Chuyên gia phẫn nộ vì thông điệp "đừng sợ nCoV" của Trump
Trump tiếp tục kêu gọi "đừng sợ nCoV"
16:58 06/10/2020
Chuyên gia y tế tỏ ra phẫn nộ vì thông điệp "đừng sợ nCoV" của Trump khi dịch bệnh đã giết chết hơn 215.000 người Mỹ.
Các chuyên gia y tế công cộng đã hy vọng Tổng thống Donald Trump, người bị nhiễm nCoV cùng nhiều nhân viên trong chính quyền của ông, sẽ hành động dứt khoát để thuyết phục người ủng hộ rằng đeo khẩu trang và cách biệt cộng đồng là cần thiết để bảo vệ chính họ và những người thân yêu.
Thay vào đó, trong bài đăng Twitter hôm 5/10 từ Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, nơi Trump được điều trị Covid-19, Tổng thống Mỹ một lần nữa bị cho là hạ thấp mối đe dọa của virus. "Đừng sợ Covid", Trump viết. "Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn".
Khi về đến Nhà Trắng vài giờ sau đó, Trump cởi khẩu trang cất vào túi trước khi cùng một số người đeo khẩu trang đi vào bên trong. Tổng thống có thể vẫn lây virus cho người khác vì nhiều bệnh nhân có thể lây lan virus trong tối đa 10 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng.
Trong video được quay tại Nhà Trắng sau đó, Trump tiếp tục kêu gọi "đừng sợ nCoV". "Có một điều chắc chắn, đó là đừng để nó chi phối bạn. Đừng sợ nó. Các bạn sẽ đánh bại nó. Chúng ta có các thiết bị y tế tốt nhất. Chúng ta có những loại thuốc tốt nhất, tất cả đều được phát triển gần đây", Trump nói.
Các nhà khoa học, nhà đạo đức học và bác sĩ tỏ ra phẫn nộ trước các bình luận của Tổng thống. "Tôi không còn gì để nói, thật điên rồ. Hoàn toàn vô trách nhiệm", Harald Schmidt, giáo sư về đạo đức y tế và chính sách y tế tại Đại học Pennsylvania, cho hay.
Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt, gọi thông điệp của Tổng thống là "nguy hiểm" vì nó khuyến khích những người ủng hộ ông bỏ qua các khuyến nghị cơ bản để giữ an toàn cho bản thân. "Thông điệp đó sẽ dẫn đến những hành vi bình thường hơn, virus lây lan nhiều hơn, ca nhiễm nhiều hơn và khiến nhiều ca tử vong hơn", tiến sĩ Schaffner nói.
Trump thường bị xem là phớt lờ các khuyến nghị của chuyên gia y tế công cộng và chế nhạo người đeo khẩu trang. "Tôi không đeo khẩu trang như ông ấy", Trump nói về ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Jose Biden tại cuộc tranh luận tuần trước. "Mỗi khi bạn nhìn thấy ông ấy, ông ấy đều đeo khẩu trang. Ông ấy có thể đang nói cách họ tới 60 mét nhưng vẫn đeo chiếc khẩu trang lớn nhất tôi từng thấy".
Trump hôm 4/10 rời Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed để đi ô tô vẫy tay chào người ủng hộ tập trung bên ngoài. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng trong không gian khép kín này, các nhân viên Mật vụ trong xe có nguy cơ nhiễm virus.
Bài đăng Twitter của Trump cũng có thể khiến một số người tin rằng Covid-19 đang trên đà suy giảm, trong khi thực tế dịch bệnh phần lớn vẫn chưa được kiểm soát ở Mỹ và ca nhiễm đang tăng lên, theo các chuyên gia. Trong tuần qua, trung bình Mỹ ghi nhận 43.586 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng 6% so với hai tuần trước đó, trong khi ca tử vong là 720.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng Covid-19 đã "chi phối" cuộc sống của hàng triệu người Mỹ, đặc biệt là những người da màu và người Latinh. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở người Mỹ da màu cao gấp đôi người Mỹ da trắng.
"Khi bạn trò chuyện với các gia đình trong những cộng đồng đó, tôi chắc chắn sẽ có khác biệt quan điểm về việc liệu vấn đề này có được cho là quan trọng hay không", tiến sĩ Leon McDougle, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Quốc gia nhận định.
Giới chuyên gia nhận ra mong muốn phục hồi kinh tế của Tổng thống, họ cũng cảnh báo rằng cho đến khi đất nước kiểm soát được virus, người dân sẽ tiếp tục bị nhiễm và nỗ lực mở cửa lại trường học, doanh nghiệp cũng sẽ bị cản trở.
"Chúng tôi hiểu các vấn đề kinh tế, hiểu hậu quả của việc đóng cửa, nhưng phải có một phản ứng phối hợp để nó không phải chi phối cuộc sống của chúng ta", Rajesh Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Harvard và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết.
Sau 4 ngày điều trị tại trung tâm quân y, Trump cho biết ông cảm thấy khỏe hơn "so với 20 năm trước". Thực tế, Tổng thống Mỹ được tiếp cận một loạt phương pháp điều trị mà ít người có, gồm loại kháng thể đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cấp phép.
Không như người dân thường ở Mỹ, trong đó nhiều người không được xét nghiệm Covid-19 hoặc không được chăm sóc tại bệnh viện do tình trạng quá tải, Tổng thống có đội ngũ chuyên gia đầy đủ, tận tụy tại Walter Reed. Tại Nhà Trắng, ông cũng có một đơn vị y tế túc trực 24/7.
Đối với những bệnh nhân không may mắn, thông điệp của Tổng thống bị cho là "đáng buồn". Jennifer English, người vẫn phải vật lộn với những ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 sau khi bị nhiễm hồi tháng 4, cùng nhiều người Mỹ khác đã không thể nhận được sự chăm sóc y tế khi họ cần.
"Thông điệp của ông ấy khiến tôi phát cáu. Tổng thống có thể tự kiểm tra và có một đội gồm 14 bác sĩ. Hầu hết chúng tôi không thể tìm thấy một bác sĩ để lắng nghe", English, 46 tuổi, người mẹ ba con và là quản lý nhà hàng ở thành phố Oregon, bang Oregon, cho hay. Cô gọi thông điệp của Tổng thống là "liều lĩnh".
English vẫn trong tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, nôn, thị lực kém và đờ đẫn. "Cứ nghĩ rằng việc Tổng thống nhiễm virus sẽ khiến ông ấy có chút đồng cảm và kiến thức, nhưng rõ ràng là không", English nói. "Ông ấy vẫn hạ thấp nó và nói đừng để dịch bệnh chi phối cuộc sống của bạn. Thực tế nó đang chi phối cuộc sống của tôi, chi phối đến từng phút".
Huyền Lê (Theo New York Times)
Người ủng hộ vẫn quyết bỏ phiếu cho Tổng thống Trump
Thông tin Tổng thống Trump dương tính với SARS-CoV-2 không khiến người ủng hộ ông quay lưng. Ngược lại, họ vẫn quyết bỏ phiếu cho tổng thống.