Có một chàng trai Việt như thế: 27 tuổi, giành học bổng Microsoft, nhận bằng tiến sĩ tại Singapore, lập kỳ tích gọi vốn 52 triệu USD tiền mã hóa
Có một chàng trai Việt như thế: 27 tuổi, giành học bổng Microsoft, nhận bằng tiến sĩ tại Singapore, lập kỳ tích gọi vốn 52 triệu USD tiền mã hóa. Xuất hiện trong panel tại Forbes, Lưu Thế Lợi hay còn gọi là Lợi Lưu (sinh năm 1991) ngồi cùng bàn với các startup người Việt nổi tiếng trong và người
07:00 01/05/2018
Xuất hiện trong panel tại Forbes, Lưu Thế Lợi hay còn gọi là Lợi Lưu (sinh năm 1991) ngồi cùng bàn với các startup người Việt nổi tiếng trong và người nước như Hùng Trần, Tần Lê, Thông Đỗ… Ở tuổi 27, trông Lợi Lưu hiền nhưng“chững” hơn so với tuổi và những thành tích của anh ở tuổi 27 cũng thực sự “chững chạc”.
Từ giải quốc gia, khu vực khi còn học tại Việt Nam đến tiến sĩ của ĐH QG Singapore
Lợi Lưu (tên thật Lưu Thế Lợi, sinh năm 1991) tốt nghiệp bằng Giỏi chương trình chất lượng cao ngành Khoa học máy tính – ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Khi còn là sinh viên tại Việt Nam, Lợi nhận Giải thưởng của ĐH QGHN cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất năm 2013. Chàng trai này cũng nhận giải ACM-ICPC lần thứ 3 tại khu vực Châu Á năm 2010 và Giải Quốc gia về Tin học cho sinh viên năm 2008.
Nhận học bổng tại đảo quốc sư tử, Lợi là nghiên cứu sinh lĩnh vực blockchains và tiền điện tử tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) danh tiếng. Chàng trai Việt vừa nhận bằng tiến sĩ của NUS cách đây ít ngày. Đặc biệt, anh lọt top nghiên cứu sinh xuất sắc ngành Khoa học máy tính của ĐH Quốc gia Singapore (năm 2017).
Trước đó, năm 2016, Lợi giành Học bổng nghiên cứu khu vực châu Á của Viện nghiên cứu Microsoft. Học bổng này được trao cho 10 nghiên cứu sinh xuất sắc nhất tại châu Á.
Khi nhận được học bổng tại Singapore, Lợi gặp khó khăn trong việc chuyển tiền hỗ trợ em gái học đại học tại Việt Nam và thế là Kyber Network ra đời.
Lợi từng chia sẻ, khi làm nghiên cứu sinh tại Singapore, anh gặp phải một số vấn đề trong việc chuyển cũng như nhận tiền. Mỗi lần nhận học bổng, Lợi trích gửi tiền về quê hỗ trợ gia đình và em gái học đại học. Tuy nhiên, chuyển tiền khó khăn và chi phí cao.
Từ những khó khăn của bản thân, Lợi có ý tưởng hình thành một công nghệ chuyển tiền một cách nhanh chóng, tiết kiệm và bỏ qua khâu trung gian.
Với kiến thức sẵn có cùng những trải nghiệm thực tế, Lợi dành thời gian nghiên cứu về blockchain – công nghệ đằng sau Bitcoin. Thời điểm đó, việc tìm cộng sự thực sự khó và Lợi chỉ có thể nhờ vào sự trợ giúp của các giáo sư. Và với những loay hoay khó khăn ban đầu, Kyber Network ra đời năm 2017.
Kyber Network đã ra đời như là một mô hình sàn giao dịch phi tập trung có thể giúp khách hàng thực hiện các giao dịch ngay lập tức mà không cần chờ đợi một sự khớp với một lệnh ngược chiều tương ứng.
Với phương thức giao dịch mới này, Kyber Network vẫn có thể đảm bảo tính thanh khoản dồi dào trên nền tảng của mình.
Gọi được 52 triệu USD tiền mã hóa, kỳ tích trong giới startup Việt
Tháng 9 vừa qua, Kyber Network bắt đầu tiến hành sự kiện Token Sale (hình thức huy động vốn của các công ty khởi nghiệp) tại Singapore.
Chỉ trong thời gian ngắn dự án này đã huy động được số vốn “khủng”. Số tiền mà startup đặt trụ sở tại Singapore huy động được là 52 triệu USD đến từ hơn 21.000 thành viên tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Dùng khái niệm đồ chơi để giải thích về blockchain
Tại sự kiện do Forbes under 30 do Forbes Việt Nam tổ chức cuối tháng 4, Lợi Lưu đã dùng khái niệm đồ chơi để giải thích.
Chẳng hạn như khi lượng đồ chơi tăng lên thì người sở hữu có nhu cầu cho đi hoặc bán hoặc đổi cái này lấy cái kia. Nếu ở gần thì có thể đổi trực tiếp. Tuy nhiên, người ở Việt Nam muốn đổi đồ chơi cở Silicon Valley chẳng hạn thì sẽ phức tạp hơn. Khi đó, phải sử dụng trung gian giúp các khâu như thanh toán.
Khi qua khâu trung gian, nhiều rủi ro có thể xảy ra. Đồ chơi có thể bị xóa khỏi danh sách hoặc người mua không gửi tiền. Và blockchain loại bỏ toàn bộ rủi ro đó mà không cần trung gian.
Tương lai đồng tiền kỹ thuật số sẽ ra sao?
Theo Lợi Lưu, về lâu dài, sẽ có nhiều đồng tiền mã hóa khác nhau phục vụ những mục đích khác nhau. Ví dụ như, người ta có thể tích trữ bitcoin như tích trữ vàng. Còn Ethereum thì cũng giống như dầu để chạy các ứng dụng khác trên nền tảng blockchain.
Lĩnh vực khác mà blockchain đang áp dụng
Theo 9X này, nhiều ngành nghề khác nhau đang sử dụng blockchain để tạo ra các ứng dụng, công việc mới vì blockchain có thể loại bỏ niềm tin trong các giao dịch. Blockchain có thể cải thiện quy trình cũ và có thể áp dụng cho chuỗi giá trị hay hồ sơ bệnh án. Có nhiều người đang sử dụng để làm thẻ căn cước và có thể gắn tất cả những giấy phép sở hữu vào thẻ này. Điều này làm giảm thiểu tỉ lệ lừa đảo, gian lận trong mua bán trao đổi.
Việt Nam đang trở thành hub (trung tâm) của blockchain trên thế giới. Nhiều nước đã có trung tâm phát triển blockchain tại Việt Nam nhưng Việt Nam chưa có dự án có chất lượng dù nguồn nhân lực lớn. Chẳng hạn nhưng Singapore, Nhật Bản đều đã có văn phòng phát triển tại Việt Nam.
Lợi Lưu hy vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có nhiều dự án có chất lượng.
30 năm nữa, thế giới sẽ thế nào?
Theo Lợi Lưu, rất khó nói về 30 năm nữa. Nhưng anh tin rằng đến thời điểm đó sẽ không còn khái niệm passport hay visa nữa. Mọi người sẽ quản lý trên global blockchain. Thế giới sẽ duy trì theo global network. Có cả xe bay để giải quyết ùn tắc giao thông.
Theo Trí Thức Trẻ/CafeF
Chàng trai Việt tạo dựng thương hiệu bánh mì trên đất Mỹ
Thương hiệu Dot Saigon của chàng trai sinh năm 1989 – Hoàng Đình Soái (Troy Hoàng) đang dần được khẳng định tại Mỹ, sau bao thử thách và nhiều lần muốn bỏ cuộc giữa chừng.