Chuyển quyền tại Mỹ: Một giai đoạn đầy nguy hiểm

Cuộc bầu cử tổng thống 2020 và việc ông Donald Trump không chịu nhận thua mà còn tìm mọi cách để đảo ngược kết quả bầu cử cho người ta lưu ý đến một nhược điểm quan trọng trong thể chế chính trị Mỹ, đó là việc chuyển quyền giữa hai vị tổng thống tân và cựu và những nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra.

02:30 24/12/2020

Giai đoạn chuyển quyền giữa hai vị tổng thống tại Mỹ là một trong những giai đoạn ít được các nhà chính trị học nghiên cứu nhất trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Thế nhưng ngay từ khi Mỹ trở thành cường quốc bá quyền trên thế giới, giai đoạn giữa hai vị tổng thống này chính là giai đoạn mà các quốc gia khác trên thế giới trông vào với vừa e ngại vừa hy vọng.

Dù là một người thân tín với Tổng Thống Donald Trump, nhưng đến những ngày cuối cùng, Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr vẫn phải dứt áo ra đi. (Hình: AP Photo/Evan Vucci, File)

Khi Hoa Kỳ trở thành quốc gia dân chủ đầu tiên trong thế kỷ thứ 18, Hoa Kỳ cũng là nước đầu tiên đưa vào chính trị thế giới khái niệm chuyển nhượng quyền lực từ một vị nguyên thủ còn sống sang một vị nguyên thủ khác. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng đưa ra khái niệm một thời gian chuyển tiếp chính trị – giai đoạn giữa lúc một lãnh tụ mới được bầu lên và lúc ông ta chính thức nắm quyền. Trước đó, các chế độ quân chủ có hình thức nhiếp chính (regency) thông thường khi vị quân vương còn trẻ thơ và quyền lực được một vị thân thích hoặc một vị quan nào đó trong triều nhân danh nhà vua tạm nắm (chế độ thủ tướng tại Anh phát xuất từ quan niệm này).

Thế nhưng nước Cộng Hòa Mỹ non trẻ từ bỏ quan điểm nhiếp chính. Một vị tổng thống hết nhiệm kỳ, dù bị dân chúng đuổi việc hay không còn được phép tái cử, không cai trị nhân danh vị tổng thống mới mà vẫn còn giữ đủ toàn bộ quyền hành cho đến khi ông (bà) tổng thống mới tuyên thê nhậm chức. Và chính điều này tạo ra một giai đoạn tranh tối tranh sáng giữa hai triều đại tổng thống, tạo ra nhiều vấn đề cho ông tổng thống mới cũng như cho nước Mỹ và thế giới.

Vấn đề này bắt đầu ngay từ khi Mỹ mới lập quốc. Khi John Adams thay thế George Washington vào năm 1797, giai đoạn này kéo dài bốn tháng kể từ khi Adams được Cử Tri Đoàn bầu lên vào Tháng Mười Hai cho đến khi ông tuyên thệ nhậm chức vào Tháng Ba năm sau. Phải đến thời Đại Khủng Hoảng của những năm 1930, nước Mỹ mới cắt đi sáu tuần lễ của thời gian chuyển tiếp. Bốn tháng cai trị của một ông tổng thống “vịt què” thì quá dài đối với một quốc gia trong cơn khủng hoảng trầm trọng. Tu Chính Án Thứ 20 của Hiến Pháp Mỹ dời ngày tuyên thệ của tổng thống đến ngày 20 Tháng Giêng.

Sau Thế Chiến Thứ 2, Mỹ trở thành cường quốc bá quyền trên thế giới với một mạng lưới các liên minh, nhiều hoạt động quân sự hoặc công khai hoặc ngấm ngầm trên khắp thế giới, thì ngay cả một thời gian chuyển tiếp 11 tuần cũng nhiều khi có vẻ quá dài, cung cấp cơ hội cho những tai nạn bất ngờ hoặc là những hiểu lầm nguy hiểm. Tuy rằng người Mỹ trong giai đoạn đầu của Chiến Tranh Lạnh đã có thể sửa đổi Hiến Pháp để giới hạn triều đại của một tổng thống xuống chỉ hai nhiệm kỳ, nhưng họ cũng chưa thấy sự cần thiết phải rút ngắn lại hơn nữa thời gian chuyển tiếp giữa hai tổng thống. Lý do có lẽ là vì sự gia tăng nhanh chóng trong tầm mức của chính phủ liên bang khiến một chính quyền mới phải chuẩn bị bổ nhiệm một số viên chức mới càng ngày càng đông.

Nhưng chính vì vậy, trong thời đại của các siêu cường này, các giai đoạn chuyển tiếp thường tạo ra những vấn đề. Tuy rằng trước Donald Trump không có một ông tổng thống nào phủ nhận sự chính đáng của người thay thế mình, nhưng cũng có ba nguyên nhân chính mà không ít thì nhiều đóng góp vào việc làm cho thời gian chuyển tiếp này tạo ra nhiều vấn đề cho nước Mỹ và thế giới.

Thứ nhất, các vị tổng thống trong những ngày tháng cuối của nhiệm kỳ mình thông thường vẫn quan tâm đến di sản mình để lại trong lịch sử. Và phản ứng này, phần nhiều có dính dáng đến các vấn đề ngoại vụ đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho vị tổng thống sau.

Thứ hai, nếu có những khác biệt quan trọng giữa quan điểm về cai trị giữa hai vị tổng thống mới và cũ, nhiều vấn đề quan trọng có thể bị bỏ quên sau thời gian chuyển tiếp.

Và thứ ba, tuy rằng rất hiếm, một vị tổng thống mới đắc cử có thể tích cực gây khó khăn cho tổng thống đương nhiệm.

Việc chuyển tiếp giữa Tổng Thống Dwight D. Eisenhower và tổng thống mới đắc cử John F. Kennedy là một thí dụ điển hình của việc gây dựng di sản vào phút chót với những hậu quả tai hại.

Trong 19 tháng cuối cùng cầm quyền, Tổng Thống Eisenhower đã cho phép CIA tiến hành một loạt các chương trình thay đổi chế độ tại các nước nay là Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Công Hòa Dominican và quan trọng nhất là chống chế độ Fidel Castro tại Cuba. Không một chương trình nào được hoàn tất vào lúc ông Kennedy tuyên thệ nhậm chức.

Và quả thật tuy rằng phó tổng thống của ông Eisenhower bị thua trong cuộc bầu cử chống lại ông Kennedy, không một chương trình nào trong đó được ngưng lại hoặc là giảm tầm mức để đợi chính quyền mới lên quyết định có tiếp tục hay không.

Ngược lại chính quyền Eisenhower gia tăng tốc độ hy vọng rằng có thể hoàn tất trước khi ông Eisenhower rời nhiệm sở. Hậu quả là ông Kennedy thừa hưởng một nhóm những người Cuba lưu vong ngày càng đông mà không còn được hoan nghênh nữa tại Guatemala, nơi mà cơ quan CIA huấn luyện họ để lật đổ chế độ Fidel Castro, một điều mà đã đóng góp không nhỏ đến thảm bại tại Vịnh Con Heo.

Trường hợp thứ hai có thể thấy trong việc chuyển tiếp từ Bill Clinton sang George W. Bush. Tuy rằng việc chuyển tiếp này không có những vấn đề như năm 2020 nhưng cũng có một số chương trình và chính sách mà chính quyền cũ để lại nhưng không được chính quyền mới coi là quan trọng. Ông Bill Clinton tìm cách báo động cho ông Bush về nguy cơ tổ chức Al Qaeda của Osama Bin Laden tạo ra. Mặc dầu vậy, chính quyền Bush phải mất chín tháng mới tập trung vào vấn đề của Al Qaeda và quyết định có nên thực hiện chương trình sản xuất loại “drone” vũ trang có khả năng tấn công – một quyết định mà dần dà dẫn đến việc sản xuất chiếc “drone” Predator.

Tuy rằng Ủy Ban 9/11 quyết định rằng, chính quyền Bush không bỏ lỡ cơ hội nào để ngăn chặn cuộc tấn công 9/11 nhưng sự ngừng lại trong việc tập trung theo dõi hoạt động của Al-Qaeda trong chín tháng trời chắc cũng có đóng góp phần nào trong việc tạo ra sự tấn công 9/11 kia. Và nó chắc chắn cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố của ông Bush sau 9/11.

Trường hợp thứ ba có thể thấy sau cuộc bầu cử 1968 trong đó ứng cử viên Richard Nixon tích cực thức đẩy Tổng Thống Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu để rồi sau đó chấp nhận những điều kiện còn tệ hơn là những gì chính quyền Lyndon B. Johnson có thể đạt được.

Một thí dụ nữa là sự chuyển tiếp từ chính quyền Obama sang chính quyền Trump. Trump không đợi đến cả lúc bầu cử để phá hoại chính sách của chính quyền Obama trừng phạt Nga vì can thiệp vào cuộc bầu cử 2016. Michael Flynn, người được Trump cử làm cố vấn an ninh quốc gia, đã ra dấu hiệu cho người Nga rằng chính quyền mới sẽ có cái nhìn tốt hơn đối với Moscow.

Trong cuộc chuyển tiếp lần này, tuy rằng có những cố gắng của chính quyền Trump để lật ngược lại kết quả bầu cử, nhưng may mắn ta không thấy những hoạt động tìm cách phá hoại chính quyền mới của Trump.

Trái với những gì người ta e ngại, ông Trump không dùng những ngày cuối cùng của chính quyền mình để phá hoại NATO hoặc gây rối tại các nơi khác. Ngay cả một hành động chống lại Tehran có vẻ cũng không được Trump cho thực hiện bất kể những thúc đẩy của Ngoại Trưởng Mike Pompeo và quan hệ mật thiết của gia đình Trump với các chính quyền Israel, Saudi Arabia và UAE.

Mặc dầu vậy việc chuyển tiếp từ chính quyền Trump sang chính quyền Biden cũng sẽ là một chuyện đầy khó khăn nhất là với sự bất hợp tác của các nhân viên chính quyền Trump với những người sẽ thay thế họ. Và điều này dẫn đến một vấn đề cấp bách quan trọng cho chính quyền mới của ông Biden: vấn đề phi Trump hóa chính quyền trung ương.

Trên phương diện này chính quyền Nixon có thể nói là cái gần nhất so với chính quyền Trump hiện nay. Sau khi Nixon đi xuống, các chính quyền Ford và Carter hợp tác với Quốc Hội để loại bỏ nhiều nguồn gốc định chế cho việc vi phạm luật của thời đại Nixon.

Tuy nhiên với chính quyền Biden công việc có thể khó khăn hơn. Những người thừa kế ông Nixon có thể dựa vào các quan chức của chính quyền Nixon mà vẫn còn trung thành với Hiến Pháp hơn là ông tổng thống của họ. Những người này sau trở thành nòng cốt của chính quyền Ford. Hiện nay chúng ta chưa có thể quyết định được rằng trong số những viên chức cao cấp mà ông Trump bỏ nhiệm bên ngoài các chức vụ chính trị, có bao nhiêu người như vậy.

Ngay cả trong trường hợp bình thường, việc chuyển giao quyền lực tại Mỹ cũng đã là một điều làm cho thế giới quan ngại. Thời gian chuyển tiếp lâu dài, công với việc thay thế một loạt các viên chức ở cấp bậc cao nhất vốn vẫn là những nguồn gây khó khăn cho cả chính sách đối ngoại lẫn đối nội.

Vì thù hận, tham lam, ông Trump đã tìm cách phá hoại hầu hết mọi khía cạnh của truyền thống chính trị Hoa Kỳ. Điều độc nhất mà người ta có thể an ủi là những hành động của tổng thống thất bại Donald Trump sẽ kích thích người Mỹ tìm cách sửa chữa những khuyết điểm trong hệ thống chính trị của mình, trong đó có cả việc rút ngắn giai đoạn chuyển tiếp quyền lực này. [qd]

Tags:
Quân đội Mỹ mất gần một năm chế khẩu trang vải

Quân đội Mỹ mất gần một năm chế khẩu trang vải

Lục quân Mỹ sắp cấp phát tấm che mặt rằn ri sau gần một năm phát triển, dù chỉ khác khẩu trang vải ở chất liệu và tên gọi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất