Có phải tôi bị kỳ thị không?

Thưa cô Nguyệt Nga, không biết tôi có bị ám ảnh bởi tình hình hiện nay không. Trong một thời gian ngắn tôi gặp đến 3 chuyện, khiến tôi nghĩ, không biết có phải mình bị kỳ thị không?

07:45 30/03/2017

Một lần tôi lái xe trên đường, trong lúc chờ đèn xanh, tôi vô tình nhìn qua bên cạnh, thấy một người Mỹ trắng, ông ta lấy tay chỉ tôi rồi sau đó ổng làm dấu giống như tôi bị mù. Tôi không hiểu ý nghĩa dấu hiệu, nên về hỏi con. Con gái tôi nói, ổng nói mẹ là người Châu Á mắt ti hí đó.

Một lần tôi đi Costco, hôm đó kiếm chỗ đậu xe rất khó, may quá, thấy có một bà Mỹ trắng ra xe. Tôi bấm đèn chờ. Bà lên xe không biết làm cái gì mà lâu thật lâu vẫn chưa cho xe ra. May quá một bà khác đậu xe bên cạnh cũng muốn ra. Tôi nghĩ bụng, có hai chỗ, nếu chỗ này chờ không được thì chỗ kia cũng OK. Tôi hy vọng và ráng chờ. Chờ hoài chờ hủy, cuối cùng một bà đi xuống, rồi hai bà đi xuống, đứng mở cửa xe nói chuyện, sau đó họ vào lại xe, rồi lại mở cửa xuống xe, cầm chổi lau xe. Tôi phát điên lên, mình thì có con nhỏ, chờ quá lâu, vậy mà nay không biết hai bà nghĩ gì mà nhất định không ra xe. Cuối cùng tôi phải đi kiếm chỗ khác. Tôi chắc chắn họ cố tình không muốn tôi đậu xe vào chỗ tốt đó.

Tôi đi Macy’s, lúc trả tiền, một người Mỹ trắng trước tôi đang tính tiền. Khi tính gần xong, họ đi lấy thêm những thứ khác, rồi lại trả bớt vài thứ vừa tính… Mấy người đằng sau tôi bỏ đi sang quầy khác. Tôi cũng muốn đi, nhưng con gái nói, thôi mình chờ từ nãy giờ, chờ thêm tí đi mẹ. Tôi đồng ý. Nhưng tôi không biết chuyện gì, mà lâu thật lâu, vẫn chưa xong, đến độ người tính tiền phải quay lui sorry tôi, và nói gần xong rồi. Nhưng vẫn chưa, bà mua hàng hỏi cần một cái xe đẩy mang đến để bà chất hàng… Tôi không kiên nhẫn được, muốn đi quá, nhưng đã đứng đây chờ quá lâu. Sau khi mọi thứ xong xuôi, bà ta lại ngừng lại để nói chuyện, hỏi han vớ vẩn. Người tính tiền phải trả lời, nhưng tôi thấy được người tính tiền áy náy lắm.

Sao kỳ vậy, có phải họ thấy tôi người Châu Á nên cố tình làm ra như thế. Những lúc như vậy tôi có quyền đến nói không?

Tôi uất ức quá!

Tám Liên

Góp ý của độc giả:

*Maga:

Nếu Trump làm tổng thống lâu hơn, là người Vietnam, người Hồi Giáo, người Châu Á ra đường coi chừng bị nhóm kỳ thị chửi bỏ và đánh vô cớ đó nghen!

*Hoàng Quang:

Thưa chị Tám Liên! Tất cả chúng ta ai cũng có lần bị kỳ thị hay cảm thấy bị kỳ thị. Kỳ thị là một vấn nạn xảy ra ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Nhưng đọc thư của chị tôi không thấy chị bị kỳ thị chút nào cả; có thể vì chị quá nhạy cảm đó thôi.

Ở đời có người lịch sự và cũng có người không. Trong cả ba trường hợp, không có người đúng và cũng chẳng có người sai vì ai cũng có lý do chính đáng là phục vụ cho chính mình.

Chúng ta đang sống trong một xã hội bình đẳng và tự do. Hãy mạnh dạn nói ra nếu cảm thấy bị xúc phạm.

Trường hợp ngoài bãi đậu xe thay vì bực tức vì chờ đợi chị hãy mạnh dạn mà hỏi là “Are you going to leave?” Dĩ nhiên chị sẽ có câu trả lời ngay.

Còn trường hợp ngoài Macy’s chị vẫn có thể hỏi “Have you done?” Và sau đó thì chị quyết định sẽ nhanh hơn.

Đừng để những điều rất nhỏ của cuộc sống bên ngoài xã hội ảnh hưởng đến đời sống của mình chị ạ. Tôi chúc chị luôn bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

*N.B:

Những tình huống chị đã gặp có thể chỉ là những hành động vô ý thức hoặc cũng có thể do thái độ kỳ thị của những người đó. Chị cũng biết trong xã hội có rất nhiều loại người khác nhau. Có người thật tử tế, hòa nhã, thân thiện, cư xử có lễ độ giáo dục. Nhưng cũng có không ít người ba que xỏ lá, lưu manh hạ cấp, luôn tị hiềm so kè với người khác. Cuộc đời là vậy, mình phải chấp nhận sự thật này. Do đó để có thể tồn tại, giữ cho minh có một cuộc sống vui vẻ, lạc quan, mình phải rèn luyện để có một ý chí mạnh mẽ, một bản lĩnh kiên cường sắc sảo, một thái độ tự tin lịch sự. Tất cả chỉ nhằm giúp mình có thể đối phó với từng tình huống một cách hợp lý chính xác.

Theo tôi nghĩ sự kỳ thị là một vấn nạn tồn tại vĩnh viễn trong đời sống trên quả đất này, cho con người và cả thú vật, bất kể lãnh thổ, quốc gia, dân tộc nào. Làm sao có thể có một cuộc sống thật sự bình đẳng, chan hòa tình cảm giữa người với người. Có điều khi đời sống, ý thức, giáo dục được nâng lên mọi người sẽ đối xử với nhau tử tế hơn. Ở xứ Mỹ này sự kỳ thị cũng không ngoại lệ, không cứ chỉ do dân da trắng mà tất cả các sắc dân khác cũng có, chỉ là ở mức độ khác nhau thôi. Chắc chị cũng đôi ba lần phải nghe từ chính đồng hương Việt Nam mình nói lời miệt thị những người Mễ, người da đen dù họ chẳng xúc phạm gì mình, chỉ vì trông họ nghèo nàn, lam lũ hơn. Bây giờ từ khi ông Trump lên làm tổng thống, sự kỳ thị càng trở nên tệ hại hơn.

Bởi vậy chị đừng buồn, đừng uất ức khi nghĩ mình đang bị kỳ thị, hãy mạnh mẽ đối phó tùy từng trường hợp (dĩ nhiên không phải là sẽ chửi nhau, đánh nhau, bắn nhau như một số người đã làm, chắc chị cũng không muốn hành động như vậy?)

Cụ thể đối với tên lái xe chị gặp trên đường, đừng giận dữ để sập bẫy hắn, hãy quắc mắt nhìn thẳng hắn, cười khẩy tỏ vẻ không chấp hành động vô giáo dục của hắn, rồi quay mặt đi không bận tâm tới. Bảo đảm là cục tức từ chị sẽ bay sang hắn, hắn ta sẽ tức tối vì thua không chọc giận được mụ Á Châu cứng cỏi là chị.

Còn ở parking thường không có giới hạn thời gian đậu nên mình không thể yêu cầu họ dời xe ra, tốt nhất là chị hãy lái xe đi tìm một chỗ khác để không mất thì giờ.

Như ở quầy cashier khi shopping, khi một người khách đang chờ kiểm hàng để trả tiền, dù họ có lằng nhằng đổi tới đổi lui mất thì giờ bắt người khác xếp hàng chờ, mình cũng không thể nói được vì họ chưa trả tiền xong. Nếu thấy chờ lâu quá chị hãy đổi sang quầy khác. Tuy nhiên, nếu họ đã trả tiền xong rồi mà vẫn cứ đứng cù cưa nói chuyện bất chấp hàng người đang chờ, chị có thể lên nói: “Xin lỗi, bà (ông) đã mua bán xong chưa? Tôi cần trả tiền món hàng tôi mua, tôi đã chờ quá lâu.” Nhẹ nhàng thôi nhưng họ sẽ thấy xấu hổ rút lui cho lẹ.

Vậy nhé chị, hãy tùy từng trường hợp ứng xử cho thích đáng, tuyệt đối không được tự ti, mặc cảm, ôm uất ức vào mình sẽ tổn thọ đấy.

Chúc chị luôn vui và tự hào mình là người Việt Nam.

*Van Nguyen:

Mến gởi cô Tám Liên,

Theo tui nghĩ, có lẽ tại vì năm xui tháng hạn nên cô ra đường gặp toàn… hà bá. Hơn nữa, có lẽ tại vì trong cô đã có sẵn những ý nghĩ “mình bị kỳ thị” nên khi gặp chuyện gì có liên quan đến người Mỹ trắng thì cô nghĩ ngay là mình bị kỳ thị. Người cà chớn thì ở đâu cũng có, trong những trường hợp như vậy, tốt nhất là mình nên tìm cách tránh, còn tránh làm sao thì tùy cơ ứng biến nha cô!

Tui làm việc chung với đủ thứ người, Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ tho, Mỹ… khỏ, mà tui có thấy ai kỳ thị gì tui đâu nè!

Vấn đề mới:

Chào cô Nguyệt Nga, lời nói đầu là cầu chúc cô luôn dồi dào sức khoẻ và vạn sự như ý. Mong cô thông cảm cho tôi về lỗi ngữ pháp và làm phiền cô, thưa chuyện với cô.

Chào cô, năm nay đã 50 tuổi, gặp phải rắc rối ở cuộc sống hôn nhân của lần thứ hai này, khi cuộc sống tình cảm của lần đầu không được trọn vẹn.

Tôi cưới người vợ thứ hai tên Th., 34 tuổi. Cô ấy ở Việt Nam và tôi đã bảo lãnh qua Mỹ được hai năm. Mặc dù tôi cũng đã nghe rất nhiều câu chuyện về những cuộc hôn nhân giữa những người đàn ông lớn tuổi và cô gái trẻ ở Việt Nam. Nhưng tôi không tin rằng cuộc hôn nhân thứ hai của tôi lại rơi vào tình trạng xấu đó. Bởi cô gái con nhà tử tế, bản thân cô ấy là người có học, tính tình lại nết na, hiền lành, nhút nhát… Tôi bị chinh phục ngay từ đầu bởi những ưu điểm đó. Chính bạn bè và người thân của tôi cũng thấy những ưu điểm từ cô gái. Tôi yên tâm làm giấy tờ cho cô ấy sang. Chúng tôi có với nhau một đứa con, nay đã 11 tháng.

Thưa cô Nguyệt Nga, chỉ một thời gian ngắn, hình ảnh cái cô gái nết na ngày xưa nay không còn một chút dấu vết. Cô ấy biến đổi đến độ bố mẹ tôi và cả gia đình cô không ngờ. Cô ấy thường làm nhục tôi, bất cứ thời gian nào và ở đâu. Cô ấy ra nhà bank đòi làm setting alert, tôi chỉ cần rút ra 10 đồng là tự động nhà bank báo vào điện thoại của cô. Những lần như thế, cô ấy làm ầm lên, chửi bới thô tục và rủa xa xả vào mặt tôi là, có phải tôi đã lấy tiền để nuôi “cái con quỷ cái cho nó mập lên không?” (cô ta gọi đứa con gái 13 tuổi của tôi với người vợ trước là “con quỷ cái”). Cô ấy kiểm soát nhà bank từng đồng một, vì sợ tôi đưa tiền cho người vợ cũ. Nhưng đau lòng nhất là cô ấy làm đủ mọi cách để phá đám những ngày tôi đón con gái riêng của mình. Sau này cô ta gây cản trở đến độ tôi không dám chở con gái mình về thăm ông bà nội.

Hiện nay đứa con là vũ khí của cô ấy để hành hạ và sai khiến tôi. Có những hôm cô ta ẵm con mới có 11 tháng ra đường với nhiệt độ là 30 độ F để yêu sách tôi một điều gì đó. Cô ta cũng thách thức tôi làm giấy tờ để đuổi cô về Việt Nam. Nói thật tôi muốn làm điều này lắm, nhưng tôi vì đứa con nhỏ mà không nỡ, thêm vào đứa con gái 13 tuổi của tôi, lại rất thương em, có hôm cháu nói: “Con không muốn em khổ như con.” Nghe mà nát lòng.

Thời gian này tôi không biết làm gì cả, đầu óc rối mù lên. Tôi có gọi điện về than vãn với gia đình cô gái, thì gia đình trách: “Tại sao giờ mới nói?”. Tôi phần không muốn con khổ, phần không muốn cha mẹ già bận lòng, nên cố nín nhịn qua ngày. Tôi biết mình sai lầm khi tưởng rằng trường hợp của mình sẽ không giống một số người đàn ông cưới vợ trẻ Việt Nam khác. Tôi biết nói ra thì cũng có nhiều độc giả sẽ bảo: Cho đáng đời! Tôi xin quí vị độc giả chỉ có tôi một phương cách để tôi thoát được chuyện này, tôi quá bí lối. Xin đa tạ

Người bí lối

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Tags:
Người Việt mua nhà ở Mỹ - Kỳ 1: Nhỏ to gì cũng ráng mua cho oách

Người Việt mua nhà ở Mỹ - Kỳ 1: Nhỏ to gì cũng ráng mua cho oách

Khác với quan niệm của người Việt thích “an cư lạc nghiệp”, thì chuyện người Mỹ cầm bằng lái, credit card, vác ba lô nay sống thành phố này, mai ở tiểu bang khác là bình thường.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất