Cô gái Việt ở Mỹ chế tạo thiết bị có thể đọc được suy nghĩ
Emotiv Insight, sản phẩm của Tan Le, một người gốc Việt ở Thung lũng Silicon, được đánh giá có thể giúp con người hiểu rõ hơn về bản thân.
21:30 01/09/2017
Tan Le mong muốn đưa thiết bị Emotiv Insight trở nên thông dụng hơn với người tiêu dùng. Ảnh: SMH |
Trong vài năm qua, thị trường công nghệ "tự theo dõi" đã phát triển tới các thiết bị giúp đo huyết áp, nhiệt độ cơ thể, đo chất lượng không khí, đo giấc ngủ và lượng hấp thụ muối. Insight hứa hẹn sẽ đọc được suy nghĩ con người, theo Sydney Morning Herald.
Emotiv Insight là một thiết bị đội trên đầu bằng nhựa có hai màu trắng và đen, có 4 tua, chúng được bịt lại bằng các bộ cảm biến polymer, ôm quanh đầu người sử dụng. Đây là bộ thiết bị đo sóng não không dây do công ty Emotiv của Le sản xuất năm 2013.
Insight được đội ngũ Emotiv thiết kế ở San Francisco, Mỹ, được phát triển tại phòng thí nghiệm ở Sydney, Australia, lập trình phần mềm tại Hà Nội rồi sản xuất phần cứng tại TP HCM, Trung Quốc và Philippines. Thiết bị có phần mềm hỗ trợ đo lường năng lượng, mối quan tâm, sự hứng thú hoặc sự thư giãn của một người, đồng thời sử dụng suy nghĩ để điều khiển các đồ vật thông qua máy móc. Phần Brain Visualiser sẽ cho thấy dữ liệu, sóng alpha, beta và delta trong thành vỏ não của họ. Nó là một đồ vật giải trí hấp dẫn với bất kỳ ai quan tâm đến những gì đang xảy ra trong đầu mình.
Emotiv đã thu hút được các quỹ để đưa Insight vào sản xuất. Chiến dịch Kickstarter được đưa ra hồi tháng 8/2013 và là một trong chiến dịch gây quỹ thành công nhất trong lịch sử của trang web. Hơn 400 người đóng góp hơn 1,6 triệu USD để đưa thiết bị nghe này thành hiện thực.
Le đánh cược rằng trên thị trường có nhu cầu về một thiết bị trị giá khoảng 300 USD có thể giúp người sử dụng biết não họ đang hoạt động như thế nào, điều khiển các vật thông qua suy nghĩ giúp người đó tập trung ở mức độ cao nhất.
Sản phẩm Insight của Tan Le được sản xuất tại Hà Nội. Ảnh: SMH |
Các công ty quảng cáo đã thể hiện mối quan tâm về việc ghi lại phản ứng của khách hàng. Năm ngoái, Disney đã hợp tác với Emotiv để giám sát một nhóm người khi họ xem quảng cáo và chương trình truyền hình. Thiết bị Insight được sử dụng để điều khiển quả bóng trong buổi công diễn Star War ở Mỹ. Các nhà nghiên cứu ở Toronto, Canada, cũng sử dụng hai chiếc máy này với công nghệ theo dõi mắt, ghi lại những gì mọi người nhìn và não của họ phản ứng khi họ đi qua siêu thị và lướt qua các kệ hàng.
Insight nằm trong một chiếc hộp màu trắng thanh lịch với hướng dẫn đơn giản. Nhịp tim, mạch đập trên da, nhịp thở và thay đổi huyết áp khi chúng ta bị stress hoặc phấn khích. Công ty sẽ tăng cường phần mềm độc quyền có thể nói cho chúng ta biết mình bình tĩnh hay bị khuấy động, tập trung hay bị phân tán.
Emotiv nhắm tới xâm nhập vào thị trường thiết bị điện não đồ (EEG) với sản phẩm có thể đội trên đầu và cầm tay được với giá thành rẻ hơn máy móc dành cho bệnh viện. EEG đã tồn tại được gần một thế kỷ, do Hans Berger, chuyên gia về tâm thần học người Đức, phát minh ra vào những năm 1920. Thiết bị có thể phát hiện hoạt động xung điện trong não thông qua các cảm biến trên da đầu.
Tan Le cùng thiết bị EPOC, giúp chuyển biểu đạt nụ cười và cái nháy mắt của cô sang một robot tạo ra từ computer. Ảnh: SMH |
Cách đây 8 năm, Emotiv đã cho ra mắt bộ ống nghe đầu tiên của công ty, gọi là EPOC. Thực tế nó khá phức tạp, chỉ phù hợp với các kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm và nhà nghiên cứu sử dụng. Insight khó sản xuất hơn và chi phí cũng đắt hơn so với EPOC.
"Nếu như EPOC được thiết kế để thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà bạn sẽ thực hành ở bệnh viện, thì Insight là một bước tiến xa hơn vào thị trường dành cho những người yêu thích các sản phẩm công nghệ. Nó dành cho người đánh giá cao công nghệ và hiểu rằng cần có một chút khéo léo trong việc sắp xếp hoàn chỉnh các cảm biến để có được hình ảnh của toàn bộ não", Le nói.
Sydney Morning Herald đánh giá có thể một ngày con người sẽ có các mô cấy nhỏ trong thái dương giúp chúng ta bật đèn lên bằng ý nghĩa về nó, những người bị tê liệt do bệnh nơ ron vận động có thể giao tiếp dễ dàng bằng ý nghĩ của họ.
Thách thức hiện nay của Le là tìm hiểu xem chiếc EEG có thể đeo dùng để làm gì. Các thiết bị của Emotiv không phù hợp với các máy EEG truyền thống và không có mục đích đó, nhưng với các bệnh nhân đang phải chịu cơn tai biến thì cơ hội được theo dõi ở nhà có thể là điều thay đổi cả cuộc đời. Mặc dù Insight chưa được phép sử dụng cho mục đích y học, nhưng Le hy vọng nó sẽ có tiềm năng tạo nên sự khác biệt ở những nước đang phát triển.
"Cuối cùng, chúng tôi cố gắng mở rộng phân đoạn thị trường vượt qua bên ngoài cộng đồng khoa học, vượt qua cộng đồng ưa thích công nghệ chuyên nghiệp, và hướng tới đúng trung tâm của thị trường tiêu dùng rộng lớn", Le nói.
Le cho thấy sóng não thể hiện trên smartphone từ Insight. Ảnh: SMH |
Cô bé vào đại học năm 16 tuổi
Tan Le cùng mẹ là Mai Ho, bà và người em gái tên Minh đến Australia năm 1981. Lớn lên ở Melbourne, Le nhớ mẹ mình phải vất vả kiếm sống bằng cách hàng ngày làm việc hai ca trong các trang trại và nhà máy sản xuất ô tô để dành dụm tiền học cho hai con.
Sau đó nhờ vốn tiếng Anh và những đồng tiền dành dụm được, bà Mai Ho đi học và thành lập một trong những doanh nghiệp về tin học đầu tiên ở Footscray. Bà còn được bầu làm thị trưởng của Maribyrnong và phó thị trưởng Footscray.
"Bà không phàn nàn về khó khăn mà giúp chúng tôi hiểu vì sao bà làm điều đó và bà mong gì ở chúng tôi", Le nói về mẹ mình.
Ở tuổi 16, Tan Le đã vào vào thẳng Đại học Monash và nhận được học bổng của KPMG trong quá trình học. Cô tốt nghiệp loại ưu ở hai chuyên ngành luật và thương mại, chuyên sâu về kế toán. Năm 1998, Le trở thành người gốc Việt đầu tiên đạt danh hiệu Người Australia trẻ tiêu biểu, một giải thưởng thường niên dành cho những cá nhân dưới 27 tuổi có thành tích xuất sắc, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.
Thời điểm ấy cô là chủ tịch của Trung tâm dịch vụ nhân lực Việt – Australia. Trước đó, khi mới 15 tuổi, Le đã lãnh đạo nhiều nhóm thiện nguyện chuyên giúp đỡ người nhập cư quanh nơi mình sống là vùng Footscray (phía tây Melbourne) tìm việc và ổn định cuộc sống. Nhờ giải thưởng của chính phủ Australia mà tên tuổi của Le sớm lan tỏa, giúp cô có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng. Cô từng gặp gỡ các cựu thủ tướng Australia gồm Gough Whitlam, Bob Hawke và John Howard và dần dần vượt qua nỗi sợ nói trước đám đông.
Hiện Le làm việc tại trụ sở chính của Emotiv ở thung lũng Silicon, San Francisco, nhưng cô thường xuyên trở về Việt Nam bởi cô chọn quê hương là nơi xây dựng sự nghiệp, theo đuổi tầm nhìn.
Tại Thung lũng Silicon, Le nói rằng mọi người thường ký hợp đồng 4 năm, vì đó là khoảng thời gian một nhân viên mới tham gia vào hầu hết các dự án khởi nghiệp, ở thời điểm đó họ có thể bán ra sản phẩm và chuyển sang thử thách mới. Tuy nhiên Le cho hay cô không xác định cuộc đời mình bằng những khoảng thời gian 4 năm đó. Mỗi ngày bước vào văn phòng cô cảm thấy rất hào hứng về những gì sắp làm cùng đồng nghiệp.
Theo Le, trước mắt cô có nhiều triển vọng của cuộc sống, có rất nhiều cách để thành công, nhiều cách để tạo nên sự khác biệt trên thế giới.
"Điều chúng tôi cố gắng làm sáng tạo là thứ mà chưa từng có trước đây. Tôi tin rằng sẽ có thời điểm trong tương lai khi nhìn lại nó đã có mặt ở khắp nơi. Đó là sự phát triển tự nhiên theo cách chúng ta kết nối với thế giới xung quanh mình. Tôi muốn nhìn lại cuộc đời mình và nói: Tôi đã mở ra điều gì đó chưa từng tồn tại trước đó. Tôi đã tạo nên sự ảnh hưởng", Le nói.
Thu dọn thi thể, nhiệm vụ ám ảnh sau bão Harvey
Với những người làm công tác cứu hộ, bão Harvey thực sự không đáng sợ bằng việc họ phải đi dọn các xác chết sau khi mưa lũ quét qua.