CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA Ở CALIFORNIA?
Cuộc khủng hoảng y tế từng xảy ra ở New York mùa xuân năm 2020 đang lặp lại ở California, khi số ca nhiễm mới và tử vong vì virus corona tăng ngoài tầm kiểm soát.
00:30 14/01/2021
Làn sóng lây nhiễm virus corona không ngừng đã đẩy tiểu bang California vào khủng hoảng y tế trầm trọng. Các cơ sở chăm sóc y tế, dịch vụ cấp cứu, nhà tang lễ, và văn phòng chính quyền địa phương đều quá tải.
Hàng chục bệnh viện đã phải tạm dừng tiếp nhận cấp cứu vì không thể đón tiếp thêm bệnh nhân. Các cơ sở y tế lâm vào cảnh thiếu hụt những nhu yếu phẩm thiết yếu như oxy. Tại hạt Los Angeles, cứ mỗi 8 phút lại có 1 người chết vì virus corona, theo New York Times.
Vì sao tình hình lại diễn biến tồi tệ như những tuần qua?
"Chúng tôi đang trải qua khoảnh khắc New York ở ngay California", bác sĩ Robert Kim Farley, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Đại học California, so sánh những gì đang xảy ra với thời gian đỉnh dịch tại New York vào mùa xuân 2020.
10 tháng là khoảng thời gian kể từ khi dịch bệnh bùng phát để số ca nhiễm virus ở Los Angeles lên đến 400.000. Nhưng chỉ trong 1 tháng, từ 30/11/2020 đến 2/1, khu vực này có thêm 400.000 ca nhiễm mới.
Trong những ngày tới, khu vực có dân số 10 triệu người, lớn nhất nước Mỹ, sẽ rơi vào tình trạng cứ 10 giây lại có một người dương tính với virus corona.
"Tại Los Angeles, Covid-19 ở khắp mọi nơi, chưa bao giờ có nhiều người nhiễm bệnh đến như vậy", Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti nói. Con gái 9 tuổi của ông Garcetti cũng đã nhiễm virus.
Tuần qua, hạt Los Angeles có trung bình 187 ca tử vong virus corona mỗi ngày, tính tới hôm 8/1, cao nhất nước Mỹ và gấp đôi so với tỷ lệ tử vong trên dân số của toàn quốc. Dù số người tử vong vẫn thấp thảm kịch ở thành phố New York vào mùa xuân, những gì đang xảy ra ở California có những điểm tương đồng.
Trong đỉnh dịch vào mùa xuân, số người nhiễm bệnh mỗi ngày ở New York lên tới hơn 12.000. Hôm 8/1 vừa qua, hơn 8.000 người nhập viện vì Covid-19 ở Los Angeles, tăng nhanh chóng mặt so với trước đó. Hôm 1/11/2020, số người nhập viện chỉ là 799.
California từng phản ứng mau lẹ khi dịch bệnh mới bùng phát, là tiểu bang đầu tiên yêu cầu người dân ở nhà, qua đó giúp tránh virus lây lan trên diện rộng, giữ số người tử vong ở mức tương đối thấp so với những thành phố lớn khác như New York.
Giờ đây, các chuyên gia dịch tễ, các quan chức y tế và giới lãnh đạo tiểu bang đang đau đầu tìm lời giải vì sao tình hình lại diễn biến tồi tệ như những tuần qua.
Tâm lý an toàn ảo
Một phần lý do của làn sóng dịch bệnh vừa qua là hậu quả của kỳ nghỉ lễ Tạ ơn. Nhiều cư dân California, đặc biệt những người sống xung quanh khu vực Los Angeles, tổ chức các buổi gặp mặt thân mật với gia đình và người thân, bất chấp cảnh báo từ nhà chức trách. Những sự kiện siêu lây nhiễm như thế đã khiến ca nhiễm virus tăng theo cấp số nhân.
Rộng hơn, các chuyên gia cho rằng thành công chống dịch ban đầu đã tạo ra tâm lý an toàn ảo cho người dân California, trái ngược với cư dân New York và New Jersey, những người giờ cực kỳ thận trọng bởi đã trải qua làn sóng dịch bệnh đáng sợ ban đầu.
"Chúng tôi thực sự đã đánh bại làn sóng đầu tiên tương đối thành công so với các nơi khác. Chính thành công đạt được tạo ra tâm lý tự mãn trong một bộ phân người dân, nghĩ rằng dịch bệnh có lẽ không quá nghiêm trọng", bấc sĩ Kim Farley nói.
Trong những tháng ban đầu, nhà chức trách cũng như người dân California vô cùng hoan nghênh việc đeo khẩu trang và phong tỏa. Trong khi các bang khác chịu ảnh hưởng nặng nề, California thành công giữ tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp. Thành công này được các chuyên gia miêu tả là "điều thần kỳ California".
Bước ngoặt đến vào tháng 11/2020, khi "văn hóa cẩn trọng" của người dân California dần biến mất. Giới trẻ, những người trước đó đã tự cách ly trong thời gian dài, tụ tập thành các nhóm đông người. Thay vì các bữa ăn ngoài trời, họ tổ chức những bữa tiệc trong nhà với cửa sổ lớn.
Những điều từng là cấm kỵ trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, như gặp gỡ bạn bè trong nhà, đã bị phớt lờ. Tại khu vực phía nam California, tâm lý chống phong tỏa tăng mạnh trong suốt tháng 12. Sự chống đối mạnh tới mức xuất hiện một phong trào kêu gọi Thống đốc Gavin Newsom thu hồi lệnh phong tỏa.
Một nguyên nhân khác của làn sóng dịch bệnh hiện nay là do mật độ dân số quá cao ở một số khu vực.
Tại Los Angeles, không ít gia đình trung lưu cũng như người nghèo chung sống dưới cùng một mái nhà. Nhiều gia đình không có điều kiện làm việc ở nhà. Vì thế, một khi virus xâm nhập, dịch bệnh có nguy cơ cao sẽ lây nhiễm cho tất cả thành viên gia đình.
"Chúng tôi không có nhà cao tầng khắp mọi nơi, dưới một mái nhà là một gia đình với hai hay ba thành viên. Chúng tôi luôn biết mật độ dân số cao và những vấn đề đã tồn tại từ trước là điểm yếu", Thị trưởng Garcetti nói.
Điều tồi tệ phía trước
Điều tồi tệ nhất thậm chí còn đang chờ đợi California ở phía trước. Các quan chức y tế cho biết trong vài ngày tới, họ sẽ đón làn sóng ca nhiễm dịch bệnh mới. Đây là những người nhiễm virus trong thời gian lễ Giáng sinh và dịp năm mới.
"Theo dự đoán, số người nhập viện và tử vong sẽ ở mức cao suốt tháng 1 bởi những ca lây nhiễm trong đợt nghỉ lễ", bác sĩ Paul Simon, khoa học gia trưởng Cơ quan Y tế công cộng Los Angeles, hôm 8/1 cho biết.
Tại một số khu vực ở Los Angeles, hạt có dân số là 10 triệu người, xe cứu thương phải chờ nhiều giờ đồng hồ để có thể đưa bệnh nhân nhập viện. Số ca nhập viện tăng vọt khiến hệ thống vận chuyển và cung cấp oxy ở nhiều bệnh viện gặp vấn đề.
Thống đốc Newsom cho biết chuyên gia công binh quân đội đã được triển khai để giúp các cơ sở y tế khắc phục vấn đề kỹ thuật.
Huntington Park là thành phố có thu nhập thấp ở Đông Nam Los Angeles. Tại đây, Bệnh viện cộng đồng Huntington đã đóng cửa trước và chuyển đổi khu đỗ xe trở thành phòng bệnh ngoài trời. Bệnh nhân được điều trị chỉ cách xe ôtô đỗ trong bãi vài mét.
"Cứ như đang có chiến tranh ở đây vậy", David Estrada, một cư dân của Huntington, cho biết.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Adventist Health White Memorial ở thị trấn Boyle Heights, toàn bộ 353 giường bệnh đã kín chỗ. Xe cấp cứu tới bệnh viện này phải thường xuyên phải chuyển hướng tới các cơ sở y tế khác. Bệnh viện cũng phải lập phòng bệnh dã chiến ở một nhà thờ để khắc phục tình trạng quá tải.
"Hạt Los Angeles cho biết sẽ có làn sóng dịch bệnh mới trong 4 tuần tới. Chúng tôi giờ đây thực sự không còn chỗ nào để bố trí cho bệnh nhân", Mara Bryant, giám đốc điều hành bệnh viện, cho biết.
Tại hạt Riverside phía đông Los Angeles, hơn 50% trong tổng số 200.000 ca nhiễm virus corona, cùng 25% tổng số ca tử vong, được ghi nhận trong tháng 12.
Wendy Hetherington, trưởng khoa dịch bệnh của cơ quan y tế hạt, cho biết số ca tử vong tăng chóng mặt so với vài tháng trước. Trong tháng 9/2020, hạt Riverside chỉ ghi nhận 25 ca tử vong vì Covid-19. Nhưng trong 4 tuần vừa qua, số ca tử vong là 323 trường hợp.
"Chúng ta đều đã nhìn thấy những chiếc xe tải đông lạnh (đựng thi thể) ở New York và sau đó là Texas. Tôi không muốn tình huống ấy xảy ra ở California, nhưng dường như chúng ta đang ở bên bờ vực", bà Hetherington cho biết.
Biến chủng virus mới, có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, khiến tình hình càng thêm đáng báo động. Hơn 30 ca nhiễm biến chủng mới đã được ghi nhận ở khu vực San Diego.
Bác sĩ Barbara Ferrer, giám đốc y tế công cộng hạt Los Angeles, cho biết "rất có khả năng" biến chủng mới đang lây lan tại đây và sẽ sớm được phát hiện.
Diễn biến dịch bệnh ở California hiện phân hóa theo khu vực khá rõ rệt. Mọi chỉ số đều cho thấy dịch bệnh trầm trọng hơn ở phía nam so với khu vực phía bắc.
Tại miền Bắc, số giường chăm sóc đặc biệt còn trống là 25%. Con số này ở khu vực vịnh San Francisco là 4%, trong khi khu vực miền Nam đã không còn giường chăm sóc đặc biệt trống.
Ví dụ tiêu biểu là việc hạt Los Angeles, ở phía nam, ghi nhận số ca nhiễm mới trong tuần qua nhiều hơn số ca ghi nhận ở San Francisco trong toàn bộ thời gian đại dịch. Có nhiều lý do cho sự phân hóa rõ rệt này, các chuyên gia cho biết.
Khu vực vịnh San Francisco là nơi có thu nhập bình quân cao nhất toàn bang, vì vậy cư dân có nhiều cách thức để tự bảo vệ bản thân.
Trong khi đó, lượng lớn người dân sống ở phía bắc California làm trong ngành công nghệ, có điều kiện làm việc từ xa ngay từ đại dịch bùng phát.
So với phía nam, khu vực Vịnh San Francisco và phía bắc có tỷ lệ người da trắng và người châu Á cao hơn. Đây là các nhóm có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp nhất, không chỉ riêng ở California.
Trước nguy cơ bị phế truất, ông Trump cảnh báo ông Biden
Phát biểu tại khu vực đặt bức tường biên giới ở Alamo, bang Texas, Tổng thống Donald Trump chỉ trích nỗ lực luận tội ông của phe Dân chủ, khẳng định Tu chính án 25 sẽ không phế truất ông, nhưng có thể “quay trở lại ám ảnh” Tổng thống đắc cử Joe Biden trong tương lai.