'Cơn ác mộng' uống nước bẩn sông Flint của người Mỹ

Vào một ngày hè nóng nực năm 2014, tại khu dân cư Civic Park nơi Mục sư Sherman McCathern sinh sống tại thành phố Flint, bang Michigan, Mỹ, nước ào ào chảy ra từ một vài trụ nước chữa cháy. Nước chảy ra nâu đỏ như cà phê suốt nhiều giờ đồng hồ không có dấu hiệu nhạt màu…

03:00 25/10/2019

Quá khứ huy hoàng và thực tại u ám

Trước đó vào mùa xuân, chính quyền thành phố Flint quyết định đóng cửa nguồn nước ngọt đã sử dụng trong suốt nửa thế kỳ qua để lên kế hoạch xây dựng một hệ thống cấp nước mới và trong thời gian thi công, người dân sẽ sử dụng nước từ sông Flint.

Người dân tại Flint khi ấy đã hốt hoảng khi nước chảy từ vòi nước của họ có màu nâu đục như cà phê và mùi chì. Họ nhóm họp với nhau, viết thư phản ánh tới tòa thị chính thành phố. Đi kèm bức thư là một chai nước có màu nâu đậm, bên trong có những hạt nhỏ lơ lửng. “Nhiều người sau khi tắm đã bị phát ban da và rụng tóc. Nước có mùi hôi, khi uống có cảm giác như có vị tiền xu trong lưỡi” – Mục sư McCathern kể lại. “Nhưng các nhà chức trách lại tuyên bố rằng mọi thứ đều ổn và mọi người có thể sử dụng nước như bình thường. Người dân được khuyên nên để vòi chảy vài phút trước khi nước sạch chảy ra. Nhiều tháng trôi qua, nhà máy nước của thành phố đã khắc phục vấn đề và khuyên mọi người đun sôi nước trước khi uống. Các quan chức môi trường nhà nước nói đi nói lại rằng không có gì phải lo lắng”.

'Cơn ác mộng' uống nước bẩn sông Flint của người Mỹ - ảnh 1

Ống nước rỉ sét của nhà máy cấp nước Flint.

Lúc này, những người dân tại Flint như Mục sư McCathern không biết nên tin vào các giác quan của mình hay lời khuyến cáo của chính quyền. Ở Flint, nguồn nước còn đóng góp cho sự hình thành và phát triển của hãng sản xuất xe hơi nổi tiếng General Motors (GM) - được thành lập năm 1908 tại đây, giúp thành phố có tên trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Mạng lưới đường ống nước ngầm tiên tiến tại Flint đã giúp nâng tầm quy mô đô thị và giải quyết bài toán sinh kế cho toàn thành phố.

Nhưng vào cuối thế kỷ 20, GM đã đóng cửa hầu hết các nhà máy của mình trong thành phố và khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, kéo theo đó là sự sụp đổ của các công ty sống dựa vào GM. Chỉ riêng từ năm 1998 đến 2013, gần 150 doanh nghiệp đã rời khỏi Flint, cùng với đó là nhà cửa và trường học. Hơn một nửa dân số Flint, gần 200.000 người đã biến mất vào năm 1960. Chỉ còn khoảng 22.000 người ở lại đây, theo thống kê từ năm 2000-2010.

'Cơn ác mộng' uống nước bẩn sông Flint của người Mỹ - ảnh 2

Một chai nước màu cà phê là nước máy lấy từ vòi của một hộ dân Flint.

Suy giảm kinh tế đã khiến chính quyền buộc phải cắt giảm chi phí công và chuyển sang các hệ thống giúp tiết kiệm ngân sách. Năm 2014, năm chuyển sang nguồn nước mới, Flint vẫn là thành phố lớn thứ bảy trong tiểu bang và là nơi cư trú yên ổn của khoảng 99.000 người, người dân Flint cùng đồng lòng vực dậy thành phố. Nhưng vào ngày hè ngột ngạt, mọi hy vọng thay đổi của người dân Civic Park nói riêng và toàn Flint nói chung đã hoàn toàn “đổi màu” như dòng nước.

Thành phố Flint bị đầu độc bởi chính nguồn nước của mình. Theo đó, suốt gần 50 năm qua, bộ phận cấp thoát nước ở thành phố Detroit (DWSD) cung cấp nước cho toàn Flint. Nhà máy xử lý nước của Flint, công ty có chức năng xử lý nước sông trước khi sáp nhập DWSD vào những năm 1960. Tuy nhiên nhà máy này hoạt động trên danh nghĩa vì chính quyền yêu cầu một nguồn nước dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp.

Chất lượng nước DWSD đáng tin cậy nhưng chi phí lại hết sức đắt đỏ. Người dân đã kêu gọi chính quyền hỗ trợ giá nước từ nhiều năm do không thể gánh vác chi phí hóa đơn, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn. Ủy viên phụ trách đường ống, ông Jeff Wright cho rằng DWSD đang độc quyền giá nước và cần phải có giải pháp thay thế. Ông Wright cho ra mắt Cơ quan quản lý nước Karegnondi (KWA). Đơn vị cấp nước mới này ban đầu chỉ là một ý tưởng và được coi là một chiến thuật đàm phán để gây áp lực cho DWSD để có mức giá tốt hơn. Nhưng sau đó, KWA lại nhận được giấy phép từ chính quyền bang Michigan để hút hơn 300 triệu lít nước mỗi ngày ra khỏi Ngũ Đại Hồ (5 hồ nước lớn giáp ranh Mỹ và Canada). Flint và các thành phố lân cận đã được mời chào để giúp xây dựng hệ thống nước mới này ngay từ đầu.

'Cơn ác mộng' uống nước bẩn sông Flint của người Mỹ - ảnh 3

Sông Flint – nguồn cơn của cuộc khủng hoảng nước ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người dân.

Không giống như hệ thống Detroit, nơi cung cấp nước đã qua xử lý, KWA bơm nước thô đến cộng đồng dân cư. Điều đó có nghĩa là họ sẽ phải xử lý nước trước khi bán cho cư dân và doanh nghiệp. Đối với Flint, điều đó có nghĩa là chính quyền phải khởi động lại nhà máy xử lý cũ. Ông Wright đã vận động quyết liệt cho KWA, với lý do tiết kiệm chi phí và độc lập nguồn nước. Bang Michigan đã chấp thuận thay đổi nhà cung cấp nước. Năm 2013, Flint ký hợp đồng với KWA để cung cấp hơn 68 triệu lít nước cho thành phố mỗi ngày. Thế nhưng KWA vẫn chỉ đang tồn tại trên giấy tờ và chưa được xây dựng, do đó không thể cung cấp nước cho Flint trong vòng vài năm.

Người dân ngỡ tưởng chính quyền thành phố sẽ vẫn duy trì hợp đồng sử dụng nước từ DWSD. Tuy nhiên, Flint đã đưa ra quyết định bất ngờ khi tranh thủ tận dụng một nguồn nước khác trong giai đoạn chuyển tiếp này, đó là sông Flint.

Sông Flint trước đó đã bị bức tử bởi ngành công nghiệp, đến mức người dân không dám ăn cá bắt lên từ con sông này. Tuy nhiên, bỏ qua những lời cảnh báo của các chuyên gia, nhà máy xử lý nước Flint vẫn được tái hoạt động dù không được nâng cấp, bảo dưỡng.

Đến cuối tháng 5/2014, nước chảy ra từ vòi trong nhà Bethany Hazard – nằm ở phía tây Flint có màu đục và sủi bọt.

Đến ngày 2/6/2014, chưa đầy 5 tuần sau khi chuyển đổi nguồn nước, một đài truyền hình địa phương đưa tin nhiều người dân từ bỏ vòi nước uống công cộng và chuyển sang uống nước đóng chai. “Nước có mùi vị rất tệ”, một người dân trả lời trên sóng truyền hình, trong khi đó các quan chức của thành phố nói rằng “nước hết sức an toàn để sử dụng”..

Người dân mệt mỏi mua nước đóng chai và đào giếng

Sau hai công trình nghiên cứu, các chuyên gia công bố nguyên nhân gây ô nhiễm nước tại Flint: Hệ thống xử lý nước tại đây đã không đủ đảm bảo để khử tính ăn mòn của nước, qua đó việc xử lý clo bị vô hiệu hóa. Không có chất khử trùng, nước dễ bị nhiễm vi khuẩn, dẫn đến sự xuất hiện của E. coli. Để “chữa cháy”, nhà máy đã cho tăng lượng clo sục trong nước. Nhưng điều này càng làm tăng các chất trihalomethane (TTHM) - 4 hợp chất hóa học không màu, không mùi và là sản phẩm phụ của quá trình khử trùng clo. Khi quá trình ăn mòn trở nên tồi tệ hơn, chì ngấm sâu vào nước. Lượng sắt dư thừa cũng trở thành “chất dinh dưỡng” hoàn hảo cho sự phát triển của các loại vi khuẩn khác, bao gồm legionella, gây ra một dạng viêm phổi có tên gọi Legionnaires.

Theo nhóm nghiên cứu, việc đổi nguồn nước có liên quan đến việc giảm khả năng sinh sản nghiêm trọng đối với phụ nữ ở Flint và tăng 58% số ca tử vong thai nhi. Các mẫu nước tại Flint dều vượt quá mức quy định của liên bang đối với chì và gần gấp 3  lần so với mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới quy định. Màu nước đặc như cà phê tại Flint là do sắt trong đường ống bị ăn mòn.

Trong khi đó, các quan chức không ngừng lên tiếng trấn an người dân về nguồn nước mới. Thị trưởng Flint khi đó là Dayne Walling khăng khăng, “tôi nghĩ mọi người đang lãng phí tiền bạc của mình để mua nước đóng chai”.

Chưa hết, thành phố đã ban hành các tư vấn về nước chỉ trong 22 ngày. Thông báo đầu tiên được đưa ra vào ngày 16/8 sau khi vi khuẩn E. coli, đã được phát hiện trong nguồn nước. Sự hiện diện của nó cho thấy nước đã bị ô nhiễm bởi phân người hoặc động vật. Người dân được yêu cầu đun sôi nước trong một phút trước khi uống, tắm, đánh răng, rửa bát, nấu ăn hoặc làm đá.

Để khắc phục, thành phố tuyên bố sẽ tăng cường xử lý khử trùng clo và xả sạch hệ thống trong các khu vực bị nhiễm khuẩn. Chính quyền Flint tuyên bố nước từ nhà máy xử lý đáp ứng các tiêu chuẩn của Đạo luật Nước uống An toàn.

“Tuy vậy, người dân ở Flint vẫn chuyển sang dùng nước đóng chai hoặc lắp đặt hệ thống lọc trong nhà của họ. Một số đào giếng khoan. Nước được cung cấp không an toàn để uống, nấu ăn, rửa bát, hoặc thậm chí cho vật nuôi. Chúng tôi lo lắng mỗi khi tắm”, Jan Burgess, một người dân địa phương cho biết.

Chính quyền vô cảm

Một quan chức môi trường bang Michigan đã có phát biểu gây phẫn nộ dư luận ngày ấy: “Dùng nước trong thời gian ngắn liệu có rủi ro không, điều đó phụ thuộc vào kết luận của bác sĩ. Nguồn nước ở đây hết sức an toàn và đảm bảo. Nguồn nước không gây ảnh hưởng tới sức khỏe mọi người”.

Không thể làm ngơ, người dân Flint đã tổ chức các cuộc tuần hành, kiến nghị với chính quyền, họ còn lưu giữ các ghi chú tỉ mỉ của chuyên gia, thu thập các mẫu, tổ chức các điểm cung cấp nước sạch tạm thời, tạo các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin và tìm kiếm các tài liệu công khai. Người dân cũng tranh thủ sự chú ý các tổ chức vì môi trường từ khắp đất nước để kêu cứu.

Sau khi các nhà khoa học chứng minh ô nhiễm chì là có thật tại Flint, tình trạng khẩn cấp liên bang đã được tuyên bố vào tháng 1/2016. Cư dân tại Flint được khuyến cáo chỉ sử dụng nước đóng chai hoặc nước lọc để nấu nướng, sinh hoạt. Thống đốc bang Michigan lúc đó là Rick Snyder đã đưa ra lời xin lỗi người dân và hứa sẽ khắc phục sự cố, sau đó chi 28 triệu USD để cho dịch vụ chăm sóc y tế và nâng cấp cơ sở hạ tầng và bổ sung thêm 30 triệu đô la cho Flint để hỗ trợ tiền hóa đơn nước, 165 triệu USD khác để thay thế hệ thống ống nước.

Một số quan chức khẳng định vào đầu năm 2017 rằng chất lượng nước đã trở lại mức chấp nhận được, nhưng đến tháng 1/2019, người dân và các nhiều quan chức vẫn tỏ ra nghi ngờ về thông báo này. Tất cả các đường ống cấp nước đang được thay thế, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2019.

Ngày 13/6 vừa qua, Tổng trưởng lý Michigan Dana Nessel tuyên bố mở lại cuộc điều tra và 8 cá nhân sẽ bị truy tố do liên quan đến sự cố khủng khiếp này. Những gì đã xảy ra tại Flint có lẽ là bài học đắt giá cho thế giới về cuộc khủng hoảng ô nhiễm nguồn nước. Khi người dân Flint nhận thấy có điều gì đó kỳ lạ về nước của họ, họ đã yêu cầu giúp đỡ, tuy nhiên nguyện vọng của họ đã bị phớt lờ cho tới khi hậu quả đổ ập xuống.

Trong số những hậu quả do khủng hoảng nước gây ra như phát ban, rụng tóc, hệ thống ống nước bị hủy hoại, nhà bị mất giá, trẻ em mắc bệnh Legionnaires, kinh tế suy sụp,…thì có lẽ tàn khốc nhất là việc họ trở nên mất niềm tin vào chính quyền – những người đáng lẽ phải đứng ra bảo vệ người dân.

Tags:
Giáo sư người Mỹ phẫu thuật miễn phí cho 16 trẻ em bị bệnh hiểm nghèo tại Việt Nam

Giáo sư người Mỹ phẫu thuật miễn phí cho 16 trẻ em bị bệnh hiểm nghèo tại Việt Nam

Từ ngày 21 đến 25/10, 16 bệnh nhi bị bệnh hiểm nghèo như u sợi thần kinh, u máu não, dị dạng mạch máu… sẽ được Bác sĩ McKay McKinnon đến từ Mỹ thăm khám, phẫu thuật miễn phí thông qua Quỹ từ thiện Nâng bước tuổi thơ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất