Covid-19: "Tôi chọn ở lại vì không muốn gây thêm phiền phức cho tổ quốc"

Rất nhiều sinh viên Trung Quốc đã chọn tiếp tục ở lại nước sở tại thay vì trở về Trung Quốc cũng vì lý do này.

10:00 24/03/2020

Không muốn gây phiền phức cho đất nước

Vào lúc 3 giờ sáng, Miller (giấu tên) trằn trọc trên giường. Cô lại nhấc điện thoại di động lên, xem tin tức tình hình dịch bệnh ở Anh, tình hình trong nước và những lời bình luận của bạn bè trên mạng xã hội, càng xem cô càng thêm rối bời.

Miller đang theo học hệ Thạc sĩ tại Đại học College London. Khi dịch bệnh ở Anh trở nên nghiêm trọng hơn, trường của cô đã thay đổi thành các khóa học trực tuyến và thi trực tuyến. Nhiều bạn cùng lớp của cô đã chọn trở về Trung Quốc nhưng cô vẫn còn do dự.

Vài ngày qua, gia đình và bạn bè của Mille ở Trung Quốc đã hối thúc cô về nước nhưng Miller còn rất nhiều đắn đo: Lúc này về nước thì học hành ra sao? Nguy cơ nhiễm bệnh trên các chuyến bay đường dài sẽ không lớn chứ? Còn một điều quan trọng, là một sinh viên chuyên ngành chính sách công quốc tế, cô tin rằng đợt dịch bệnh đã mang đến cho cô cơ hội quan sát và thử nghiệm tuyệt vời, và cô hy vọng ở lại Anh sẽ có ích đối với cô.

Nhưng cô không thể không cảm thấy lo lắng: Trong những ngày gần đây, hàng trăm ca nhiễm bệnh được ghi nhận ở Anh mỗi ngày, tỷ lệ tử vong cũng tăng cao và chính sách chống dịch của Anh chưa thực sự cứng rắn như các nước châu Âu khác.

"Tôi thực sự cân nhắc việc về nước. Trên thực tế, dịch bệnh ở Anh chưa được coi là nghiêm trọng. Mặc dù dịch bệnh tại châu Âu đã phát triển rất nhanh, đặc biệt là ở Ý, Tây Ban Nha, Đức và Pháp nhưng ở Anh vẫn ổn. Nhưng vài ngày trước, Anh đột nhiên thêm hơn 300 trường hợp nhiễm bệnh/ngày và chúng tôi bắt đầu cảm thấy rằng tình hình đã vượt quá tầm kiểm soát. Vì vậy, với sự thúc giục của gia đình và cảm giác lo lắng, tôi cũng đã giành được một vé máy bay, ngày 27/3", Miller chia sẻ với Báo Tân Kinh (Trung Quốc) hồi tuần trước..

Quá trình mua vé máy bay thực sự rất căng thẳng. Vào thời điểm đó, ban đầu Miller muốn mua vé máy bay vào ngày 26/3 nhưng đột nhiên đến bước thanh toán thì hết vé. Không còn cách nào khác, cô đã chọn ngày 27/3 và lần này thành công. Nhưng ngay khi cô mua vé, giá vé bắt đầu tăng mạnh, từ 6.000 NDT lên 8.000 NDT đến 13.000 NDT. Sau đó, do các hãng hàng không bắt đầu hủy chuyến quy mô lớn, những người đã đặt vé đều không thể về nước, còn những người chưa đặt vé cơ bản sẽ không mua được vé.

Mặc dù đã mua được vé nhưng Miller vẫn do dự liệu cô có thực sự phải về nước hay không. "Tôi không biết ở lại Anh sẽ dằn vặt hơn hay về nước dằn vặt hơn".

Có nhiều lý do cho sự do dự của Miller. Trước hết, khóa học của cô chỉ kéo dài một năm, điều đó có nghĩa là nếu trở về nước, cô có thể sẽ không quay lại Anh. "Nhưng tôi nghĩ rằng, du học là một cơ hội mà chúng tôi đã không dễ dàng có được. Chúng tôi đã dành rất nhiều tiền và công sức. Tôi thực sự muốn sử dụng năm nay để học tập, quan sát và cảm nhận nhiều hơn. Nếu bây giờ về nước, tôi thực sự có chút không đành lòng".

Miller còn khoảng hai tuần nữa là kết thúc học kỳ và phải nộp bài kiểm tra, luận văn vào cuối tháng Tư. Hiện tại trường đang có biện pháp dạy trực tuyến nhưng không rõ cách thức hoạt động cụ thể. Nếu về nước, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Một điểm nữa là trường hợp của các nhân cô. Là một sinh viên của chính sách công quốc tế, Miller luôn nghiên cứu về việc xây dựng và thực hiện chính sách công trong cộng đồng quốc tế. "Sau khi dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu, các chính sách phòng chống dịch bệnh của nhiều quốc gia rất đáng để nghiên cứu, bao gồm cả tốc độ ứng phó và cường độ thực hiện. Phản ứng trực tiếp nhất là phản ứng của chính phủ Anh, vốn buông lỏng từ đầu nhưng dần đang được thắt chặt, quá trình này cũng đáng được chú ý. Vì vậy, tôi cũng muốn tạm thời ở lại Anh để thuận tiện quan sát".

Covid-19: Tôi chọn ở lại vì không muốn gây thêm phiền phức cho tổ quốc - Ảnh 1.

Miller cho biết, cô cũng chú ý đến tình hình hiện tại ở Trung Quốc, khi biết rằng phần lớn các trường hợp mới là các trường hợp "nhập khẩu" từ nước ngoài. "Tôi thực sự không muốn trở thành trường hợp dó, làm tăng số ca nhiễm mới của Trung Quốc, cũng không muốn gây thêm phiền phức cho tổ quốc".

Theo Miller, nhiều sinh viên Trung Quốc chọn ở lại cũng vì lý do này.

"Các du học sinh ở lại Anh tuy vẫn đôi chút lo lắng nhưng chúng tôi rất đoàn kết và đang giúp đỡ lẫn nhau. Một số sinh viên đã trở về Trung Quốc sẽ chia sẻ với chúng tôi về tình hình trên hành trình về nước và tình huống họ gặp phải sau khi trở về, bao gồm biện pháp kiểm dịch hải quan và cách ly. Các sinh viên vẫn còn ở Anh cũng sẽ chia sẻ thông tin và động viên lẫn nhau. Cảm giác thật ấm áp. Ví dụ, nếu một sinh viên bị sốt vào thời điểm này, cô ấy đã chia sẻ tình hình sức khỏe và quá trình điều trị sau khi nhập viện. Sau khi biết được thông tin này, chúng tôi đã bớt hoảng loạn".

"Tôi muốn tận hưởng cuộc sống"

"Sự hoảng loạn của con người là đáng sợ nhất", Chu Nhiên, nhân viên một hiệu thuốc, đã sống ở Pháp hơn mười năm, cho biết. Cô chứng kiến, người bạn của mình thường xuyên tranh cãi với bạn trai người Pháp trong thời gian này về vấn đề có nên đeo khẩu trang hay không. "Người Pháp chưa trải qua căn bệnh này nên rất nhiều người thờ ơ".

Covid-19: Tôi chọn ở lại vì không muốn gây thêm phiền phức cho tổ quốc - Ảnh 2.

Một số người bạn Trung Quốc của cô cũng có cảm xúc rất tiêu cực. Một số người cho rằng "dịch bệnh đang trở nên tồi tệ hơn và Pháp sẽ phải trở thành Ý" hay "ở Pháp, họ chỉ có thể chờ chết", thậm chí có người còn nói "chúng ta hãy chết cùng nhau".

Hiện nay, cô vẫn đi làm bình thường. Mẹ cô nói sẽ gửi tiền và khuyên cô ở nhà nhưng cô đã từ chối.

"Tôi không thể ở nhà vì dịch bệnh. Nếu tôi làm như vậy, tôi có thể sẽ mất công việc đó."

Pháp đã phong tỏa toàn quốc, đóng cửa các trường học, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với dịch bệnh, yêu cầu mọi người không nên ra ngoài hoặc nếu ra ngoài thì phải đeo khẩu trang.

Theo Chu Nhiên, hướng tuyên truyền hiện tại của chính phủ Pháp là rửa tay thường xuyên, do đó các hiệu thuốc rất nhanh chóng bán hết dung dịch rửa tay sát khuẩn. Không giống như khẩu trang, Pháp đạt một mức giá giới hạn cho dung dịch rửa tay, không thể vượt quá 3 euro/lọ, và nhiều hiệu thuốc đã bắt đầu hướng người dân cách tự pha chế dung dịch rửa tay khô. Chu Nhiên cũng đang tự pha chế cho bản thân.

Sau khi biết về tình hình dịch bệnh ở Ý, Chu Nhiên cũng bắt đầu đeo khẩu trang, mặc dù rất xấu hổ vì cứ ra khỏi nhà là có người liếc nhìn.

Covid-19: Tôi chọn ở lại vì không muốn gây thêm phiền phức cho tổ quốc - Ảnh 3.

Theo thói quen của người phương Tây, khẩu trang là vật dụng bảo vệ đặc biệt cho bệnh nhân. Hiện tại, bất cứ ai mua khẩu trang ở Pháp đều phải có đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ, chứng minh rằng cần phải mua khẩu trang do bị cảm hoặc bị bệnh.

"Thực tế, Pháp không có đủ khẩu trang cho người dân. Cần phải đảm bảo khẩu trang cho các bác sĩ tuyến đầu, sau đó bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, chính sách như vậy được người dân đánh giá là rất khoa học, có thể kiểm soát sự lây lan của virus", cô nói.

Chu Nhiên cho biết, ban đầu, một hộp 50 chiếc khẩu trang y tế tăng từ 12-13 euro lên 25 euro, thậm chí có nơi còn bị đội giá lên tới 50 euro, 100 euro. "Hiện nay vẫn có thể mua khẩu trang trực tuyến nhưng giá rất đắt và khẩu trang bạn mua có thể hàng cũ bị tồn kho trong nhiều thập kỷ. Bạn không biết nguồn gốc của những chiếc khẩu trang này". Ở Pháp cũng có những người "thừa nước đục thả câu". Chu Nhiên từng chứng kiến, một người bán một chiếc khẩu trang giá 5 euro, một hộp bán 100 euro và chỉ nhận tiền mặt, khiến cô vô cùng tức giận.

Chu Nhiên cũng không chấp nhận sự bi quan của bạn bè. Cô có khuynh hướng điều chỉnh tâm lý và tiếp tục cuộc sống một cách tự nhiên. Nhiều người bạn muốn trở về Trung Quốc nhưng Chu Nhiên chưa bao giờ có suy nghĩ như vậy. "Tôi đã làm mọi thứ có thể. Tôi đã uống Vitamin C, ăn sữa ong chúa, tăng cường hệ miễn dịch và mua rất nhiều khẩu trang".

Cô cảm thấy việc trở về Trung Quốc sẽ mang lại rắc rối cho đất nước và phải cách ly 14 ngày "Bạn không biết mình ở cùng với ai, không chừng bạn có thể bị lây nhiễm chéo".

"Đối với tôi, tôi muốn cuộc sống tinh thần hơn là vật chất. Tôi sống ở đây với tâm lý thoải mái hơn. Triết lý sống của người Pháp là sống một ngày biết một ngày. Tôi muốn tận hưởng cuộc sống của mình", Chu Nhiên nói.

Kỳ nghỉ hiếm hoi

"Ở Ý bây giờ chỉ có thể nghe thấy hai loại âm thanh, một là âm thanh của xe cứu thương và hai là âm thanh của chiếc xe cảnh sát". Hai dãy phố bên ngoài khung cửa sổ nhà Trương Thịnh không một bóng người, tòa nhà văn phòng bên cạnh cũng trống trơn.

Đầu tháng 2, sau khi trở về Ý từ Đức, một người bạn y tá đã mua giúp anh một lượng khẩu trang. Vào thời điểm đó, anh đoán rằng người Ý có thể đã biết dịch bệnh xảy ra bởi mặt hàng khẩu trang gần như không còn.

Trương Thịnh là một họa sĩ. Trong mười năm sống ở Ý, anh hiểu rằng, chủ nghĩa cá nhân của người Ý chiếm ưu thế nên mọi người ưa vui vẻ hội hè.

Tương tự như các xã hội phương Tây khác, anh nhận thấy quan điểm về sự bùng phát của dịch bệnh của người Ý khác hoàn toàn người Trung Quốc.

Ban đầu, hầu hết người Ý vẫn ăn uống và vui chơi. Họ không quan tâm nhiều đến tin tức về dịch bệnh. Trong các bản tin được lặp ở những nơi công cộng, luôn có các bác sĩ và chuyên gia nói với công chúng rằng "không cần phải đeo khẩu trang".

Trương Thịnh không dám đeo khẩu trang ở nơi công cộng bởi anh ngại bị phân biệt đối xử. Vì vậy, anh đã đeo thêm một chiếc khăn để che khẩu trang bên trong.

Covid-19: Tôi chọn ở lại vì không muốn gây thêm phiền phức cho tổ quốc - Ảnh 4.

Trong khi đó, Giả Lỗi đến Ý để tham gia chương trình học ngắn hạn vào sáu tháng trước. Trường học của anh nằm ở thành phố Perugia, miền trung nước Ý, là một thành phố núi. So với Milan và Rome, thành phố này không lớn bằng nhưng cũng rất náo nhiệt.

Vào đầu tháng 3 vừa qua, đã có một lễ hội sôi động ở trung tâm quảng trường thành phố ở Perugia.

Một số bạn học của Giả Lỗi vào cuối tháng 2 nhận ra tình hình, vì vậy họ đã nộp đơn để kết thúc chương trình học sớm và trở về nước. Nhưng Giả Lỗi quyết định ở lại đây.

"Ở đâu thì cũng đều là nhà, tại sao không xem chính phủ và người dân ở đây phản ứng như thế nào. Thật thú vị khi nghĩ như vậy", anh chia sẻ.

Hiện tại, tất cả các nhà hàng, quán bar, quán cà phê và bảo tàng ở Ý đã bị đóng cửa. Chỉ còn lại các hiệu thuốc và siêu thị. Trên các kệ hàng ở siêu thị, những mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày bốc hơi nhanh chóng, chỉ còn lại những viên thịt và bánh kẹp đắt tiền. Giả Lỗi đi mua hàng mỗi tuần một lần, mặc dù hiện không có nhiều thứ để mua nhưng anh vẫn ổn.

Anh cảm thấy thành phố bây giờ quá yên tĩnh, hoàn toàn trái ngược với nhịp sống náo nhiệt và đông đúc trước đây.

Kể từ khi trở về Milan vào đầu tháng 2 cho đến nay, Trương Thịnh chỉ ra ngoài tổng cộng 4 lần, tất cả đều để mua thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày. Ba lần đầu tiên khi ra ngoài, anh thấy người Ý vẫn thờ ơ với dịch bệnh, bên ngoài vẫn có nhiều người như thường lệ. Lần cuối cùng gần đây, anh phát hiện đường phố ít người hơn hẳn và nhiều người đeo mặt nạ hơn, trên đường phố xuất hiện nhiều cảnh sát hơn.

Những ngày này, khi các ca nhiễm ở Ý ngày càng tăng, Trương Thịnh cho biết, anh cũng không dám ra ngoài.

"Trước đây, có thông tin, ở Ý có người bán một chiếc khẩu trang y tế thông thường với giá 500 euroHiện tại khẩu trang cũng hết hàng và dù có thì người dân cũng không mua nổi. Bây giờ dung dịch khử trùng và khẩu trang không còn có sẵn ở Ý ", anh nói.

Giả Lỗi đã may mắn mua được nhiều khẩu trang nhưng người dân thành phố anh vẫn có rất ít người đeo khẩu trang ra đường. Có lẽ, họ cũng đã không mua được, anh nghĩ vậy.

Những người tích trữ vật tư sớm nhất là cộng đồng người châu Á: khẩu trang, thực phẩm và nước. Vào thời điểm đó, siêu thị vẫn chưa trống trơn như hiện nay. Sau đó, khi số lượng ca nhiễm ở Ý được xác nhận lên tới khoảng 100 người, siêu thị bắt đầu trống rỗng. "Mọi người đều tranh giành, chủ yếu là lấy các loại thực phẩm cơ bản như gạo, mì ống và dầu ăn".

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn sau đó nhưng các kệ hàng ở siêu thị phong phú hơn, bởi vì các siêu thị Ý bắt đầu chuyển hướng phục vụ, cho phép 20-30 người vào một lúc. Một lần đi mua, Trương Thịnh đã xếp hàng đến nửa tiếng đồng hồ và khách hàng giữ khoảng cách từ một mét đến một mét rưỡi.

Trên thực tế tại Ý cũng có thể đặt hàng trực tuyến hoặc hình thức takeaway. Siêu thị sẽ chuyển hàng đến cửa nhà, mỗi siêu thị đều có một dịch vụ như vậy. "Chỉ là có quá nhiều người mua, danh sách đặt hàng đã kéo dài đến tận tháng 4".

Trương Thịnh ban đầu muốn mua vé máy bay trở về Trung Quốc vào ngày 15/3 nhưng xuất hiện tình trạng một số lượng lớn người Trung Quốc bị kẹt ở Milan vào ngày 9/3 nên anh đã từ bỏ ý định.

Một mặt, Trương Thịnh cảm thấy rằng việc trở về Trung Quốc cũng rất rủi ro. Mặt khác, anh ấy hiểu rõ ràng rằng: "Chúng tôi đã ở nước ngoài trong thời gian dài, rất nhiều mối quan hệ và các vấn đề liên quan đến công việc của chúng tôi đều ở nước ngoài. Kỳ thực, phần lớn Hoa kiều có khả năng không muốn về nước bởi họ đều có nhà, có công việc, bố mẹ và con cái nên không thể trở về".

Hiện tại, Ý đã phong tỏa và đưa ra chính sách quản lý chặt chẽ nhất: Những người muốn ra ngoài phải mang theo tờ khai do chính phủ ban hành. Mẫu đơn phải được điền đầy đủ tuổi, địa chỉ và mục đích khi đi ra ngoài. Khi gặp cảnh sát sẽ phải trình ra, nếu không có sẽ bị phạt 206 euro hoặc ba tháng tù giam.

Trước đây, nhiều người Ý đã tìm cách về quê khi nhận được thông tin Milan sẽ phong tỏa. Ngày 3/4 là lễ Phục sinh ở Ý. Do phong tỏa mà chi phí sinh hoạt ở Milan rất cao nên nhiều người chọn trở về nhà ở miền Nam và chỉ có hai chuyến tàu ra khỏi Milan, vì vậy mọi người bắt đầu tranh vé.

Theo Trương Thịnh, hiện nay mặc dù số ca nhiễm ngày càng tăng cao nhưng người Ý không quá bi quan.

Ví dụ, anh thấy người Ý chỉ tích trữ rau quả tươi, loại thực phẩm có hạn sử dụng trong năm hoặc sáu ngày, trong khi Hoa kiều tích trữ đồ đóng hộp.

"Đối với người Ý, họ nghĩ rằng đây là một kỳ nghỉ hiếm hoi. Vì vậy, vẫn có nhiều người ra ngoài đi dạo, tập thể dục và ăn thịt nướng". Trương cho biết, hàng xóm anh thường xem phim trò chuyện ăn uống vào 1-3h sáng, đây được coi là thời gian hào hứng nhất của họ.

Giả Lỗi cũng nhận thấy rằng nhiều người bạn Ý đã phải tổ chức tiệc tùng trước khi thành phố phong tỏa. Sau đó, họ nhận thấy tình hình đã nghiêm trọng hơn và bắt đầu động viên lẫn nhau.

Nhiều người Ý tham gia vào các sáng kiến ​​trên mạng xã hội: Cứ 18h tối hàng ngày, mọi người sẽ cùng mở cửa sổ, ca hát và biểu diễn âm nhạc.

"Tâm trạng chung của người Ý rất lạc quan và sôi động cũng như tinh thần đoàn kết lan rộng trên cả nước", Giả Lỗi nói.

Covid-19: Tôi chọn ở lại vì không muốn gây thêm phiền phức cho tổ quốc - Ảnh 5.

Quyết định lý trí của mỗi cá nhân

Thực tế, khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc tạm thời được khống chế ở mức độ nhất định trong khi lại bùng phát ở châu Âu, nhiều du học sinh và Hoa kiều đã cố gắng về nước để tránh dịch. Chủ đề nên về hay ở lại hiện đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi không chỉ trong cộng đồng du học sinh mà còn trong xã hội Trung Quốc.

Theo Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), đối với mỗi du học sinh Trung Quốc, đây là một lựa chọn cá nhân, bởi vì chính sách phòng chống dịch bệnh ở mỗi quốc gia và trường học là khác nhau, và tình huống mà mỗi sinh viên phải đối mặt cũng rất khác nhau. Kinh nghiệm của người khác chỉ có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo, không dễ để sao chép và không thể làm theo một cách mù quáng. Do đó, du học sinh cần đưa ra quyết định thận trọng sau khi phân tích hợp lý.

Gần đây, chia sẻ quan điểm về vấn đề du học sinh nên về hay ở, ông Trương Văn Hùng, Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn, Đại học Thượng Hải đề nghị, du học sinh cần xem xét một số vấn đề sau: "Đầu tiên, dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu? Về nước tức là quyết định sẽ không trở lại trường học nữa? Nếu dịch bệnh kéo dài trong nửa năm thì sao? Công việc và học tập đều không cần nữa? Thứ hai, nếu không trở về nước thì có biện pháp gì ở nước sở tại?". Đồng thời, ông đề nghị, mọi người nên áp dụng biện pháp bảo vệ cá nhân hiệu quả, đó là giữ khoảng cách xã hội, rửa tay và đeo khẩu trang.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh cho rằng, tình hình dịch bệnh ở Anh đang phát triển nhanh chóng và rất nghiêm trọng cho nên mỗi người khác nhau sẽ có quyết định khác nhau dựa trên tình hình thực tế của bản thân.

"Hầu hết các trường đại học hiện đang giảng dạy trực tuyến, vì vậy nếu rời khỏi Anh, chúng tôi khuyên các bạn nên cân nhắc nhiều vấn đề. Chẳng hạn, cần giữ liên lạc với nhà trường, giữ liên lạc với đơn vị thực tập, đồng thời kiểm tra tình trạng visa. Vì dịch bệnh, chính phủ Anh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đó chỉ là tạm thời bởi họ có niềm tin vào việc đánh bại dịch bệnh.Mặc dù các hoạt động kinh tế và hoạt động xã hội đều chịu tác động nhưng những ảnh hưởng này là tạm thời. Cần có sự sắp xếp kế hoạch học tập dài hạn".

Ông nói thêm: "Đồng thời, chúng tôi cũng khuyên các sinh viên nên làm theo lời khuyên của Bộ Y tế Anh và Tổ chức Y tế Thế giới. Hạn chế du lịch quốc tế và hạn chế đi lại sẽ tránh được tình trạng lây nhiễm chéo".

Covid-19: Tôi chọn ở lại vì không muốn gây thêm phiền phức cho tổ quốc - Ảnh 6.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng cho hay, tình hình dịch bệnh tại New York diễn biến nghiêm trọng bởi đây là thành phố lớn có mật độ dân số cao nên du học sinh cần xem xét ba vấn đề trước khi đưa ra quyết định về nước.

Thứ nhất, theo dõi thông tin mới nhất và các biện pháp phòng chống dịch mới nhất tại thành phố đang theo học. "Ví dụ, Thị trưởng New York thông báo có thể thông qua biện pháp "trú ẩn tại chỗ" tức mọi người nên ở nhà và không đi ra ngoài. Có thể có một số biện pháp hạn chế khác hỗ trợ đi kèm để thực hiện biện pháp này. Do đó, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu bạn muốn về nhà và ra ngoài, bởi vì chúng ta vẫn phải tuân thủ các quy định và biện pháp của địa phương, đó cũng là để bảo vệ tất cả mọi người".

Thứ hai, cần phải tìm hiểu các biện pháp kiểm dịch trong nước đối với người nhập cảnh và những quy định của cộng đồng dân cư nếu có. Những người trở về phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa lên, trên và xuống máy bay.

Điều thứ ba, mọi người cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, liệu có mắc một số bệnh khác hay không. Bởi xét từ góc độ lây nhiễm của dịch bệnh lần này, một số người già mắc các bệnh lý nền thường có nguy cơ cao hơn. "Mọi người đều có hiểu biết sâu sắc về tình trạng sức khỏe của chính mình, tình trạng sức khỏe hiện tại có đủ để hoàn thành chuyến đi đường dài hay không?".

Theo ông Thôi Thiên Khải, những ngày gần đây, các ca nhiễm mới tại Trung Quốc đều là những ca ngoại nhập, từ nước ngoài về.

"Chúng tôi cũng đã xem một số báo cáo, một số người giấu bệnh, một số người có thể không biết mình nhiễm bệnh, kết quả là khi họ xuống máy bay, họ được chẩn đoán nhiễm bệnh".

"Nếu bạn tình cờ đi máy bay với một số người này, máy bay lại là một không gian kín, bay tuyến đường dài từ Mỹ về, hơn mười giờ, nguy cơ này cũng phải được xem xét".

Báo Trung Quốc khẳng định, hiện nay, trở về hay không không chỉ là lựa chọn tức thời mà nó cũng sẽ có tác động đến cuộc sống và học tập sau này. Ví dụ, các tuyến bay về nước có thích hợp không? Làm thế nào để tránh những rủi ro trên các chuyến bay đường dài? Có thể tiếp tục việc học sau khi về nước không? Nếu chọn ở lại nước sở tại, bạn không chỉ phải bảo vệ bản thân một cách khoa học mà còn phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh và các biện pháp liên quan tại địa phương, đồng thời phải chú ý đến các thông tin liên quan do nhà trường công bố.

Nếu sau khi cân nhắc cẩn thận, cần phải về nước, bạn phải lập kế hoạch trở về càng sớm càng tốt và tìm hiểu thông tin chuyến bay và các quy định mới nhất về xuất nhập cảnh trước khi khởi hành. Sau khi về nước, bạn phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nước.

Hiện nay, hoảng loạn không phải là cách thức ứng phó hợp lý mà chúng ta cần phải phản ứng lý trí. Do đó, du học sinh cần bình tĩnh chú ý đến các thông tin, hướng dẫn về dịch bệnh, cũng như có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của các đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài (nếu cần), đồng thời, nghiêm túc chấp hành quy định của nước sở tại.

Link nguồn: https://soha.vn/covid-19-toi-chon-o-lai-vi-khong-muon-gay-them-phien-phuc-cho-to-quoc-20200323134533796.htm

Tags:
Phương Tây đau đầu vì dân 'nổi loạn', tiệc tùng bất chấp virus corona

Phương Tây đau đầu vì dân 'nổi loạn', tiệc tùng bất chấp virus corona

Vẫn có những người trẻ ở Đức mở "tiệc corona" hay ho trước mặt người già. Từ Pháp đến Mỹ rồi Australia, nhiều người tiếp tục đổ ra bãi biển tiệc tùng bất chấp lệnh hạn chế đi lại.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất