Con sẽ trở về - Bài viết cảm động quá. Tôi chỉ chực muốn khóc mà thôi !
Thật dễ để ở đây mà chẳng muốn rời xa, nhưng mỗi lần nghĩ đến mẹ, hình ảnh đoạn quảng cáo năm nào lại hiện lên và tôi biết mình sẽ trở về… (Đặng Thị Hương, Australia)
09:00 10/06/2023
Năm 16 tuổi, khi còn sống xa mẹ ở Hà Nội, cứ mỗi buổi tối tới giờ cơm là có chương trình quảng cáo hạt nêm. Hình ảnh người mẹ đi gửi một tấm bưu thiếp qua bưu điện cho một cậu con trai đang đi du học, với lời nhắn “Về nhà đi con”, trong tấm bưu thiếp là ảnh nồi canh nóng mà người mẹ vừa nấu. Thế rồi cậu con trai đáp chuyến máy bay trở về đón Tết cùng gia đình.
Tôi thường nghĩ về đoạn quảng cáo đó vào mỗi năm khi Tết đến: “Về nhà đi con”, xuân đang tới rồi, nhà nhà sum vầy, mẹ nấu canh ngon… Những năm tháng đó Tết luôn là điều làm tôi mong mỏi nhất, và cả cho đến nhiều tháng năm sau này Tết vẫn luôn là một thứ thiêng liêng lắm - Tết là để về nhà.
Nhà trong tôi là những sáng tinh mơ mùa đông, mẹ sẽ đun một ấm nước nóng cho chúng tôi rửa mặt khỏi bị lạnh, rồi rang cơm nguội cho mấy anh em ăn kịp tới trường, sau đó mẹ lai vội vàng bước thấp bước cao ra ngoài đồng. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mẹ nuôi chúng tôi lớn lên, không chỉ bởi những thứ vật chất bình thường mà còn là tình yêu trọn vẹn dành cho 3 anh em.
Chúng tôi lớn lên cùng mẹ qua bao nhọc nhằn mưa nắng, rồi lần lượt dần xa mẹ. Tôi rời quê ra Hà Nội khi mới chỉ 13,5 tuổi, người ta bảo tôi đi làm Osin, còn tôi cứ đi theo chứ cũng chẳng biết để làm gì. Buổi chiều tháng 4 hôm đấy, tôi đã bước lên ôtô, lòng đầy thổn thức mà không nói được lời nào với mẹ. Một con bé 13,5 tuổi, cao 1m30 và nặng 27kg, bắt đầu hành trình làm người lớn của mình như vậy.
Đến Hà Nội, tôi được xếp vào ở phòng tập thể trên tầng 5 của một bà môi giới người giúp việc. Trời mưa rả rích, lòng tôi đầy xốn xang khi nghĩ về nhà. Hà Nội trong tôi nhiều người quá, nhưng không có mẹ, không có làng quê nghèo… sau này tôi hiểu xa mẹ là hành trình xa nhất của mỗi người.
Tôi thường hay nghĩ cách làm thế nào để trở về nhà, đến nỗi có hôm ngủ mơ, sáng tỉnh dậy thấy mặt mình dàn dụa nước mắt. Sau nhiều lần tìm cách, tôi nhờ được một cô ở nhà gọi điện bảo rằng bố cháu bị ốm nặng phải về gấp. Và thế là… chuyến đi của tôi cũng có ngày trở về.
Đó là một chiều mùa thu, mưa lâm râm, sau khi đi làm 6 tháng, mẹ xuống lấy tiền về mua xe đạp cho anh đi học, số tiền còn lại chỉ có 300.000 đồng, chủ nhà giữ lại 100 làm tin, tôi mang về nhà 200.000 đồng. Trên đường ra bến xe, tôi cứ lo lắng làm thế nào để không bị mất cắp lại vừa sợ mình bị say xe. Xe vừa chuyển bánh, người tôi đã mềm nhũn ra, rồi cứ thế mà khóc. Nhưng trong đầu vẫn nghĩ tới cái túi quần áo đang nằm dươí gầm ghế với 200.000 đồng được gói bọc kỹ càng.
Một người cửu vạn chắc thương tình quá liền hỏi tôi: "Cháu gái, cháu đi đâu mà đi một mình, người thì như cái kẹo, say mềm cả ra, nhà ở đâu, bố mẹ đâu?"
Tôi nói dối: “Bố mẹ cháu ở quê làm ruộng, cháu là sinh viên đại học, đi học dưới Hà Nội, cuối tháng hết sạch tiền nên phải về xin tiền bố mẹ còn đóng tiền nhà và tiền ăn”.
Tôi cứ nghĩ mình nói thế người ta sẽ thương tình mà không lấy tiền của mình.
Rồi xe dừng bánh ở cổng cầu Gạo, mẹ đã đứng chờ sẵn tự lúc nào. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, mẹ hỏi tôi rất nhiều về cuộc sống ở Hà Nội, lòng đầy thổn thức ngồi sau lưng mẹ, nhưng tôi lại lấy cớ say xe mệt không nói chuyện được. Thật ra thì tôi sợ mẹ biết những chuyện ở Hà Nội, sợ mẹ đau lòng.
Tôi đã ngồi sau lưng mẹ trên chiếc xe đạp trong suốt cả tuổi thơ của mình, mỗi lần như thế, tôi đều muốn con đê đó dài ra mãi để tôi không phải nghĩ về việc 3 ngày hay 5 ngày sau mình đang ở đâu, chỉ để nghĩ tôi đang ở cạnh mẹ ngay lúc đấy thôi.
Có thể nói rằng hành trang lớn nhất tôi có trong những tháng năm xa nhà là tình yêu của mẹ, là hình ảnh mẹ đợi tôi ở cuối cây cầu Gạo với chiếc xe đạp cọc cạch, những con đê dài hun hút và hơn cả là nhà. Nếu không có những điều bình dị đó hằn sâu trong từng tiềm thức và trái tim mình, có thể sự tự do của tuổi trẻ sẽ làm tôi quên mất đường về. Mỗi khi nghĩ về những ngày đã xa, tôi lại ước ao mẹ còn trẻ như ngày xưa và chở tôi trên chiếc xe đạp, rồi tôi lại được áp vào lưng mẹ, thổn thức những suy nghĩ nhưng không nói nên lời.
Năm tôi 25 tuổi, giấc mơ đến Australia xinh đẹp gần hơn bao giờ hết, những khát vọng tuổi trẻ đã mang tôi đi xa mẹ hơn bao giờ. Nhưng mẹ không ngăn bước chân tôi dù tôi biết mẹ không muốn tôi đi nữa. Nhưng tôi cứ thế mà rời Hà Nội, rời mẹ mà đi.
Với tôi có lẽ đây là một chuyến đi dài và xa nhất về thời gian cũng như địa lý. Từ khi sang đây, mỗi khi nhớ nhà tôi đều đeo tai phone và nghe "Nhật ký của mẹ", hay "Nồng nàn Hà Nội" chỉ để biết rằng mình có một chốn trở về, một nơi mà ở đó tình yêu của mẹ luôn sưởi ấm những ngày đông và tắm mát tâm hồn tôi trong những ngày hè đổ lửa.
“Một ngày chợt nắng một ngày chợt mưa, lòng mẹ nhớ con rất nhiều…”, lời Hiền Thục vang lên lại làm tôi thấy thương mẹ nhiều hơn. Tôi biết ơn vì mẹ đã cho tôi tự do đi tới vùng trời của mình.
Melbourne (Australia) đã giữ một phần tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của tôi. Đây lại là một thành phố đáng sống nhất thế giới. Thật dễ để ở đây mà chẳng muốn rời xa, nhưng mỗi lần nghĩ đến mẹ, hình ảnh đoạn quảng cáo năm nào lại hiện lên và tôi biết mình sẽ trở về…
Đặng Thị Hương / VNEXPRESS.NET
Có tiền gửi tiết kiệm đừng chọn kỳ hạn 6 tháng hay 1 năm: Làm theo cách này không lo mất tiền oan
Với bí quyết gửii tiền tiết kiệm dưới đây bạn có thể an tâm hưởng lãi suất mà không cần lo lắng gì cả.