Chuyện người đàn ông 14 lần “cố ý” trúng xổ số

Chuyện kể về một nhà kinh tế học người Rumani ranh mãnh bắt bài được trò xổ số và chiến thắng hàng triệu đô la trên khắp thế giới…

11:30 18/12/2019

11 giờ đêm ngày 15/2/1992, chiếc máy quay xổ số cũ kỹ ở Trụ sở Công ty Xổ số Bang Virginia bắt đầu những vòng quay của mình để tìm ra 6 con số chiến thắng giải độc đắc trên sóng truyền hình trực tiếp: 8… 11… 13… 15… 19… 20.

Những ngày sau đó, người ta hối hả ngược xuôi để tìm ra một “người”, không chỉ trúng giải độc đắc 27.036.142 triệu đôla, mà còn tiện tay “ẵm” thêm 6 giải nhì, 132 giải ba và 135 giải phụ với tổng giá trị lên tới 900 ngàn đôla.

Những gì được hé lộ tiếp sau đó có lẽ là câu chuyện về xổ số kỳ lạ nhất, viễn tưởng nhất trong lịch sử nhân loại – với sự tham gia của hàng ngàn nhà đầu tư trên thế giới, hàng chục hệ thống máy tính phức tạp, và một thiên tài toán học, người nắm vững toàn bộ quá trình vận hành của xổ số.

Đây là câu chuyện về một người đàn ông đã “bắt bài” được xổ số bằng cách mua tất cả những tổ hợp số có thể xảy ra.

Sự trỗi dậy của Stefan Mandel

Cuối những năm 1960 thế kỷ trước, một nhà kinh tế học trẻ tuổi người Rumani tên Stefan Mandel đang vật lộn để duy trì cuộc sống.

Lúc ấy, đất nước Rumani vẫn đang sống dưới hơi thở của chủ nghĩa cộng sản, ngập chìm trong nghèo đói, thất nghiệp, thiếu thốn thực phẩm và “tận cùng của khốn khổ.” Lương của Mandel chỉ có 360 lei (tương đương với 88 đôla Mỹ) một tháng, không đủ để nuôi sống vợ và hai con. Và, như sau này kể lại với tờ Planet Money, ông cần một cách để “kiếm tiền nghiêm túc, thật nhanh.”

Rất nhiều người Rumani cùng cảnh ngộ với Mandel lúc bây giờ phải sống như những tên tội phạm. Nhưng Mandel, người tự cho mình là một “nhà toán học – triết gia,” nhìn thấy một con đường khác: Xổ số.

Mandel đã dành cả thập niên nghiên cứu về thống kê trước khi thắng giải đầu tiên vào thập niên 1960, ảnh trên là 1 tờ báo Rumani đăng tin về ông (ảnh: Bursa)

Đợi một chút: Trên đời có kẻ ngốc nào định kiếm tiền từ xổ số? Anh có thể giành được huy chương vàng Olympic, hay được sinh ra trong một ca sinh năm, hay bị máy bán hàng tự động đè chết còn có xác xuất cao hơn là trúng xổ số độc đắc.

Nhưng Mandel không hề ngốc một chút nào – ông ta yêu thích các con số và dành từng phút rảnh rỗi để phân tích các tài liệu lý thuyết xác suất của nhà toán học nổi tiếng thế kỷ 13 Leonardo Fibonacci. Và rồi sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã cho ra đời một “thuật toán chọn số” dựa trên một phương pháp được ông đặt tên là “cô đọng tổ hợp.”

“Tôi vốn là một nhà toán học, một nhân viên kế toán không được ăn học đầy đủ,” sau này ông nói với một tạp chí của Rumani. “Nhưng toán học được áp dụng đúng chỗ có thể bảo đảm một gia tài.”

Với thuật toán này, Mandel nói rằng ông có thể dự đoán chính xác 5 trên 6 con số của giải độc đắc, giảm thiểu số lượng tổ hợp trong xổ số từ hàng triệu xuống chỉ hàng ngàn. Với sự giúp đỡ của bạn bè và những người quen biết, ông đánh liều mua một lượng lớn vé số mà theo cách tính toán của Mandel là có khả năng trúng lớn nhất.

Thật thần kỳ (và cũng không kém phần may mắn), ông đã trúng được giải nhất trị giá 78.783 lei (khoảng 19,3 ngàn đô la). Sau khi trừ đi các chi phí, ông còn lại 4 ngàn đô, đủ để hối lộ giới chức ngoại giao và trốn khỏi Rumani để đi tới một cuộc sống mới – và một giải độc đắc mới.

“Nghề” trúng xổ số

Sau 4 năm đi khắp châu Âu, Mandel dừng chân ở Australia và bắt đầu ăn xổ số theo một cách khác.

Trong xổ số thông thường, một bộ những con số trong một khoảng nhất định (ví như từ 1-50) được lựa chọn một cách ngẫu nhiên; nếu chọn trúng các số này theo bất kỳ thứ tự nào, bạn sẽ trúng giải độc đắc. Tỷ lệ trúng dựa trên tổng số tổ hợp có thể xuất hiện từ những con số này, thường là 1 phần nhiều triệu.

Nhưng Mandel phát hiện ra điều này: trong một số giải xổ số nhất định, tổng số tổ hợp có thể xuất hiện thấp hơn nhiều so với trị giá giải độc đắc.

Ví dụ, giả sử giải độc đắc cần 6 con số nằm trong khoảng từ 1 đến 40. Tổng số tổ hợp có thể xuất hiện là 3.838.380 bộ. Giả sử giải độc đắc là 10 triệu đô. Trên lý thuyết, Mandel có thể mua vé cho tất cả các tổ hợp với giá 1 đô/vé, tổng chi phí là 3.838.380 đô và chắc chắn sẽ thắng – với khoản lợi nhuận sau khi trừ thuế không nhỏ chút nào.

Mandel cho rằng “bất kỳ học sinh cấp ba nào cũng có thể tính ra số tổ hợp này.” Nhưng phương pháp này có một số hạn chế. Làm thế nào để kiếm được từng đó tiền để mua vé? Và làm sao để điền hàng trăm ngàn tờ vé số, hết tờ này tới tờ khác?

Hệ thống của Mandel rất đơn giản, nhưng từ góc độ logistic thì cực kỳ khó khăn

Với công việc thường nhật là một nhân viên bảo hiểm trong nhiều năm, Mandel đã thuyết phục được hàng trăm nhà đầu tư cùng hùn tiền lại với nhau và tạo ra một “nghiệp đoàn xổ số.” Sau đó ông đã phát triển ra một hệ thống hoàn toàn tự động: Một phòng chứa đầy máy tính và máy in chạy theo một thuật toán để in ra vé số với tất cả các tổ hợp.

Máy tính đã cách mạng hóa phương thức của Mandel. Trước đó, ông bị hạn chế phải viết tay hàng triệu tổ hợp, và một sai lầm nhỏ cũng có thể xóa sạch công sức 8 tháng làm việc; giờ đây ông đã có thể nhờ máy móc thực hiện việc này.

Trong những năm 1980, nghiệp đoàn của Mandel đợi cho đến khi có một giải độc đắc có trị giá cao hơn tổng số tiền mua vé số, sau đó mua hàng ngàn vé. Họ chiến thắng 12 lần (và 400 ngàn đô la tiền các giải phụ nhỏ hơn) ở khắp Australia và Anh Quốc.

“Mọi người nói với tôi: không thể nào, ông sẽ không thành công!” Mandel nói với một tờ báo của Rumani khi đó. “Còn hiện nay, những ai cho tôi là một kẻ mơ mộng đã phải im tiếng.”

Nhưng những trở ngại bắt đầu xuất hiện.

Thứ nhất, lợi nhuận là tương đối mỏng (với 1,3 triệu đô la thắng được trong năm 1987, ông bỏ túi được 97 ngàn đô la sau khi trả thuế và các nhà đầu tư.) Những chiến thắng liên tiếp của ông cũng đã thu hút sự chú ý của giới xổ số Australia, những người này sau đó đã thay đổi luật chơi nhiều lần: tới cuối những năm 80, họ đã cấm vé tự in từ máy tinh và không cho phép một cá nhân mua với số lượng lớn.

Vậy nên Mandel đã hướng tầm mắt tới một giải thưởng lớn hơn – điều sẽ xuất hiện trên trang nhất của truyền thông và đảo lộn suy nghĩ của dân xổ số trên khắp thế giới.

Xổ số Virginia

Với lợi nhuận kiếm được, Mandel đã cử “trinh sát” đi khắp Bắc Mỹ (Montreal, Boston, Miami, Phoenix, Norfolk), và tập hợp một danh sách ghi chép các xổ số có giải độc đắc lớn hơn ít nhất 3 lần tổng số tổ hợp có thể xuất hiện.

Sau khi xem xét Massachusetts (giải 37 triệu đô la trên 9 triệu tổ hợp) và Arizona (11 triệu đô la trên 5,1 triệu tổ hợp), ông cuối cùng nhắm đến Xổ số Virginia.

Xổ số Virginia có một vài lợi thế. Nó khá mới và cho phép người chơi được mua vé số không giới hạn số lượng và được tự in chúng ở nhà. Nhưng quan trọng hơn cả, các con số nằm trong khoảng từ 1 – 44 (các bang khác lên tới 54). Điều này có nghĩa là với 6 số, chỉ có 7.059.052 tổ hợp có thể xuất hiện, so với bình thường là trên 25 triệu.

Tờ New York Times năm 1992 đăng tin về phi vụ của Mandel và phía dưới là 1 tờ xổ số Virginia năm 1992 (ảnh: NYT Archives)

Núp bóng công ty vỏ bọc Pacific Financial Resources, Mandel thành lập một quỹ có tên gọi Quỹ Xổ số Quốc tế (International Lotto Fund – ILF) và thuyết phục được 2.524 người đầu tư ít nhất 3.000 đô la vào đó.

Bị thuyết phục bởi những thành công trước đó của Mandel, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô góp tiền, giúp quỹ có được hơn 9 triệu đô la.

Trong một nhà kho ở Melbourne, Mandel đã bố trí 30 máy tính và 12 máy in laser, thuê 16 nhân viên toàn thời gian để in 7 triệu vé số tự điền trước cho tất cả các tổ hợp – một quá trình mất đến 3 tháng. Ông ta sau đó chuyển số vé nặng 1 tấn này tới một đầu mối ở Mỹ với giá 60 ngàn đô la.

Tiếp theo là chờ đợi, Mandel phải đợi cho đến khi giải độc đắc đạt đến giá trị có thể đủ sinh lời cho mình, tất nhiên là sau khi trừ đi thuế, chi phí và trả tiền cho các nhà đầu tư.

Xổ số ở một bang của nước Mỹ thường bắt đầu với giải thưởng thấp và tăng dần lên sau mỗi lần quay không có người trúng giải. (Mô hình Vietlot của Việt Nam cũng tương tự như vậy). Mandel phải dự đoán xem nên bắt đầu vào lúc nào, và cầu mong rằng không có người nào khác mua trùng vé trúng giải với ông ta. Nếu không, giải thưởng sẽ bị chia ra và cả thương vụ sẽ không còn chút lợi nhuận nào cả.

Ngày 12/2/1992, giải độc đắc của Xổ số bang Virginia đạt mức 27 triệu đô la. Nhóm thực địa của Mandel nhận được một chỉ thị đơn giản: hành động!

Và không một ai – kể cả Mandel – có thể tưởng tượng được được sự điên rồ sau khi kết quả lộ ra.

Xem tiếp phần 2 tại đây.

Theo TheHustle,

Quốc Hùng tổng hợp.

Tags:
Biệt thự 150 triệu USD của con trai tỷ phú Mỹ

Biệt thự 150 triệu USD của con trai tỷ phú Mỹ

Lachlan Murdoch, con trai của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, vừa mua căn biệt thự đắt nhất bang California, Mỹ với giá 150 triệu USD. Ngôi nhà này có tên là Chartwell.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất