Cô gái Đắk Lắk mất 2 năm thuyết phục cha mẹ cho lấy chồng Hồi giáo

Biết tin Mỹ Hạnh qua lại với người đàn ông Hồi giáo, bố mẹ chị lo 'sốt vó' vì nghĩ con gái bị bỏ bùa.

03:54 31/10/2017

"Tôi biết rằng khi chấp nhận yêu anh, tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bước vào mối quan hệ với người đàn ông theo đạo Hồi, lớn tuổi và kinh tế chưa mạnh thì chỉ đổi lại sự phản đối từ gia đình", chị Mỹ Hạnh, 27 tuổi, sinh ra tại Buôn Mê Thuột, trải lòng về hành trình theo đuổi tình yêu với anh Seyit, người Thổ Nhĩ Kỳ.

co-gai-dak-lak-vuot-qua-dieu-tieng-de-ket-hon-voi-chang-trai-theo-dao-hoi

Chị Mỹ Hạnh thời con gái.

Giấc mơ báo hiệu tình yêu và hai năm 'sống trong ác mộng'

Hai ngày trước lần đầu gặp gỡ Seyit, chị Hạnh mơ thấy một bàn tay đàn ông nắm lấy tay chị. Sau này khi chính thức yêu anh, chị Hạnh mới để ý, bàn tay Seyit có màu da, kích cỡ giống hệt với những gì chị đã gặp trong giấc chiêm bao hôm ấy.

Khi còn là sinh viên năm cuối trường cao đẳng, chị Hạnh xin làm PG ở siêu thị để kiếm thêm thu nhập. Lần đó, lúc đang giới thiệu sản phẩm, chị thấy một người đàn ông nước ngoài chăm chú theo dõi những hoạt động tại gian hàng của chị. Cô gái Đắk Lắk nhanh ý mời người này tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng. Khi trò chơi kết thúc, người đàn ông ngoại quốc ngỏ ý xin địa chỉ email của chị Hạnh để liên lạc. Sau này qua những cuộc trò chuyện, chị Hạnh biết được rằng, anh Seyit ấn tượng với nụ cười và sự kiên nhẫn của chị khi cố gắng giúp đỡ anh vượt qua các thử thách của trò chơi.

Anh Seyit là một người kinh doanh tự do. Anh đi qua nhiều nơi trên thế giới để tìm kiếm cơ hội phát triển. Ba ngày sau lần chạm mặt chị Mỹ Hạnh, anh phải rời TP HCM để tiếp tục hành trình đến Indonesia. Trước giờ máy bay cất cánh, người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ nhắn tin cho cô bạn mới. Anh nói rằng, có lẽ đây là lần cuối cùng đến và mong muốn được chị Mỹ Hạnh ra sân bay tiễn. Lúc đầu, chị Hạnh hơi e ngại. Chị cân nhắc nhiều lần rồi quyết định tới gặp anh. Giữa biển người, anh Seyit giơ cao cánh tay vẫy chào chị. Khoảnh khắc ấy, người con gái Đắk Lắk chính thức bị "đốn tim". Kết thúc cuộc trò chuyện chớp nhoáng, chị Hạnh nhận từ tay Seyit tuýp nước hoa nhỏ làm quà kỷ niệm. Anh đề nghị chụp cùng chị vài bức ảnh rồi lên đường.

Những ngày xa cách, Seyit vẫn dành sự quan tâm cho chị Hạnh bằng những bức email. Mỗi khi anh quên nhắn tin, chị thấy nhớ da diết. Ba tuần sau đó, anh Seyit bất ngờ bay trở lại xin gặp gia đình chị Hạnh thưa chuyện. Quyết định chóng vánh của người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ khiến chị Hạnh và bố mẹ "choáng váng".

"Đối với đàn ông Hồi giáo, khi cảm thấy đã gặp được người phù hợp, họ nhanh chóng nghĩ tới chuyện hôn nhân. Seyit muốn đi thẳng vào vấn đề một cách nghiêm túc chứ không thích vòng vo kéo dài thời gian", chị Hạnh nói.

co-gai-dak-lak-vuot-qua-dieu-tieng-ket-hon-voi-chang-trai-theo-dao-hoi-1

Sau khi cải đạo, chị Mỹ Hạnh ăn mặc kín đáo và trùm khăn che tóc.

Trước đó, khi biết Seyit theo đạo Hồi, chị Hạnh đã lên mạng tìm kiếm thông tin nhưng chỉ thấy những góc nhìn phiến diện. Chị lo lắng đặt ra nhiều câu hỏi rồi yêu cầu Seyit trả lời. Khi đã dần hiểu, chị Hạnh mới đặt niềm tin vào người yêu và tự nguyện cải đạo sang Islam (đạo Hồi), trở thành một người Muslim (người Hồi giáo) dù chưa biết có kết hôn với Seyit hay không. Chị bắt đầu thực hành đạo cơ bản như không ăn thịt lợn, hành lễ hàng ngày và ăn chay vào tháng Ramadan (tháng thứ 9 của âm lịch Ả rập). Từ một cô gái có phong cách gợi cảm, chị Hạnh dần "thay máu" tủ đồ của mình bằng những trang phục kín đáo. Chị ra đường với khăn che phủ tóc và thận trọng trong từng lời nói. Ai gặp chị cũng phải thốt lên: Mỹ Hạnh không còn là Mỹ Hạnh nữa rồi.

"Thời điểm đó, tôi kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Mỗi sáng mở mắt ra sẽ có người nói với tôi những điều không hay về Hồi giáo. Bố mẹ tôi một mực phản đối vì cho rằng đàn ông theo đạo Hồi gia trưởng, đa thê. Tôi không ăn ngủ được nên gầy rộc đi", chị Mỹ Hạnh trải lòng.

Biết bố mẹ không đồng ý cho mình cưới Seyit, chị Hạnh chỉ còn cách chờ đợi. Chị nhiều lần mệt mỏi muốn bỏ cuộc nhưng lại thấy nhớ anh hơn. Bất chấp những thông tin tiêu cực về đạo Hồi, chị Hạnh vẫn chờ đợi sự cho phép từ gia đình để đến với Seyit bằng một đám cưới tử tế. Thấy người yêu mạnh mẽ theo đuổi hạnh phúc, Seyit cũng không bỏ cuộc. Anh quyết định ở lại Việt Nam làm ăn thêm một thời gian. 

Người đàn ông Hồi giáo chinh phục gia đình người bạn gái bằng sự chân thành. Mỗi khi có dịp, anh thường đến thăm bố mẹ chị Mỹ Hạnh. Ban đầu họ chưa chào đón Seyit nhưng lâu dần, sự xuất hiện của anh không còn khiến mọi người khó chịu. Sau hai năm kiên trì chờ đợi, cuối cùng, mối quan hệ của Mỹ Hạnh và Seyit đã được gia đình chị chấp nhận.

co-gai-dak-lak-vuot-qua-dieu-tieng-ket-hon-voi-chang-trai-theo-dao-hoi-2

Ảnh cưới của chị Hạnh và anh Seyit.

"Tôi không rõ sức mạnh nào đã giúp mình vượt qua những ngày tháng khủng khiếp ấy. Chúng tôi đã cãi vã biết bao lần rồi lại nắm tay bước qua mọi lời dị nghị. Tôi khâm phục Reyit vì trong hoàn cảnh nào, anh cũng cho tôi cảm giác an toàn và muốn cố gắng nhiều hơn nữa", cô gái Đắk Lắk nói.

Hạnh phúc của nàng dâu Việt trong gia đình Hồi giáo

Không lâu sau khi được bố mẹ đồng ý, chị Mỹ Hạnh lên xe hoa cùng Seyit. Họ tổ chức một đám cưới ấm cúng tại Buôn Mê Thuột rồi bay sang Thổ Nhĩ Kỳ. Chị Hạnh vui mừng vì cuộc sống tại đất nước Hồi giáo rất dễ chịu với một người cải đạo như chị. Mọi thành viên trong gia đình Seyit đều đón nhận cô dâu Việt với tình cảm nồng nhiệt.

Chị Hạnh không có cơ hội sống chung với mẹ chồng Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chị rất được lòng bà. Nàng dâu Việt khoe, trong số 4 người con dâu, chị được mẹ chồng thương nhất. Mỗi khi chị Mỹ Hạnh và ông xã bất hòa, bà luôn đứng ra bảo vệ chị bằng những lời lẽ tốt đẹp. Chị Hạnh nhận được nhiều sự hỗ trợ từ mẹ chồng về cả vật chất lẫn tinh thần trong những ngày làm dâu nơi đất khách. 

Sau khi kết hôn, chồng chị Hạnh càng khiến chị yêu thêm nhờ lối sống lành mạnh. Anh Seyit không uống rượu, bia; không vượt qua những chuẩn mực đạo đức; luôn chăm chỉ làm ăn để chèo lái cuộc sống. Ở đất nước Hồi giáo, đàn ông được phép lấy 4 vợ, nhưng chị Hạnh chưa một lần nghi ngờ sự chung thủy của chồng.

"Trong kinh Qur'an (Văn bản tôn giáo quan trọng nhất của đạo Hồi), Thượng đế nói rằng ngoại tình là tội nặng không thể tha thứ. Những người mắc tội này sẽ bị trừng phạt ở địa ngục. Seyit là một người ngoan đạo. Anh ấy không bao giờ trái lời Người", chị Mỹ Hạnh cho biết.

co-gai-dak-lak-vuot-qua-dieu-tieng-de-ket-hon-voi-chang-trai-theo-dao-hoi-2

Con gái chị Mỹ Hạnh mang nhiều nét giống ba.

Chị Mỹ Hạnh và chồng phân chia nhiệm vụ để cùng nhau vun vén hạnh phúc. Seyit ra ngoài kiếm tiền còn chị Hạnh lo việc nội trợ. Chị tâm sự, dù rất muốn đi làm để chia sẻ gánh nặng tài chính với chồng nhưng trong gia đình Hồi giáo, người phụ nữ muốn có sự nghiệp trước hết phải hoàn thành vai trò làm vợ, làm mẹ. Đôi lúc, vợ chồng chị hay xích mích những chuyện nhỏ nhặt. Thấy chị lầm bầm bằng tiếng Việt, anh Seyit nhại lại khiến chị phì cười. Mâu thuẫn giữa cặp chồng Thổ - vợ Việt được giải quyết bằng cách đơn giản như vậy. Khi con gái chào đời, anh chị bớt hờn dỗi để phấn đấu trở thành người cha, mẹ tốt.

Chồng chị Hạnh không gia trưởng nhưng anh có những nguyên tắc riêng theo chuẩn mực của người đàn ông đạo Hồi. Seyit yêu cầu chị ăn mặc kín đáo, hạn chế giao tiếp với người khác phái và đi đâu, làm gì cần thông báo để ông xã nắm được. Chị Hạnh chủ động học cách làm những món ăn truyền thống của đạo Hồi để trổ tài trong dịp lễ. Khi còn sống, mẹ chồng chị khen: Mỹ Hạnh nấu món ăn của người Muslim ngon như một người Muslim thực thụ.

Nói về những khó khăn trong ngày đầu hòa nhập với gia đình chồng, chị Hạnh bộc bạch: "Không dễ dàng gì thay đổi thói quen, suy nghĩ đã theo mình gần 30 năm để bắt nhịp với cuộc sống hoàn toàn mới. Nhưng tôi may mắn hiểu được ý nghĩa tích cực của đạo Hồi, gặp được người chồng tốt và mẹ chồng tâm lý. Cũng từng gầy xanh vì chưa quen đồ ăn, cũng từng stress vì những quy tắc nghiêm ngặt. Nhưng nhờ tình yêu, sự thành tâm muốn trở thành một người Muslim, tôi đã làm được".

Hiện tại, chị Hạnh cùng chồng và con gái sống tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Gia đình nhỏ của chị có cuộc sống dễ chịu nhờ thu nhập ổn định từ công việc kinh doanh của ông xã. Con gái chị Hạnh gần ba tuổi, thừa hưởng nhiều nét đẹp từ ba. Vợ chồng chị giáo dục con cách quan tâm, yêu thương mọi người; chia sẻ, giúp đỡ những người kém may mắn; yêu chuộng hòa bình và không phân biệt sắc tộc, màu da. Chị Hạnh mong con lớn lên sẽ là một người Muslim ngoan đạo.

Tags:
Cô gái Việt kể về một năm chật vật thích nghi với mẹ chồng Hy Lạp

Cô gái Việt kể về một năm chật vật thích nghi với mẹ chồng Hy Lạp

'Xoong nồi lúc nào cũng phải sáng choang, giặt áo trắng phải đúng nước 90 độ...', chị My kể lại sự kỹ tính của mẹ chồng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất