Có hay không chuyện “3 ông tướng” thao túng chính quyền tổng thống Trump?

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, các quan chức quân sự cấp cao đang hiện diện ngày càng phổ biến trong đời sống chính trị nước Mỹ.

13:30 26/08/2017

Phe quân sự liên tục áp đảo các cuộc tranh cãi bên trong văn phòng Cánh Tây, công khai bày tỏ quan điểm trái ngược với Tổng thống và thậm chí từ chối thực thi một trong những chính sách gây tranh cãi nhất của ông chủ Nhà Trắng.

Được kết nối bởi sự tin tưởng mạnh mẽ vào mệnh lệnh và các quy chuẩn toàn cầu, những lãnh đạo quân sự này đang nhanh chóng củng cố quyền lực rộng khắp ngành hành pháp khi họ giữ vai trò cố vấn cho vị tổng thống vỗn dĩ dễ “bốc đồng”.

Cận vệ quốc gia hay thao túng quyền lực?

Một số quan chức bảo thủ ở cả hai đảng chính trị Mỹ xem họ như những cận vệ quốc gia trong bối cảnh rối ren hiện nay.

Việc ông Trump cất nhắc một nhóm tướng lĩnh, cả đương nhiệm và đã hồi hưu, ghi nhận sự chuyển dịch lớn ở một đất nước mà từ nhiều thế hệ nay từng đặt các lãnh đạo dân sự ở vị trí cao hơn và tách bạch khỏi quân sự.

“Đây là thời điểm duy nhất trong lịch sử các tổng thống hiện đại, chúng ta chứng kiến một số lượng nhỏ những người mang quân phục lại có ảnh hưởng lớn đến như vậy đối với người đứng đầu ngành hành pháp”, John McLaughlin, cựu quyền giám đốc CIA, người từng phục vụ 7 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ nhận xét. “Họ hiện đang nắm giữ một vai trò ngoạn mục.”

Sau vụ bạo động gây chết người ở Charlottesville, Virginia hồi đầu tháng 8 này, 5 Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã được ngợi ca như những quan chức có đạo đức vì đã lên án sự thù hận theo cách ít lập lờ hơn vị Tổng tư lệnh của họ, tức tổng thống Trump.

Về chính sách xã hội, các lãnh đạo quân sự cũng thể hiện những tiếng nói ôn hòa. Lầu Năm Góc đã từ chối hành động tức thời sau tuyên bố của ông Trump trên Twitter về cấm người chuyển giới tham gia quân đội. Thay vào đó, họ đợi một chỉ thị chính thức hơn từ tổng thống, dù điều đó vẫn chưa xảy ra.

Trong Nhà Trắng, các tướng lĩnh kiểm soát những tương tác từng giờ của Tổng thống Donald Trump. Họ thì thầm vào tai ông và những lời này, như quyết định mở rộng hoạt động quân sự của Mỹ tại Afghanistan trong tuần này, thường trở thành chính sách.

Nòng cốt trong bộ máy của ông Trump là bộ 3 viên tướng dày dặn kinh nghiệm chiến trường: Tân Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Cố vấn anh ninh quốc gia H.R. McMaster. Ba người đàn ông này đã khéo léo khai thác các quan hệ cá nhân với tổng thống Trump và nhận được sự tin tưởng.

Thậm chí cả những người chỉ trích ông Trump cũng hoan nghênh sự thăng tiến của họ, coi họ như một lực lượng ôn hòa giữa những hỗn loạn thường nhật ở Nhà Trắng.

“Họ nổi lên là những nhân vật đáng tin cậy trước hành vi bốc đồng và cẩu thả”, Richard Blumenthal, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ của bang Connecticut nói. “Nhiều đồng nghiệp của tôi chia sẻ cùng cảm nhận rằng, họ là bàn tay vững chắc cầm bánh lái và cho thấy một cảm giác nhất quán, hợp lẽ trong một Nhà Trắng đầy ríc rắc”.

William Cohen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton bình luận: “Ông Trump nhận chức mà gần như chẳng có chút kinh nghiệm nào về lãnh đạo và không có một triết lý chiến lược chặt chẽ. Từng có một cuộc chiến trong nội bộ chính quyền và nó vẫn chưa được giải quyết. Giới quân sự đã cố gắng áp đặt một số gắn kết và kỷ luật”.

Tuy nhiên, một số thuộc cánh hữu thì tỏ ra ngờ vực hơn. Chẳng hạn như, có những người ủng hộ ông Trump lo ngại về sự mờ nhạt ranh giới giữa lãnh đạo quân sự và dân sự, như từng được minh chứng qua các dòng tít gần đây của Breitbart News, trang web bảo thủ được điều hành bởi Stephen Bannon, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng, người đã xung đột với một vài lãnh đạo quân sự về chính sách.

Breitbart đưa tin về quyết định sẽ tăng thêm binh lính Mỹ ở Afghanistan của ông Trump với các dòng tít cảnh báo “cuộc chiến không giới hạn” và “xây dựng quốc gia” được dẫn dắt bởi các lãnh đạo quân sự mà không thèm đếm xỉa gì tới quan điểm của tổng thống.

Lo ngại cũng lan sang cả phe cánh tả. Các bài viết gần đây trên Think Progress, một website theo trường phái tự do, chỉ trích ông Trump xây dựng một chính phủ có lợi cho các tay trong quân sự. Một dòng tít đầu tháng 8 tuyên bố: Các nhân vật quân sự đang tiếm quyền của chính quyền Trump”.

Tổng thống Trump vẫn nắm quyền kiểm soát

Trên thực tế, Kelly, Mattis and McMaster không phải là những nhân vật quân sự duy nhất nắm giữ các chức vụ cấp cao trong chính quyền Trump.

Giám đốc CIA Mike Pompeo, Bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions, Bộ trưởng năng lượng Rick Perry và Bộ trưởng nội vụ Ryan Zinke, mỗi người đều từng phục vụ ở nhiều đơn vị quân đội khác nhau. Gần đây, ông Trump còn bổ nhiệm cựu tướng Lục quân Mỹ Mark S. Inch làm lãnh đạo Cục trại giam liên bang.

Cùng với các đồng minh khác trong chính quyền, Kelly, Mattis và McMaster xem vai trò của họ không đơn thuần chỉ là thực thi mệnh lệnh của Tổng thống Trump mà còn hướng dẫn ông tránh cách hành động mà họ lo ngại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nhưng nếu có chuyện những tướng lĩnh này thao túng, Tổng thống Trump có thể phản kháng ngay. Ông giận giữ với bất cứ ý kiến nào cho rằng mình là quân rối hoặc chính các cố vấn của ông có công trong các quyết định của mình.

Tháng 2/2017, ông Trump giận dữ khi tạp chí TIME đưa Stephen Bannon lên trang bìa với dòng tít: “Kẻ thao túng vĩ đại”. 

Theo một số nhân vật thân cận với tổng thống, mặc dù ông Trump phần lớn nghe theo định hướng của giới quân sự, ông cũng sẵn sàng đi ngược lại nếu có các vấn đề mới nảy sinh.

Họ miêu tả Trump là người đồng hành về tinh thần với giới quân sự nhưng lại được định hướng nhiều hơn bởi bản năng kinh doanh của mình. Họ minh chứng, phải mất vài tuần ông Trump mới đồng ý với đề xuất của Mattis và McMaster về tăng thêm quân ở Afghanistan.

Trump cũng từng có mối quan hệ căng thẳng với McMaster trong nhiều tháng, một phần vì sự khác biệt về phong cách giữa hai người. Tổng thống Trump ít kiên nhẫn hơn với tiến trình chính sách dựa theo tuần tự và sự đồng thuận mà McMaster áp dụng tại Hội đồng An ninh Quốc gia.

“Khi bạn nhìn vào những căng thẳng của tổng thống với McMaster bạn có thể thấy ông ấy có thể không đồng tình với họ nếu mọi việc không cải thiện ở Afghanistan trong 6 tháng tới”, một quan chức cấp cao Nhà Trằng đề nghị không tiết lộ danh tính cho biết. “Ông không cho họ toàn quyền”.

Một minh chứng nữa là trung tướng nghỉ hưu Michael Flynn, người chỉ có 24 ngày nắm giữ chức vụ Cố vấn Anh ninh Quốc gia. Trump sa thải Flynn vào tháng 2/2017 sau khi ông này bị cáo buộc không thành thực với Phó tổng thống Mike Pence về các liên hệ với Đại sứ Nga trong tiến trình chuyển giao quyền lực. 

Tags:
Mỹ ngưng cấp visa 4 quốc gia không nhận công dân bị trục xuất

Mỹ ngưng cấp visa 4 quốc gia không nhận công dân bị trục xuất

Mỹ sẽ ngưng cấp visa (chiếu khán nhập cảnh) cho bốn nước từ chối nhận lại công dân của họ từng vào Mỹ bất hợp pháp.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất