Cộng đồng người Việt thành điểm sáng tiêm chủng ở bang Mỹ

Cộng đồng người Việt nổi lên là nhóm có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất Alabama, một trong những bang triển khai vaccine Covid-19 chậm nhất nước Mỹ.

23:00 19/06/2021

Tại bến thuyền Bayou La Batre Alabama, Truc Le, chủ một tàu đánh bắt tôm, đang cùng vợ và con trai chuyển đá lạnh lên tàu để bảo quản tôm. Le vẫn đánh bắt suốt đại dịch và không quá lo lắng về Covid-19, nhưng người nhà ông thì có, vì vậy Le đi tiêm vaccine.

"Người nhà tôi lo bị nhiễm nCoV nếu không tiêm vaccine", Le nói bằng tiếng Việt.

Phuong Thi Nguyen, một phụ nữ  sinh sống ở Bayou La Batre, chất đá lên lạnh lên máy làm mát ở bến tàu hôm 14/6. Ảnh: AL.
Phuong Thi Nguyen, một phụ nữ sinh sống ở Bayou La Batre, chất đá lên lạnh lên máy làm mát ở bến tàu hôm 14/6. Ảnh: AL.

Alabama có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 thấp thứ hai tại Mỹ, nhưng cộng đồng người Việt ở đây lại trở thành một điểm sáng. Lãnh đạo cộng đồng ước tính 90% người Việt đủ điều kiện tại Alabama đã tiêm chủng. Con số này chỉ là 34% với người dân trong bang.

Con trai của Le làm việc trên thuyền cùng bố, có kế hoạch tiêm vaccine theo mong muốn của gia đình. Còn bà Phuong Thi Nguyen, vợ của Le, vừa chất đá vào máy làm mát công nghiệp ở bến tàu vừa kể chuyện con gái đã giúp đặt lịch tiêm bởi bà không biết nói tiếng Anh.

"Mọi người xung quanh chúng tôi đa số đã tiêm rồi", bà nói. "Họ bảo tôi tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV".

Alabama có khoảng 4.000 người Việt sinh sống, riêng tại Bayou La Batre có 900 người, theo các lãnh đạo cộng đồng. Nguyen cho hay bà thường gặp đồng hương vào các dịp lễ tết truyền thống và hay đến nhà thăm hỏi nhau.

Ở miền nam Alabama, nhiều người Việt như Le va Nguyen kiếm sống nhờ nghề đánh bắt cá. Họ di cư tới Louisiana, Mississippi và vịnh Alabama từ thập niên 1980.

Danial Le, giám đốc chương trình hỗ trợ người Việt nhập cư tại Mỹ ở vùng vịnh Alabama, cho hay nhiều người Việt Nam tại đây rất nghiêm túc nhìn nhận Covid-19, họ tuân thủ quy định hạn chế và lắng nghe các nhà khoa học.

"Về mặt văn hóa, nói chung người Việt Nam tin tưởng vào lời khuyên của y bác sĩ", ông nói. "Họ hiểu y bác sĩ là những người đưa ra lời khuyên tốt nhất".

Tại nhà thuốc Bayou, một điểm tiêm vaccine ở Bayou La Batre, người gốc Việt tới mua sắm chỉ chiếm 15% lượng khách, nhưng từ khi có vaccine, họ trở thành những khách hàng tới nhiều nhất.

"Khi mới bắt đầu có vaccine, có ngày chúng tôi tiếp tới 70-80 người Việt", Courtney Moore, dược sĩ của nhà thuốc, nói.

Công việc của Moore là gọi điện cho người đăng ký tiêm từ đầu năm 2021, khi nhu cầu vaccine đang cao.

"Chúng tôi là hiệu thuốc duy nhất có người nói tiếng Việt, bây giờ là hai", Moore cho hay. Mẹ cô là người Việt Nam. "Mọi người cảm thấy thoải mái hơn bởi không còn rào cản ngôn ngữ".

Hiệu thuốc điều phối tiêm chủng qua điện thoại và giấy tờ, giúp xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và kỹ thuật số thường gặp nếu đăng ký qua mạng. Dược sĩ Rubesh Patel cho hay người Việt ở Bayou la Batre sẵn lòng tiêm vaccine của bất cứ hãng nào.

"Rất nhiều người là bệnh nhân mua thuốc ở đây, vì vậy họ giới thiệu cho bạn bè", ông nói.

Tại Accordia Health, một bệnh viện địa phương, khoảng 35% bệnh nhân của bác sĩ Rajesh Gujjula là người Việt. Đa số bệnh nhân người Việt của ông đều tự nguyện bày tỏ ý định tiêm chủng.

"Bạn của họ đã tiêm rồi, đó là tiêu chuẩn đánh giá", ông nói. "Hoặc họ đi tiêm vì người nhà muốn như thế".

Bác sĩ Tung Nguyen, giáo sư y khoa đại học UC San Francisco, cho hay có rất ít dữ liệu về tỷ lệ tiêm chủng của người Việt nhập cư trên toàn nước Mỹ.

"Chúng tôi không có bất kỳ dữ liệu nào về người Mỹ gốc Việt và tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19", ông nói. "Nhìn chung, người Mỹ gốc Á có xu hướng tiêm vaccine nhiều hơn nếu dễ dàng tiếp cận vaccine".

Ở ngoại ô thị trấn Bayou La Batre có một ngôi chùa Phật giáo. Chùa sơn màu vàng, mái đỏ, nhìn ra bãi cỏ màu xanh cùng vài cây mộc lan và một bức tượng Phật lớn.

Trần ngôi chùa hư hỏng vì bão năm ngoái. Mái nhà đã mọc rêu. Sư thầy Bon Le cho hay nếu không phải vì trần hỏng do bão, các ni tăng trong chùa sẽ nghiên cứu Phật pháp ở đây mỗi tối.

"Cộng đồng người Việt luôn tin tưởng chính phủ Mỹ và bất kỳ loại vaccine nào đã được phê duyệt, đơn giản vì chúng tôi luôn tuân thủ hướng dẫn", Bon Le nói.

Ngôi chùa Phật giáo ở Bayou La Batre. Ảnh: AL.
Ngôi chùa Phật giáo ở Bayou La Batre. Ảnh: AL.

Anna Chau làm việc trong một nhà máy chế biến hàu cùng khoảng 30 công nhân. Nhà máy giới hạn thời gian làm việc xuống còn hai ngày một tuần do Covid-19, nhưng cô vẫn sợ nhiễm nCoV tại nơi làm việc.

"Khi nghe nói mình có cơ hội tiêm vaccine, tôi đã tới hiệu thuốc hỏi và xin hướng dẫn", Chau nói.

Chau di cư từ Việt Nam sang Mỹ năm 1992 theo diện con cái cựu binh Mỹ. Chau kết nối chặt chẽ với cộng đồng người Việt ở Bayou La Batre, trở thành một tình nguyện viên thường xuyên tuyên truyền kiến thức cho cộng đồng.

"Khi tiêm xong, tôi về nhà, gọi điện cho tất cả những người mình quen biết để khuyên họ đi tiêm vaccine", cô nói.

Đã có vài người Việt chết vì Covid-19, một số người bị ảnh hưởng bởi di chứng bệnh. Do đó, rất nhiều người sợ nhiễm nCoV, theo Kim Lien Tran, nhân viên y tế cộng đồng của S.O.S, một tổ chức hỗ trợ người Việt ở Alabama.

"Cộng đồng người Việt quan hệ rất khăng khít", Tran nói. "Họ luôn giúp đỡ nhau. Đây là điều rất đáng hoan nghênh. Tôi lớn lên trong một cộng đồng lớn người Việt, vì vậy tôi rất hiểu cảm giác này. Thậm chí dù không biết bạn là ai, họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ bạn mà không cần toan tính".

Tran giúp đỡ người Việt không biết nói tiếng Anh tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch tài liệu cơ bản như biểu mẫu thuế, giúp họ điền đơn xin chính phủ hỗ trợ điện nước. Nhiều người tới đây thường làm việc nhiều giờ trong các tiệm làm móng, nhà máy chế biến hải sản, có ít thời gian học và đây là rào cản khiến họ khó hòa nhập cuộc sống ở Mỹ.

Nhiều nguồn tin tiếng Việt thường truyền bá sai thông tin về vaccine, đặc biệt trên YouTube. Tại văn phòng S.O.S, họ phát đi những khuyến cáo của CDC bằng tiếng Việt và phương pháp này đã chứng minh được hiệu quả.

Họ đi tiêm vaccine để bảo vệ cho người nhà vì rất nhiều người lớn tuổi mắc bệnh mãn tính sinh sống tại đây, Tran cho hay.

Phu Nguyen, một người có ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt, nhận định các biện pháp hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt tại các nước châu Á như Việt Nam là mô hình chống dịch hữu hiệu. Ông nhập cư vào Mỹ năm 2013 để sống cùng con cái tại Bayou la Batre.

"Tự do thái quá khiến chúng ta mất cảnh giác, vì vậy Covid-19 có thể dễ dàng lây lan nếu chúng ta bất cẩn", ông nói.

Nguyen làm nghề chế biến hàu tới năm ngoái khi phải nghỉ việc do nhiễm nCoV. Bây giờ ông đã tiêm phòng và hy vọng sớm tìm được việc làm mới.

"Sau khi tiêm phòng, tôi cảm thấy an toàn hơn khi ra ngoài và đi làm", Nguyen nói.

Tags:
Sự khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi từ bỏ tất cả cuộc sống xa hoa ở Việt Nam tôi qua Mỹ.

Sự khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi từ bỏ tất cả cuộc sống xa hoa ở Việt Nam tôi qua Mỹ.

Tôi sinh ra trong một gia đình có bố là luật sư, mẹ là bác sĩ. Do may mắn, gia đình tôi mua được bất động sản trước khi giá nhà đất bùng lên.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất