Chuyên gia: Tổng thống Trump sẽ đánh Iran, đừng nhầm lẫn với ông Obama!
Một bộ phận quan trọng trong Chính quyền Donald Trump hiện nay luôn ủng hộ việc tiến hành một đòn trả đũa quân sự nhanh chóng và quyết đoán đáp trả các hành động gây hấn của Iran.
11:30 30/06/2019
Quyết định hủy bỏ trước 10 phút
Tuần trước, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy quyết định tấn công trả đũa Iran chỉ 10 phút trước khi nó được thực thi, một số người đã vội vã cho rằng hành động quân sự với Iran như vậy là đã kết thúc.
Họ so sánh sự kiện này với các giới hạn đỏ mà cựu Tổng thống Barack Obama đặt ra cho Syria, dù bị ông Bashar Assad liên tục vượt qua nhưng ông Obama vẫn chẳng hành động gì.
Vì vậy, họ đi tới kết luận rằng Tổng thống Trump, mặc dù đã không ít lần đe dọa nghiêm khắc trừng phạt Iran nếu dám uy hiếp các lực lượng Mỹ ở vùng Vịnh nhưng cuối cùng ông cũng không làm gì cả.
Theo chuyên gia Abdel Aziz Aluwaisheg, nhà bình luận chính trị của tờ Arab News thì những biến động ở Washington tuần vừa qua giống như kiểu người ta đang đi trên tàu lượn cao tốc.
Trước khi chiếc máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ bị bắn rơi hôm 19/6 đã có những đồn đoán khá chắc chắn rằng Mỹ sẽ đáp trả các hành động khiêu khích của Iran trong hai tháng qua nhằm vào các hoạt động vận tải biển quốc tế cũng như hậu thuẫn cho phong trào vũ trang Houthi tấn công Saudi Arabia.
Đến khi Iran bắn hạ một trong những chiếc UAV tiên tiến nhất và lớn nhất của Mỹ rất nhiều người tin rằng một cuộc tấn công trừng trị thích đáng là không thể tránh khỏi.
Từ các cuộc trao đổi với giới chức ở Washington, chuyên gia Aluwaisheg biết được rằng tại đây đang diễn ra cuộc tranh luận gay gắt bàn về những biện pháp hiệu quả nhất đối phó với các hành động khiêu khích của Iran và làm thế nào để thực thi tốt nhất chiến lược Iran của chính quyền Donald Trump.
RQ-4A Global Hawk có thể hoạt động liên tục trên không trong 34 giờ. Ảnh: Economic Times
Giữa Chính quyền Mỹ hiện tại và các lãnh đạo ở cả hai đảng chính trị đều có sự đồng thuận rõ ràng về chủ trương ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, tài trợ cho khủng bố và tiến hành các hoạt động gây bất ổn khác trong khu vực. Đây là chính sách kiên định của Mỹ từ cuộc cách mạng Iran năm 1979.
Mục tiêu của Mỹ là lèo lái Iran trở thành một quốc gia bình thường, duy trì cuộc sống bên trong lãnh thổ của mình và chấm dứt tham vọng bá chủ khu vực. Mỹ thực hiện mục tiêu này thông qua hàng loạt biện pháp kinh tế, ngoại giao, chính trị, pháp lý và cả quân sự, đồng thời kêu gọi Tehran đàm phán về tất cả các vấn đề chứ không chỉ là hồ sơ hạt nhân.
Thế nhưng, cho dù mục tiêu này được duy trì kiên định từ năm 1979, chính quyền hiện nay của Tổng thống Donald Trump vẫn có những quan điểm khác biệt về công cụ thực hiện và thời gian để đạt được nó, theo cách tốt nhất.
Iran đừng lầm tưởng, ông Trump sẽ tấn công trả đũa?
Một bộ phận quan trọng trong Chính quyền Trump hiện nay ủng hộ tiến hành một đòn trả đũa quân sự nhanh chóng và quyết đoán đối với hành động gây hấn của Iran. Theo họ, nếu không làm như vậy, chính sách răn đe của Mỹ chẳng khác gì mớ lý thuyết.
Các phản ứng quân sự nhanh chóng sẽ cho Iran thấy rằng họ đừng lầm tưởng sẽ thu được lợi ích gì qua việc đe dọa hoạt động vận tải biển quốc tế và tấn công các nước láng giềng. Răn đe đúng mức, đến lượt nó, sẽ buộc Iran phải quay trở lại bàn đàm phán.
Mặc dù các quan chức Mỹ có thể không công khai thừa nhận điều này nhưng chu trình chính trị có một vai trò quan trọng. Tổng thống Trump và các lãnh đạo đảng Cộng hòa cần phải ngăn chặn Iran thực hiện các hành động gây rối trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Những giờ ngay sau khi máy bay không người lái Mỹ bị bắn hạ, phái cứng rắn chắn chắn chiếm được ưu thế khi yêu cầu nhanh chóng trả đũa lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC). Điều này phù hợp với những tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Trump về Iran so với những biện pháp mềm mỏng của chính quyền tiền nhiệm.
Iran không nên nhầm lẫn nghĩ rằng Tổng thống Donald Trump sẽ không trả đũa trong tương lai. Ảnh: Daily Sun Post
Tuy nhiên, cuối cùng Mỹ đã không đáp trả. Không hành động quân sự nào chống lại khiêu khích rõ ràng của Iran cho thấy đa số ở Washington ủng hộ một biện pháp cẩn trọng hơn.
Theo nhà bình luận Aluwaisheg, phát đa số này không kém thù địch hơn so với nhóm diều hâu vì họ cũng nhận thấy đe dọa của Iran tác động tới các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Thế nhưng, theo quan điểm của họ, Mỹ nên tuân theo chiến lược dài hạn chứ đừng rơi vào bẫy của các hành động không theo kế hoạch mà thiếu tập trung vào mục tiêu lâu dài.
Dẫn chứng các chỉ số kinh tế lao dốc, nguồn thu xuất khẩu và thu nhập giảm sút của chính phủ Iran, họ cho rằng chính sách gây áp lực tối đa đang phát huy tác dụng. Chính sách này cũng đang bóp nghẹt tài chính của IRGC và khả năng tài trợ cho các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.
Có lẽ chính nhân tố chính trị trong nước đã khiến Tổng thống Trump quyết định hủy bỏ trả đũa quân sự. Bất cứ hành động quân sự nào cũng đều chứa đựng rủi ro và sự thất bại sẽ giáng một đòn nặng nề vào chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa cho năm 2020.
Tổng thống Jimmy Carter từng thất bại trong cuộc bầu cử năm 1980, một phần cũng do thất bại từ chiến dịch can thiệp quân sự giải cứu các con tin Mỹ ở Iran.
Bất chấp những diễn biến nội bộ phức tạp này nhưng theo chuyên gia Aluwaisheg, Iran không nên nhầm lẫn nghĩ rằng Tổng thống Donald Trump sẽ không trả đũa trong tương lai.
Nếu sức ép không đạt được mục tiêu, Chính quyền Mỹ hiện nay chắc chắn sẽ thuyết phục người dân trong nước và các đồng minh tiến hành các biện pháp cứng rắn hơn đáp trả những hành động khiêu khích của IRGC.
Tài dùng người của CEO Huawei: Loại bỏ tay chân của quản trị cấp cao, mông của quản trị cấp giữa, não của quản trị cấp cơ sở, mụn nhọt của toàn nhân viên
Làm thế nào để khiến một nhóm những nhân viên tinh anh xoay quanh các mục tiêu trọng tâm đã đề ra, khoan dung lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau và hợp tác với nhau thay vì nghi ngờ lẫn nhau, đố kị hay thậm chí là lôi kéo nhau, điều này đòi hỏi sói đầu đàn của Huawei, tức CEO Ren Zhengfei phải có một khả năng lãnh đạo tuyệt vời.