Cô gái ‘con lai’ và hành trình tự tìm được cha và nguồn gốc
“Tôi tìm được cha là nhờ chị Minh, cũng là con lai. Chị Minh tự đi tìm người cha Mỹ của chị, và giúp tôi tìm được cha của mình trong thời gian rất nhanh.”
06:04 25/10/2017
Những thông tin đầu tiên chúng tôi có về “chị Minh” chỉ như vậy, qua lời của chị Nguyễn Thị Kim Nga, nhân vật chính trong bài “Ông người Mỹ, bà người Việt, và đứa con lai trùng phùng sau 48 năm.”
Chi tiết một người con lai không chỉ có thể tự đi tìm cha cho mình mà còn giúp nhiều con lai khác tìm được cha khiến tôi cảm thấy nể phục.
Không chỉ vậy, khi tiếp xúc, chuyện trò với chị Minh với mục đích hỏi cách thức “tìm cha” như thế nào để hướng dẫn lại cho nhiều độc giả trong hoàn cảnh tương tự đang chờ đợi để biết, thì câu chuyện của riêng chị quả thật cũng đáng để nhiều người cùng đọc để thấy mình được truyền cảm hứng như thế nào cho những điều tưởng chừng như tuyệt vọng.
Chị Minh tên đầy đủ là Mindy Millwee Nguyễn, hiện sống ở thành phố Ohama thuộc tiểu bang Nebraska.
Ly kỳ câu chuyện tự mình đi tìm nguồn gốc
Qua Mỹ theo diện con lai năm 1990, hành trang chuẩn bị cho chặng đường đi tìm cha của Minh chỉ vỏn vẹn có “Ba tên John, nghề nghiệp kỹ sư, làm cho hãng RMK.”
Nhưng, những thông tin đó không đủ để Hội Hồng Thập Tự giúp Minh tìm cha. Những thông tin đó cũng không khiến hãng RMK cung cấp thêm cho Minh bất cứ chi tiết cá nhân nào về cha cô bởi sự bảo mật riêng tư. “Nếu ba tôi từng là lính thì mọi chuyện sẽ dễ hơn, bởi bên Bộ Quốc Phòng họ sẽ giúp. Còn ba tôi chỉ là kỹ sư ký hợp đồng làm việc cho các đơn vị quốc phòng nên họ không giúp được,” Minh nói.
Tuy nhiên, người con gái từng lấy câu nói của bà ngoại “ngoại tin chắc rằng một ngày nào đó ba con sẽ về tìm con, ba con không bỏ con đâu” để làm nghị lực sống, vượt lên những nghiệt ngã, ngang trái của xã hội, vẫn không từ bỏ ý định phải tìm cho bằng được cha đẻ của mình, phải để ông được nhìn thấy con gái ông đã thành nhân và biết sống tốt như thế nào.
Không tìm được bằng cách này, Minh lần mò những cách khác, cho đến lúc hiểu về tính di truyền DNA là Minh lại chìm đắm trong hành trình tìm cha, từ việc lên Google tìm kiếm, ghi danh vào những nhóm cùng mục đích để san sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm, rồi tự lên mạng tìm mua bộ dụng cụ thử DNA để làm và gửi mẫu đi. Chờ kết quả gửi về, và tìm hiểu cách đọc. Đó là chưa kể hãng này không cho kết quả trùng khớp nhiều thì lại phải chuyển qua hãng khác. Cứ thế trong suốt nửa năm với từng đêm mày mò với AncestryDNA, FamilytreeDNA.
Minh nhớ lại, “Khi tìm, tôi không may mắn có kết quả trùng khớp gần, mà tế bào di truyền của tôi lại khớp với ‘second cousin’ của ba tôi lận, nghĩa là người đó với tôi là chung ông bà sơ, tức ông bà sơ của tôi là ông bà cố của người đó.”
“Tôi nghĩ có lẽ Chúa giúp tôi vì khi kết quả thử DNA mà ‘match’ quá xa như vậy thì việc tìm không dễ, vậy mà tôi lại làm được. Cứ nhẩm tính đời ông bà là mỗi người có 4 ông bà nội ngoại, đến đời ông bà cố là 8, đến ông bà sơ là 16. Trong đó có một nửa là nhánh bên mẹ là Việt Nam, thì còn lại 8 người Mỹ. Tôi phải lần tìm ra hết coi ông bà sơ của mình có bao nhiêu người con, rồi tôi lại ghi ra mỗi người con đó có gia đình là ai. Rồi con của họ là ai. Tôi mất 6 tháng, ngồi từng đêm để mày mò tìm kiếm như thế,” chị kể.
Nhưng Minh cho rằng chị “may mắn” bởi vì “khi đã xác định được ông bà cố của mình thì chỉ có trong vòng một ngày thôi là tôi tìm ra được ba của tôi.”
Chị giải thích, “Lý do là đến đời ông bà cố của tôi thì họ chỉ có hai người con trai là ông nội tôi và anh của ông nội. Khi tôi vào xem phần của anh ông nội thì thấy ông ấy không có con trai, chỉ có con gái, thế là tôi loại ra liền. Vậy tôi biết chắc người còn lại là ông bà nội của mình. Khi tôi vào danh sách ông bà nội của tôi thì thấy họ có hai người con trai và một con gái, trong đó có một người tên John, mà tôi biết ba tôi tên John.”
Niềm vui của người đến đích khiến Minh như ngạt thở.
Thế nhưng. Đời luôn có những chữ “nhưng” nghiệt ngã
“Khi tôi tìm vào tên John thì thấy ghi ‘chết.’ Tim tôi như vỡ vụn liền ngay lúc đó,” Minh kể lại khoảnh khắc đau đớn ngay lúc chạm đến đích mà mình đã lần theo từ mấy mươi năm qua.
Coi tiếp, Minh thấy thêm chi tiết cha cô mất năm 1975 vì tai nạn. “Khi đó tôi tin chắc 95% đây là cha của mình rồi,” người con gái kể lại bằng giọng nghèn nghẹn.
Theo gia phả đó, Minh có một người cô tên Melinda và một người chú tên Charle. Cô Melinda là nữ, có thể đã theo chồng đổi họ, Minh không thể lần tìm được. Nhưng với chú Charle thì Minh tìm kiếm và biết ông hiện đang ở đâu. Chị viết ngay cho ông một lá thư, gửi bảo đảm yêu cầu có người ký nhận.
Để rồi chị hiểu chuyện gì đã xảy ra, sau khi xâu chuỗi các dữ kiện.
‘Ba mất vì tai nạn xe máy trong khi đi tìm tôi và mẹ tại Việt Nam’
Trong thư gửi cho người chú, Minh cho biết, chị được sanh ra vào năm 1968 từ mối tình của cha chị, ông John, một kỹ sư làm theo hợp đồng cho sân bay khi đó, và má chị, một người phụ nữ có sạp buôn bán trái cây cùng gia đình tại Sài Gòn.
Khi Minh được hơn 1 tuổi, tức năm 1969, ba chị cho biết ý định không muốn quay trở lại Việt Nam nữa khi hết hợp đồng với hãng, bởi chiến tranh càng lúc càng khắc nghiệt. Ông muốn mang mẹ con chị sang Mỹ cùng ông. Mẹ chị lại không muốn rời xứ sở với lý do người em trai của bà vừa mất, bà không thể để mẹ của bà ở lại Việt Nam một mình. Thế là hai người giận nhau.
Tuy nhiên, sau đó ông John đề nghị sẽ làm khai sanh cho đứa bé để ông cấp dưỡng nuôi con cho đến khi đứa bé được 18 tuổi thì muốn đi Mỹ hay ở Việt Nam là tùy.
Thoạt đầu mẹ chị đồng ý. Nhưng rồi bà lại nghĩ nếu lỡ như vậy ba bắt Minh đi luôn sang Mỹ thì sao. Nỗi lo lắng đó khiến bà bất an và quyết định ẵm Minh bỏ trốn.
Mẹ con chị mất liên lạc với ba cô từ đó, năm 1969.
Cũng trong lá thư, Minh kể cho chú Charle biết cách thức chị đã lần theo chuỗi DNA để tìm ra nguồn cội của mình như thế nào. Chị nói chị biết rằng ông bà nội chị có hai người con trai, trong đó 95% cô nghĩ người tên John là cha đẻ của chị đã chết, nhưng chị hy vọng 5% còn lại ông Charle là cha của mình.
Đếm từng ngày từ lúc lá thư gửi đi, lẽ ra đã phải có người nhận, lẽ ra phải có hồi âm. Nhưng sau hơn một tuần lễ trôi qua mọi thứ vẫn bặt tăm. Đây cũng là lúc Minh tìm ra được luôn cả nơi yên nghỉ của cha chị, tên ngôi trường ngày xưa ba chị từng cắp sách ở San Antonio tiểu bang Texas.
Nhiều câu hỏi thi nhau nảy nở trong đầu Minh, thậm chí có cả nỗi hoài nghi “Hay là chú Charle đã chết luôn rồi?”
Hoang mang. Nóng ruột. Và lớn hơn cả là nỗi khao khát của một đứa con muốn đặt chân đến nơi có người cha đang nằm xuống, Minh quyết định lái xe đi San Antonio. Dĩ nhiên, chồng và hai người con trai của Minh cũng tháp tùng chuyến đi tìm nguồn cội.
“Đầu tiên tôi đi thăm mộ ba tôi. Do đã tìm hiểu trước nên tôi biết mộ ba ở đâu, mộ ông bà nội, ông bà cố ở đâu, vì nghĩa trang đó toàn là dòng họ không à. Tôi đi vô trường trung học ngày xưa ba tôi học, và điểm cuối cùng là nhà chú Charle,” Minh kể.
Đến nơi, nhìn thấy “cả đống thơ để ngoài trước, trong đó có cả lá thư của tôi, lúc đó mới nghĩ là họ đi vacation nên không ai ở nhà hết.”
Tại đây, Minh viết thêm một lá thư tay cho biết chị đã tới nơi này.
Chị nhớ lại, “Khi đó hai thằng con tôi đứng mà run lắm, nó nói không biết người ta có nhìn mẹ không mà mẹ đi ngay đến nhà người ta như vậy. Tôi nói tôi không quan tâm đến việc người ta có nhận mình hay không, mục đích của tôi chỉ là đến xem chú còn sống hay chết mà thôi.”
Một tuần sau khi trở về nhà, Minh nhận được một cú điện thoại từ San Antoino gọi đến. Nhìn thấy số điện thoại, chị đoán ngay người gọi. Và “tự dưng tôi thấy run.”
Sau khi “A lô,” Minh nghe từ phía bên kia tiếng một người đàn ông nói, “I think I’m your uncle.” (Chú nghĩ chú là chú của con.)”
Niềm xúc động vỡ òa. Cô không nói được lời nào sau khi cố gắng hẹn với chú cho cô được gọi lại sau 10 phút nữa.
Và họ đã nhận ra nhau, là họ hàng, rất gần.
Câu chuyện từ phía người chú đã giúp Minh chắp nối lại được những hình ảnh sau cùng của cha cô.
Ra là, sau khi mẹ Minh bồng cô chạy trốn, cha cô đã mỗi ngày chạy xe Honda đến ngôi nhà cũ để tìm, để chờ đợi trong đau khổ – theo lời của người hàng xóm kể lại.
Và ông bị té xe Honda ở Việt Nam chỉ một tuần sau ngày mẹ Minh mang cô đi trốn.
Hãng nơi ông làm việc lập tức đưa ông trở lại Mỹ để điều trị. Dù vậy, não ông đã bị tổn thương, trí nhớ không bình thường nữa. Ông sống thêm được mấy năm, bị động kinh rồi chết.
“Theo lời chú, ba tôi không có vợ, nên xem như tôi là con duy nhất của ba,” Minh cho biết.
Theo lời Minh kể, mấy tuần sau cuộc điện thoại đó, vợ chồng chú Charle cùng vợ chồng cô Melinda qua Nebraska để gặp mặt đứa cháu “đích tôn” của họ Millwee.
“Giờ thì mọi người gọi nói chuyện hằng tuần. Tôi cũng có qua thăm gia đình cô chú. Chú tôi cũng không có con, thành ra coi như tôi là người mang họ cuối cùng của dòng họ Millwee từ đời ông cố tôi luôn, tại vì anh của ông nội không có con trai. Nếu tôi là con trai thì sẽ đổi họ để duy trì tiếp dòng họ nhưng tiếc rằng tôi là con gái,” Minh kể với nụ cười hạnh phúc.
“Mỗi người con lai đều có một câu chuyện rất hấp dẫn”
Đó là lời nhận xét của Minh khi chị cho tôi biết, ngoài việc tự tìm được nguồn gốc con lai của mình, chị còn giúp thêm mười mấy người khác và kết quả đến nay là có thêm bốn người bạn đi cùng nhà thờ với chị tìm được cha của họ.
Điều may mắn của Minh so với phần lớn những người con lai khác là chị được học hành đến nơi đến chốn.
Minh kể, sau 1975, bị buộc đi “kinh tế mới” mẹ chị ẵm chị trốn về quê ngoại ở Mỹ Tho.
“Giai đoạn đầu 1975 thì sợ lắm, ngoại không dám cho tôi đi học vì sợ trả thù con lai, ngoại giấu tôi trong nhà, không cho ra đường. Lúc đó mỗi lần ai tới là tôi phải chạy đi trốn. Sau mấy tháng thấy êm êm thì mình mới ‘trồi’ lên. Mà khi đó ngoại cạo đầu tôi trọc lóc vì tóc tôi màu vàng. Ngoại sợ vậy thôi chứ cái mặt tôi lai thì giấu đi đâu được,” Minh nhớ lại.
Tuổi thơ hồn nhiên, được đi học cũng thích được múa hát như bạn bè, “nhưng mỗi lần có mấy ông cấp trên xuống dự lễ thì thầy cô phải thế người khác, không cho tôi biểu diễn, vì thầy cô cũng sợ.”
“Nhiều lúc buồn vì bị kỳ thị, bị trêu chọc, tôi cũng muốn nghỉ học, nhưng may là nhờ có ngoại khuyến khích. Ngoại hay nói ‘con phải cố gắng, phải đi học, tại vì ngoại tin là ba con sẽ trở lại tìm con.’ Lời nói của ngoại cứ ở trong đầu tôi,” Minh tâm sự.
Phương châm sống mà bà ngoại truyền lại cho Minh là “con đi học thì con phải nghĩ giống như con ăn cơm với cá. Con phải biết lừa xương, thịt thì con nuốt, xương thì con nhả, chứ đừng nuốt hết. Họ dạy cái gì đúng thì nghe, dạy cái gì không đúng thì không có nghe, nhưng không cần trả lời, không cần đấu tranh gì hết. Nhưng con phải đi học.”
Minh nhận xét, “Ngoại là người rất thông minh, là người nâng đỡ tinh thần cho tôi suốt tuổi thơ.”
Chính vì vậy Minh cũng học được đến hết lớp 12 không để ý đến những ưu phiền, quên mất mình là con lai, cứ hồn nhiên hòa nhập vào cuộc sống, vào xã hội, cũng mang nhiều hoài vọng với ước mơ được trở thành cô giáo.
Cho đến khi nộp hồ sơ thi đại học, thực tế đã giáng thẳng vào cô thiếu nữ 18 tuổi cái tát đầu đời choáng váng đến tái tê.
“’Thành phần gia đình tốt, thành phần bản thân Mỹ ngụy’ tôi còn nhớ rất rõ những dòng chữ mà người ta ghi trong bản lý lịch của mình. Cầm tờ xác nhận của địa phương về nhà, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi tưởng như có thể đập nát ngôi nhà mình. Một điều gì đó tổn thương rất lớn trong lòng tôi. Lúc đó tôi trách mẹ tôi ‘tại sao mẹ đẻ con là con lai? Tại sao?’ Tôi nhớ tôi hét lên như vậy nhưng mẹ tôi chỉ ngồi khóc. Giờ nghĩ lại thấy thương mẹ tôi lắm. Nhưng lúc đó mình đâu có suy nghĩ được, mình bị xã hội ức chế thì chỉ còn biết về nhà bung ra,” Minh kể lại sự khắc nghiệt mà xã hội đã dành cho cô từ mấy mươi năm trước như vẫn còn hằn nguyên một lằn roi.
Khi đó, bà ngoại nghe lén đài VOA, BBC hằng đêm nên biết có chương trình con lai, chương trình H.O. Bà ngoại khuyên Minh nên tập trung lo học để “đi Mỹ.”
Minh kể, “Thế là tôi lên Sài Gòn, ở trọ nhà người bà con, ban ngày đi làm, ban tối đi học thêm tiếng Anh ở những trung tâm ở Sài Gòn. Bắt đầu ổn định lại tinh thần mình. Bất cần mọi thứ và xa lánh bạn bè, không liên lạc với ai hết. Lúc đó chỉ tập trung hướng tới tương lai mới cho mình, đi học Anh văn, học đánh máy, học những gì có thể đi Mỹ.”
Cuộc đời Minh thực sự bước sang trang mới khi cô đặt chân đến Mỹ năm 1990. Và, một lần nữa, mảnh đất ngày khiến cô cảm thấy yêu thương, gắn bó hơn khi cô tìm được nguồn gốc của mình vào cuối Tháng Bảy, 2016.
Hiện tại, Minh đang làm kế toán tại nhà phụ giúp chồng trong công việc điều hành một tiệm pizza. Chị có hai con trai đều đang học đại học.
Quan trọng hơn, Minh vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ những người con lai mà chị quen biết trong việc tìm kiếm lại nguồn gốc của họ, bởi, như cô nói, “Những người con lai tội nghiệp lắm. Chỉ vì hoàn cảnh, vì sự kỳ thị của xã hội mà đôi khi họ đã không được sống một cách đàng hoàng, tử tế. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người con lai đều có một câu chuyện rất hấp dẫn.
Chàng ca sỹ Mỹ và hành trình đi tìm người mẹ Việt không mệt mỏi
Nổi tiếng trong cộng đồng hải ngoại trên đất Mỹ với giọng ca trữ tình trầm ấm, ca sỹ mang hai dòng máu Việt-Mỹ Randy với giọng ca mộc, không trau chuốt như lời tự sự trào ra từ cõi lòng của Randy đã khiến những khán thính giả phải rơi nước mắt.