Chuyện dạy đức dục của một cô giáo người Việt ở Mỹ

Tác giả là giáo viên dạy lớp 1 cho một trường Việt ngữ. Chị có điều kiện ghi lại tâm sự của những đứa trẻ gốc Việt về cha mẹ mình trên đất Mỹ...

00:01 27/01/2018

Mỗi tuần, trường chỉ có 1 buổi học từ 10 giờ sáng tới 1 giờ trưa. Hai tiết đầu ngày dành cho môn tiếng Việt. Tiết thứ 3 là dành cho môn Phật pháp và đức dục. Tôi không vững kiến thức Phật pháp nên thường chú trọng dạy các em đức dục nhiều hơn.

Giờ học bằng tiếng Việt ở trường cấp 1 White Center Heights, bang Washington. Ảnh chụp màn hình

Con ghét cha mẹ con!

Gọi là “dạy đức dục” vậy thôi, chứ tôi không dạy nhiều. Với mỗi nội dung bài, tôi hay chuẩn bị sẵn nhiều câu hỏi mở, để các em trả lời, thảo luận với nhau, rồi tôi sẽ tóm tắt lại, nhấn mạnh những điều tôi muốn các em nhớ.

Chắc mọi người đều biết. Trẻ con ngộ lắm! Không có em học sinh nào giống em nào, nhưng có một điều gần như em nào cũng vậy, là cô giáo hỏi gì con cũng “khai” hết. Nhờ vậy mà những câu hỏi mở của tôi lúc nào cũng nhận được rất nhiều câu trả lời thú vị. Mang tiếng “dạy” chứ bản thân tôi cũng “học” được rất nhiều từ những lời bộc bạch của các em. Thú vị nhất là tôi hiểu được các em – những đứa trẻ Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, nghĩ gì, cảm nhận gì về hành xử của cha mẹ Việt!

Và, cũng khá buồn, đôi khi thậm chí đau lòng, với những điều tôi nghe được từ các em.

Gần như năm nào tôi cũng có 1 lần cho học trò trả lời câu hỏi “Đã có khi nào con nói “I hate you” với ba mẹ con chưa?” Chỉ cần giải tỏa được cho các em tâm lý “sợ cô rầy” là tôi nhận được ngay những câu trả lời không thể thật hơn!

Có em nói: "I hate my mom when she blames my brother's grade on my Ipad" (con ghét mẹ con khi đỗ lỗi cho điểm của anh ấy là vì iPad). Đó là hai anh em có chung cái Ipad. Anh học khá hơn em nên ít bị phàn nàn chuyện chơi Ipad. Em học kém hơn, hay bị điểm thấp. Mỗi lần em bị điểm thấp là mẹ lại đổ thừa tại anh chơi Ipad làm em chơi theo.

Có em thì: "I hate my parents, because they are lazy. They don't want to use their brain to think". Là vì em làm bài tập về nhà, đôi khi không biết làm sao, nhưng ba em không chịu suy nghĩ để dạy em làm. Hoặc là: "I hate my dad because he always makes me to do things that he likes, not things I like” (em ghét cha em vì vông ấy bắt tôi làm điều ông ấy thích nhưng em không thích). Có em lại “I don’t love my dad because he is very lazy, very selfish. He never helps my mom, never do anything in the house (Em không yêu cha bởi vì ông rất lười biếng, rất ích kỷ. Ông ấy không bao giờ giúp mẹ tôi, không bao giờ làm gì cả trong nhà).

Thậm chí "Con ghét mẹ con vì tối nào mẹ con cũng thức chơi game, không cho con ngủ". Em này với mẹ vừa qua Mỹ định cư được 1 năm, phải ở nhà cậu, không có phòng riêng. Hai mẹ con ngủ chung phòng, mà mẹ em tối nào cũng mở máy chat và chơi game ồn ào, em không ngủ được. Em kể thêm là mẹ em thức khuya lắm, nói chuyện (chat) ồn ào với bạn bè, chơi game cũng ồn ào. Em không ngủ được, nói mẹ mà mẹ vẫn chat, vẫn chơi game ....

Sau khi nghe hết từng câu trả lời của các em, tôi thường dành thời gian giảng giải thêm để các em hiểu cha mẹ tôi có làm như vậy thì cũng có lý do. Các em cần hiểu rằng cha mẹ cũng không phải là người hòan hảo nên đôi khi cũng sơ suất, đôi khi cũng cảm tính, và thậm chí là nhiều khi khả năng cũng hạn chế (như trường hợp cha của 1 em không giúp em làm bài tập). Những trường hợp phức tạp hơn, tôi gặp riêng các em, để nghe em bộc bạch thêm, hoặc khuyên em nên làm gì…

Khác nhau về văn hóa

Tuần vừa rồi, kiểm tra cuối học kỳ I, tôi xoay qua hỏi các em có yêu thương cha mẹ không, và em làm gì để bày tỏ tình thương đó của tôi. Các em nhỏ xíu thì đơn giản lắm, bạn nào cũng tíu tít trả lời là con ôm ba mẹ, con hôn ba mẹ, con nói con thương ba mẹ mỗi ngày. Các em lớn hơn một chút thì biết nghĩ thấu đáo hơn. Các em biết chứng tỏ tình thương ba mẹ bằng cách nghe lời, giúp làm việc nhà, hỏi han chăm sóc khi ba mẹ mệt mỏi, bệnh hoạn.

Và, gần như tất cả những em lớn lớn đó có cùng một ý, rằng em ráng học giỏi, được điểm cao để ba mẹ không nổi giận, không la rầy!

Thật lòng, sau mỗi bài đức dục về quan hệ cha mẹ con cái, tôi thường có cảm giác rất khó tả. Thấy tội nghiệp những đứa trẻ!

Đôi khi mâu thuẫn giữa cha mẹ Việt và con cái sinh ra ở Mỹ chỉ là sự khác nhau giữa 2 nền văn hóa. Phụ huynh Việt Nam chúng ta được nuôi dạy và lớn lên từ một nền văn hóa khác so với nền văn hóa mà các em đang sống bây giờ. Các em đến trường, nhìn bạn bè Mỹ được nuôi dạy ra sao, dễ dàng thấy bị gò bó hơn, hay không được phát triển theo cách của bạn bè, sinh ra có tâm lý bất bình. Có em thì cam chịu, có em lại phản kháng… Cam chịu hay phản kháng gì thì đứa trẻ cũng đâm ra lầm lì, khép kín, khó gần. Thế là người ta lại than phiền con cái ở Mỹ này khó dạy.

Dĩ nhiên, không phải cha mẹ Việt nào ở Mỹ cũng vậy, nhưng rõ ràng là không hiếm những bậc cha mẹ mang chân dung giống như những lời kể của học trò tôi.

Sinh 1 đứa con ra đã khó, mà chăm sóc, dưỡng nuôi con thành người còn khó hơn gấp vạn lần. Đâu phải cứ có tiền mua cho con thức ăn ngon, quần áo đẹp thôi là đủ ... Đâu phải cứ dùng quyền làm cha mẹ mà áp đặt con phải thế nọ thế kia là con nghe ... Cũng không phải nhân danh "tập cho con tự lập" rồi bỏ mặc con tự xoay sở với thế giới riêng của con, còn tôi thì tha hồ hưởng thụ cuộc sống, tự do bay nhảy, thích làm gì thì làm, không cần biết con cần gì ở tôi ... Càng không nên vì “mặt mũi” gia đình, vì những hư danh nào đó mà ép buộc các con phải học cho giỏi, phải đạt điểm cho cao, để rồi con ráng học chỉ vì sợ bị rầy, bị giận!

Các bậc cha mẹ ơi, có thương con, xin hãy thương thêm một chút nữa. Thỉnh thoảng (nếu không nói là thường xuyên), xin hãy dành thời gian trò chuyện cởi mở với con. Xin hãy lắng nghe con nói! Và quan trọng là hãy cố hiểu con bằng tâm tình của con, chứ đừng bắt con phải làm theo mọi điều cha mẹ muốn. Hãy cố giảng giải cho con hiểu, để con làm theo những điều con biết là tốt cho con, chứ không phải con chỉ làm vì cha mẹ bắt làm. Đừng bắt con phải cố gắng học hành chỉ để vừa lòng cha mẹ, để cha mẹ có cái đem khoe!

Và cũng đừng để con bơ vơ trong chính ngôi nhà của mình!

Tags:
Người Việt ở Mỹ sống ở đâu nhiều nhất?

Người Việt ở Mỹ sống ở đâu nhiều nhất?

Phong tục của người Việt Nam chúng ta là quen với cách sống làng xóm, nơi tình thân máu mủ đồng hương gần gũi với nhau. Và cộng đồng người Việt ở Mỹ là một trong những cộng đồng lớn tại quốc gia này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất