Cô giáo 24 tuổi ung thư giai đoạn cuối cảnh báo người thức khuya, thích đồ xào rán và lê la quán hàng
Khi còn trẻ, có sức khỏe người ta mặc nhiên tự cho mình có cái quyền được ăn chơi thoải mái theo ý thích. Đến khi những căn bệnh tìm đến hay cơ thể bắt đầu “lên tiếng” thì dường như đã là quá muộn.
11:00 29/11/2018
Trong khi phản ứng của đa số bệnh nhân bị ung thư thường rất sốc, hoang mang và lo sợ, mất niềm tin vào cuộc sống, thì giáo viên trẻ Bảo Yến (24 tuổi) lại đón nhận kết quả ung thư gan giai đoạn 3 (giữa – cuối kỳ) một cách rất bình tĩnh.
Thừa nhận ung thư là cú sốc lớn đối với bản thân và tất cả mọi người, nhưng Bảo Yến lạc quan và tin rằng sau khi làm Xạ trị chiếu trong chọn lọc (SIRT) kết hợp với chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện khoa học thì các khối u sẽ được khống chế và teo đi.
Thay vì giấu giếm như gia đình muốn, cô đăng tải một bài viết cảnh tỉnh những ai đang mải mê thức đến 2h sáng, ăn đồ xào rán và lê la quán hàng. Cô khuyên mọi người nên thay đổi thói quen sống, lập ra cho mình những nguyên tắc sinh hoạt điều độ, người trẻ hoàn toàn có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân ở nước ta.
Bài viết của cô nhận được nhiều hơn 10.000 lượt like và gần 15.000 lượt chia trên mạng xã hội:
“Mình 24 tuổi, là con một của bố mẹ. Lấy chồng được một năm, rất yêu nhau, rất hạnh phúc với tình yêu và sự nghiệp chung tay xây dựng. Cách đây 10 ngày, mình phát hiện bị ung thư gan – giai đoạn 3. Trong gan có nhiều khối u lớn nhỏ. Cái to nhất thì như quả trứng gà.
Mình không muốn nhiều người trong gia đình biết chuyện, nhưng với những người trẻ, mình muốn các bạn hãy xem bài viết sau như lời cảnh tỉnh/ thức tỉnh, đặc biệt là về cách sống.
Ngày trước mình hay đi khám tổng quát lắm. Cứ tầm 8 tháng thì lại đi một lần. Nhưng bẵng đi 2 năm, vì bận bịu công việc thành lập và phát triển sự nghiệp, bận nọ bận kia… mình không đi khám. Giờ sự nghiệp ổn ổn, mình rảnh hơn đi khám thì phát hiện ra ung thư nhưng khá nặng rồi.
Mà bệnh ung thư gan này không hề có triệu chứng gì cả. Không đau, không mệt, không chán ăn, không có bất kỳ dấu hiệu gì hết nên mình chẳng biết gì là có bệnh. Các bác sĩ nói, khi có triệu chứng thì là giai đoạn cuối rồi.
Thế nên, dù khỏe mạnh bình thường, dù bận đến mấy các bạn cũng phải đi khám tổng quát thường xuyên. Chỉ mất một ngày thôi và chi phí khoảng 1-5 triệu tuỳ vào bệnh viện và các gói. Như vậy, mỗi năm mình chỉ cần bỏ ra 2 ngày và 2-10 triệu để kiểm soát toàn bộ các bệnh nặng khó chữa”.
Tại sao lại là ung thư gan? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có một số nguyên nhân mà chúng ta hoàn toàn có thể tự cải thiện được:
Giờ đi ngủ: Giờ làm việc thải độc của gan là từ 23h đến 1h sáng hôm sau, lúc ấy cơ thể cần ngủ sâu. Để gan hoạt động tốt, tức là chúng ta cần phải ngủ từ khoảng 22h, nhưng trong số chúng ta thì được bao nhiêu người đi ngủ lúc 22h nhỉ?
Nếu làm vậy, chúng ta thật giống người già. Nếu làm vậy, chúng ta bỏ mất hết các cuộc vui. Nếu làm vậy, chúng ta không giải quyết hết công việc. Và đến một ngày chúng ta nhận ra là gan đã tổn thương quá nặng nề.
Mình là như vậy mà, đa số là đi ngủ lúc hơn 24h, có khi là 1-2h sáng. Cách đây khoảng 3-4 tháng thì mình có thay đổi, đi ngủ lúc 23h nhưng có vẻ là quá muộn vì ung thư phát triển từ hơn một năm trước rồi.
Ăn uống khoa học: Đồ cay nóng rất ngon, thịt lợn thịt bò (thịt đỏ) nướng kèm sốt, các món chiên xào rán thì quá là hấp dẫn, nước ngọt, bia vào mùa hè quá tuyệt, và nhiều loại đồ ăn tổng hợp nhiều chất bảo quản khác nữa đều được chế biến thành các món ngon không cưỡng lại được. Nhưng tất cả những cái đó đều làm cho gan mệt mỏi và kiệt sức.
Mình từng ăn quán rất nhiều vì công việc không cho phép mình nấu ăn. Ra ngoài thì cũng ăn quá nhiều thịt đỏ, lại còn cứ chiên xào rán nhiều sốt mà chén. Ăn sướng miệng lắm cơ.
Cách đây 3 tháng, mình tham gia vào chế độ dinh dưỡng và hạn chế thịt đỏ, tích cực ăn ức gà, cá, rau củ quả, trái cây, gạo lức, khoai lang. Loại bỏ đồ chiên xào rán nhiều dầu mỡ. Đây là chế độ rất khoa học, chỉ tiếc là ung thư gan của mình phát triển từ cách đây hơn một năm rồi.
Tích cực cập nhật sự tiến bộ của khoa học: Nếu bạn đang mắc một căn bệnh gì đó mà phải sống chung với nó thì đừng tự chấp nhận sống chung với nó mãi. Hãy luôn tìm hiểu sự phát triển của khoa học xem bệnh đó có cách chữa chưa. Vì khoa học tiến bộ lên từng ngày, hôm nay không có cách chữa thì có thể 1-2 năm sau sẽ có cách.
Sau bài chia sẻ đánh động vào thói quen, cách sống của người trẻ, Yến đang chuẩn bị cho đợt xạ trị lần đầu tiên vào thứ 4 tới.
Các bạn trẻ nhớ nhé. Hãy thay đổi thói quen của các bạn trước khi bệnh tật ập tới. Thói quen nào cũng thay đổi được, nhưng bệnh thì không phải bệnh gì cũng chữa được!
Hoàng Minh (Tổng hợp)
Mỹ: Lo ngại bạo lực gia đình nghiêm trọng hơn dịp cuối năm
Khi kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, đón năm mới… đến gần, nhiều người lo ngại về việc có thể các ca bạo hành gia đình sẽ gia tăng đột biến. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia phòng, chống bạo lực gia đình Mỹ: Các vụ việc có thể không tăng nhưng mức độ của từng vụ thì có nguy cơ nghiêm trọng hơn.