Cô giáo đầu tiên dạy nghề nail cho người Việt ở Mỹ

Dusty Coots Butera? Ai vậy? Rất nhiều người, kể cả dân chuyên nghiệp đang sống bằng nghề nail, cho rằng nữ tài tử điện ảnh Tippi Hedren là người dạy nghề nail cho người Việt Nam năm 1975, nhưng đây chỉ là một sự ngộ nhận rất “dễ thương.”

00:30 01/11/2019

“Bà Tippi Hedren giúp đỡ chúng tôi rất nhiều khi vừa đến Mỹ, nhưng người đích thân dạy nghề cho chúng tôi là bà Dusty Coots Butera!” Cô Thuần Lê, một trong 20 phụ nữ Việt Nam đầu tiên học nghề nail tại Mỹ, xác định.

Thuần Lê là cách gọi theo người Mỹ còn tên thật của cô là Lê Đồng Thị Thuần.

Cô nhớ như in những ngày đầu tị nạn. “Lúc ấy, mới 26 tuổi, tôi sang đây với chồng tôi là Trung Tá Lại Quốc Trang và ba đứa con đứa bốn tuổi, đứa ba tuổi và con trai út mới tám tháng.”

Nữ tài tử Tippi Hedren đến với người Việt tị nạn vì tình người. Nghệ nhân nail Dusty Coots Butera cũng đến với người Việt tị nạn vì tình người.

Ký ức lũ lượt quay về, cô Thuần tiếp: “Chúng tôi gặp bà Tippi khi được chuyển từ Camp Pendleton ở San Diego đến Hope Village, Weimar (thuộc Sacramento), cũng trong California.”

Đây là một trại tị nạn đặc biệt của tư nhân do cơ quan bất vụ lợi “Food for the Hungry” mà ông Larry Ward là giám đốc và bà Tippi là phó giám đốc, tổ chức.

“Bà Tippi Hedren quan tâm đến chúng tôi vì thấy cùng là phụ nữ mà lại vừa phải bỏ nước trốn chạy Cộng Sản,” cô Thuần kể.

Từ ngày đầu, bà Tippi muốn giúp những phụ nữ mong manh, mỏng mảnh, chân yếu, tay mềm này có tay nghề thực dụng để tự lực cánh sinh trên miền đất mới. “Bà ấy nhờ người đến mở lớp dạy may. Rồi lại có lớp đánh máy nữa,” cô Thuần kể.

Nữ tài tử Kiều Chinh, lúc đó là khách mời của bà Tippi, cũng nhớ việc bà Tippi có ý định giúp các phụ nữ này có một tay nghề thích hợp. Bà Kiều Chinh nói: “Lúc ấy tôi làm thông dịch viên cho bà Tippi và ông Larry. Phần đông các cô này là ‘bà tướng,’ ‘bà tá’ nên không muốn chọn những nghề bình thường. Bà Tippi cũng biết họ thuộc tầng lớp tiểu thư, đài các nên bà để họ từ từ lựa chọn.”

Có lẽ do một sự khiến xui, xếp đặt nào đó của định mệnh mà cả 20 vị “mệnh phụ phu nhân” này, chưa chọn được nghề cho mình, mà chẳng ai bảo ai, cùng trầm trồ, xuýt xoa, ngắm nghía bộ móng tay “quí phái” cong cong, dài dài của bà Tippi. Thế đấy, giản dị như thế, tình cờ như thế, lịch sử ngành nail bắt đầu.

Bà Dusty gặp lại cô Thuần Lê sau 40 năm. (Hình: Kimberly Phạm/Tạp Chí VietSALON)

Khi đến làm nail tại tiệm “Nail Patch” ở Encino (thuộc Los Angeles), California, bà Tippi đem chuyện những người phụ nữ Việt Nam này kể cho bà Dusty, khi đó là nghệ nhân nail, và cũng là người bạn thân, nghe. “Không đắn đo gì, tôi tình nguyện dạy nghề nail của mình cho họ,” bà Dusty nói.

Bà từ tốn kể: “Thế là trong vài tháng sau đó, cứ mỗi cuối tuần, bà Tippi cho máy bay đưa tôi lên Hope Village, để dạy họ.”

Bà đăm chiêu tìm về ký ức: “Sau Đệ Nhị Thế Chiến, mẹ tôi đưa tôi từ Anh sang đây, nên tôi cũng là người tị nạn. Thấy họ cũng như mình, từ nơi xa đến đây làm lại cuộc đời nên tôi sẵn sàng chỉ dạy cho họ tất cả những gì tôi biết.”

Xong phần truyền “bí kíp” của bà Dusty, bà Tippi gởi 20 người phụ nữ này đến trường Citrus Heights Beauty College, Sacramento, để chuẩn bị thi lấy bằng.

Cô Thuần nói: “Chúng tôi được học miễn phí. Tôi nhớ ông hiệu trưởng lúc đó tên Richard và cô giáo dạy căn bản nail cho chúng tôi tên Betty. Lúc đó chỉ cần 350 giờ là được nộp đơn thi.”

Sau khi cả 20 phụ nữ này đã có bằng, bà Tippi và bà Dusty cùng giúp họ tìm việc nữa. “Tôi được bà Tippi giới thiệu làm tại tiệm Beau Jacque ở Santa Monica. Ông chủ nhận tôi có lẽ vì nể bà Tippi,” cô Thuần nói. “Bà Dusty cũng giới thiệu cho nhiều người.”

Tuy nhiên, bà Dusty nhất định không nhận sự đóng góp của mình trong việc phát triển ngành nail. Bà cho rằng mình chỉ là một nghệ nhân mà thôi. Việc biến nail thành cả một kỹ nghệ bạc tỉ là công sức của giới kinh doanh gốc Việt.

Tâm trí bà trở về với thuở ấy, thuở 1975…

“Thuở ấy, ngành nail chưa phải là… ngành nail. Thuở ấy, ngành nail chưa là một kỹ nghệ bạc tỉ như bây giờ. Thuở ấy, ngành nail còn là một sự chăm sóc cá nhân. Thuở ấy, sợi dây thân thiết giữa nghệ nhân nail và khách hàng rất bền chặt. Tôi gọi là ‘nghệ nhân’ để phân biệt với ‘thợ.’ ‘Thợ nail’ là người làm việc một cách máy móc, lầm lũi làm thật mau để tính tiền thật lẹ. ‘Nghệ nhân nail’ làm việc một cách sáng tạo và với sự quan tâm đến khách hàng, với tình người,” bà Dusty giải thích.

Vào thời 1975, chỉ có một số tài tử giai nhân thuộc giai cấp được xã hội ưu đãi mới có thể đi làm nail. Kỹ thuật mà bà Dusty dạy cho 20 người Việt Nam đầu tiên là “Juliette Manicure,” còn gọi là “Juliette wrap,” do bà  Juliette Marglen khởi đầu và phổ biến tại New York vào thập niên 1950. Chính bản thân bà Dusty cũng không được ai chỉ bảo kỹ thuật này cặn kẽ cả. Bà phải tự mày mò, tự tìm cách mà làm. Nhưng bà lại không có tính giấu nghề.

“Tôi luôn luôn cảm thấy mình quá may mắn, được trời ưu đãi, cho tôi diễm phúc được giúp đỡ những cô gái dễ thương ấy,” bà Dusty chớp mắt cảm động.

Những đầu tiên học ngành nail năm 1975. Bà Tippi (đứng, áo vàng), cô Thuần Lê (hàng nhì từ dưới, áo vàng, ngồi), bà Betty, giáo viên luyện thi nail (hàng đầu, ngồi, bên trái). (Hình: Thuần Lê cung cấp)

Hai mươi người đầu tiên được bà chỉ dạy nghề nail sau này được báo chí Mỹ gọi là “the Original 20.” Trong số này, cô Thuần là một học viên có “hoa tay” và lòng đam mê nghề nail nhất. Cho đến giờ, đến tuổi hưu trí rồi mà cô vẫn không dứt hẳn với nghề. Khách hàng suốt mấy mươi năm của cô cũng không để cô nghỉ.

Quá yêu nghề, thời gian 42 năm chỉ như mới hôm qua. Cô nhớ từng ly, từng tí: “Lúc ấy làm gì mà có dụng cụ và hóa chất như bây giờ. Lúc ấy, để làm ‘Juliette Manicure,’chúng tôi phải lấy giấy quấn quanh 1/3 đầu móng tay rồi phết keo, mục đích là để bảo vệ, không cho móng tay gãy.”

Trong giai đoạn tiểu thủ công của ngành nail, khi chưa có móng tay giả (acrylic), người ta mua bán móng tay thật. Cô Thuần kể: “Tôi thấy nhiều người dùng móng tay thật của người này, gắn cho người khác, nhưng tôi thấy ghê ghê thế nào ấy, nên không làm vậy.”

Sau đó, bà Dusty lại có kỹ thuật khác. Bà vừa cười, vừa nói: “Đã có thời gian tôi dùng hóa chất và bột trám răng của nha sĩ làm móng giả. Việc này, lúc đó, không hợp pháp, nên tôi đã có những chuyến ‘giao hàng’ trong ngõ hẻm giữa đêm khuya.”

Sau 42 năm, cái thời “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” đã qua. Và cái thời phải chạy đến đầu thành phố mua giấy nhám (nhuyễn) thợ mộc về chế thành “buffer,” rồi chạy đến cuối thành phố mua cọ họa sĩ để  làm đồ sơn móng tay cũng đã qua. Bây giờ đến bất cứ tiệm bán dụng cụ nail nào, cần thứ nào, là có ngay thứ nấy.

Kỹ thuật nail cũng thế, ngày càng đổi mới, nhanh hơn, rẻ hơn, và đẹp hơn. Thế nhưng, có một thứ không bao giờ lỗi thời.

Cô Thuần nói: “Kỹ thuật gì đổi mới tôi cũng theo. Nhưng tôi luôn luôn giữ cách làm việc theo lối cũ, là thủng thẳng và dành thời gian ân cần, bày tỏ sự quan tâm với khách hàng. Họ đến với mình để có móng tay đẹp đã đành, nhưng họ vẫn muốn có người để tâm sự, để sẻ chia.”

Hoàn toàn đồng ý, bà Dusty nói: “Luôn luôn dành thời gian cho thân chủ. Thân chủ của tôi là bạn thân của tôi. Làm sao không là bạn thân của nhau được, khi cứ vài tuần, tôi lại cầm tay họ cả giờ đồng hồ. Nếu không có sự thân tình giữa Tippi và tôi năm ấy thì làm gì có cả một kỹ nghệ nail như hôm nay.”

Cả hai bà Tippy Hedren và Dusty Coots Butera đều chia sẻ tình người cho những người xa lạ để rồi vô tình, tạo nên một lịch sử vô tiền khoáng hậu cho ngành nail trên toàn thế giới, mà đến hôm nay, người ta vẫn chưa thể đoán được ảnh hưởng của nó sẽ còn đến dường nào.

Khi được hỏi, bà nghĩ sao khi bà Tippi Hedren được mệnh danh là “’Godmother’ của kỹ nghệ nail Việt Nam” chứ không phải bà. Bà Dusty cười hiền hòa: “Được gọi như vậy, Tippi không trẻ được ngày nào. Không được gọi như thế, tôi cũng chẳng già đi chút nào. Chúng tôi chỉ làm những gì chúng tôi phải làm khi gặp người khốn khó. Thế thôi.”

Theo thống kê của Statista, một cơ quan uy tín thế giới, cho thấy doanh thu của các tiệm nail trên toàn quốc Hoa Kỳ trong năm 2016 là $8.53 tỉ.

Chưa hài lòng với đóng góp của mình cho kỹ nghệ nail, bà Dusty tâm sự: “Tám mươi tuổi, vừa về hưu, tôi sẽ làm một cái gì mới mẻ, như đem cái đẹp của móng tay và sự quan tâm đến cho những người chưa bao giờ được làm nail, chưa bao giờ được quan tâm. Như những cô gái hiện đang ở trong tù. Ừ, tôi sẽ vào tù làm nail.”

Tags:
Sau tuổi 50, cơ thể vẫn khỏe mạnh nếu không có 5 đặc điểm này

Sau tuổi 50, cơ thể vẫn khỏe mạnh nếu không có 5 đặc điểm này

Sau tuổi 50, tình trạng thân thể đã có dấu hiệu “xuống dốc”, khi đó chúng ta càng phải chú ý đến vấn đề giữ gìn sức khỏe của mình, cần luôn bảo trì một tâm trạng tốt với một chế độ ăn uống hợp lý.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất