Covid-19 diễn biến thế nào vào 2021?
Niềm hân hoan từ việc vaccine Covid-19 được triển khai đã bị phai nhạt bởi sự xuất hiện của chủng nCoV mới, diễn biến đại dịch năm 2021 càng trở nên không chắc chắn.
23:30 28/12/2020
Ba tháng tới sẽ là quãng thời gian đầy thử thách và viễn cảnh về cuộc sống không virus có thể vẫn còn xa vời. Một số thứ có thể không trở lại như trước đây.
Hiện chỉ có thông tin hạn chế về chủng nCoV mới. Chủng này có vẻ dễ lây lan hơn nhưng không gây triệu chứng nặng hơn hay ảnh hưởng đến độ hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các chủng mới cho thấy nCoV có các đột biến đáng kể và chúng có khả năng thay đổi diễn biến dịch. Việc dập dịch do đó càng trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn.
Các biện pháp hạn chế có thể vẫn được duy trì trong năm mới và thậm chí các chính phủ phải áp đặt biện pháp nghiêm ngặt hơn nếu chủng mới thực sự có khả năng lây lan mạnh hơn.
Giới chức y tế dự đoán rằng vào giữa năm 2021, thế giới sẽ có đủ nguồn cung vaccine để bất kỳ ai muốn tiêm chủng đều có thể tiêm. Nhưng ngay cả khi thế giới có đủ số liều vaccine cần thiết, việc tiêm chủng cho tất cả mọi người sẽ mất nhiều tháng.
Anh đang triển khai tiêm vaccine và một bác sĩ đa khoa Anh trung bình chăm sóc gần 9.000 người. Nếu các bác sĩ đa khoa làm việc 8 giờ mỗi ngày, cần 10 phút để tiêm vaccine cho một người và mỗi người cần tiêm hai mũi, họ sẽ mất hơn một năm để đáp ứng tất cả bệnh nhân. Tất nhiên, những người khác sẽ giúp triển khai chiến dịch, nhưng ví dụ này minh họa cho quy mô của nhiệm vụ. Việc mất nhiều thời gian là điều khó tránh khỏi, Misha Ketchell, biên tập viên của Conversation, nhận định.
Ngoài ra, hai liều vaccine Pfizer cần được tiêm cách nhau 21 ngày, khả năng miễn dịch hoàn toàn sẽ đạt được sau 7 ngày kể từ lần tiêm thứ hai. Các loại vaccine khác như AstraZeneca còn yêu cầu khoảng thời gian chờ giữa các liều lâu hơn. Sẽ mất ít nhất một tháng để thấy hiệu quả đầy đủ ở mỗi người được tiêm chủng.
Ở những quốc gia nới lỏng quy định trong dip Giáng sinh, ca nhiễm có thể tăng đột biến vào đầu năm mới. Trong trường hợp này, vaccine có thể không tạo ra nhiều thay đổi với diễn biến dịch vào đầu năm 2021. Nhiệm vụ của giới chức là khiến người dân hiểu được dịch sẽ diễn biến như vậy để tránh khiến công chúng mất niềm tin vào tiêm chủng.
Sau khi một người tiêm vaccine, họ trở nên miễn dịch (ít nhất là trong thời gian ngắn). Chuỗi lây lan của virus dần bị chặt đứt và cuối cùng bệnh ngừng lây lan, đây được gọi là miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, chưa biết chính xác cần mức độ miễn dịch trên dân số như thế nào để ngăn virus lây lan. Nó được cho là trong khoảng 60% - 80%, có nghĩa là hàng tỷ người trên thế giới cần phải tiêm phòng. Thế giới còn cách mục tiêu đó rất xa.
Miễn dịch cộng đồng cũng phụ thuộc vào mức độ hiệu quả thật sự của vaccine - điều vẫn cần theo dõi thêm. Nếu vaccine có hiệu quả, ca Covid-19 mới có thể giảm sớm nhất là vào mùa xuân 2021. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa và hạn chế khác vẫn rất cần thiết khi quá trình tiêm chủng đang diễn ra, đặc biệt là ở những nơi xuất hiện chủng mới.
Còn nếu vaccine chỉ có khả năng ngăn các cá thể bị nhiễm virus có triệu chứng nghiêm trọng, tiêm vaccine cho những người dễ bị tổn thương sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong nhưng dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục hoành hành.
Ngoài vaccine, Rachel Nania, biên tập viên AARP nêu những viễn cảnh tươi sáng có thể xảy ra năm 2021 như giới khoa học phát triển được thêm thuốc hay liệu pháp điều trị Covid-19 hiệu quả hơn, việc xét nghiệm nCoV được triển khai nhanh và dễ tiếp cận hơn, các bác sĩ cũng có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.
Dù vậy, vẫn có những điều không thay đổi vào năm 2021. Người dân thế giới vẫn cần duy trì cảnh giác trong nhiều tháng. Ở những khu vực chủng nCoV mới lây lan mạnh, hạn chế ở mức độ cao có thể kéo dài cho đến khi việc triển khai vaccine kết thúc. Các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với nhau, rửa tay thường xuyên và tránh các khu vực đông đúc trong nhà vẫn cần được duy trì.
Việc đi lại trong năm 2021 có thể trở nên thuận lợi hơn, mặc dù các hãng hàng không có thể yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng. Một số quốc gia đã có quy định hành khách phải trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng bệnh sốt vàng khi nhập cảnh, nhưng việc yêu cầu "hộ chiếu miễn dịch" Covid-19 có thể gây tranh cãi.
Tiêm phòng liệu có thể xóa sổ nCoV không? Giới khoa học vẫn chưa biết khả năng miễn dịch sau khi tiêm vaccine tồn tại trong bao lâu. Việc loại bỏ hoàn toàn virus sẽ rất khó khăn và đòi hỏi nỗ lực toàn cầu. Bệnh đậu mùa vẫn là căn bệnh trên người duy nhất thế giới đã loại bỏ hoàn toàn và phải mất gần 200 năm để làm điều đó. Bệnh sởi, mặc dù gần như đã được xóa sổ ở nhiều quốc gia, vẫn tiếp tục quay trở lại.
Một số loại vaccine, như bệnh sởi, cung cấp bảo vệ gần như suốt đời, trong khi những loại khác cần được tiêm nhắc lại, như uốn ván. Nếu Covid-19 đột biến thường xuyên và đáng kể, chúng ta có thể cần phải tiêm vaccine mới định kỳ.
"Tác động xã hội và kinh tế của đại dịch có thể sẽ lâu dài. Có thể cuộc sống sẽ không bao giờ trở lại như trước. Nhưng chúng ta có trách nhiệm làm nó trở nên an toàn hơn bằng cách chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai", Ketchell viết.
Phương Vũ (Theo Conversation/Aarp)
20 "thiên tài sáng chế" và cách giải quyết vấn đề xứng đáng "ờ mây zing, gút chóp" của họ
Không có bằng cấp, song những phát kiến của các “kỹ sư bất đắc dĩ” này sẽ khiến bạn phải vừa bật cười vừa há hốc mồm vì tính tiện dụng của nó