Chuyện tình nữ phi công Việt xinh đẹp và giám đốc khách sạn người Pháp
Cảm động trước việc anh bạn người Pháp nấu cơm, giặt ủi quần áo, đưa đón mình đi học, phi công Diệu Thúy chấp nhận làm vợ anh.
10:30 03/11/2019
Mỗi khi kết thúc một chuyến bay, nữ phi công Nguyễn Trần Diệu Thúy, quận Tân Bình, TP.HCM lập tức mở điện thoại gửi cho chồng tin nhắn ngọt ngào: “Máy bay vừa hạ cánh, hôn anh”.
Ở Pháp, anh Antoine Aubry (người Pháp) luôn dặn vợ gắng ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ để chuẩn bị tốt cho chuyến bay huấn luyện tiếp theo. “Nghề của chúng tôi phải ngủ đủ giấc, sức khỏe thật tốt mới được điều khiển chuyến bay tiếp theo”, người phụ nữ quê Quảng Trị nói.
Diệu Thúy và anh Aubry kết hôn hồi tháng 8/2018. Ban đầu, họ dự tính sau đám cưới, anh Aubry sẽ qua Việt Nam định cư cùng vợ. Thế nhưng, vì công việc không cho phép, họ phải sống cảnh chồng một nơi, vợ một nơi.
Diệu Thúy ở lại TP.HCM để tiếp tục hoàn thiện khoá huấn luyện đường dài giai đoạn cuối để trở thành phi công hàng không dân dụng. Còn anh Aubry về Pháp điều hành chuỗi nhà hàng, khách sạn, mở rộng mạng lưới kinh doanh. “Cả tôi và anh ấy đều có hoài bão trong công việc nên tạm xa nhau 1-2 năm”, người vợ năm nay 30 tuổi nói.
Họ quy định, cứ hai tháng vợ chồng gặp nhau 10 ngày. Lúc đó, cả hai bỏ công việc qua một bên để ở bên nhau. “Vợ chồng son mà gặp nhau ít nên giữa chúng tôi chẳng mấy khi có chuyện giận hờn”, Diệu Thúy nói.
Thúy trước đây là nữ diễn viên chính của nhiều bộ phim: Dốc sương mù, Đồng tiền đen, Huyền thoại 1C… Năm 2012, tốt nghiệp đại học cô quyết định từ bỏ nghề diễn để làm tiếp viên hàng không cho một hãng hàng không nước ngoài và có giấc mơ trở thành nữ phi công.
Mùa hè năm 2014, Thúy có chuyến bay đến UAE. Thời điểm đó, anh Aubry đến đây du lịch. Họ gặp nhau qua nhóm bạn chung.
“Anh ấy không thu hút, cao khều còn lạnh lùng. Gặp chúng tôi, anh chỉ chào qua rồi ngồi nghe chứ không thực sự tham gia câu chuyện. Lúc cả nhóm ăn, anh ra ngoài hút thuốc cùng một người bạn khác”, Thúy kể về lần đặt gặp anh chồng cao 1m90 và cho biết, thời điểm đó cô đang có bạn trai.
Dù không trò chuyện, nhưng Aubry âm thầm để ý cô tiếp viên hàng không người Việt có mái tóc đen thẳng, dáng người cao, nói tiếng Anh lưu loát. Từng làm trong ngành hàng không, anh nhanh chóng tìm được tên, những chuyến bay sắp tới của Thúy.
Kết thúc buổi gặp, Thúy có chuyến bay đến sân bay Charles De Gaulle ở một làng quê nước Pháp, cách thủ đô Paris 30 km. Lúc đó, nước Pháp đang mùa hè, cây cối xanh tốt, muôn hoa khoe sắc, thời tiết se lạnh thật êm đềm. Cạnh sân bay có một nhà hàng màu tím, trang trí đẹp, cô muốn cùng các nhân viên trong phi hành đoàn đến thăm quan nhưng chẳng ai đồng ý nên đi ngủ.
Biết được số điện thoại của Thúy, anh Aubry nhắn mời cô đến nhà hàng mình thưởng thức những món ăn nước Pháp. Không muốn đi, Thúy đùa: “Anh đến đây, tôi mời”. Vậy mà, mấy tiếng sau, anh Aubry gọi báo: “Tôi đến rồi”.
Buổi hẹn đầu tiên, cả hai cùng ngắm làng quê thanh bình, đi dạo trên con đường đủ các loại hoa và dừng chân ở nhà hàng máu tím Thúy thích. Biết Thúy đã có bạn trai, nhưng anh Aubry vẫn hài hước, thân thiện. Còn Thúy được hiểu hơn về chàng trai người Pháp, niềm đam mê công việc, sự lạc quan của anh với cuộc sống, không như ấn tượng ban đầu. Suốt hai năm sau đó, họ là bạn thân của nhau.
Tuy nhiên, mối tình giữa Thúy và bạn trai không thành. Bạn trai muốn cùng cô xây dựng tổ ấm tại một đất nước khác vùng Đông Âu nơi anh vừa được luân chuyển công tác. Thúy lại quyết định nghỉ nghề tiếp viên hàng không để đi học nghề phi công. Hai quan điểm trái chiều, họ chia tay.
Lúc đó, anh Aubry nhiều lần ngỏ lời yêu nhưng Thúy từ chối. Mỗi lần như thế, anh tự sáng tác một bài hát gửi tặng Thúy như muốn nhắn nhủ mình không bỏ cuộc.
Thúy bảo, vì hai người nói chuyện hợp nên chỉ xem anh như bạn để trút bầu tâm sự. Aubry thì khác, anh vẫn đi thăm cô bạn người Việt hai tháng một lần, tìm hiểu thông tin về chuyến bay, địa danh Thúy sẽ tới để bay đến, cùng cô đi dạo ngắm phố phường, khám phá văn hoá và ẩm thực nơi đó.
Một lần, anh nói: “Vì anh yêu em nên anh sẽ để em đi”. Câu nói làm Thúy suy nghĩ rất nhiều về tình bạn, những kỷ niệm cả hai có với nhau và tương lai sau này.
Cô đáp: “Em đã tiết kiệm 7 năm để theo đuổi giấc mơ làm phi công. Bây giờ, em chỉ muốn dành thời gian cho việc học. Anh có chờ được em không?”.
Anh ôm siết lấy cô rồi chậm rãi nói: “Anh sẽ luôn ủng hộ em, cùng em vượt qua mọi khó khăn, và anh tin chúng ta sẽ làm được, chỉ cần em luôn tin vào tình cảm này”. Thuý rơi nước mắt vì cảm động. Tuy nhiên, cô vẫn muốn thử thách Aubry thêm.
Mùa hè năm 2016, Thúy tham gia khoá học “Lý Thuyết vận tải hàng không”. Biết cô đang trong thời gian ôn thi, Aubry quyết định qua Việt Nam du lịch một tháng, tìm cơ hội chứng tỏ sự chân thành.
“Anh tự nguyện được nấu cơm, giặt đồ cho tôi. Mỗi ngày tôi đi học về luôn có một món ăn mới chờ đợi, bộ đồng phục học viên đã được giặt và chính tay anh là thẳng đẹp”, Thúy nhớ lại.
Cuối cùng cô mủi lòng và nhận lời yêu. Vào dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam, Aubry tổ chức một buổi tiệc ở bờ biển Nha Trang, Khánh Hòa cầu hôn bạn gái. “Tôi tập trung mở chai rượu, ngước lên đã thấy anh quỳ xuống, tay cầm chiếc nhẫn rồi”, Thúy cảm động vì màn cầu hôn của chồng.
Sau khi hoàn thành khoá học ở Việt Nam, Thúy phải đến Mỹ học khóa bay cơ bản. Trước khi đi, cô đưa bạn trai về ra mắt gia đình và được chấp thuận. Vì khoảng cách địa lý và muốn gắn kết lâu dài họ đưa nhau đi đăng ký kết hôn trước. Sau đó, Thúy đến Pháp sống cùng chồng ba tháng.
Tháng 5/2017, nước Pháp có đợt không khí lạnh. Phải chia tay chồng để qua Mỹ, Thúy chẳng muốn một chút nào, nhưng không thể làm khác. Nhớ vợ, hai tháng sau Aubry bay đến Mỹ ở cùng vợ một tháng.
“Tôi đi học cả ngày, anh ấy nấu ăn, giặt quần áo, đưa đón tôi đi học suốt tháng liền. Lúc đó, trông anh thật đáng yêu”, Thúy hạnh phúc nói.
Hơn hai năm là vợ chồng, vì khoảng cách địa lý, họ phải sống xa nhau, thế nhưng, cả Thúy và Aubry đều thương yêu, tôn trọng, hỏi ý kiến nhau mỗi khi quyết định việc gì. Họ cũng ký hợp đồng hôn nhân với nhau. Trong đó cam kết phân chia tài sản nếu xảy ra ly hôn, cùng nhau hỗ trợ trong công việc, việc nhà và chăm sóc con, tôn trọng tin tưởng lẫn nhau.
“Việc lập hợp đồng hôn nhân không phải vì chồng tôi có nhiều tiền, sợ phải chia sẻ với tôi hay ngược lại mà do anh ấy nhận thấy việc đầu tư kinh doanh của mình có yếu tố rủi ro. Anh không muốn khi công việc thất bại tôi lại phải chịu trách nhiệm chung, dù tôi tự nguyện chung vai gánh vác với anh. Bản hợp đồng này cũng có nguồn gốc từ văn hóa Pháp. Gia đình anh ai lập gia đình cũng vậy”, Thúy giãi bày.
Nữ phi công trẻ cho biết, hiện cả cô và chồng phải tập trung cho công việc nên chưa có kế hoạch sinh con. Cả hai cũng đang học tiếng của nhau để hiểu nhau hơn và có thể giao tiếp cùng họ hàng hai bên.
“Con cái là duyên. Công việc của tôi giờ chỉ mới bắt đầu, còn phải học hỏi nhiều. Nếu sinh con, phải nghỉ ít nhất một năm. Sau đó, đi làm lại mọi thứ lại bắt đầu từ con số không. Tôi muốn chuẩn bị mọi việc tốt nhất khi có con”, Thúy tâm sự.
Tú Anh
Một triệu USD mua được nhà cỡ nào tại 10 thành phố lớn của Mỹ
Với một triệu USD, bạn sẽ sở hữu ngôi nhà rộng 500 m2 tại Memphis (Tennessee) nhưng chỉ được căn hộ tầm 100 m2 tại San Francisco (California).