Chuyện gẫu của các thợ làm móng gốc Việt ở Mỹ
Một nhân viên vừa chà xát những mảng da chân nứt nẻ và thoa kem hạnh nhân cho một vị khách nam, vừa quay sang cô bạn đồng nghiệp thì thầm: “Trời ơi, anh này bẩn quá. Trông thì sạch sẽ vậy mà khi vừa cởi giày ra là khác ngay”.
19:39 26/05/2017
Trong những tiệm làm móng ở Mỹ, bạn có thể thường xuyên thấy những người thợ làm móng Việt Nam tán gẫu với nhau. Các câu chuyện xoay quanh khách hàng và những đứa con của họ. Các vị khách vốn không hiểu tiếng Việt nên họ không bao giờ nghe được những người thợ làm móng đang bàn luận điều gì.
Trong tiệm Derma Spa & nails Salon ở Newport Beach, lương khởi điểm của một thợ làm móng là 16 USD và họ sẽ phải làm việc cho đến khi xẩm tối. Tiếng thì thầm của những người thợ làm móng trong các salon cũng như một phần của thế giới nail hay mùi acetone và dầu đánh bóng móng tay vậy.
Họ nói chuyện về những đứa con của mình, về việc sử dụng tiền boa và cách tiết kiệm, về các quý bà với những chiếc ví đắt tiền. Họ so sánh giá vé máy bay tốt nhất để về thăm Việt Nam. Họ chia sẻ cảm giác thèm ăn những hoa quả miền nhiệt đới chỉ có ở quê hương. Họ bàn luận về các khách hàng của mình.
“Bà ta lái chiếc Mercedes nhưng bà ta thật rẻ tiền”, một nhân viên nói về một người đàn bà cố mặc cả giá cho gói dịch vụ chăm sóc móng tay móng chân kiểu Pháp.
“Mái tóc cô ấy đẹp quá”, một nhân viên khác nói và hất đầu về phía một phụ nữ trung niên với hình xăm hoa loa kèn trên mắt cá chân. “Cô ấy trang điểm cũng rất đẹp, nhưng có lẽ cô ấy cần thêm vài đồ trang sức trên tay”.
Tôi vừa ngâm chân trong nước ấm vừa lắng nghe các câu chuyện xung quanh mình: “Ông ấy kết hôn chưa nhỉ? Tại sao ông ấy đeo nhẫn? Cô gái trẻ này có thực sự là con gái ông ấy không?”
Cuộc nói chuyện kết thúc khi vị khách hàng mà họ đang bàn tán làm rơi điện thoại vào chậu nước. Một nhân viên đã nhặt nó lên và lau vào áo của mình. “Cô tên là gì? Cô đến từ đâu?”, vị khách hỏi với sự biết ơn.
Bảng màu móng tay để khách lựa chọn tại Sun Nails. Ảnh: LA Times
Học để trở thành thợ làm móng là một cách kiếm tiền dễ dàng so với các nghề khác. Bước chân vào nghề này đòi hỏi phải có vốn, một ít tiếng Anh và chứng chỉ của các lớp học thẩm mỹ ngắn hạn.
Hàng nghìn tiệm làm móng của những người Mỹ gốc Việt đã ra đời trên khắp nước Mỹ. Theo tạp chí s, trong số 8.000 salon ở California, khoảng 75% salon là của những người Mỹ gốc Việt.
Vài tuần sau khi đến Derma Spa, tôi trở lại và nói với những người thợ ở đây rằng tôi đã nghe trộm những cuộc nói chuyện của họ và vì tôi là người Việt nên tôi hiểu họ nói gì. Một vài người rất ngạc nhiên, một vài người khác lại tỏ ra thích thú.
Quản lý Lynn Nguyen và nhân viên của cô chào đón tôi. Gia đình Nguyen ở việt Nam đều làm nông tại một vùng quê gần tỉnh Đồng Tháp. Cô đến Mỹ từ những năm 1990. Khi ấy, cô phải đi bán sandwich để trang trải học phí cho lớp học làm móng buổi tối.
Đồng nghiệp của cô, Anh Tran, học luật ở Việt Nam. Anh Tran và chồng là một dược sĩ đến Mỹ năm 1975. Năm 1983, Trần và cháu gái cùng đăng ký lớp học làm móng. Sau khi có được chứng chỉ, họ quyết định mở một salon bởi lúc đó ngành dịch vụ làm đẹp đang bùng nổ.
Tran nói tiếng Anh rất tốt. Cô đã từng sở hữu một salon ở Costa Mesa nhưng hiện tại cô ấy thích làm việc cho người khác hơn, đặc biệt là khi người đó là Lynn Nguyen. Tran làm việc 8 tiếng một ngày ở Derma Spa. Cô phục vụ 7-8 vị khách một ngày và kiếm được 100 – 150 USD.
Ở tiệm Sun Nails tại Silver Lake, các bảng hiệu được treo trên tường để nhắc khách hàng trả tiền cho máy thu tiền đỗ xe trên đường phố. Cuong Trang là chủ tiệm salon này, anh và vợ đã bắt đầu kinh doanh từ 3 năm trước.
Anh nhắc nhở nhân viên: “Hãy cẩn thận đừng để làm xước da khách hàng”
Cô nhân viên trả lời: “Tôi sẽ cẩn thận”.
“Vậy tại sao khách hàng lại la lên thế?”, Cuong hỏi lại.
Lúc này, vị khách hàng lên tiếng: “Hãy đánh bóng lại móng cho tôi, nó không đủ sáng”.
Một lát sau, có ba cô gái trẻ bước vào cùng mẹ. “Người mẹ rất lịch sự nhưng không hiểu sao cô con gái lại hay đòi hỏi thế”, một nhân viên nói.
Một người khác tiếp lời: “Cô ta không học cách cư xử à?".
Một nhân viên nhắc nhở các đồng nghiệp của mình: “Tập trung làm đi, không ai muốn họ đến chỗ Happy Nails (đối thủ cạnh tranh) đâu”.
Khi khách hàng hỏi tên của các nhân viên, họ thường miễn cưỡng trả lời. Đơn giản vì họ sợ những vị khách này sẽ phàn nàn về điều gì đó về họ với sếp. Một vài người khác nghĩ tên họ quá khó để phát âm vì vậy họ còn Mỹ hóa tên của chính mình.
Người thợ làm móng ở Tip Top Nails tại Westminster làm sạch lớp biểu bì trên tay phải của tôi. Trong khi chạm vào lòng bàn tay tôi, cô ấy đã kịp buông một câu nhận xét với đồng nghiệp: “Nhìn tay cô ấy này. Chắc cô ấy phải hay chơi bài lắm, đúng là bàn tay của người đánh bài”.
Bên ngoài salon, nắng đã nhạt dần, những người phụ nữ vẫn còn tranh luận về sự nghiệp và những lựa chọn cho tương lai mà con trai và con gái họ phải đối mặt. "Bọn trẻ “có thể sẽ có một công việc tốt và không phải cố mà cười để nhận tiền tip. Chúng có thể trở thành bác sĩ. Nhưng chúng cũng có thể làm việc ở bưu điện và kiếm nhiều tiền hơn chúng ta", một người nói.
Trong khi tưởng tượng về tương lai tươi sáng của những đứa con của họ, họ vẫn nhìn ra cửa sổ và chờ đợi khách hàng tiếp theo.
Thúy Quỳnh (theo LA Times)
Làm Nail - Nghề đối mặt với một sát thủ thầm lặng
Tôi có người bạn mới từ Việt Nam qua, khó tìm việc làm vì vốn tiếng Anh kém cỏi, ai cũng khuyên nên đi học và hành nghề Nail là tiện nhất vì học vừa nhanh, lại có nhiều tiền.