Cô gái điều hành bưu điện 'cô đơn nhất thế giới'
Giữa sa mạc Tengger của Nội Mông, Cao Đường Đường, 39 tuổi, một mình sáng lập và điều hành bưu điện 15 m2 được mệnh danh "cô đơn nhất thế giới" từ 2017 đến nay.
07:45 20/11/2024
Trước đây cô Cao cũng có một cuộc đời bận rộn nơi đô thị, nhưng những áp lực và guồng quay cuộc sống khiến cô cảm thấy lạc lối trong định hướng cuộc đời. "Có những thời điểm tôi không biết mình sống vì điều gì", Cao nói.
Để tìm lại sự cân bằng, Cao Đường Đường bắt đầu khám phá những trải nghiệm mới. Cô leo núi, lặn biển, hòa mình vào thiên nhiên, hy vọng có thể chữa lành tâm hồn.
Một ngày, cô tình cờ đọc được cuốn sách "Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya" của nhà văn Nhật Bản Higashino Keigo. Câu chuyện về một cửa tiệm giúp mọi người giải tỏa nỗi lòng qua những lá thư khiến cô rất xúc động.
Năm 2017, trong một chuyến đi bộ qua sa mạc Tengger, cảnh sắc nơi đây đã thay đổi cuộc đời cô. "Sa mạc bao la khiến những lo âu của tôi trở nên nhỏ bé như hạt cát. Mọi phiền muộn trong lòng tan biến trước sức mạnh của thiên nhiên", cô kể.
Cao Đường Đường gặp một người chăn cừu già. Ông kể 35 năm trước nơi đây từng có một bưu điện kết nối người dân với thế giới bên ngoài. "Đó chẳng phải là tiệm tạp hóa chữa lành Namiya hay sao?", cô nghĩ và quyết định tái lập bưu điện cho vùng đất này.
Việc xây dựng một bưu điện giữa sa mạc không hề dễ dàng. Cát lún, thiếu vật liệu và điều kiện khắc nghiệt khiến đội của Cao nỗ lực suốt nhiều tháng. Họ vận chuyển từng bao vật liệu nhỏ vào sa mạc, sử dụng cỏ để cố định cát, cuối cùng hoàn thiện căn nhà rộng 15 m2 như một viên ngọc giữa đồi cát.
Khi bưu điện hoàn thành, một thử thách mới lại xuất hiện. Ngoài những động vật nhỏ thỉnh thoảng đi qua, nơi này hầu như không có ai ghé thăm. "Từ sa mạc vào đây phải đi 10 km, xung quanh ngoài chúng tôi không có công trình nào hay điểm tham quan nào", Đường nói.
Để thay đổi tình hình, cô gái triển khai dịch vụ viết và gửi bưu thiếp trực tuyến. Ý tưởng kinh doanh này nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng. Có người muốn viết gửi đến người yêu xa; có người hy vọng nhận được những lời động viên để trở nên dũng cảm hơn trên con đường theo đuổi ước mơ; có phụ huynh dùng bưu thiếp ghi lại sự trưởng thành của con cái. Bưu thiếp có thể gửi đi trong ngày hoặc chọn gửi vào bất kỳ thời điểm nào trong 10 năm tới.
"Tôi muốn dùng cách này để nói với mọi người: Có một nơi có thể lưu giữ cảm xúc, bảo vệ bí mật cho bạn", cô nói.
Từ cuối năm 2021 mở cửa đến nay đã có hơn 20.000 bưu thiếp được gửi đi từ bưu điện sa mạc. Với cô chủ bưu điện, mỗi lá thư là một câu chuyện cảm động.
Một lần, một nữ sinh trung học đối mặt với áp lực kỳ thi đại học đã tìm đến bưu điện cô đơn. "Em cảm thấy như cả thế giới đang đè nặng lên vai mình," cô gái chia sẻ. Từng trải qua áp lực lớn từ kỳ thi, Đường Đường nắn nót từng chữ, truyền sức mạnh đến cô gái. Sau này, cô nhắn tin cảm ơn: "Bưu thiếp của chị như ánh nắng sưởi ấm tâm hồn em".
Bưu điện còn có dự án nhận nuôi cây, nơi mọi người gửi gắm tình cảm và hy vọng vào thiên nhiên. Một bà mẹ trẻ họ Hoàng mắc ung thư đã trồng một cây cho con, hy vọng cây sẽ là kỷ niệm về tình yêu dành cho con dù không còn trên đời.
Cao Đường Đường rất buồn. Cô hy vọng một ngày nào đó, Hoàng có thể cùng con đến sa mạc, ngắm cây. Lúc chia sẻ ý tưởng này, cô Hoàng rất cảm động nhưng không chắc mình có thể chiến thắng bệnh tật không. "Trong sa mạc, cây luôn ở đó, hy vọng cũng luôn tồn tại", Cao nói.
Cô Hoàng suy nghĩ rất lâu về lời động viên này và dần thoát khỏi cảm xúc tiêu cực. Cô bắt đầu điều trị tích cực và nhờ Đường viết giúp một bưu thiếp gửi đi sau 10 năm với "hy vọng khi có thể cùng con đọc nó".
Nếu như cô Hoàng trồng hy vọng vào cây, anh Dương lại gửi đi nỗi nhớ. Anh được ông nội nuôi lớn. Khi còn nhỏ, ông nội trồng một cây trong sân. Trong những ngày hè nóng bức, hai ông cháu thường ngồi dưới gốc cây. Ông nội nhẹ nhàng quạt, xua muỗi và kể những câu chuyện thú vị.
Theo thời gian, ông nội qua đời vì tuổi già. Các kỷ niệm của Dương về ông cũng dần mờ nhạt, điều này khiến anh rất buồn. Nhưng khi biết đến dịch vụ trồng cây trên sa mạc, anh Dương đã vui mừng và trồng một cái cây như gửi nỗi nhớ cho ông. Mỗi năm bưu điện sa mạc sẽ gửi cho anh một bức ảnh về cây đó.
"Nhìn thấy hình ảnh cái cây, ký ức tuổi thơ lại ùa về", anh Dương nói.
Những cây xanh được nhận trồng trong sa mạc dần tạo thành một ốc đảo, biểu tượng cho những lời chúc và hy vọng mà con người gửi gắm. "Khi gió thổi qua ngọn cây, tôi cảm nhận được sự hiện diện của bạn", một người viết.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, Cao Đường Đường vẫn kiên trì với ước mơ của mình. Cô tin bưu điện này không chỉ là nơi gửi thư mà còn là trạm dừng chân cho những tâm hồn cần được an ủi.
"Tôi mơ ước biến nơi đây thành biểu tượng cho sự bền bỉ của tình yêu và hy vọng, như chính những cây xanh vẫn vươn lên mạnh mẽ giữa cát vàng khô cằn", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo QQ)
Người Mỹ phải đem con đi xin việc
Melissa Riling thay quần áo và chuẩn bị đồ chơi cho con trai 11 tháng để đi cùng cô đến buổi phỏng vấn tuyển dụng.