Cô gái Sài Gòn được hạnh phúc với chồng Mỹ sau khi nhờ mẹ viết thư tình
Sau một thời gian nhờ mẹ viết thư tình bằng tiếng Anh rồi gửi emai, một cố gái nghèo ở Sài Gòn đã tìm được hạnh phúc của đời mình với một người chồng Mỹ.
08:15 22/05/2017
Nhờ những email mẹ dịch, cô Phương Thy đã nên duyên vợ chồng với một ông Mỹ bự con, to gấp đôi cô ta, và cũng lớn tuổi hơn cô một con giáp. Giờ đây thì Phương Thy và Robert Hart sống cùng một con trai và một con gái rất hạnh phúc, với cả hai bà mẹ chồng và mẹ vợ hòa hợp với nhau. Đây là câu chuyện được thuật lại trên báo điện tủ VnExpress mới đây.
Bài báo cho biết gia đình cô Phương Thy từng sống rất nghèo khó ở Sài gòn sau năm 1975. Trong căn nhà lợp tôn cũ kỹ rộng chỉ hơn chục mét vuông, hai anh em Phương Thy phải chạy tới chạy lui hứng nước mưa mỗi khi có mưa lớn. Phương Thy, sinh năm 1978, nay được 39 tuổi, từng không dám nghĩ một ngày có thể sống trong căn nhà đầy đủ tiện nghi. Hiện nay gia đình hợp chủng của cô đang có bốn căn nhà.
Cô gái Sài Gòn đen đúa, chỉ cao 1.42 mét (khoảng 4 feet 8 inch), nặng chưa tới 40 kg (88 pounds) ngày đó, cũng chưa từng nghĩ mình sẽ lấy một người Mỹ lớn tuổi hơn cô một giáp, cao 1.80 mét (5 feet 9) và nặng 140 kg (hơn 300 pounds).
Hai người, một tí hon, một khổng lồ, lại nên duyên nhờ bà mối bất đắc dĩ là mẹ Thy.
Ngày đó, Robert Hart là một chàng trai bị thất tình. Anh từng yêu tha thiết một người con gái, mua nhà, mua xe cho cô, nhưng khi có được những thứ đó, cô ấy lại chia tay anh không thương tiếc. Anh buồn bã, tìm đến việc ăn uống như một cách giải tỏa nỗi buồn. Anh tăng cân không kiểm soát và luôn trong trạng thái chán nản. Không cô gái nào muốn hẹn hò với Robert vì lúc đó anh quá mập.
Một người bạn của Robert, một người Việt tị nạn ở Mỹ, đã nhờ mẹ Thy giới thiệu cho anh một cô gái ở Việt Nam để bạn mình có thể trò chuyện, tâm sự cho đỡ buồn. Mẹ Thy khi đó đã giới thiệu Robert cho con gái, vì muốn con có thể học và có thêm người bạn mới.
Thy và Robert bắt đầu trao đổi email từ tháng 7 năm 2000. Vì không biết tiếng Anh nên cô phải nhờ mẹ trợ giúp. Những bức thư gửi cho Robert ngày ấy đều do mẹ Thy viết giùm. Kể cả những lúc Robert gọi điện thoại đến, dù mẹ đã viết ra các câu hỏi, cô chỉ ú ớ nói được “yes, no” còn các câu khác đều phải nhờ mẹ phiên dịch.
Thy cho biết, “Mẹ tôi từng học tiếng Pháp rất giỏi nên sau khi đóng cửa quán chè vì ế ẩm, mẹ may mắn xin được thông dịch cho một người Pháp, rồi được đi học thêm tiếng Anh. Mẹ thông thạo hai thứ tiếng nên sau này đi dạy thêm ở các trường đại học. Từ đó, hai cô em tôi không phải ăn bo bo nữa.”
Ba tháng kể từ ngày viết bức thư đầu tiên cho Thy, Robert bay tới Việt Nam để gặp cô gái Việt. Sau năm ngày ngắn ngủi ở Sài Gòn đủ để cảm nhận được tính tình đáng yêu, hoạt bát của cô. Còn Thy ban đầu rất ngại về thân hình quá mập của Robert, nhưng rồi thấy anh là một người thật thà, chân thành.
Những ngày sau đó, hai người tiếp tục liên lạc qua email và điện thoại. Vốn tiếng Anh của Thy ngày một khá hơn, nhưng để viết những câu văn mượt mà, bày tỏ nỗi nhớ nhung, cô vẫn phải nhờ mẹ.
Một năm sau, cả hai tổ chức lễ đính hôn ở Sài Gòn. “Ngày ấy, mẹ tôi làm mấy mâm mời họ hàng, hàng xóm sang chung vui. Không ít người đã cười và nói mỉa mai. Có người ác mồm còn nói mẹ tôi bán con cho Tây, nhưng mẹ tôi bỏ qua tất cả. Mẹ biết Robert là người tốt và sẽ mang lại cho tôi hạnh phúc, bù đắp cho tôi sự thiếu thốn tình cảm của cha,” Thy tâm sự.
Những ngày đầu đặt chân lên xứ người, Thy gặp nhiều khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng. Để giúp vợ dễ hòa nhập và bớt tủi thân, Robert chuyển về sống cùng cha mẹ. Biết con dâu còn ngại ngùng nên bố mẹ anh làm mọi thứ để giúp cô thoải mái hơn, như đưa cô đi shopping, tìm cho cô lớp học thêm tiếng Anh, cả nhà đi picnic.
Dù là phó giám đốc một công ty địa ốc rất lớn ở Oklahoma, công việc bận rộn, nhưng ngày nào trước khi đi làm, mẹ chồng Thy cũng vào bếp nấu cơm cho cả nhà. Việc dọn dẹp bà cũng giành phần làm hết.
Vài tháng sau, khi vốn tiếng Anh đã khá đáng kể, Thy được mẹ chồng giới thiệu vào công ty bà đang làm. Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được ở đây, sau 6 năm, cô xin được vào cơ quan chính phủ với mức lương cao hơn. Hiện cô đang làm quản lý hồ sơ trợ cấp cho các gia đình của thành phố Oklahoma.
Từng học Đại Học Kinh Tế trước khi sang Mỹ, nên Thy rất nhạy bén với việc kinh doanh, biết nắm bắt cơ hội trong việc kinh doanh địa ốc. Từ đó đến nay gia đình cô mua được bốn căn nhà.
Mẹ chồng cô là một người rất am hiểu về việc kinh doanh địa ốc, nhưng cũng phải thán phục về khả năng của con dâu. Trong bức thư gửi sinh nhật cô hồi tháng Ba vừa qua, bà viết, “Con là một người con tuyệt vời, giỏi giang, đã mang đến niềm vui cho cả gia đình trong suốt những năm qua. Mẹ rất hãnh diện về con”.
Biết vợ làm việc vất vả, nên ở nhà anh Robert dành hết phần chăm sóc hai bé, Samuel 12 tuổi và Mai Ann 6 tuổi. Anh đưa đón các con, cho các bé đi bơi, học vẽ, đá banh, về nhà lại tắm rửa, cắt móng chân, móng tay cho con.
“Anh không cho các con làm phiền khi tôi ngủ, rồi đánh thức tôi mỗi sáng trước khi đi làm. Sợ tôi quên uống thuốc bổ, anh cẩn thận bỏ vitamin vào hộp, chia ra làm 7 ngày, nhét vào túi tôi. Đồ ăn, thức uống, anh cũng chăm chút làm cho tôi, từ nước ép, pha cà phê. Thi thoảng anh lại viết thư tình cho tôi nữa. Tôi không thể đòi hỏi được một người đàn ông nào tốt hơn thế,” cô Thy nói về chồng.
Mười năm trước, cô đã đưa mẹ từ Việt Nam qua Mỹ sống cùng gia đình.
Bán nhà cho con đi du học Mỹ, cha mẹ già vò võ khi con lấy chồng Tây
Vợ chồng ông Dũng bà Chu Tĩnh bán cả gia sản cho con đi Mỹ học, nay hao mòn trông tin con sau khi lấy chồng Tây.