Chuyện lì xì ngày Tết: Cho ai và bao nhiêu?

Từ khi trí óc bắt đầu có sự nhận thức thì có lẽ cũng là lúc đứa bé gốc Việt nào cũng biết: Tết đến là có “lì xì.”

02:23 17/02/2018

Thế nhưng, lì xì mang ý nghĩa như thế nào thì không phải là ai cũng biết tường tận. Đa phần chỉ biết có phong bao đỏ “lì xì” (mà giờ phong bao cũng có lắm màu, kể cả màu đen) là có tiền, và tiền đó có thể mua quà mua bánh, bỏ “ống heo”, hay nhiều nữa thì mua những thứ giá trị hơn.

Theo Wikipedia, “Lì xì là một tên gọi của tục lệ mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên Đán ở các nước Á Đông và Việt Nam, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Trong phương ngữ miền Nam của tiếng Việt, tiền ấy được gọi là tiền lì xì.”

Theo năm tháng, lì xì không còn là “đặc ân” của người lớn dành cho trẻ em nữa, mà ông bà, cha mẹ cũng được con cháu trưởng thành “mừng tuổi” bằng phong bao đỏ khi Xuân về Tết đến.

Phong tục lì xì cho trẻ nhỏ và ông bà cha mẹ được duy trì nơi hải ngoại

Lì xì “đi theo” người dân Việt từ trong nước ra đến ngoài nước, như một nét văn hóa truyền thống được lưu truyền và gìn giữ.

Bác Sĩ Phạm Đỗ Thiên Hương, qua Mỹ từ năm 1980, cho biết cô “vẫn giữ phong tục lì xì” nhưng kèm theo “điều kiện”: “các cháu phải biết chúc Tết.”

“Gia đình tôi vẫn còn giữ phong tục lì xì. Nhưng trước khi được nhận được phong bao mừng tuổi thì các cháu phải biết chúc Tết, thành ra mỗi năm các cháu phải chuẩn bị sẵn một câu chúc Tết ông bà, một câu để chúc Tết họ hàng cô dì chú bác và những người lớn tuổi,” Bác Sĩ Hương nói.

Không chỉ vậy, cô còn rất chú trọng đến hình thức mừng tuổi. “Trước Tết chắc chắn phải đi đổi tiền mới, phải để vào phong bao nhưng giờ không gọi là bao lì xì nữa mà gọi là ‘phong bao mừng tuổi’.”

Các em nhỏ ở lì xì cho lân trong ngày Mùng Một Tết (Hình: Ngọc Lan/Ngừoi Việt)

Cô giải thích, “Gia đình tôi cũng như Liên Đoàn Hướng Đạo mà tôi đang sinh hoạt cố gắng theo sự phát động của Viện Việt Học, tức là người Việt Nam mình gọi là Tết Ta, Tết Nguyên Đán và mình chúc Tết, mừng tuổi, bỏ tiền vào những phong bao của người Việt Nam, mẫu mã, chữ nghĩa toàn của người Việt Nam, chứ không dùng những bao lì xì có chữ Tàu nữa.”

Bác Sĩ Hương cho rằng cô lì xì cho các con, các cháu, hay các bé bệnh nhân đều giống như nhau, không ai nhiều hơn ai.

Diễn viên, MC Đức Tiến, một gương mặt cũng đang trở nên quen thuộc với người dân Little Saigon nghĩ rằng, “Lì xì là nét văn hóa rất dễ thương.”

Anh quan niệm, “Văn hóa người Việt Nam chúng ta đến Tết có lì xì. Lì xì tượng trưng cho sự may mắn, tiền may mắn của người lớn lì xì cho người nhỏ hay ba mẹ lì xì cho con cái, hoặc ngược lại con cái lớn đi làm ăn có tiền cũng quay về nhà lì xì cho ba mẹ, ông bà. Thậm chí bạn bè gặp nhau cũng nói ‘lí xì cho tao lấy hên.’”

Anh kể thêm, “Mỗi lần Tết đến đi trình diễn cho các nhà thờ, các chùa, tôi cũng muốn được các cha, các thầy, các ni sư ra lì xì lắm. Tôi nghĩ đó không chỉ là điều may mắn mà còn là lộc đầu năm cho mình trong công việc, trong cuộc sống.”

Thích nhận lì xì, nhưng Đức Tiến cũng thích lì xì bằng cách “Ngày Tết, khi đi đến nhà bạn bè, đi thăm người thân bao giờ tôi cũng mang theo nhiều bao lì xì dễ thương, xinh xắn, để lì xì cho con em của bạn bè cho vui, ‘lucky money’ mà.”

Bà Mai Bùi, hiện sống ở Garden Grove, tâm sự, “Tôi qua đây mấy chục năm rồi, năm nào đến lúc lì xì cũng nhớ lại hồi mình còn nhỏ, mình được lì xì. Xúc động lắm.”

“Giờ lớn rồi thì mình làm người lì xì cho những em nhỏ, lì xì luôn cả những bác, những cụ lớn tuổi, thấy thật là vui,” bà cười nói.

Là phu nhân của nghị viên Garden Grove Phát Bùi, nên trong nhiều năm, bên cạnh các việc cộng đồng phải lo toan cùng chồng, bà Mai còn phải nhớ thêm “nhiệm vụ”: đi nhà băng đổi tiền mới để lì xì cho đồng hương đi xem diễn hành Tết!

Với Nha Sĩ Cao Minh Hưng thì “Lì xì là một phong tục rất hay của người Việt Nam mình. Đó là phong tục nên duy trì, bởi giá trị của tiền lì xì không nhiều nhưng giá trị tinh thần lại rất lớn. Đây là phong tục mang đến niềm vui cho các em nhân ngày đầu Xuân. Lì xì như món quà bố mẹ khuyến khích con ráng học giỏi, nghe lời cha mẹ. Còn đối với các em thì nhận lì xì cũng là kỷ niệm để các em sau này khi lớn lên, nhìn lại nhớ ngày xưa ông nội bà nội chỉ cho vài đồng thôi cũng thấy rất là vui rồi.”

Nghe hỏi “Bản thân anh thì đến giờ này còn thích tiền lì xì không?” anh bật cười, “Giờ này lớn rồi hết thích nhận tiền lì xì rồi. Giờ mình đóng vai ngươc lại, làm người lì xì cho những người nhỏ hơn thôi.”

“Hai đứa con ở nhà và các em nhỏ trong câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ” là những người mà Nha Sĩ Hưng, cũng là chủ nhiệm CLB Tình Nghệ Sĩ, lì xì cho.

Lì xì có là gánh nặng khi Tết đến?

Trả lời câu hỏi này, Hoa Hậu Thành Đạt Di Ái Hồng Sâm cho rằng, “Đối với mình, lì xì không phải là gánh nặng, vì đâu ai bắt mình phải cho nhiều hay cho ít. Lì xì là một cái lộc đầu năm và từ nhỏ đến lớn, ai có lộc đều cảm thấy vui.”

Bên cạnh đó, Hồng Sâm cũng quan niệm rằng “không nhất thiết phải lì xì tiền.”

Theo cô, “Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nếu mình không có thì không nhất thiết phải lì xì tiền. Thay vào đó, trong những bao thư đỏ, mình chỉ cần viết những tấm giấy có dòng chữ ‘Anh Khang Thịnh Vượng,’ ‘Tiền Đầy Túi’ hoặc những lời chúc phúc bỏ vào đó thì những người nhận lộc đó cũng rất cảm ơn và cảm thấy có năng lượng cho một năm mới khởi đầu vui hơn.”

“Ăn thua là tấm lòng thôi,” cô nói.

MC Đức Tiến suy nghĩ, “Đúng là ở Việt Nam tiền lì xì được xem như là một nỗi lo, một gánh nặng, nhất là với ai chú trọng xem trong bao lì xì có bao nhiêu. Ở Việt Nam, khách đến nhà chúc Tết, dẫn theo con cháu, mà mình không lì xì thì kỳ, rồi mình đến nhà người ta chơi, họ có con cháu mà mình không lì xì thì còn kỳ hơn. Cho nên nhiều người ba ngày Tết ngại ra đường, ngại đi thăm bà con là vậy.”

Ca sĩ Nguyễn Tiến Dũng: “Tiền lì xì ở đây trong sáng hơn ở , vì ở đây chỉ cần $2 tiền hên hay chỉ cần một tấm vé số đặt trong bao lì xì là có nghĩa điều may mắn, là niềm vui cho người nhận lẫn người cho.” (Hình: Ngọc Lan/)

Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, “Lì xì nhiều thì nặng thiệt nhưng lì xì nhẹ, tượng trưng thì cũng không có gì nặng nề. Mình cứ bỏ trong đó tờ $1, $2 là vui rồi, không phải suy nghĩ chi cho nặng lòng.”

Với ca sĩ Nguyễn Tiến Dũng, dù cho rằng “đây là lần đầu tiên nghe có người đặt vấn đề liên quan đến tiền lì xì,” nhưng anh lại rất hào hứng chia sẻ suy nghĩ.

Anh nói, “Lì xì xưa nay mặc nhiên được xem là văn hóa Tết của người Việt. Mình nghĩ nên giữ lại văn hóa lì xì cho các em nhỏ vì trẻ em chưa biết được giá trị đồng tiền là bao nhiêu, mà đơn giản lì xì chỉ làm các em vui khi được tiền mừng tuổi, để rồi cuối cùng cũng gom về đưa mẹ cất giùm, hay bỏ ống heo đến lúc nào đập ra mua quà mua kẹo bánh gì đó.”

Đồng thời, chàng ca sĩ cũng phân tích thêm, “Dạo sau này tiền lì xì không còn dành riêng cho trẻ nhỏ nữa mà dành cả cho người lớn. Khi được lì xì, có người mở ra xem rồi dè bỉu hay chê chú này kẹo, cô kia thì thương mình quá, hào sảng quá… Lúc đó tiền lì xì đã biến sang ý nghĩa khác. Chưa kể lì xì cho con của sếp cũng khác, khi họ đặt đà tiến thân vào trong bao lì xì, chứ không còn đơn giản chỉ là bao lì xì dành cho trẻ nhỏ mừng tuổi mau lớn.”

Tuy nhiên, theo Nguyễn Tiến Dũng, “tiền lì xì ở bên này không đè nặng lên thu nhập của người cho, cũng không làm bối rối người nhận.”

“Tiền lì xì ở đây trong sáng hơn ở Việt Nam, vì ở đây chỉ cần $2 tiền hên hay chỉ cần một tấm vé số đặt trong bao lì xì là có nghĩa điều may mắn, là niềm vui cho người nhận lẫn người cho. Chứ không như ở Việt Nam, đến Tết một số cô chú phải chạy trốn, đi chơi khỏi ở nhà để không phải lì xì, vì lì xì ít thì bị chê, lì xì nhiều thì lại không có tiền,” anh cười nhận xét.

Trong suy nghĩ của ca sĩ Nguyễn Tiến Dũng, “Nơi đây, cộng đồng người Việt Nam được coi như đồng bào của mình, là người thân của mình, do đó mình cứ thủ sẵn trong túi một xấp bao lì xì đi đến nơi nào gặp trẻ em là lì xì thôi.”

Tags:
Đầu bếp gốc Việt gìn giữ truyền thống mâm cỗ Tết ở Canada

Đầu bếp gốc Việt gìn giữ truyền thống mâm cỗ Tết ở Canada

Dù Tết Mậu Thân rơi vào ngày làm việc, Chi Le vẫn chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để dành thời gian bên gia đình và bạn bè.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất