Covid-19 càn quét "thành phố không bao giờ ngủ": Như một cơn đau tim
Đại dịch Covid-19 nhanh chóng lấy đi những thành tựu kinh tế, khiến thành phố New York (Mỹ) đứng trước nguy cơ một thảm họa kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1970.
00:30 09/07/2020
New York bắt đầu cho mở lại các dịch vụ không thiết yếu như salon, tiệm nail để khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. (Ảnh: NYTimes)
New York - thành phố sầm uất và đông dân nhất nước Mỹ với biệt danh "thành phố không bao giờ ngủ" - đang dần dần mở cửa trở lại sau nhiều tháng phong tỏa vì đại dịch. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại thành phố này vẫn ở mức cao. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc đã giảm xuống còn 11,1% trong tháng 6, tỷ lệ này ở New York là 18,3%, cao nhất trong vòng hơn 40 năm qua.
Số người thất nghiệp tăng nhanh trong khi chính quyền địa phương thiếu sự chuẩn bị ngân sách khiến quỹ bảo hiểm thất nghiệp của New York nhanh chóng cạn kiệt, buộc phải vay mượn ngân sách từ chính phủ liên bang. New York hiện đã vay 3,4 tỷ USD từ chính phủ liên bang, khoản vay nhiều hơn bất cứ bang nào ở Mỹ trong thời gian đại dịch Covid-19.
Việc thành phố bất ngờ bị phong tỏa cách đây gần 4 tháng đã khiến gần 1 triệu lao động ở đây mất việc, khiến nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản. Hoạt động sa thải nhân viên vẫn tiếp tục cho đến tháng trước khi một số chủ lao động cho rằng nền kinh tế chưa thể sớm phục hồi hoặc do số tiền trợ cấp của chính phủ dần cạn kiệt.
Kelvin Rolling, 48 tuổi, cũng là một trong những người bị ảnh hưởng. Là nhân viên lái xe tại sân bay quốc tế Kennedy, anh từng nghĩ mình là một trong những người may mắn vẫn có việc làm bất chấp đại dịch. Tuy nhiên, đến tháng trước, anh cũng bất ngờ nhận được thông báo cho nghỉ việc.
Tháng trước, khi được mời dự một cuộc họp nội bộ công ty, Veronica Carrero, 37 tuổi, trợ lý giám đốc của một công ty kinh doanh giải trí và lữ hành ở Manhattan, hy vọng rằng giai đoạn khó khăn khiến cô lần đầu tiên phải xin trợ cấp thất nghiệp cuối cùng sẽ qua. Tuy nhiên, cô được thông báo, tình hình này sẽ còn tiếp diễn ít nhất 3 tháng nữa. Nếu cô không còn được nhận trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần kể từ cuối tháng này, cô sẽ phải bắt đầu tìm một công việc khác.
New York đã dần mở cửa trở lại các dịch vụ sau thời gian phong tỏa vì sự bùng phát của dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)
Giới chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 đã lấy đi những thành tựu kinh tế của New York với tốc độ nhanh chưa từng có. Frank Braconi, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại văn phòng kiểm soát của New York, ví von: “Nếu các cuộc khủng hoảng tài chính trước kia giống như một trận ốm dai dẳng thì lần này giống như một cơn đau tim”.
Tất cả các lĩnh vực từ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim, triển lãm từ chỗ hoạt động hết công suất đến bị đóng cửa hoàn toàn. Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, tình trạng này có thể lan rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác của New York.
Phố Wall, động lực quan trọng của kinh tế New York, hiện tại dường như vẫn “miễn nhiễm” với tình hình chung khi thị trường tiếp tục phục hồi mạnh, các ngân hàng lớn cam kết không sa thải nhân viên trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, trong đó có các nhà hàng, khách sạn, được dự báo sẽ còn phải tạm ngừng kinh doanh một thời gian dài. Bức tranh kinh tế thậm chí ảm đạm hơn khi giới chức New York hoãn vô thời hạn việc mở cửa kinh tế cho phép các hoạt động kinh doanh nhà hàng.
Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/covid-19-can-quet-thanh-pho-khong-bao-gio-ngu-nhu-mot-con-dau-tim-20200708115903868.htm
Mỹ cấp 1,6 tỷ USD cho Novavax để điều chế vaccine phòng COVID-19
Công ty dược phẩm Novavax Inc đã được Chính phủ Mỹ cấp 1,6 tỷ USD để thử nghiệm, thương mại hóa và sản xuất vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Mỹ.