Chuyện ở lớp học đặc biệt tại Little Saigon
“Đội đá vá trời” là từ mà nhiều người nhận xét về những người làm công việc chăm sóc người chậm phát triển, bởi đó là công việc phi thường, không tưởng. Chưa kể, đồng lương của công việc này rất thấp, nếu không có tấm lòng bao dung thì khó trụ được với nghề.
02:00 12/02/2018
Với những nhân viên thuộc chương trình trợ giúp người chậm phát triển của Hiệp Hội Việt Nam tại Orange County, Garden Grove, và Trung Tâm Đa Văn Hóa Westview, Westminster, công việc đến với họ là một sự tình cờ. Tuy việc làm đến một cách ngẫu nhiên và đầy khó khăn, nhưng ít người “dứt áo ra đi.” Vì sao?
1-Tám năm trong nghề với ông Chung Phan mới đó mà như cái chớp mắt. Hồi đó mới từ Việt Nam sang, đi học được một năm thì tình cờ ông đọc được thông báo tuyển người của Hiệp Hội Việt Nam tại Orange County. Tò mò vì cái thông báo quá đơn giản, không đòi hỏi kinh nghiệm, không đòi hỏi bằng cấp, chỉ cần biết nói và viết tiếng Anh, đặc biệt “có lòng thương người,” nên ông nộp hồ sơ xin việc.
Ba tháng tập sự là những ngày tháng ông “mắt tròn mắt dẹt” khi được những người lớn 50, 60 tuổi kêu chú, xưng con, còn tính cách thì như một đứa bé. “Hồi nào tới giờ chưa làm công việc này nên lúc đầu tôi thấy hơi vất vả. Phải tập gọi những người đó là con, vì họ thích được chăm sóc, dỗ dành. Thấy các em như vậy tôi cũng mến, rồi dần dần tôi có tình thương với họ và nghĩ nên ở đây để giúp đỡ họ. Họ có tình lắm đó. Nhiều người gặp mình chào, lắm khi bận chưa kịp chào lại thì họ đứng chào hoài cho đến khi mình chào lại mới thôi, vì họ sợ mình giận,” ông nói.
Ông cho hay: “Công việc ở đây là một nhân viên giữ bốn người nên lúc nào cũng áp lực. Chăm sóc họ như làm dâu một ngàn họ, chứ không phải làm dâu trăm họ đâu. Bởi vì chiều ý họ khác, theo điều lệ công ty khác, ra ngoài xã hội khác, về nhà gia đình khác. Một nhân viên quản lý bốn người nên chiều ý bốn người khác nhau và bốn gia đình khác nhau. Chưa kể nếu một người trong nhóm nghỉ thì sẽ có người mới vào, lại làm quen với gia đình khác, và làm lại từ đầu. Nên để thỏa mãn tất cả mọi gia đình và mọi người rất là khó, nhưng phải làm!”
“Chăm sóc những người bị thiểu năng và tự kỷ lúc đầu rất cực vì một phần do gia đình thương, lúc nào cũng nuông chiều vì họ bị bệnh. Từ cái nuông chiều đó nên họ ‘trèo’ được thì ‘trèo’ lên, lúc nào cũng khó chịu, ngang bướng. Mỗi lần lên cơn thì họ quăng đồ đạc tứ tung, hay đang đi thì nằm vạ xuống… Tôi phải thuyết phục họ dần dần. Một ngày một bữa không thể mà phải thời gian dài, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, dần dần mới thấm vào người họ,” ông kể.
“Có vài trường hợp các em không điều khiển được bản thân nên đôi lúc lên cơn. Và những cái bất ngờ đó mình khó lường được, trở tay không kịp. Thí dụ, trước đây tôi có giữ một em to gấp rưỡi tôi, cũng như mọi ngày tôi cho các em ăn sáng, nhưng khi tôi lo cho các em khác thì em này bất ngờ cầm lon nước dọng mạnh vào người tôi. Vừa đánh tôi xong thì em tỉnh liền và xin lỗi mình. Tôi biết chỉ khi lên cơn thì em mới như vậy, còn bình thường thì dễ thương lắm,” ông kể thêm.
Làm việc tại Trung Tâm Đa Văn Hóa Westview được bốn năm, nhưng niềm vui nhất mà bà Hà Lệ Hoa nhận được đó là “Ngày mà tôi được các cháu tới nói chuyện với mình là tôi mừng lắm. Có những niềm vui nó ngộ lắm. Không phải kiếm được tiền nhiều thì mừng, hay con được bằng khen thì mừng mà ngày mừng nhất chính là ngày các cháu mở lòng ra với mình.”
“Hồi đó tôi học ngành kiến trúc, thấy ít lớp quá nên xin vô trung tâm làm thêm. Nhưng rồi càng tiếp cận với các em thì tôi càng thương các em hơn, và thấy công việc này thật ý nghĩa. Do vậy mà khi hướng dẫn được một em biết dùng máy tính, biết vẽ hình trên máy, biết thiết kế bằng máy là tôi xúc động vô cùng,” bà nói.
“Ngày qua ngày thấy các em có sự thay đổi, đó là điều mình rất vui. Đôi khi mình kiếm được nhiều tiền bằng nghề này, nghề kia nhưng niềm vui lại không bằng khi thấy các em có sự thay đổi. Đừng nói các em bị bệnh rồi không biết gì, không phải như vậy. Nếu chịu khó tập trung bằng tấm lòng của mình thì sự thay đổi của các em phải nói không có tiền bạc nào có thể sánh được,” bà chia sẻ.
Cũng thâm niên bốn năm tại Trung Tâm Đa Văn Hóa Westview, bà Nguyễn Phượng cho biết: “Chồng thì đi làm, con đi học, tôi ở nhà không biết làm gì nên kiếm việc để làm. Lúc đầu làm thì gia đình sợ rằng khi tôi làm ở đây sẽ gặp nguy hiểm, vì mọi người cho rằng các em không được bình thường nên không ý thức được việc các em làm, chẳng hạn đánh mình, la lối…”
“Nhưng tôi nói, chỉ đứng ở ngoài nhìn vào chứ không biết thực tế ra sao thì làm sao biết được, chi bằng để tôi đi làm một thời gian, nếu thấy thích và phù hợp thì sẽ làm. Còn nếu nguy hiểm quá, khi không thể điều khiển được các em thì sẽ nghỉ. Nhưng khi vào đây thì không phải như vậy, các em rất dễ thương, các em cần sự giúp đỡ, quan tâm. Thấy các em vui, thấy nụ cười trên môi các em nên mình cũng thấy hạnh phúc, vui lây. Từ yêu quý các em mà tôi thích nghề này,” bà tâm sự.
“Dù không đòi hỏi kinh nghiệm hay bằng cấp nhưng khi phỏng vấn mình, trung tâm sẽ biết mình như thế nào, có phù hợp với công việc không. Họ hỏi tôi tại sao yêu thích công việc này, có thể làm được dài lâu không, khi đang lái xe mà một người nổi loạn thì xử lý ra sao vì thời gian trên xe cũng khá nhiều. Tiếp theo là họ kiểm tra sức khỏe của mình bằng cách vác một cái bao nặng 25 pound rồi tay chạm vai được không, rồi kiểm tra lực đẩy… cốt yếu là để khi có sự cố thì mình có đủ sức để vác các em không,” bà cho hay.
2-Một ngày của ông Chung Phan bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng đi đón khách hàng (từ gọi chung những người chậm phát triển được chăm sóc – NV), đón xong hết là khoảng 8 giờ 30 phút. “Nhiều khi tới phải chờ các em chứ không phải đón là đi liền. Nếu em nào chậm thì sau 9 giờ mới rước xong, bởi vì có những em thấy mình tới thì mới chuẩn bị. Đó là chưa kể có những em không chịu đi, phải thuyết phục rất lâu, mất cả một, hai tiếng đồng hồ,” ông nói.
“Sau khi đến trung tâm thì cho các em đi vệ sinh, xong tập thể dục khoảng 30 phút, rồi ra bàn ngồi học. Học ở đây là dạy các em cách viết tên mình, nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại, tên đường… nói chung bằng mọi cách để khi các em đi lạc thì cảnh sát hỏi, các em biết cách trả lời. Những em nào không đủ sức để học thì dạy các em học hát, múa, nói chung là không để các em trầm tính, ù lì,” ông nói thêm.
Từ 10 giờ 30 phút thì ông đưa khách hàng ra ngoài theo lịch trình có sẵn. “Đi ra ngoài có nhiều điểm, chẳng hạn mỗi tuần cũng ra công viên một, hai lần để các em tập thể dục, vì có nhiều em bị tiểu đường… nên rất cần vận động. Thể dục khoảng một giờ thì sau đó đưa các em đi thư viện coi sách, khoảng một giờ. Gần 12 giờ trưa thì cho các em ăn uống, sau đó sinh hoạt một chút rồi 2 giờ đưa các em về. Sinh hoạt tại trung tâm các em được vui chơi, học hành, tập cho các em làm những công việc thường nhật như dọn dẹp, lau chùi, quét sân…” ông cho hay.
Còn một ngày của bà Nguyễn Phượng lại bắt đầu từ 7 giờ 15 phút sáng. “Tôi có một giờ đồng hồ để đón bốn em. Đến trung tâm là 8 giờ 15 phút thì cho các em tập thể dục. Buổi sáng bắt buộc các em phải tập thể dục, đi bộ. Sau đó theo kế hoạch của mình thì tùy từng ngày sẽ tới nhà thờ dọn dẹp, lau chùi bàn ghế, quét sân; hay cho các em học vẽ, làm thủ công. Đến khoảng 11 giờ 15 phút thì cho các em dọn dẹp, đi vệ sinh, ăn trưa. Em nào ăn trưa sớm thì 45 phút đến một tiếng. Khoảng 12 giờ 30 thì xong ăn trưa, sau đó đi thư viện đọc sách, rồi 2 giờ 30 thì về,” bà kể.
“Có em tôi phải dạy hai năm trời mới viết được tên tuổi. Phải kiên nhẫn lắm mới dạy được cho họ. Hay có khách hàng phải mất mấy năm trời mới dạy được cho họ cách viết nối từ điểm này sang điểm khác. Do vậy mà dạy các em phải thật kiên nhẫn, không được nổi nóng. Ngoài ra, tôi còn dạy các em phải uống nước nhiều lần trong ngày, biết cách ăn được mọi thứ, bởi vì các em lớn lên ở Mỹ hoàn toàn không biết ăn rau, còn thịt thì chỉ biết ăn một loại,” bà nói.
Bà Hà Lệ Hoa tâm sự: “Để giúp các em tự tin và biết làm một số công việc thường ngày, tôi cho các em đến một số nhà thờ, thư viện để làm những việc như lau chùi sách vở, bàn ghế, tưới cây… Để dạy các em, tôi vào Internet tìm hiểu thêm cách dạy và thấy các em rất cần tập thể dục. Có hoạt động thì sẽ giúp các em ít thụ động dẫn đến quấy phá. Những hoạt động đó rất cần để các em hòa nhập vào xã hội.”
“Chăm sóc các em rất cực, tuy các em có sự thay đổi nhưng rất chậm. Nhưng thay đổi như thế nào còn tùy vào tình cảm họ dành cho mình bao nhiêu. Nếu họ thương mình thì họ thay đổi. Nếu họ không thương mình thì họ sẽ làm cho mình rất mệt. Đôi khi lời nói của mình không có tác dụng, mà phải dùng tình thương với họ. Nhưng không phải một ngày một bữa được, tình thương phải thể hiện từ ngày này, qua tháng khác, đến năm kia, phải vỗ vỗ về về, khuyên bảo…” bà nói.
“Hằng ngày lái xe chở các em đi mà tôi lúc nào cũng cầu nguyện mong mọi điều an lành, bởi chở các em là phải cẩn thận vô cùng, phải rất bình tĩnh, không được một chút sơ sẩy nào. Do vậy mà một ngày dù không mang vác gì nặng nề nhưng cứ sau 2 giờ 30 phút về tới nhà là tôi rũ cả người, phải ngủ một chút để lấy sức bắt đầu công việc riêng của mình và gia đình,” bà nói thêm.
3-Vậy nhưng, lương của người làm công việc này rất thấp. Bà Angie Fisher Nguyễn, giám đốc chi nhánh Trung Tâm Đa Văn Hóa Westview, cho biết: “Tới nay thì lương mới là $10.75 một giờ mà thôi, nhưng trách nhiệm thì rất nhiều, công việc thì rất cực. Tuy lương thấp nhưng đội ngũ nhân viên chúng tôi đều làm bằng tấm lòng và cái tâm của mỗi người. Nếu không có con mắt thương người thì không thể làm được. Nếu có tính nóng thì cũng không trụ được với nghề này, phải rất kiên nhẫn.”
Bà Janice Thu Bùi, giám đốc chương trình Hiệp Hội Việt Nam tại Orange County, cho hay: “Nghề này đối với Người Việt Nam rất lạ, do vậy mà kiếm một người nhân viên tận tâm chăm sóc một con người rất khó. Mà khi tiếp cận được với một người thì người nhân viên phải trao tình thương cho họ trước. Họ có thương mình rồi thì mới dạy được cho họ, nhưng để dạy được cho họ không phải đơn giản. Ví dụ một bài múa, phải mất sáu tháng, mà ngày nào cũng một tiếng đồng hồ, nhiều khi cũng nản luôn. Nhịp của họ khác của mình, họ thích thì họ nhún, họ nhảy thôi.”
“Các em là những người kém may mắn, rất đáng thương. Chúng tôi giúp các em học chữ, học hát, học múa, học cách ăn uống phải gọn gàng, và cả tập ăn rau, vệ sinh thân thể… Song song đó, chúng tôi còn tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng để giúp các em có kỹ năng ngoài cuộc sống, biết bảo vệ an toàn trên đường và cá nhân, dạy làm một số việc nhẹ nhàng, đưa đi chơi biển, chơi bowling… nhằm giúp các em có sức khỏe về thể xác và tâm hồn vui vẻ. Hầu như mỗi tháng các em được đi chơi Disneyland một lần. Đặc biệt, tuy ngân khoản do chính phủ tài trợ không có bữa ăn trưa nhưng chúng tôi vẫn tổ chức bữa ăn trưa cho các em từ Thứ Hai đến Thứ Năm,” bà nói thêm.
Ông Chung Phan tâm sự: “Xe để chở các em là xe riêng của mình, cộng cả tiền lương với xăng xe thì mỗi tháng tôi lãnh được một ngàn mấy, chỉ nuôi sống đủ cho mình. Tuy cuộc sống gia đình có khó khăn, nhưng cố gắng gói ghém thì cũng sống được.”
“Tôi không có ý định chuyển công việc, vì sống với các em dần dần có tình thương. Nghề này ai không có lòng thì khó làm được, thứ nhất là đồng lương, thứ hai là khó khăn nhiều quá. Thật sự, nếu nghĩ tới tới lương thì khó mà làm được. Sống với các em mới thấy thương các em. Làm sao mà càng ngày các em càng hiểu được, biết được thì đỡ cho chính các em, chứ nhiều khi các em không hiểu được thì tội lắm,” ông nói.
Bà Nguyễn Phượng cho hay: “Thật sự ở đây lương không cao, nhưng cũng đủ để tự lo tài chính cho mình và phụ giúp được cho chồng lo cho gia đình. Hiện tôi chỉ muốn có đủ thời giờ để giúp các em, chứ không mong muốn gì hơn.”
Bà Hà Lệ Hoa cho biết: “Gia đình cũng tiếc cho tôi, do công việc là thiết kế nhà cửa, nhưng lại đi làm nghề này. Bạn bè trong ngành kiến trúc kêu tôi ra làm chung, nhưng tôi nói thôi. Ở đây thì sống vừa đủ, không dư dả gì cả, nhưng công việc rất ý nghĩa đối với tôi. Thấy các em có sự thay đổi thì tôi mừng lắm, không muốn đi đâu cả.”
“Tôi cố gắng đề ra sinh hoạt này kia để giúp các em hòa nhập vào xã hội. Một ngày tới đây các em vui vẻ, về vui vẻ, ăn ngon ngủ ngon, nhất là về nhà không quậy cha mẹ là tôi vui rồi. Để các em trở thành người bình thường thì khó, nhưng để các em vui vẻ, an toàn là giúp các em sống đỡ gánh nặng cho gia đình và xã hội,” bà chia sẻ.
Westminster đóng đường khu vực Little Saigon diễn hành Tết Mậu Tuất
Thành phố Westminster sẽ đóng một số đường trong khu vực Little Saigon gần trục lộ Bolsa, chuẩn bị cho Diễn Hành dịp Tết Mậu Tuất mang tên ‘Xuân Quyết Thắng.’