Có một thế hệ mẹ chồng 'sợ' con dâu trong xã hội hiện đại: Ốm nặng khi biết con dâu kể tội mình trên mạng, còn kèm theo cả file ghi âm

Mẹ chồng ốm nặng sau khi đọc được bài đăng của con dâu viết về mình trên mạng xã hội

21:27 10/10/2024

Con trai ngoài 30 tuổi mới lấy vợ nên vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng xác định 'con dâu cũng là con mình'. Bà mừng thầm, nghĩ có con dâu đỡ đần cơm nước việc nhà để mình chăm đàn gà, con lợn và chạy chợ.

Bà Hồng thừa nhận mình không khéo bếp núc cũng ít khi dọn dẹp. Trong khi đó con dâu rất sạch sẽ, kỹ tính khiến mẹ chồng ngột ngạt. Bà ăn bánh rơi vụn ra bàn hoặc đi dép còn dính cát vào sân nhà, con dâu lập tức cầm chổi quét, nhắc nhở. Hai mẹ con vì vậy không hài lòng với nhau chỉ vì những lời  nói vụn vặt hàng ngày.

Vậy nhưng, người phụ nữ 65 tuổi như bà Hồng không thể ngờ những 'lời qua tiếng lại' của bà chồng lại được con dâu ghi âm lại. Sau đó, con dâu gửi vào nhóm chat chung của nhà ngoại để mọi người cùng bàn tán. Thậm  chí, con dâu còn lên mạng xã hội kể tội mẹ chồng.

''Nếu không phải cả làng đàm tiếu, hỏi han tôi làm sao mà biết chuyện nhà mình được phát tán cho cả nước nghe'', bà kể.

Khi được hàng xóm cho xem bài đăng "kể tội mẹ chồng" của con dâu kèm theo cả file ghi âm trên mạng, bà Hồng quá sốc và đã bị ốm nặng sau đó vì suy nghĩ nhiều.

Ở Hà Nội, bà Bích Hạnh, 57 tuổi, không thể thích nghi với lối sống của con dâu. Cô gái 26 tuổi làm bất cứ việc gì cũng cầm điện thoại, kể cả khi nấu cơm, rửa bát đến ngồi vào bàn ăn.

''Thi thoảng thịt cháy, nước trào vì con mải cầm điện thoại". Khi được nhắc, con dâu kêu bận xử lý công việc gấp, không thể rời máy.

Gia đình bà sống cùng căn chung cư hai phòng ngủ nhưng lúc nào bà cũng có cảm giác các con thuộc thế giới khác. 19h cặp vợ chồng trẻ mới đi làm về, 21h đã bế con gửi sang ngủ với bà nội. Cả hai lấy lý do làm online nên thức khuya, đến 1-2h sáng mới ngủ.

Mấy tháng đầu, bà đi chợ, chuẩn bị bữa sáng cho các con, nhưng 8h gọi dậy ăn sáng, vợ chồng con còn thái độ khó chịu. Thậm chí, cô con dâu còn yêu cầu chồng "nhắc mẹ không xâm phạm đời tư".

''Tôi không có con gái, tưởng có dâu về làm bạn, nhưng cả ngày nói không được câu chuyện'', bà nói.

Bà hay khóc, kể với con trai, nhưng anh gạt phắt đi, nói mẹ thích làm quá mọi việc. Từ đó, người mẹ luôn buồn tủi, thấy khoảng cách của mình và các con ngày càng rộng.

hình ảnh

Ảnh minh họa, nguồn: DSD

Bà Hồng và bà Bích Hạnh cùng chung tâm trạng với gần 86% mẹ chồng trong một nghiên cứu của tác giả Lê Ngọc Lan (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới), năm 2021, cho biết con dâu không thể hiện tình cảm như họ mong muốn.

Tiến sĩ y tế công cộng, thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) cho biết từng tư vấn cho nhiều trường hợp mẹ chồng khủng hoảng vì phải chịu áp lực của nàng dâu. ''Các bà thường than thở làm gì cũng sợ con dâu mất lòng, tìm đủ cách chiều con dâu vẫn bị chê'', bà Nga nói.

Thực tế, có nhiều nàng dâu hiện đại khó tính, rất coi trọng sự riêng tư cá nhân nhưng không khéo léo xử lý tình huống. Có trường hợp mẹ chồng quan tâm, muốn giúp các con dọn dẹp phòng ngủ, bị con dâu tỏ thái độ khó chịu. ''Các cô ấy trách mẹ chồng lấy quyền gì vào phòng riêng của mình, trong khi bà chỉ nhặt rác, quét phòng cho sạch sẽ hơn'', bà Nga kể.

Một số nàng dâu lại quá để ý, dễ chạnh lòng. Đôi khi bị mẹ chồng chê bai, hay nhắc nhở một chút đã hậm hực, nói lại với chồng, khiến con trai trách mẹ, làm mối quan hệ thêm phức tạp.

Dưới góc độ tâm lý, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM, cho rằng bản chất của con người là mong được yêu thương, tôn trọng, nhưng có nhiều cô dâu không hiểu được điều đó. Họ cư xử thiếu tinh tế khiến mẹ chồng thấy bị coi thường. Buồn bực, khó chịu, nhưng vì không muốn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con nên các bà âm thầm nhẫn nhịn, tự gây căng thẳng cho mình.

Bà Lã Linh Nga cho biết, một số ít trường hợp, con dâu có điều kiện kinh tế hơn nên xem thường nhà chồng. Nghiên cứu của tác giả Lê Ngọc Lan cho biết, 37,7% mẹ chồng cho rằng con dâu có tính vô tâm; 16,9% thiếu tôn trọng bố mẹ chồng.

Khảo sát xã hội học cũng ghi nhận ngày nay đa số con dâu có địa vị kinh tế cao hơn mẹ chồng. Theo tự đánh giá của các mẹ chồng, mức đóng góp của con dâu vào chi tiêu gia đình là 38%, của mẹ chồng là 22%. Trong đánh giá của con dâu, tỷ lệ này là 45% còn mẹ chồng chỉ góp 19%.

Thực tế quan sát, bà Nguyễn Thị Minh thấy nhiều mẹ chồng cập nhật kiến thức, biết vai trò của nàng dâu đã khác xưa. Họ hiểu khó khăn của người phụ nữ đi làm vợ nên tìm cách đỡ đần.

Tuy nhiên, có những người không kịp thích ứng, đặt ra những yêu cầu khắt khe với con dâu, không hiểu áp lực của họ, thậm chí chỉ trích. ''Khi không hài lòng, người ta mệt mỏi, gây ức chế cho chính họ trước'', bà Minh nói.

Theo bà Minh, người Việt đề cao văn hóa tế nhị, kín đáo. Một số mẹ chồng thuộc thế hệ trước vẫn giữ văn hóa đó nên khó chịu, buồn bực điều gì thường không nói thẳng. Trong khi đó, các nàng dâu hiện đại thì bận rộn, thẳng tính. Nếu nói chuyện ẩn ý, bóng gió họ không có thời gian nghe. ''Khi mẹ chồng nói vòng vo mà con dâu không hiểu, chính các bà sẽ tự thấy khó chịu, mệt mỏi'', bà Minh nói.

Hằng Nga thấy mẹ chồng thuộc kiểu người này. Cô thừa nhận không có thời gian ''dịch" được những câu chuyện nhiều lớp nghĩa của mẹ chồng. ''Bà muốn tôi làm việc này, việc kia nhưng không nói mà cứ kể chuyện nhà bà A thế này, bà B thế kia. Tôi bận, không thể ngồi nghe đoán ý bà được", cô nói.

Các chuyên gia đều cho rằng dù từ phía mẹ chồng hay nàng dâu, áp lực tâm lý sẽ gây mâu thuẫn, căng thẳng trong gia đình, thậm chí đổ vỡ hôn nhân.

Với mẹ chồng, bà Minh cho rằng ngay từ khi nàng dâu bước chân về, cần nói rõ nguyện vọng của mình. Trong quá trình chung sống, nếu khúc mắc, nên học cách chia sẻ, trò chuyện với thái độ tôn trọng để giải tỏa.

"Nếu không biết cách bày tỏ thì nên học hoặc nhờ người khác truyền đạt khéo léo. Khi đã không muốn nói thì phải học cách chấp nhận, thay vì tỏ thái độ với con dâu khiến căng thẳng leo thang'', bà Minh nói.

Khi bày tỏ sự không hài lòng về con dâu với con trai, bà Linh Nga khuyên người mẹ chồng nên lựa lời, nói chuyện một cách công tâm, lắng nghe ý kiến của con trai. Người mẹ phải xem xét cả hai cần điều chỉnh gì, thay vì buộc tội, chỉ trích con dâu.

Các nàng dâu cũng nên khéo léo hơn trong cách cư xử, nhất là khi muốn nhờ vả mẹ chồng. Muốn truyền đạt mong muốn, cần nói với thái độ tôn trọng. Không nên áp đặt ''mẹ phải làm thế này'', nên nói "Mẹ giúp con làm như hướng dẫn này ạ".

Nếu mẹ chồng làm chưa đúng cách, chưa khoa học, có thể nói ''con đọc sách, báo thấy bác sĩ, chuyên gia nói làm thế này sẽ tốt hơn''... để đạt được mong muốn mà không khiến mẹ chồng khó chịu.

Sau vài lần bị bêu xấu trên mạng xã hội, bà Hồng và con dâu xung đột dữ dội. Để tránh gây thêm căng thẳng cho gia đình, các con dọn ra ở riêng, bà đồng ý ngay.

Về phía gia đình bà Bích Hạnh, khi bà chia sẻ buồn phiền, con gái bà đã làm cầu nối để mẹ và chị dâu thấu hiểu nhau hơn.

Tags:
Hành trình trở về nguồn cội của cô gái Pháp gốc Việt

Hành trình trở về nguồn cội của cô gái Pháp gốc Việt

Naomi Armel, tên khai sinh Phạm Thị Hòa không có ký ức về Việt Nam nhưng nhớ như in khung cảnh khắp nơi tuyết trắng của mùa đông trong ngày đầu đến Pháp.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất