Chuyện tình sét đánh của chàng trung tá lục quân Mỹ gốc Việt
Giây phút cùng cô gái mới gặp tô một bức tranh, chạm phải mắt nhau, chàng sĩ quan Lý Vĩnh Thắng đã thấy tim mình xao động.
09:00 26/06/2019
Ngay buổi hẹn hò đầu tiên Lý Vĩnh Thắng đã nghĩ người con gái này là "của để dành" cho mình. Và ngày 3/9, chàng trung tá lục quân Mỹ gốc Việt trở thành chú rể. Người con gái ấy đã thành cô dâu của anh. Trên thảm cỏ xanh, bờ biển dài, gió nhẹ ở Đà Nẵng, chàng quân nhân kể lại chuyện tình cổ tích của mình, khiến ai nấy tham gia hôn lễ đều xúc động.
Anh Lý Vĩnh Thắng, tên thường gọi là Jacky Ly, sinh ra trong dòng họ Lý ở Đồng Văn, Hà Giang. Năm lên 13 tuổi anh theo gia đình định cư tại Mỹ. 18 tuổi, anh vào quân đội, theo học ngành điện tử, sau đó học lên thạc sỹ ngoại giao tại trường quân sự Johns Hopkins.
Cách đây 4 năm, khi 36 tuổi, anh nhận chức vụ Trưởng phòng hợp tác quân sự Mỹ - Việt tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Kết thúc nhiệm kỳ tháng 6 vừa qua, anh trở thành cố vấn quân sự thuộc Phái đoàn ngoại giao Mỹ tại ASEAN (US Mission to ASEAN) ở Jakarta, Indonesia.
Cuộc đời binh nghiệp của chàng trai quê gốc Hà Giang đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi gặp được một nửa đời mình - người con gái mang tên Phượng Các (tên thường gọi là Angelina).
Phượng Các sinh ra trong một gia đình khá giả ở Sài Gòn. Khi 15 tuổi, cô theo mẹ sang Mỹ định cư và theo học ngành thiết kế thời trang, sau đó học tiếp ngành ngoại giao tại đây. Cô từng làm tại lãnh sự quán Ireland ở Mỹ, rồi chuyển sang công tác tại hãng hàng không ANA của Nhật Bản ở Mỹ.
Chị Phượng Các giản dị và mộc mạc, chưa từng trải qua mối tình nào nhưng đã bị hấp dẫn bởi sự thông minh, trung thực của anh Thắng. |
Chàng sĩ quan kể, anh quen biết với họ hàng của Các từ rất lâu và cũng nghe nói về cô, nhưng do công việc bận rộn nên chưa có cơ hội tìm hiểu. Cho tới Noel năm 2016, anh được cho Facebook của Các. "Tôi gửi lời kết bạn mà cô ấy mãi không nhận lời. Tôi mới nghĩ cô gái này cũng thú vị đấy", anh Thắng cười hóm hỉnh nhớ lại.
Phượng Các khi đó 29 tuổi, chỉ thích đi làm, giao lưu bạn bè và thưởng thức đồ ăn. Bị mẹ thúc ép, Các mới thử trò chuyện cùng chàng trai này. Cô gái vốn chẳng thích tìm hiểu người khác giới, nhưng lần này đã thay đổi.
"Anh ấy có phản xạ với mọi việc rất nhanh, không như tôi có khi tới vài ngày sau mới nghĩ ra. Đơn cử như chuyện chúng tôi thấy một bài đăng trên Facebook có hình ảnh một chú chó rất xinh. Vừa lướt qua ảnh, anh ấy đã nói: 'Chú chó này qua đời rồi'. Tôi ngạc nhiên: 'Ồ, người ta đăng lên đâu nhất thiết chú chó đã chết'. Nhưng quả thực, khi xem toàn bộ album thì đúng là chú chó đó đã ra đi thật", Các kể.
Nhiều lúc cô mới đang gõ chữ, anh đã hiểu sâu hơn cả điều cô muốn nói. Điều cô gái quê Sài Gòn còn thấy "tâm đầu ý hợp" nữa là, chàng trai chưa từng gặp mặt học cùng ngành ngoại giao như cô - ngành rất ít tại Mỹ theo đuổi.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius làm chủ hôn lễ. |
Sau những ấn tượng ban đầu, giữa tháng 1/2017, anh Thắng xin được gặp mặt Các. Ngày hẹn hò đầu tiên, anh bay từ Việt Nam qua Mỹ. Cô nhân viên hàng không cảm nhận rõ tính cách trung thực từ chàng quân nhân. Còn anh, thấy ái mộ cô gái đối diện biết đàn, nhảy, vẽ tranh, trong khi mình không thạo những thứ đó.
"Hai chúng tôi cùng tô một bức tranh hoạt hình Disney, cùng cởi mở về nhau, thi thoảng ngước lên chạm phải mắt nhau. Tôi rất muốn nhìn sâu vào đôi mắt cô ấy nhiều hơn. Tôi nghĩ mình đã yêu từ lúc đó", chàng trung tá bồi hồi kể.
Những ngày sau, họ đi hiking (đi bộ) trong rừng, thử rượu vang ở thung lũng Napa, tham quan cây cầu Cổng Vàng ở San Francisco. Một ngày 24 tiếng thì tới 16 tiếng họ đi cùng với nhau. Sau 3 ngày, anh Thắng càng thêm thiện cảm hơn khi nàng không ăn vận sành điệu, không trang điểm, móng tay cũng chưa từng tô vẽ. Ở cô có nét mộc mạc, trong lành.
"Trước khi quay về , tôi nói với cô ấy cảm xúc của mình. Cô ấy đáp: 'Chúng ta mới gặp nhau 3 ngày. Anh nói vậy có sớm không'. Tôi vốn là người tự tin vào bản thân mình, đặc biệt cảm xúc này 40 năm qua tôi chưa từng thấy nó chắc chắn vậy. Thời gian 3 ngày tuy ngắn, nhưng chúng tôi đã ở bên nhau cả ngày, tôi tin cô ấy chính là người mình tìm kiếm", anh bộc bạch.
Ngay hôm sau, anh Thắng viết hai bức thư gửi cho mẹ và bác của Các để cho biết mình rất nghiêm túc với mối quan hệ này và mong được gia đình tạo điều kiện cho tìm hiểu.
Hôm 3/9, đám cưới của đôi uyên ương đã diễn ra trong một buổi chiều gió nhẹ ở bãi biển Đà Nẵng. |
Hai tháng sau lần gặp đầu, nàng về gặp chàng. Tháng sau đó, chàng lại qua Mỹ thăm nàng. Đến lúc này, tình yêu đã nồng cháy trong họ, đến mức làm "trẻ hoá" cả hai con người đã ở độ tuổi chín chắn này.
Phượng Các chia sẻ, trước đây cuối tuần cô thường ra ngoài chơi và không thích dùng nhiều điện thoại, hay Facebook. Nhưng từ khi yêu, tần suất cô ra ngoài ít hẳn và dành hầu hết thời gian rảnh để gọi điện cho bạn trai.
"Do hai đứa ở múi giờ ngược nhau và đặc thù công việc cần bảo mật, nên chúng tôi thường chỉ nói chuyện được lúc tôi lái xe đi làm, còn anh đang tan làm về nhà", cô chia sẻ.
Anh Thắng cũng thức muộn hơn, dậy sớm hơn chỉ để gửi cho cô một tin nhắn.
Đêm nào, cô gái ở Mỹ cũng gửi tình yêu về Việt Nam qua bài hát da diết: "Cho em gần anh thêm chút nữa". Chàng quân nhân chỉ chờ có vậy để thiếp vào giấc mơ êm đềm.
Tháng 5 vừa qua, hai người đăng ký kết hôn tại Hawaii. Sau lễ cưới đơn giản tại đó, chàng quân nhân lên kế hoạch tổ chức một đám cưới như người phụ nữ của mình mong muốn, trên bờ biển ở quê nhà Việt Nam.
Trước đám cưới vài ngày, anh thường trốn vợ ra ngoài đi học khiêu vũ và luyện tập vũ đạo với các bạn ở nước ngoài. Vào hôn lễ hôm 3/9, không chỉ cô dâu mà tất cả quan khách cũng cười không ngớt trước những điệu nhảy đẹp của chàng sĩ quan và các bạn đồng nghiệp.
Anh Thắng chia sẻ thêm, anh là người rất nghiêm khắc. Lúc mới quen anh vẫn nghiêm túc và đòi hỏi như vậy với Các, ví như giờ giấc, suy nghĩ theo cách của mình.
"Sau đó tôi mới nhận ra sự đòi hỏi này là vô lý, bất công với cô ấy và cả người thân của mình. Tôi không thể đòi hỏi ở cô ấy cũng giống như binh lính của mình được. Vì thế tôi đã thay đổi và đang cố điều chỉnh hơn nữa", anh bộc bạch.
Tương ớt của người nông dân gốc Việt chinh phục nước Mỹ
Thương hiệu tương ớt Sriracha khuynh đảo thị trường Mỹ từ những năm 80 của thế kỷ trước được xây dựng bởi David Trần, một người nông dân gốc Việt.