Covid-19 khiến ngày càng nhiều người lười tắm
Do phải ở nhà vì đại dịch, ít gặp gỡ nên không bị ai phàn nàn về mùi cơ thể, nhiều người đã giảm số lần tắm và dự định giữ thói quen này ngay cả khi hết dịch.
08:00 08/05/2021
Từ nhỏ, Robin Harper, trợ lý hành chính tại một trường mầm non ở Massachusetts, có thói quen tắm mỗi ngày. Nhưng đại dịch khiến cô phải ở nhà và tránh xa đám đông, Robin chỉ tắm một tuần một lần.
"Đừng hiểu nhầm, tôi thích tắm nhưng còn bận nhiều việc khác khi vừa làm việc toàn thời gian vừa chăm con. Không tắm thì tôi bớt một việc phải làm", Robin nói. Người phụ nữ 43 tuổi còn cảm thấy thói quen mới có lợi cho môi trường.
Robin vẫn dùng khử mùi và "vệ sinh các bộ phận cần được làm sạch mỗi ngày" nên tự tin mình không làm ảnh hưởng tới ai. Con gái 22 tuổi của cô cực kỳ sạch sẽ, luôn luôn tắm hai lần một ngày nhưng cũng không ý kiến về thói quen mới của mẹ. Các em nhỏ ở trường mầm non cũng không than phiền về Robin.
"Trẻ con sẽ nói ngay nếu chúng thấy bạn hôi, nhất là trẻ từ 3 đến 5 tuổi", Robin khẳng định.
Một khảo sát ở Anh cho thấy, Covid-19 khiến con người thay đổi cả cách vệ sinh cơ thể, ăn uống và mặc đồ. Thậm chí, 17% người dân nước này bỏ thói quen tắm hàng ngày.
Ở Mỹ, không ít người trở nên lười tắm như Robin. Heather Whaley, nhà văn tự do ở Redding, Connecticut tiết lộ tần suất tắm của mình giảm 20%. Từ năm ngoái, trong bối cảnh giãn cách xã hội, người phụ nữ 49 tuổi tự hỏi vì sao phải tắm mỗi ngày.
"Tắm táp không còn là việc bắt buộc mà trở thành thứ tôi làm khi thích", cô nói.
Với Donnachadh McCarthy, nhà môi trường học kiêm nhà văn ở London, tắm rửa hàng ngày là "một hiện tượng mới mẻ" bởi ông lớn lên với thói quen tắm một tuần một lần.
"Những ngày còn lại trong tuần, tôi chỉ vệ sinh vùng dưới cánh tay và vùng kín", McCarthy 61 tuổi nói.
Đến tuổi trưởng thành, McCarthy mới bắt đầu tắm rửa hàng ngày. Tuy nhiên, sau chuyến thăm rừng rậm Amazon năm 1992, McCarthy nhận thấy tắm quá đều đặn tác động tiêu cực đến cả môi trường lẫn cơ thể và trở lại thói quen tắm một tuần một lần.
Từ lâu, các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe phương Tây đã cho rằng tắm rửa hàng ngày là điều không cần thiết, thậm chí còn phản tác dụng. Tắm bằng xà phòng hàng ngày có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da và khiến da bị khô. Tuy nhiên, bạn vẫn nên rửa tay thường xuyên.
Theo tiến sĩ James Hamblin, giảng viên Đại học Yale, dân Mỹ bị "ám ảnh" với việc tắm rửa từ sau cách mạng công nghiệp, khi con người bắt đầu đua nhau chuyển ra thành phố.
Ở những thành phố đầy bụi bẩn, các nhà giàu chi tiền cho xà phòng, dầu gội và dần tắm thường xuyên hơn để tạo ra sự khác biệt với đám đông.
"Tắm rửa như một cuộc chạy đua. Tắm hàng ngày là biểu hiện của sự giàu có", tiến sĩ Hamblin nhận định.
Kelly Mieloch, 42 tuổi, cho biết từ khi đại dịch xuất hiện, cô chỉ tắm "vài ngày một lần". "Tại sao phải tắm khi bạn gần như không ra ngoài, trừ lúc chạy việc vặt và cho con đi học", người phụ nữ ở North Carolina đặt câu hỏi.
"Chẳng có ai ngửi tôi mà biết. Tôi còn không mặc đồ lót", Kelly nói thêm. Cô còn khẳng định nhờ ít tắm, da bớt khô và tóc đẹp hơn.
Theo ông McCarthy, nhà môi trường học, bỏ thói quen tắm mỗi ngày là hành động quan trọng mỗi cá nhân nên làm để chống lại biến đổi khí hậu.
Theo Quỹ nghiên cứu về nguồn nước, 8 phút tắm bằng vòi sen có thể tiêu tốn hơn 64 lít nước sạch. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, năng lượng dùng để sản xuất ra lượng nước đủ dùng trong năm phút có thể chiếu sáng bóng đèn 60 watt suốt 14 tiếng. Chưa kể, tắm thường xuyên có nghĩa là thải ra nhiều chai lọ và dùng nhiều xà phòng, thứ thường được làm từ dầu mỏ, gây ô nhiễm môi trường hơn.
"Không có gì bằng việc ngâm mình trong bồn nước nóng. Tôi hiểu niềm vui đó nhưng chỉ thỉnh thoảng mới chiều chuộng bản thân", McCarthy nói.
Tuy nhiên, Andrea Armstrong, phó giáo sư chuyên ngành khoa học môi trường tại Đại học Lafayette ở Pennsylvania cho rằng cần rất nhiều người thay đổi thói quen tắm mới tạo ra sự khác biệt trong việc giảm lượng khí thải carbon. Chính quyền địa phương cũng cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng để nước sinh hoạt nói chung ít gây hại cho môi trường hơn.
Lori Brown, giáo sư xã hội học từ Đại học Meredith nhận định dù có các bằng chứng khoa học về lợi ích khi tắm ít, dân Mỹ vẫn rất khó thay đổi thói quen vệ sinh hàng ngày.
"Chúng ta được nhắc nhở quá nhiều về mùi cơ thể cũng như các sản phẩm làm sạch. Ở đây, bạn phải đối phó với nền văn hóa", Brown phân tích. "Khi bạn bảo người khác rằng tắm hàng ngày không tốt, chắc chắn sẽ có ai đó nói họ không quan tâm".
Nina Arthur nhà tạo mẫu tóc ở Michigan thừa nhận phần lớn khách hàng của bà không thể chịu nổi nếu không tắm hai lần một ngày. Những phụ nữ này đang ở tuổi mãn kinh, "lúc nào cũng như lửa đốt" và đổ mồ hôi rất nhiều nên dù có đại dịch hay không, họ vẫn giữ thói quen vệ sinh cũ.
Bản thân Nina cũng sẽ không tắm ít đi, dù hiểu rõ tác động đến môi trường.
Thu Nguyệt (Theo New York Times)
Sang Mỹ sinh con để có quốc tịch "xịn", sao Việt chi bộn tiền vẫn khổ
Nhiều gia đình sao Việt đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn để con được hưởng chế độ chăm sóc y tế hiện đại và được mang quốc tịch Mỹ.