Covid-19: Khi người tiêu dùng toàn cầu sợ mua hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc
Mua tích trữ đồ dùng và sự bùng nổ của thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng phổ biến trong năm nay khi người dân trên khắp thế giới học cách tồn tại trong thời gian giãn cách xã hội.
01:30 26/06/2020
Trong khi các biện pháp phong tỏa đang được nới lỏng ở nhiều quốc gia, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng lây nhiễm trong xã hội. Các nhà phân tích cho biết điều này có thể tiếp tục ảnh hưởng tới quyết định chúng ta sẽ mua loại hàng hóa nào.
Lo ngại hàng Mỹ và TQ
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar, 1/3 người tiêu dùng toàn cầu hiện lo lắng rằng các sản phẩm nhập khẩu có thể ẩn chứa những rủi ro về sức khỏe. Công ty này đã tiến hành khảo sát 45.000 người trên 17 quốc gia qua điện thoại và trực tuyến vào cuối tháng 4 và kết quả khảo sát có tỷ lệ sai số là 2%.
Hàng hóa từ Trung Quốc và Mỹ được người tiêu dùng ở các nước khác đánh giá là có độ rủi ro đặc biệt, với 47% nói rằng họ không ưa chuộng việc mua các sản phẩm nhập khẩu từ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo khảo sát của hãng Kantar, người dân ở Nam Phi, Hàn Quốc, Nigeria và Pháp thậm chí lo lắng nhất khi mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ.
Bà Rosie Hawkins, quản lý của bộ phận nghiên cứu thị trường tại hãng Kantar, chia sẻ với hãng tin CNBC rằng người dân cũng bắt đầu ủng hộ hàng hóa sản xuất tại địa phương. “Chúng tôi thấy mọi người lo lắng về một làn sóng nhiễm bệnh thứ hai. Do vậy, càng ngày càng có nhiều người nghĩ rằng các công ty nên đưa chuỗi cung ứng trở lại đất nước của mình”, bà Hawkins nói.
“Làm như vậy không chỉ bảo vệ chuỗi cung ứng mà còn cả việc làm và nền kinh tế của các nước. Quan điểm này được thúc đẩy bởi những nỗ lực tăng cường khả năng tư chủ của các cá nhân, nền kinh tế và quốc gia”.
Cuộc thăm dò của Kantar cho thấy 65% người dân trên thế giới thích mua hàng hóa và dịch vụ do thị trường nội địa sản xuất. Cứ 4 người lại có 1 người tin rằng các doanh nghiệp nên di dời cơ sở sản xuất ở nước ngoài về lại trong nước. Người tiêu dùng Trung Quốc là những “nhà vô địch” của phong trào sử dụng hàng hóa “Made in China”, với 87% số người được hỏi nói rằng họ thích hàng nội địa. Cùng lúc đó, tỉ lệ này tại Italy và Hàn Quốc là 81% và 76%.
Công nhân TQ tại một nhà máy sản xuất áo khoác. Ảnh: SCMP
Lợi ích và hạn chế
Theo Peter Noel Murray, thành viên của Hiệp hội Tâm lý học và Hiệp hội Tâm lý người tiêu dùng Mỹ có trụ sở tại New York, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi trong thời gian dịch Covid-19 do người dân nhìn thấy nguy cơ nhiễm bệnh trong mọi hoạt động.
Theo ông Murray, trong các bối cảnh thông thường, hành vi của người tiêu dùng được thúc đẩy bởi cảm xúc và lợi ích người mua có được khi mua một sản phẩm. Tuy nhiên, trong thời dịch bệnh như hiện nay, người tiêu dùng đã chú ý tới một khía cạnh khác trong quá trình ra quyết định. Đó là việc cân nhắc giữa ích lợi và rủi ro khi mua hàng.
“Người tiêu dùng nói về những sản phẩm mà họ yêu thích, nhưng nếu đặt họ vào vị trí sở hữu các sản phẩm đó và đi kèm với những rủi ro nhiễm bệnh, thì họ sẽ không mua các mặt hàng đó nữa”, ông Murray nói. “Quan niệm này đang rất phổ biến và tôi nghĩ mọi người cũng đều có chung suy nghĩ về các sản phẩm nước ngoài”.
Ông lưu ý rằng những quan niệm về rủi ro không có căn cứ này có thể khiến những khách hàng trung thành với một số thương hiệu quay lưng lại với các hàng hóa đó vì “họ nghĩ rằng việc mua hàng sẽ đi kèm với rủi ro. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của rất nhiều người khác. Và đáng tiếc là chúng ta sẽ phải sống chung với suy nghĩ thế này trong một thời gian tới".
Nhưng ông Gasiorek nói thêm rằng việc người tiêu dùng có thực sự thay đổi hành vi của họ hay không lại là một vấn đề khác. “Có bao nhiêu người tiêu dùng khi đi vào cửa hàng để mua cà chua hoặc quả việt quất, thực sự kiểm tra nguồn gốc của những sản phẩm đó?”, ông Gasiorek hỏi. “Tôi thường tự hỏi, khi mọi người nói họ thích làm điều gì đó thì trong thực tế bao nhiêu người cuối cùng hiện thực hóa điều họ thích?”.
Mauro Guillen, Giáo sư quản lý tại Đại học Pennsylvania, Wharton, cũng bày tỏ sự hoài nghi về nhận định người tiêu dùng không mua hàng từ một số quốc gia, đặc biệt là từ Mỹ. “Những gì mọi người trả lời trong các cuộc khảo sát hoàn toàn khác với những gì họ làm khi họ tới Walmart hay mua sắm trực tuyến”, ông Guillen trả lời phỏng vấn qua điện thoại. “Thông thường, rất khó để biết một sản phẩm được sản xuất ở đâu. Nhưng ngay cả khi mọi người biết nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng Mỹ quan tâm đến giá trị và giá tiền sản phẩm hơn”.
Tuy nhiên, ông Guillen cảnh báo rằng nếu người tiêu dùng, chính trị gia hoặc công ty bắt đầu ủng hộ việc tiêu dùng hàng hóa nội địa thì xu hướng náy sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế. “Đó là chính xác là nguyên nhân khiến cho cuộc Đại khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn tại Mỹ, Châu Âu, và Châu Mỹ Latinh”.
Nguồn gốc hàng hóa có thực sự là rủi ro?
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết các loại virus corona, bao gồm Sar-Cov-2 gây ra Covid-19 được cho là lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, ví dụ như khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi.
“Mặc dù virus có thể tồn tại trong một thời gian ngắn trên một số bề mặt, nhưng nó không có khả năng lây lan qua thư từ, sản phẩm hay bao bì trong nước hoặc quốc tế”, CDC Mỹ cho biết.
Chính phủ Anh cũng cho biết có rất ít nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ việc tiếp xúc với hàng hóa nhập khẩu. Theo hướng dẫn của chính phủ Mỹ công bố vào cuối tháng 4: “Nguy cơ thực phẩm và bao bì nhập khẩu từ các quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm cao bị nhiễm virus corona là rất khó xảy ra. Đó là nhờ các quy định pháp luật yêu cầu nhà xuất khẩu tuân theo các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trong quá trình đóng gói và vận chuyển để đảm bảo điều kiện vệ sinh tốt nhất cho sản phẩm”.
Link nguồn: https://soha.vn/covid-19-khi-nguoi-tieu-dung-toan-cau-so-mua-hang-hoa-cua-my-va-trung-quoc-20200624214820496.htm
Có thể virus ở ổ dịch Bắc Kinh đã đi từ Vũ Hán sang châu Âu rồi quay lại Trung Quốc
Trung Quốc vừa công bố chuỗi gen của virus corona liên quan ổ dịch bùng phát gần đây ở Bắc Kinh, qua đó cho rằng virus này 'có nhiều nét tương đồng với virus corona ở châu Âu'.