Cô gái đầu tiên chinh phục khóa huấn luyện bắn tỉa lục quân Mỹ
Một thành viên vệ binh quốc gia bang Montana trở thành người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp khóa huấn luyện xạ thủ bắn tỉa của lục quân Mỹ.
08:00 11/11/2021
Cô gái tốt nghiệp khóa huấn luyện bắn tỉa kéo dài 7 tuần tại căn cứ Fort Benning, Georgia ngày 5/11, nhưng lục quân Mỹ không công bố danh tính theo yêu cầu của cô. Nữ binh sĩ tham gia Vệ binh Quốc gia Montana tháng 12/2020 và bắt đầu khóa huấn luyện bắn tỉa vào tháng 9.
Đại úy David Wright, chỉ huy tiểu đoàn thuộc Trường Bắn tỉa Lục quân Mỹ, cho biết nữ binh sĩ này đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe nhất về thể lực và kỹ năng của lính bắn tỉa. Đây là nữ học viên đầu tiên hoàn thành được khóa huấn luyện bắn tỉa khắc nghiệt này.
"Chúng tôi tự hào về kết quả từ nỗ lực của cô ấy và chất lượng đào tạo của Khóa huấn luyện Bắn tỉa Nòng cốt", Wright nói.
Thiếu tướng Peter Hronek, lãnh đạo bộ phận tuyển quân của bang Montana, cho biết nữ binh sĩ trên nhiều lần đăng ký phục vụ trong Vệ binh Quốc gia để thực hiện mục tiêu trở thành xạ thủ bắn tỉa.
Lục quân Mỹ cho phép phụ nữ đảm nhận các vị trí chiến đấu từ năm 2015. Kể từ đó, nhiều nữ binh sĩ đã tốt nghiệp các khóa huấn luyện khắc nghiệt nhất của quân chủng để trở thành lính biệt kích hoặc đặc nhiệm.
Khóa huấn luyện bắn tỉa của lục quân Mỹ được tiến hành để biến một binh sĩ bình thường thành "vũ khí đáng sợ nhất trên chiến trường". Các học viên được huấn luyện một loạt kỹ năng gồm phát hiện mục tiêu, tính toán tầm bắn, cách ngụy trang, chiến thuật bắn tỉa, hành quân ngày đêm trong các điều kiện thời tiết, cũng như cách ẩn mình.
Trung sĩ Brian Moran, một giảng viên Trường Bắn tỉa Lục quân Mỹ, cho biết các xạ thủ bắn tỉa phải đủ sức khỏe, thông minh, nhanh nhẹn, thích ứng cao và ít nói. Họ cũng cần có khả năng chịu đựng cao với tình huống khó chịu, tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật và cực kỳ chú ý đến chi tiết.
Nguyễn Tiến (Theo Task&Purpose)
Báo Trung Quốc chê đạo luật hạ tầng nghìn tỷ USD của Mỹ
Truyền thông Trung Quốc chế giễu đạo luật cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD của Mỹ là "bắt chước không đến nơi đến chốn" thành tựu nước này.