Chuyện chạy lụt của một gia đình gốc Việt ở Houston
Sau khi trải qua những ngày cuống cuồng sợ hãi, thấp thỏm lo âu vì trận bão Harvey, cư dân Houston phải đối phó với những khăn trong thảm cảnh quay về đời sống thường nhật. Đây là lúc họ bắt đầu trực diện những di hại, những hậu quả nặng nề của trận lụt.
01:58 03/09/2017
Làng Fatima là một khu mobile home khiêm tốn nằm trên đường Gulf Bank.
Ngay từ đầu làng, một xóm đạo nho nhỏ, nơi gia đình ông Đoàn Tấn Nhiều vừa quay về sinh sống sau cuộc di tản, một núi rác gồm nệm giường và những đồ gia dụng bị cơn lụt tàn phá, xộc ra một mùi hôi thối rữa nát, nồng nặc cao độ.
Đây chỉ là một góc của những gì bị phế thải. Người ta chưa đem ra vứt kịp vì bận đi làm hoặc vì nhà chỉ toàn đàn bà, con nít, chưa nhờ ai khuân ra ấy thôi.
Đến chiều thì cái núi rác này sẽ cao và to hơn nhiều và cái mùi khó chịu sẽ đâm xộc vào mũi người qua đường một cách trâng tráo hơn nhiều.
Nước dâng bao nhiêu, nỗi lo tăng bấy nhiêu
Gia đình ba người, ông Nhiều, cùng vợ là bà Thanh, và con trai tên Khánh, phải rời khỏi nhà, cùng cả làng tìm nơi trú ẩn hôm Chủ Nhật.
Ngồi hồi tưởng lại những gì xảy ra, cả gia đình ông vẫn còn phảng phất nỗi kinh hoàng trên gương mặt, trong giọng nói dù cả ba cùng muốn bỏ những hãi hùng của mấy ngày qua sau lưng.
Harvey đến với gia đình ông từ tuần trước, khi truyền hình loan báo cơn bão đang tiến về Houston và khu vực ông đang ở.
Ông kể với giọng chưa khỏe hẳn: “Thứ Năm, ngày 24 Tháng Tám tuần rồi, chúng tôi đã chuẩn bị xong xuôi, sẵn sàng chạy bão nhưng tới Thứ Bảy, vẫn chưa thấy gì đáng ngại. Mưa không lớn lắm mà bầu trời rất yên lặng.”
Những trận bão trước đây ồn ào và gió thét gào gầm rú rất dữ dội. Có lần, bão cách đây cả trăm dặm mà chỉ cần nghe tiếng gió rít như xé toạc bầu trời, người ta cũng đủ thất kinh hồn vía rồi.
Lần này, gần như không có gió, trời yên lặng như rất hiền hòa làm nhiều người coi thường sự kinh hoàng khốc liệt của Harvey.
Chính vì vậy mà nhiều cư dân địa phương không gọi đây là trận bão mà lại gọi là trận lụt.
Ông hồi tưởng: “Không nghe tiếng gió gì hết mà nước cứ từ từ dâng lên. Đến khi nước bắt đầu dâng thì dâng rất nhanh. Nước ngoài đường, mới tới mắt cá mà quay qua, quay lại đã lên tới đầu gối tôi rồi.”
Vốn coi thường những trận bão nhiều lần trước, ông Nhiều chợt thấy lo sợ. Lo sợ là phải, ông bị thấp khớp nặng, chân trái đã mổ rồi mà vẫn còn đau, trong lúc chân phải đang chờ mổ cũng đang đau đớn dù đã bó lại thật chặt rồi.
Mấy năm nay, chỉ đi khập khễnh thật chậm ông cũng cảm thấy đau đớn nhiều thì làm sao mà chạy cho kịp với người ta.
“Từ Thứ Năm tuần rồi, tôi đã phụ vợ con cột cái tủ lạnh phía trước cho thật chắc rồi bỏ tất cả áo quần vào túi xách xong xuôi. Hai chân tôi đau lắm nhưng vẫn phải cắn răng mà làm việc,” ông khẽ nói. “Ngâm chân trong nước, tôi thấy đau lắm.”
Ở tuổi 65, cái tuổi mà bao nhiêu sức lực sung mãn tuổi niên thiếu dần dần trôi đi, ông Nhiều cảm thấy sự nguy hiểm như gần kề ông và vợ con.
Sáng Thứ Bảy, mưa rơi tầm tã từ sớm. Gia đình ông và cả làng càng cuống quít hơn khi theo dõi tin tức báo động tình hình khẩn cấp trên truyền hình.
Từ hội trường, nơi cao nhất trong làng, ông quyết định rằng cả làng phải cùng nhau di tản vì chậm trễ hơn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Nước đã ùa vào nhà bếp ông rồi. Mà nhà ông có bậc tam cấp, cao hơn mặt đường nhiều.
“Lúc ấy, một phụ nữ đang mang thai cảm thấy đau đau,” ông kể.
Không thể chần chừ nữa, cả làng cùng nắm tay nhau rướn đi trong nước lũ. Số phận của bao nhiêu người, lúc này, nhập vào làm một.
“Vì một người bị nước cuốn là cả làng 44 người kia sẽ bị kéo theo,” ông nói. “Tôi chỉ biết cầu nguyện ơn trên rồi phó mặc tất cả.”
Bà Thanh góp chuyện: “Nước cao đến hông, mọi người cầm chặt tay nhau, vừa đi, vừa cầu nguyện.”
Nước xoáy rất mạnh bên dưới. Không cẩn thận là bị cuốn phăng đi ngay.
“Mọi người hò hét nhắc nhau đừng để bị lọt xuống đường mương hai bên đường là chết ngay,” bà tiếp. “Tôi cố lắm mà cứ bị nước lôi hẳn qua một bên, bao lần xuýt lọt xuống mương.”
Chung quanh là biển nước đục ngầu, không thể thấy mặt đường nữa.
“Lúc ấy khoảng 3 giờ chiều. Trời còn sáng nhưng không ai biết mình có sắp bị lọt xuống hố hay không,” ông Nhiều kể một cách căng thẳng.
Hai chân thấp khớp gặp nước lạnh, ông lê bước không nổi nữa rồi.
“May quá, gặp một anh người Mễ ở đâu vô làng cho tôi lên ngồi trên cái phao rồi lôi tôi ra,” ông nở nụ cười nhỏ. “Vợ con tôi thì phải lội nước.”
Cả đoàn người, kể cả phụ nữ có thai đang đau bụng, tay nắm chặt tay nhau, bước đi từng bước, từng bước nặng nề trong cơn xoáy ngầm dữ dội, khi mực nước dâng lên gần ngực.
Cái chết thật gần gũi, thật dễ dàng.
May quá, vừa ra đến đến ngoài thì cả làng được lên xe xúc cát rồi đưa ra trường tiểu học Keeble gần đấy.
Trời vẫn tầm tã trút mưa xuống.
Nước vẫn lầm lì dâng lên.
Lúc này không còn phao nữa, ông Nhiều được hai người hai bên kè thật sát.
Ông thú thật: “Chân tôi bước không nổi nữa. Họ phải kéo tôi đi.”
“Chưa bao giờ tôi sợ như vậy. Cái chết ngay bên cạnh mình. Nhà tôi cũng sợ lắm,” ông thở hắt ra.
Anh Khánh ra vẻ can đảm nói: “Cháu có sợ nhưng chỉ chút chút thôi.”
Những lần bão trước chỉ là cơn mưa lớn đối với ông Nhiều. Đây là lần đầu tiên gia đình ông phải di cư tập thể nên ông vừa sợ vừa ngỡ ngàng.
Ông chợt rùng mình trong cơn gió.
Bất ngờ ấm áp tình người
Từ trường tiểu học, xe lớn đưa cả làng ông đến Gallery Furniture Store, một tiệm bán giường tủ bàn ghế lớn gần đó.
“Họ có xe giao bàn ghế rất lớn đến đón chúng tôi. Ông Mack, chủ tiệm người Mỹ này, tốt quá,” ông khen.
Làng ông có 45 người mà chỉ một lúc, Gallery Furniture Store đã có đến hàng trăm người.
Ông Mack, tên thật là Jim McIngvale, chào đón mọi người rồi cho phân phát quần áo khô, thức ăn, rồi còn nói ai thích giường nào thì toàn quyền nằm giường đó.
“Giường mới tinh đang bày bán mà ông ấy không tiếc gì cả, mời chúng tôi cứ tự nhiên,” bà Thanh kể.
Ông Mack từng mở cửa chào đón nhiều nạn nhân bão Katrina năm 2005. Nhiều cư dân New Orlean định cư tại Houston cả 12 năm nay.
Có được nơi tá túc qua đêm nhưng ông Nhiều vẫn canh cánh âu lo không biết có còn nhà để trở về hay không.
Cả sự nghiệp chỉ là căn nhà, nếu mất nhà thì ông còn gì cho vợ con. Ra đường mà ở hay sao?
Tìm về đất Chúa
Ông Nhiều tiếp: “Hôm sau, là Thứ Hai. Lúc 2 giờ, Cha Trần Thiên Ân (linh mục chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ La Vang) gọi tôi. Cha hỏi chúng tôi có muốn đến nhà thờ không. Nếu muốn, cha cho người đến đón.”
Ông hỏi ý cả làng. Mọi người cùng đồng lòng đi La Vang.
Ngay đúng lúc ấy, người phụ nữ mang thai đau bụng từ nãy, bị băng huyết. Có người gọi xe thành phố đưa hai vợ chồng đến trại tạm cư GRB (George R. Brown Convention Center) ở trung tâm Houston, nơi hôm sau chứa đến 10,000 người di tản.
“Khổ thân, đang có bầu mà gặp cảnh xô đẩy và trèo lên xe, nhảy xuống xe, chị ấy bị như vậy,” bà Thanh bày tỏ lòng thương cho người làng.
Ông Nhiều kể tiếp chuyện Linh Mục Thiên Ân ở La Vang: “Cha cử một người là anh Tài lo cho chúng tôi. Anh Tài gọi cho chính quyền thành phố cho xe lớn đến đón chúng tôi. Nhưng lúc ấy họ bận đi chở người cấp cứu. Thấy lâu quá, anh Tài nhờ mấy người quen đem xe riêng đến vì anh ấy nóng ruột cho chúng tôi.”
Bà Thanh thêm: “Có một cái xe van 15 chỗ và một xe truck nhỏ thôi mà cả làng 45 người nhét vào đủ mới lạ.”
Khoảng 5 giờ chiều Thứ Hai, vừa đến La Vang, linh mục chánh xứ cho chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Giường chiếu sẵn sàng, áo quần sẵn sàng và thức ăn sẵn sàng.
“Cha lo lắng cho chúng tôi rất kỹ lưỡng. Hai đêm chúng tôi ở đó, cha thức trắng cả hai đêm, ngồi cùng cảnh sát canh cho chúng tôi ngủ,” ông rưng rưng cảm động.
Nước rút, mọi người nóng ruột muốn về nhà.
Khi không giữ họ ở lại được nữa, Linh Mục Thiên Ân đành nhắc nhở họ nên về cùng một lượt.
“Cha sợ nếu kẻ gian đột nhập vào nhà hôi của thấy chúng tôi về lẻ tẻ, có thể làm hại,” ông kể.
Quay về mái ấm
Về làng, ông thấy trước hết là những cái tủ lạnh trôi lều bều từ xa.
Ông nói: “May mà cái tủ lạnh nhà tôi đã được cột rất kỹ, không trôi đi đâu cả.”
Tủ lạnh ông cột ở hông nhà, tuy không trôi đi đâu, nhưng bị lật úp và nổi bập bềnh ở đó.
Vào nhà, sàn nhà phủ đầy bùn. Từ trên xuống dưới, căn nhà ảm đạm một sự tan hoang, hỗn loạn.
Và mùi xú uế nồng nặc bao trùm cả khu xóm. Một cái mùi rất khó mà tả chính xác. Cái mùi có thể gây ung thư phổi, khiến người không nghiện phải thèm thuốc lá.
Tất cả gối chăn, giường nệm đều ướt sũng và sặc mùi.
Phải mất hai hôm cả nhà mới lau chùi trên dưới được. Nhưng đây chỉ mới là tạm thời thôi vì còn nhiều chỗ khó khăn, chưa ai có thời giờ lau tới được, theo lời bà Thanh.
Nhớ lại những ngày qua, ông Nhiều nói: “Trận lụt này là tai họa cho nhiều người. Nhưng qua đó, chúng tôi mới thấy được tình người. Gia đình tôi cảm ơn cha Thiên Ân, đã cho chúng tôi tá túc mà còn hy sinh không biết bao nhiêu thời giờ và nhân lực.”
Ông vô cùng cảm kích những chia sẻ của mọi người trong giáo xứ La Vang.
“Sau khi ăn uống xong, trong Thánh Lễ 5 giờ chiều, cha Thiên Ân khuyên mọi người giúp đỡ cộng đoàn Fatima. Thế là mọi người đem không biết bao nhiêu là áo quần, giày dép, và thức ăn đến cho chúng tôi.”
Ông nói thật khẽ: “Không bao giờ chúng tôi quên chuyện này.”
Bà Thanh thì vẫn lo cho phụ nữ láng giềng có thai.
“Cho đến ngày hôm nay, Thứ Sáu, 1 Tháng Chín, chị ấy vẫn chưa được cứu chữa vì bệnh viện chỉ nhận cấp cứu thôi. Hiện chị về nhà nhưng vẫn đang đau bụng và nằm đấy chờ bệnh viện có chỗ,” bà Thanh cho biết.
Ngày mai vẫn bấp bênh
Được trở về căn nhà mobile home của mình nhưng cả ba người cùng biết rằng trước mắt họ còn cả trăm ngàn việc quanh nhà thì mới trở về đời sống bình thường như trước đấy vài hôm.
Cả Houston cùng đang thở dài ngao ngán trước công việc lau chùi, vứt đồ hư và sửa chữa căn nhà mình.
Ấy là chưa nói đến hơn 500,000 chiếc xe hư hại, không thể nào sửa được.
Không biết số tiền hàng tỷ đô la trợ cấp của liên bang sẽ giúp được gì được cho họ.
Ðàn ông gốc Việt ở Mỹ ‘lên chức’ cha trễ nhất
Một nghiên cứu nói rằng những người đàn ông gốc Á Châu ở Mỹ, đặc biệt là đàn ông gốc Nhật và Việt Nam, bắt đầu làm cha trễ nhất, với tuổi trung bình là 36. Học vấn của họ càng cao làm cha càng trễ, người có trình độ đại học trong nhóm dân số này thường bắt đầu làm cha ở tuổi ngoài 33.