Chuyện gì xảy ra khi một thành phố Mỹ giải tán sở cảnh sát?
Giới chức thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ) xác nhận họ đang cân nhắc một động thái hiếm hoi: giải thể sở cảnh sát thành phố. Trước đây, đã có một thành phố Mỹ giải tán sở cảnh sát.
19:09 10/06/2020
Theo kênh CNN, Minneapolis không phải là thành phố đầu tiên tính chuyện giải tán sở cảnh sát nhưng cũng không có thành phố nào đông dân như vậy từng tìm cách giải tán cảnh sát. Hội đồng thành phố Minneapolis không nói rõ lực lượng nào hoặc ai sẽ thay thế sở cảnh sát nếu sở này giải tán.
Thành phố Camden ở New Jersey có thể là trường hợp tham khảo gần nhất dành cho Minneapolis. Camden có dân số chỉ bằng 17% của Minneapolis đã giải tán sở cảnh sát năm 2012 và thay thế sở này bằng một lực lượng hoàn toàn mới. Lý do giải tán là không thể thay đổi tình trạng tham nhũng trong sở cảnh sát.
Trước khi cải tổ lực lượng cảnh sát, Camden thường xuyên là một trong những thành phố bạo lực nhất nước Mỹ.
Giờ đây, 7 năm sau khi giải tán sở cảnh sát cũ, tỷ lệ tội phạm ở Camden đã giảm gần một nửa. Cảnh sát tổ chức tiệc ngoài trời cho người dân và gõ cửa từng nhà để giới thiệu bản thân. Camden giờ đây khác hẳn 10 năm trước.
Lý do giải thể sở cảnh sát
Khi một thành phố quyết định giải thể sở cảnh sát, lý do thường liên quan đến tiền và các thành phố muốn giải thể sở cảnh sát thường khá nhỏ. Camden gần với Minneapolis về quy mô và lịch sử quản lý kém.
Đầu năm 2020, làng Deposit ở New York đã giải thể lực lượng cảnh sát vì đơn vị này ngốn 200.000 USD/năm. Giờ đây, làng này chỉ có một phó cảnh sát trưởng.
Thành phố Garden City ở Missouri đã sa thải toàn bộ cảnh sát và đình chỉ cảnh sát trưởng vì Thị trưởng Garden City năm 2018 cho biết thành phố không đủ tiền để trả lương cho cảnh sát.
Ở Rio Vista, lãnh đạo cảnh sát đã đột ngột rời nhiệm sở và một nửa cảnh sát còn lại bỏ việc. Vì thế, sở cảnh sát Rio Vista ở bang California này không thể tiếp tục tồn tại.
Với Camden, thành phố này đã giải thể sở cảnh sát để nhổ tận gốc tình trạng tham nhũng. Tỷ lệ tội phạm ở Camden thuộc hàng tồi tệ nhất Mỹ. Chỉ trên diện tích hơn 23km2 với 75.000 dân mà Camden đã có trên 170 chợ trời bán ma túy vào năm 2013. Tội phạm bạo lực diễn ra tràn lan. Tình trạng tham nhũng trong cảnh sát chính là nguyên nhân gốc rễ.
Theo các vụ kiện nhằm vào sở cảnh sát Camden, cảnh sát thường gài bằng chứng với các nghi phạm, làm giả báo cáo và cho khai man trước tòa. Sau khi tình trạng tham nhũng bị phanh phui, tòa án đã lật lại phán quyết với 88 người.
Vì thế năm 2012, các quan chức thành phố đã bỏ phiếu giải tán hoàn toàn sở cảnh sát, chứ không cải tổ.
Năm 2013, sở cảnh sát hạt Camden mới chính thức hoạt động. Chưa thành phố nào có cùng quy mô như Camden từng thực hiện động thái tương tự.
Hoạt động của sở cảnh sát mới
Các quan chức thành phố có hai mục đích trong lập lại lực lượng cảnh sát Camden: giảm tỷ lệ tội phạm bạo lực tràn lan và giúp người dân an toàn hơn.
Ông Louis Cappelli, quan chức ở hạt Camden, cho biết sở cảnh sát mới vẫn còn chặng đường dài nhưng nỗ lực của sở trong 7 năm qua phần lớn là thành công. Ông nói: “Trước đây, người dân Camden hoàn toàn sợ sở cảnh sát và thành viên sở. Người dân đã muốn thay đổi điều đó”.
Theo dữ liệu tội phạm thành phố, tội phạm bạo lực đã giảm 42% trong 7 năm. Tỷ lệ tội phạm đã giảm từ 79%/1.000 xuống 44%/1.000.
Ông Cappelli cho rằng sự tiến bộ này là nhờ chính sách kiểm soát hướng tới cộng đồng, theo đó tập trung vào quan hệ đối tác và giải quyết vấn đề thay vì trừng phạt và bạo lực.
Cách tiếp cận mới này bắt đầu ngay từ ngày làm việc đầu tiên của một cảnh sát: Khi một người mới gia nhập lực lượng, họ phải gõ cửa từng nhà trong khu vực mà họ có nhiệm vụ tuần tra để tự giới thiệu bản thân, đồng thời hỏi người dân xem có cần cải thiện gì không.
Quá trình huấn luyện cảnh sát tập trung vào giảm căng thẳng và chính sách dùng vũ lực của sở nhấn mạnh rằng dùng vũ lực chết người là lựa chọn cuối cùng.
Giờ đây, cảnh sát ở Camden tổ chức tiệc nướng ngoài trời và gọi xe tải Mister Softee bán kem vào để giao lưu với người dân. Họ cũng tổ chức các buổi xem phim tập thể.
Sáng kiến “cộng đồng trước tiên” đã khiến lực lượng cảnh sát ưu tiên sự đa dạng. Người da trắng là thiểu số ở Camden nên ông Cappelli cho biết sở cảnh sát mới đã thuê nhiều nhân viên da màu và dân gốc Mỹ Latinh để phục vụ người dân cộng đồng này.
Bài học dành cho Minneapolis
Camden và Minneapolis không giống nhau hoàn toàn. Minneapolis có 63% dân số là người da trắng và chưa đầy 19% là người da màu. Ở Camden, chưa đầy 1/4 là người da trắng, 42% là da màu và trên 50% là người gốc Latinh. Dân số Camden cũng ít hơn Minneapolis 356.000 người.
Ông Ojii BaBa Madi, một người dân sống lâu năm ở Camden, cho biết ông thấy mối quan hệ của mình với cảnh sát không khá hơn vì nhiều cảnh sát mới không sống ở Camden và không biết rõ về cộng đồng này. Ngoài ra, thành phần chủng tộc trong sở cảnh sát không phản ánh tỷ lệ nhân khẩu học ở thành phố vì sở có cảnh sát trưởng là người da trắng và cứ 7 người mới có một cảnh sát Mỹ gốc Phi.
Tuy nhiên, điều tốt hơn trước là cảnh sát sẵn sàng đối thoại xây dựng với người dân và lãnh đạo cộng đồng. Thành phố cũng an toàn hơn nhiều từ khi cảnh sát đóng cửa chợ ma túy ngoài trời.
Bà Nyeema Watson, cũng là người sống lâu năm ở Camden, cho biết việc tái cơ cấu cảnh sát phần lớn có tác động tích cực. Cảnh sát hiện diện nhiều hơn và họ đang xây dựng niềm tin, hoan nghênh ý kiến phản hồi.
Cảnh sát trưởng hạt Camden, ông Joseph Wysocki đã tuần hành cùng người dân Camden trong cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc hồi tháng 5.
Cả hai công dân Camden nói trên đều thừa nhận các vấn đề của thành phố như thất nghiệp, bất bình đẳng y tế, khó khăn kinh tế vẫn chưa được giải quyết và cần làm nhiều thứ hơn là chỉ thay đổi cơ quan thực thi pháp luật.
Thùy Dương/Báo Tin tức
Link nguồn: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gi-xay-ra-khi-mot-thanh-pho-my-giai-tan-so-canh-sat-20200610111609983.htm
Tổng thống Trump tuyên bố không cắt ngân sách hay giải tán cảnh sát
Trump ca ngợi lực lượng cảnh sát, khẳng định không cắt ngân sách hay giải tán các sở cảnh sát sau những cuộc biểu tình khắp nước Mỹ.