Cơ hội chặn Covid-19 lây lan toàn cầu đã hết

WHO vẫn không dùng từ "đại dịch" cho cuộc khủng hoảng Covid-19 nhưng theo nhiều nhà khoa học, dù gọi là gì, cánh cửa ngăn chặn bệnh dịch chắc chắn đã đóng.

22:30 03/03/2020

Sự lây lan toàn cầu của Covid-19 tiếp diễn không ngừng. Dịch đã bùng phát trên toàn Iran, phát sinh nhiều ca bệnh ở Iraq, Oman và Bahrain. Italy phong tỏa 10 thị trấn ở phía bắc sau khi virus nhanh chóng lây lan. Áo và Croatia đã báo cáo những trường hợp đầu tiên. Dịch bệnh ở Hàn Quốc tiếp tục tiến triển. 

nCoV có thể lây lan một cách âm thầm ở nhiều nơi. Một nhóm xây dựng mô hình dự đoán tại Đại học Imperial ở London ước tính thậm chí khoảng hai phần ba số ca bệnh từ Trung Quốc vẫn chưa được phát hiện.

Các bệnh nhân đã khỏi Covid-19 tiếp tục được cách ly tạm thời trong một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ảnh: AP
Các bệnh nhân đã khỏi Covid-19 tiếp tục được cách ly tạm thời trong một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ảnh: AP

Tiến sĩ Christopher Dye, một nhà dịch tễ học tại Đại học Oxford, nói: "Virus thực sự đã thoát khỏi Trung Quốc và đang lây lan rộng rãi. Hiện giờ tôi cảm thấy bi quan hơn nhiều về việc kiểm soát được bệnh dịch".

Nancy Messonnier, người đứng đầu nhóm ứng phó nCoV của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo: "Chúng tôi rất mong các công dân Mỹ hợp tác để chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh sẽ diễn biến xấu hơn."

Tiến sĩ Dye và những chuyên gia khác cho rằng đã đến lúc phải cân nhắc lại về cách ứng phó của ngành y tế công cộng. Đến nay, nỗ lực kiểm soát chú trọng đến việc làm chậm sự phát tán virus bên trong lãnh thổ Trung Quốc, giữ cho nó không lây lan sang nước khác. Khi có bệnh nhân vượt qua biên giới, truy tìm thật kỹ những người có tiếp xúc và thực hiện cách ly trong vòng 2 tuần.

Song nếu nCoV đã lan rộng ra toàn cầu, việc hạn chế đi lại có thể trở nên kém hiệu quả hơn các biện pháp nhằm hạn chế sự bùng phát và giảm tác động của chúng. Một vài phương án cụ thể bao gồm đóng cửa trường học, đảm bảo điều kiện y tế, thậm chí đặt lệnh cách ly nghiêm ngặt các thành phố lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng không đồng ý nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại. Ngày 3/3 tổng số ca nhiễm đã lên tới hơn 90.000 với trên 3.100 người chết - 97% trong số đó vẫn ở Trung Quốc. Một số quốc gia đã mạnh tay đến mức cấm tất cả chuyến bay đến và đi từ đại lục. Mỹ cách ly chặt chẽ bất cứ ai đến từ Hồ Bắc và từ chối nhập cảnh với công dân nước ngoài nếu họ đã đến bất cứ đâu ở Trung Quốc trong 2 tuần qua. Một số quốc gia cũng đã có lệnh cấm đối với Hàn Quốc và Iran.

Nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng lệnh cấm sẽ giúp kéo dài thời gian kiểm soát được dịch, tuy nhiên cũng có thể dẫn tới khan hiếm nguồn cung vật tư y tế cũng như làm suy yếu lòng tin của dân chúng. Các lệnh cấm gây ra hậu quả nặng nề. Nền kinh tế Trung Quốc đã hứng chịu tổn thất nghiêm trọng bởi Covid-19, từ hàng không cho đến sản xuất dược phẩm, điện thoại đều bị rối loạn, dẫn tới sự sụt giảm trong chuỗi cung ứng toàn thế giới.

"Những nỗ lực ngăn chặn quy mô nhỏ hơn sẽ vẫn hữu ích", theo Bruce Aylward của WHO, người đang dẫn đầu một nhóm chuyên gia quốc tế ngăn chặn dịch bệnh tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã cách ly hoàn toàn Hồ Bắc trong đỉnh dịch từ ngày 23/1 đến 2/2. 

"Điều quan trọng là các quốc gia nên nghĩ về điều này và cân nhắc có nên áp dụng việc cách ly quy mô nhỏ, không nhất thiết phải ở khắp mọi nơi, nhưng với độ nghiêm ngặt tương đương", Bruce Aylward nói.

Nhà khoa học Israel làm việc tại một phòng thí nghiệm. Ảnh: AFP 
Nhà khoa học Israel làm việc tại một phòng thí nghiệm. Ảnh: AFP 

Lệnh hạn chế đi lại trong lãnh thổ Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến các cá nhân, theo Lawrence Gostin, chuyên gia về chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown. Ông phê phán các biện pháp này, đặc biệt lo ngại đến sức khỏe thể chất, tinh thần của những người ở Hồ Bắc. Họ phải ở trong nhà, bị giám sát thường xuyên và đối mặt với tình trạng thiếu thốn dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, trì hoãn sự lây lan của bệnh tật cũng có thể mang lại những hiệu quả to lớn. Điều này sẽ làm giảm bớt gánh nặng lên y tế, tạo cơ hội đào tạo cho các nhân viên cũng như dân chúng về cách bảo vệ bản thân, đồng thời có thêm thời gian thử thuốc, thậm chí là vaccine trong tương lai.

Các quốc gia khác có thể áp dụng một phần chiến lược của Trung Quốc. Tiến sĩ Dye và cộng sự cho rằng hạn chế giao thông công cộng, đóng cửa các địa điểm giải trí và cấm tụ tập đông người là biện pháp hiệu quả nhất đối với Trung Quốc.

Một câu hỏi đặt ra là liệu đóng cửa trường học có ý nghĩa hay không. Chưa có nghiên cứu với quy mô đủ lớn để biết ảnh hưởng đối với trẻ em từ sự lây lan của dịch bệnh này.

Một số quốc gia có thể quyết định không hẹn chế đi lại, tiếp tục mở cửa các trường học và doanh nghiệp, cũng như từ bỏ việc cách ly các thành phố. "Đây là một quyết định khá nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng", tiến sĩ Dye phát biểu, "vì về cơ bản, điều này cũng đồng nghĩa chúng ta sẽ để virus này tự do".

Để chuẩn bị cho những gì sắp tới, các bệnh viện có thể dự trữ thiết bị hỗ trợ hô hấp và thêm giường bệnh. Việc tăng cường vaccine cúm và phế cầu khuẩn có thể giúp giảm gánh nặng của các bệnh hô hấp trên hệ thống y tế và dễ dàng xác định các ca nhiễm Covid-19 do chúng gây ra triệu chứng tương tự. Chính phủ cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay và tự cách ly nếu bị bệnh.

"Không quan trọng phần còn lại của thế giới làm gì, điều thiết yếu là phải sớm hành động", tiến sĩ Aylward nói. Ông hy vọng các nước khác sẽ học hỏi từ Trung Quốc.

"Tốc độ là tất cả. Điều làm tôi lo lắng nhất, là liệu phần còn lại của thế giới đã học được bài học về tốc độ đối phó dịch bệnh từ Trung Quốc chưa". 

Linh Phan (Theo Science)

Link nguồn: https://vnexpress.net/co-hoi-chan-covid-19-lay-lan-toan-cau-da-het-4063377.html

Tags:
Tổng y sĩ Mỹ kêu gọi người dân không tích trữ khẩu trang

Tổng y sĩ Mỹ kêu gọi người dân không tích trữ khẩu trang

Ông Jerome Adams, Tổng y sĩ Mỹ, cố vấn chính của bộ trưởng Y tế về các vấn đề sức khỏe công cộng, kêu gọi người dân ngừng tích trữ khẩu trang vì sẽ khiến nhân viên y tế gặp rủi ro.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất