Con ở Mỹ có được nhận nhà bố mẹ tặng cho ở Việt Nam không?

Ông bà Năm có hai người con, một trai, một gái. May mắn là cả hai người con của ông bà Năm đều biết cư xử và có hiếu với cha mẹ. Ông bà Năm vốn rất coi trọng học hành, vì vậy luôn răn dạy hai người con phải cố gắng học để nối tiếp truyền thống hiếu học của gia đình. Ông bà còn định hướng cho người con trai phấn đấu học hành để nhận được học bổng có cơ hội học tập ở nước ngoài, tiếp cận những điều mới mẻ và hiện đại.

13:30 27/05/2018


Người định cư ở nước ngoài vẫn được quyền sở hữu nhà ở khi đáp ứng một số điều kiện. Ảnh ST

Chỉ muốn con về

Không phụ lòng cha mẹ, người con trai sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông được nhận học bổng của một trường đại học bên Mỹ. Tốt nghiệp đại học, người con trai tiếp tục nhận được học bổng thạc sĩ rồi tiến sĩ. Vốn dĩ có năng lực và có kỹ năng giao tiếp nên anh được nhiều cơ quan tại Mỹ chào đón về làm. Thời gian thấm thoát trôi qua, anh đã ở Mỹ được mười mấy năm, kết hôn và nhập tịch vào nước Mỹ. Ông bà Năm nhiều lần bày tỏ nguyện vọng muốn người con trai về lại Việt Nam sinh sống, làm việc để cho ông bà được gần con gần cháu. Tuy nhiên, người con trai vẫn không muốn về và thuyết phục ông bà Năm qua Mỹ sinh sống cùng gia đình anh. Mặc dù rất thương con, thương cháu, nhưng ông bà Năm không muốn qua Mỹ định cư vì ngại cuộc sống thay đổi, xáo trộn ở tuổi xế chiều và muốn gần người con gái, trong khi ông bà có điều kiện kinh tế khá giả. Chính vì vậy ông bà Năm quyết định tiếp tục sinh sống tại Việt Nam.

Dù người con trai không chịu về, nhưng ông bà Năm vẫn muốn anh có một căn nhà ở Việt Nam để có nơi đi về thăm quê hương. Ông bà quyết định tặng mua 3 căn nhà liền nhau trong một dự án, cho anh một căn nhà, cô con gái một căn nhà, còn một căn nhà ông bà ở cho đến cuối đời. Điều ông bà băn khoăn là người con trai đi nước ngoài đã lâu, giờ đã có quốc tịch Mỹ, hộ khẩu, CMND Việt Nam cũng không còn, không biết anh có được quyền nhận căn nhà mà ông bà tặng cho tại Việt Nam hay không. Bạn bè ông bà nhiều người nói được, có người nói không vì anh con trai đã có quốc tịch và định cư tại Mỹ. Quá băn khoăn, ông bà đến nhờ luật sư tư vấn.

Có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam

Trước tiên cần xác định người con trai của ông bà Năm là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo khoản 3, điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam) và người gốc Việt Nam (đã từng có quốc tịch Việt Nam) cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Khoản 2, điều 7, khoản 1, điểm b, khoản 2, điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở Việt Nam.

Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và phải có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào khoản 2, điều 5, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải có giấy tờ sau đây: Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu. Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Khoản 1, điều 6 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu không được nhập cảnh vào Việt Nam mà được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở tại Việt Nam thì không được công nhận quyền sở hữu nhà ở mà phải thực hiện quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 điều 78 của Nghị định này.

Theo điểm b, khoản 2, điều 119 Luật Nhà ở năm 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở (trong đó có giao dịch tặng cho nhà ở) theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

Về quyền sử dụng đất, khoản 1, điều 186 Luật Đất đai 2013 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Như vậy mặc dù người con trai của ông bà Năm đã có quốc tịch và đang sinh sống, làm việc tại Mỹ, nhưng vẫn được phép nhận tặng cho nhà tại Việt Nam. Người con trai của ông bà Năm cần phải kiểm tra lại xem hiện tại có còn hộ chiếu còn hiệu lực do Việt Nam cấp hay không. Nếu như anh không có hộ hiếu Việt Nam còn hiệu lực mà sử dụng hộ chiếu của nước ngoài cấp khi nhập cảnh vào Việt Nam thì hộ chiếu đó phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh vào Việt Nam. Ngoài ra, anh cần phải có giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo Điều 11, Luật Quốc tịch Việt Nam thì một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam: Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Dựa vào quy định nêu trên thì người con trai của ông bà Năm có thể sử dụng giấy khai sinh để chứng minh có quốc tịch Việt Nam để được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với căn nhà mà anh được cha mẹ anh tặng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Tags:
Mỹ đang 'đối thoại hiệu quả' với Triều Tiên về cuộc gặp thượng đỉnh

Mỹ đang 'đối thoại hiệu quả' với Triều Tiên về cuộc gặp thượng đỉnh

Trump cho biết Washington vẫn duy trì liên lạc với Bình Nhưỡng nhằm nối lại hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất