Cô gái Việt đầu tiên lọt danh sách Forbes 30 Slovakia
Lucia Thảo Hương Simekova, 27 tuổi, là cô gái Việt đầu tiên được chọn vào danh sách Forbes của Slovakia nhờ xây dựng thành công chuỗi nhà hàng Phở.
01:30 16/06/2020
Trên ấn phẩm phát hành tháng 4/2020, Tạp chí Forbes của Slovakia đăng bài viết về Hương, một trong những người trong danh sách Forbes dưới 30 tuổi ở nước này. Trong hai năm hoạt động, nhà hàng Phở đạt doanh thu hơn ba triệu euro, tương đương 3,4 triệu USD. Đại diện của Forbes cho biết cô là người Việt đầu tiên có tên trong các danh sách của tạp chí.
Thảo Hương, thứ hai từ trái sang, cùng một số đại diện của Under 30 trên trang bìa Forbes Slovakia tháng 4/2020. Ảnh: Forbes Slovakia.
“Tôi rất biết ơn khi được chọn vào danh sách của Forbes. Tôi thấy được tiếp thêm động lực để cố gắng, vì nhà hàng của tôi còn non trẻ”, Hương nói với VnExpress.
Sinh ra tại Bratislava vào năm 1993, Vũ Thảo Hương lớn lên ở làng Ivanka pri Dunaji, cách trung tâm thủ đô khoảng 15 km về phía tây. Cha cô là người Hà Nội, mẹ đến từ Nam Định. Hai người gặp nhau tại Warsaw, Ba Lan, sau khi hoàn thành chương trình học ở châu Âu.
Là chị cả trong gia đình có 4 chị em, Hương từ khi học tiểu học đã giúp ba mẹ sắp hàng quần áo kinh doanh vào kho. Lên phổ thông, Hương đi cùng bố sang Ba Lan để lấy các mẫu mã mới, ghi đơn hàng tại các hội chợ, triển lãm ở khắp Slovakia. Là những người Việt duy nhất trong làng, cô và các em thường xuyên bị trêu chọc trên phố và ở trường. Hàng rào nhà Hương thi thoảng xuất hiện những hình vẽ chế giễu người châu Á.
“Sự phân biệt của những người xung quanh khi đó khiến tôi tự nhủ mình phải học thật giỏi, nỗ lực để chứng minh người Việt có thể vươn lên”, Hương chia sẻ.
Cô tham gia nhiều cuộc thi toán của khu vực dành cho học sinh trung học và đoạt các giải ba. Hương cũng giành được học bổng trị giá 35.000 euro của trường quốc tế Anh ngữ Bratislava, có thể chọn học tại Havard, Mỹ hoặc Oxford, Anh. Tuy nhiên cô đăng ký vào chi nhánh của Đại học Seattle ở Bratislava. Trong khi làm việc cho công ty Heitman, một trong các quỹ đầu tư nước ngoài ở Slovakia, Hương đến Anh học thạc sĩ chuyên ngành đầu tư bất động sản và tài chính của Đại học Reading. Sau đó, cô chuyển sang Sharow Capital, là công ty quản lý tài sản và đầu tư bất động sản.
Trong suốt 5 năm đi làm, Hương vẫn luôn nhớ đến giấc mơ mở một nhà hàng của riêng mình. Ở đó, cô có thể tái hiện không gian những bữa ăn chung của gia đình, với các món ăn Việt truyền thống do mẹ nấu. Cơ hội đến với Hương vào tháng 8/2017, khi cô và anh họ, Thắng Trần, đem một số đồ ăn Việt đến giới thiệu tại lễ hội âm nhạc Grape tại Piešťany. Trong hai ngày, nhóm của cô phải làm việc luôn tay để phục vụ lượng khách xếp hàng “dài như vô tận”. Hai món được yêu thích nhất là phở bò và bún bò Nam Bộ.
Sức hấp dẫn bất ngờ của các món ăn Việt tại lễ hội Grape khiến Hương quyết tâm mở nhà hàng riêng. Sau khi bàn với chồng, Jozef, người cô từng chia sẻ về kế hoạch từ khi anh là bạn trai, cô gọi điện cho Thắng Trần, ngỏ lời mời tham gia với tư cách bếp trưởng. Cũng là người gốc Nam Định, nơi được coi là quê hương của món phở bò nổi tiếng, Thắng còn có nhiều năm kinh nghiệm làm trong các nhà hàng ở Slovalia và Đức.
“Chúng tôi mở được nhà hàng đầu tiên tại Trung tâm thương mại Bory vào cuối 2017, ba tháng sau khi thử nghiệm”, Hương hồ hởi nói.
Thảo Hương cùng chồng Jozef, trái, và anh họ Thắng Trần tại một nhà hàng trong chuỗi Phở. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Một yếu tố cơ bản giúp món phở của cô thu hút thực khách, theo Hương, là nước dùng thơm và ngọt tự nhiên vì xương được ninh đến 10 tiếng. Đến tháng 12/2018 và tháng 2/2019, Hương lần lượt mở cửa hàng thứ hai và thứ ba tại các trung tâm thương mại Avion, Eurovea.
Trong khi Thắng Trần chăm chút cho thực đơn, Hương chịu trách nhiệm quản lý chung. Cô phá vỡ định kiến “nhà hàng khó thành công trong các trung tâm thương mại”, nhờ có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản thương mại. Đến 2019, Hương dừng việc ở Sharow Capital để dành toàn tâm trí cho Phở. Quãng thời gian cô sống trong suy tư “mình là ai, một người Việt sống trong xã hội Slovakia” đã trở thành quá khứ.
“Mỗi ngày tôi đều mỉm cười, không còn băn khoăn về khác biệt của mình nữa. Sự khác biệt đó đang đem đến thành công cho chúng tôi”, Hương nói.
Chuỗi nhà hàng Phở còn giúp Hương nhận ra cô thừa hưởng nhiều điểm mạnh từ bố mẹ, đó là làm việc chăm chỉ và gắn bó với gia đình. Cô cảm thấy hạnh phúc vì cả 4 chị em sống gần nhau ở Bratislava, có thể dễ dàng quây quần trong các dịp lễ Tết. Tình cảm nồng nhiệt trong đại gia đình cũng là điều Hương ấn tượng sâu sắc kể từ lần đầu về Việt Nam, khi cô 10 tuổi. Ở quê ngoại và quê nội, cô đều được các bác, anh chị họ chăm chút chu đáo dù chưa từng gặp. Sau đó, cô thường xuyên viết thư cho họ hàng ở Việt Nam bằng tiếng Việt. Năm ngoái, cô đưa chồng và con trai nhỏ 10 tháng tuổi về chơi. Bình thường Hương sử dụng ba thứ tiếng Slovak, Pháp và Anh. Khi cần dùng tiếng Việt, cô phải dành vài ngày ôn lại, cho trí não có thời gian “chuyển kênh”.
Hương, ngoài cùng bên trái, với bố mẹ và hai em. Ảnh: NVCC.
Niềm hứng khởi của Hương dành cho nhà hàng đầu tay bất ngờ gặp “cơn bão Covid-19” vào đầu năm 2020. Khi châu Âu trở thành tâm dịch, Slovakia và hàng loạt quốc gia phải áp lệnh phong toả để chặn virus. Lượng hàng bán ra tại các cửa hàng của Phở sụt giảm mạnh, doanh thu mất đến 80%. Sau khi đánh giá tình hình, Hương áp dụng một loạt biện pháp duy trì hoạt động của nhà hàng: đăng ký các ứng dụng giao hàng online, hợp tác với các công ty bán hàng trực tuyến, cắt giảm chi phí, dừng đầu tư mới, xem xét kết quả công việc của từng tuần. Cô cũng yêu cầu nhân viên ngừng sử dụng phương tiện công cộng, không đến các điểm giải trí đông người. Một số nhân viên người Việt trở về Việt Nam tránh dịch, đồng ý tạm thời bị giảm lương. Khi Slovakia nới các biện pháp hạn chế chặn dịch, Hương chọn cửa hàng ở nơi có mật độ giao thông lớn để mở lại, kết hợp bán take-away, mở rộng phạm vi giao hàng ở khắp Bratislava.
Là người say mê các món ăn Việt, Jozef, chồng Hương, theo sát và chứng kiến vợ dốc hết tâm trí cho Phở cùng lúc cô mang thai con đầu lòng của họ.
“Tôi ngưỡng mộ vợ mình vì cô ấy vừa điều hành chuỗi nhà hàng, vừa tận tuỵ chăm sóc con trai chúng tôi. Sự bận rộn không khiến cô ấy mất đi tính hài hước hay quên làm những điều bất thường để khuấy lên nhịp sống thường nhật”, Jozef, người làm trong ngành bất động sản, nói, cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ cô hết lòng.
Jozef không thể quên lần đầu hai người gặp nhau vào năm 2012, khi cùng dự tiệc ở một quán bar. Anh nhanh chóng bị thu hút bởi vẻ đẹp khác lạ, phong thái e dè giữa đám đông của cô gái 19 tuổi. Dù chỉ trao đổi vài câu, Jozef biết chắc rằng họ sẽ nói chuyện nhiều hơn trong một ngày không xa. Sau đó anh mới biết Hương từng giành danh hiệu Hoa khôi người Việt ở Slovakia.
Sắp tới, Hương muốn mở thêm một cửa hàng có vị trí chiến lược để đảm bảo hiệu quả kinh doanh sau đại dịch. Cô muốn đảm bảo việc làm ổn định cho 50 nhân viên, trong đó người Việt chiếm đến 2/3. Người Việt là thành phần chủ chốt giúp cô duy trì chất lượng đồng nhất các món ăn trong chuỗi nhà hàng, tuân thủ nguyên tắc hàng đầu “thực phẩm có lợi cho sức khoẻ”.
“Tôi muốn Phở không chỉ trở thành chuỗi lớn nhất, mà còn là đối tác đáng tin cậy nhất trong ngành nhà hàng ở Trung Âu”, Hương nói.
Một tô phở đặc trưng trong nhà hàng của Thảo Hương. Ảnh: NVCC.
Cha đẻ Đắc Nhân Tâm: "Hãy duy trì sự bận rộn bởi đó là liều thuốc rẻ nhất thế giới'
Người bận rộn luôn tràn đầy nhựa sống, người nhàn rỗi nếu không phải là một gương mặt sầu não thì là một tinh thần uể oải, bệnh tật từ từ mà tới.