỹ, những hộ gia đình có mức thu nhập từ 250.000 USD/năm trở lên hiện nay được liệt vào diện “giàu”. Tuy nhiên, đã có không ít người Mỹ than phiền rằng, dù kiếm nhiều hơn số tiền này, họ vẫn không hề cảm thấy sung túc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất