Covid-19 xô đổ ‘giấc mơ Mỹ’ của sinh viên Trung Quốc
Đối với Haila, Jingchu và các sinh viên Trung Quốc khác sắp đến Mỹ, mùa thu 2020 sẽ không giống như những gì họ đã mong đợi.
23:30 17/08/2020
Qua những tháng ngày chăm chỉ đến trường và những đêm thức khuya chong đèn cày bài, cuối cùng hai cô cậu học sinh Trung Quốc đã có thể thông báo tin vui cho bố mẹ. Haila Amin đậu Đại học Virginia. Jingchu Lin đang chuẩn bị khăn gói đến Đại học Yale.
Đó vừa là chiến thắng vừa là bước ngoặt. Một cơ hội để đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình ở một đất nước mới; cũng là lý do họ đã chăm chỉ đến như vậy thời gian qua. Tất cả đều nằm trong kế hoạch.
Nhưng khi đang lu bu chuẩn bị hồ sơ thì đùng một phát, một con virus đã thay đổi thế giới xung quanh họ, xáo trộn mọi thứ.
Đối với Haila, Jingchu và các sinh viên Trung Quốc khác sắp đến Mỹ, mùa thu 2020 sẽ không giống như những gì họ đã mong đợi. Một số học sinh định về nước thì mắc kẹt ở Mỹ. Sinh viên sắp nhập học thì lại không thể ra khỏi Trung Quốc. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào tháng 9 và cũng không ai có thể tin được chuyện như thế này lại đang xảy ra.
Chưa chắc rằng một con virus nhỏ bé có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống và quỹ đạo, nhưng nó chắc chắn sẽ tái lập lại nền giáo dục Mỹ, và cụ thể là làm cho các trường học Mỹ bớt hấp dẫn hơn. Sâu xa hơn nữa nó có thể làm phai mờ đi những gì còn lại của quyền lực mềm của Mỹ ở Trung Quốc trong khi ràng buộc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cứ chạm đáy mới mỗi ngày.
Sinh viên Trung Quốc có nhiều vấn đề để đắn đo: sự nghiệp sau này, phải rời xa gia đình để đổi lấy cơ hội học tập trong một môi trường nơi mà họ có thể tự do làm điều mình thích.
Các trường học ở Mỹ cũng đang đau đầu không kém. Trong hơn một thập kỷ, sinh viên Trung Quốc là một trong những chủ đề lớn trong ngành giáo dục đại học của Mỹ. Theo dữ liệu của Viện Giáo dục Quốc tế, từ năm 2009 đến 2019, số lượng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ đã tăng gần gấp ba lần. Chỉ trong năm học 2018-2019, đã có hơn 360.000 sinh viên Trung Quốc theo học, chiếm khoảng một phần ba sinh viên quốc tế. Còn theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ, những sinh viên này đã rót gần 15 tỷ USA vào nền kinh tế Mỹ năm đó.
Nhưng từ ngay trước khi virus tấn công, đã có dấu hiệu của sự chậm lại. Sau nhiều năm tăng trưởng hai con số, số lượng sinh viên Trung Quốc mới nhập học đang giảm dần.
Sinh viên Trung Quốc đang “quay xe”
Số lượng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ tăng gần gấp ba lần trong vòng 10 năm, nhưng tăng trưởng lại dần chậm lại.
Các trường đều biết rằng sự bùng nổ này sẽ không thể kéo dài mãi, nhưng họ lại không biết trước được các tác động ngay tức khắc của các cuộc đàm phán gay gắt đe dọa thị thực từ Tổng thống Trump, đó là còn chưa kể đến một đại dịch như bây giờ.
John Wilkerson, phó chủ tịch phụ trách ngoại vụ tại Đại học Indiana cho biết: “Đây chắc chắn là kỳ tuyển sinh cam go nhất”.
Gavin Newton-Tanzer, đồng sáng lập và là chủ tịch của Sunrise International, một công ty trung gian kết nối sinh viên Trung Quốc và các trường nước ngoài, cho biết trong vài năm qua hầu hết các gia đình Trung Quốc đều có tầm nhìn dài hạn về tương lai tươi sáng của tấm bằng đại học Mỹ, bỏ ngoài lề chuyện chính trị phức tạp.
Nhưng rồi Covid-19 xuất hiện
Ngày đẹp trời đó đang đến gần hơn với Haila và Jingchu khi cả hai học hết năm cuối cấp ở Bắc Kinh, họ chủ yếu tập trung vào viết các bài luận và thư xin nhập học.
Haila mơ mộng về cái ngày được đi xem bóng rổ ở trường đại học và đi ăn hamburger ở Charlotesville. Jingchu thì đăng một trạng thái trên mạng xã hội để động viên bản thân: “Hãy tập trung vào mục tiêu!”.
Nhưng đến mùa xuân năm nay, khi họ đang chờ đợi khoảnh khắc quan trọng của đời mình, cuộc khủng hoảng diễn ra ở Mỹ ngày càng nghiêm trọng. Jingchu chưa bao giờ có thể tưởng tượng được chuyện này.
Giấc mơ Mỹ
Đối với Haila và Jingchu, cũng như nhiều sinh viên đại học Trung Quốc tương lai, con đường tới đại học Mỹ đã nhen nhóm từ thuở còn thơ.
Họ gặp nhau tại một trường tiểu học ở Bắc Kinh. Cô bạn là người cởi mở, còn chàng trai là dân mọt sách chính hiệu. Hồi đó cả hai đều rất nổi bật theo cách riêng. Haila kể rằng ở tiểu học, ai học giỏi đều được bạn bè mến mộ. Jingchu được rất nhiều cô bé crush cũng vì thế. Jingchu thì nhớ lại Haila rất hướng ngoại và hòa đồng, “kiểu nổi tiếng của người Mỹ”.
Bước vào cấp 2, Haila là một trong số ngày càng nhiều trẻ em Trung Quốc hy vọng trở thành du học sinh Mỹ.
Năm 2002, năm cô chào đời, có chưa tới 65.000 sinh viên Trung Quốc học tại Mỹ. Nhưng khi cô bắt đầu học cấp 2 vào năm 2014, con số đó đã tăng vọt lên 300.000 người. Nhiều gia đình cảm thấy thất vọng vì hệ thống trường học cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc, học sinh chỉ biết cắm mặt vào sách vở ngay từ nhỏ chỉ để lấy đà cho kỳ thi đại học. Khi nền kinh tế phát triển, nhiều gia đình đã đủ điều kiện cho con ra nước ngoài học.
Nền giáo dục của Mỹ cung cấp một phong cách giáo dục khác biệt và linh hoạt hơn. Học phí tuy rất cao, nhưng bằng cấp của Mỹ được coi là một khoản đầu tư khôn ngoan cho một tương lai rộng mở sau này.
Vào mùa đông lạnh lẽo năm 2014, Haila đã quyết định bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ Mỹ của mình.
Cô nộp đơn vào kỳ học mùa thu tại một trường cấp ba tư thục ở Virginia. “Vào thời điểm đó, tôi nghĩ Mỹ đang rất thịnh, con người ở đó rất dễ thương và cực kỳ giàu có – đó là kinh đô của thế giới” cô nhớ lại.
Nhưng thực tế thì khác. Có rất nhiều điều khiến cô thích thú, nhưng cô nhớ Bắc Kinh. Sau một năm, cô trở về nhà.
Hệ thống giáo dục Trung Quốc giống như một đường cao tốc chạy thẳng tắp từ tiểu học đến đại học. Nếu rời khỏi đường đua đó trước thì gần như không có cửa vào bất kỳ một trường đại học nào ở Trung Quốc.
Cô phải đăng ký vào lớp quốc tế của một trường trung học địa phương và quyết tâm quay lại Mỹ, lý tưởng nhất là Virginia vì nơi đó có bạn bè cấp 3. “Ngay khi tôi đặt chân về Trung Quốc, tôi lại phải đổi hướng trở lại Mỹ,” cô nói.
Bạn học cũ của cô là Jingchu cũng sớm đi theo con đường tương tự.
Sau khi học xong tiểu học, cậu đăng ký vào trường trung học tốt nhất Bắc Kinh. Ban đầu, cậu chỉ định đi theo các thế hệ đàn anh thành công, đến đại học Bắc Kinh hoặc Thanh Hoa, hai trường danh tiếng nhất Trung Quốc.
Nhưng vào năm lớp 9, cậu lại bắt đầu suy nghĩ đến sự tự do. Mẹ cậu cũng ủng hộ, bà tin rằng hệ thống giáo dục của Mỹ tốt hơn. Cuối cùng cậu quyết định chọn lớp quốc tế của một trường trung học hàng đầu và đặt mục tiêu của mình vào Ivy League (Mỹ).
Con đường bắt đầu gập ghềnh
Trong vài năm, Haila và Jingchu vẫn giữ liên lạc như nhiều thanh thiếu niên khác: theo dõi nhau trên mạng xã hội dù ít khi nói với nhau nhiều.
Vào mùa hè năm 2018, hai người tái ngộ tại Yale Young Global Scholars, một chương trình bổ túc mùa hè ở Bắc Kinh có phần diễn thuyết của đại học Yale. “Kiểu chương trình để moi tiền từ sinh viên Trung Quốc ấy mà” Jingchu đùa.
Đào tạo, tuyển sinh và giáo dục sinh viên Trung Quốc là một loại hình kinh doanh lớn, nhưng rất chậm.
Một phần do vấn đề chính trị
Những đe dọa lên người nhập cư của chính quyền tổng thống Trump đã khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Họ cũng thắc mắc nhiều về bạo lực súng đạn. Lukman Arsalan, trưởng ban nhập học tại Đại học Franklin & Marshall cho biết. “Chỉ trong ba năm qua, ánh mắt các sinh viên Trung Quốc bắt đầu hướng vào Anh, Australia và Canada”.
Mùa hè năm đó, khi Haila, Jingchu và các học sinh khác đang lắng nghe “Châu Á trong thế kỷ 21” của các giảng viên đến từ ĐH Yale, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đã bùng nổ và các sinh viên Trung Quốc bị bắt trong cuộc xả súng.
Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu cắt giảm thị thực của các sinh viên Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định, vì lo ngại về an ninh quốc gia. Có tin đồn rằng tổng thống Trump cho rằng hầu hết sinh viên Trung Quốc ở Mỹ đều là gián điệp.
Rồi đến mùa thu, khi họ bước vào năm đầu trung học phổ thông, thì bên kia bán cầu, chính quyền Mỹ lại đang cân nhắc việc cấm nhập học toàn bộ đối với quốc tịch Trung Quốc.
Không lâu sau đó, tin tức các trường đại học kinh doanh và kỹ thuật thuộc Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, lâu nay nổi tiếng với số lượng lớn sinh viên quốc tế người Trung Quốc, đã mua bảo hiểm cho số lượng sinh viên Trung Quốc. Tức là, nếu số lượng học sinh Trung Quốc đăng ký học giảm 20 phần trăm, trường sẽ được hỗ trợ với mức 60 triệu USD. Jeffrey Brown, hiệu trưởng Đại học Kinh doanh Gies tiết lộ mục đích là để “tự vệ” trước “lệnh hạn chế thị thực, một đại dịch và một cuộc chiến thương mại”.
Jingchu, Haila và nhiều người Trung Quốc thì lại không có chính sách bảo hiểm nào bảo vệ. Nhưng còn nhiều năm nữa mới đến ngày lo chuyện giấy tờ đi Mỹ.
Họ lại cúi đầu xuống bàn học và tiếp tục ôn luyện.
“Đừng đi Mỹ nữa”
Vào ngày 26/3 năm nay, Jingchu đã thức trắng suốt 24 tiếng đồng hồ để check thư của một số trường đại học mà cậu đã nộp đơn vào như Duke, Cornell và cậu đã đậu Yale.
Khi nhận được tin tốt, cậu hét lên với bố mẹ, gọi cho hiệu trưởng rồi sau đó đăng tin lên Wechat, tự nhủ “Bây giờ mình đã có thể được tự do rồi”. Cậu tự gọi cho mình một chiếc pizza để ăn mừng, rồi ngủ thiếp đi, mệt mỏi sau nhiều năm dài mài sách và lo toan.
Đối với Haila, khoảnh khắc hân hoan và nhẹ nhõm mà cô tưởng tượng không đến ngay như vậy.
Vào cuối tháng 3, cô được cái gật đầu từ một trong những lựa chọn an toàn của mình, Đại học California ở Santa Barbara và lọt vào danh sách dự bị của ngôi trường mà cô hy vọng nhất, Đại học Virginia.
“May quá, họ không từ chối mình,” cô tự nhủ.
Vài ngày sau, cô lại được đề nghị tham dự một chương trình hợp tác giữa Đại học Columbia và Science Po tại Pháp, một lựa chọn sơ cua mà cô ấy đã nộp đơn “cho vui”.
Haila đã ao ước sẽ có một cuộc trở lại vẻ vang ở Virginia, nơi cô từng học trung học. Khuôn viên trường đầy lá cây vàng úa như là hình ảnh thu nhỏ cho văn hóa đại học của Mỹ. Cô mơ mộng được đặt chân lên đám lá cây khô ở sân trường Virginia.
Đại học Virginia, nơi Haila Amin từng mơ được đi xem bóng rổ và đi ăn hamburger.
Nhưng cái hỗn loạn do đại dịch gây ra đã thay đổi thứ tự ưu tiên của cô ấy. Khi nhận được thư trúng tuyển, cũng là lúc virus corona đang bao vây thành phố New York. Cô bắt đầu tự hỏi liệu nước Mỹ có còn an toàn không.
Hàng ngày, báo chí Trung Quốc đều đăng những câu chuyện về số ca nhiễm tăng vọt, biểu tình và bạo lực chống lại châu Á tại xứ cờ hoa. Khi Haila rời khỏi tòa nhà chung cư, nhân viên bảo vệ đã cảnh báo cô về nước Mỹ. Gia đình cô cũng vậy. Họ nói: “Đừng đi Mỹ, đi đâu cũng được trừ Mỹ”.
Thay vì chờ tin từ đại học Virginia, cô đã chọn chương trình Columbia-Sciences Po, hai năm đầu sẽ học ở Pháp. Nơi đó sẽ giữ cô tránh xa sự hỗn loạn của Covid-19 tại Mỹ, tiết kiệm được hàng chục nghìn USD cho hai năm học đầu tiên và vẫn có được tấm bằng Mỹ mà cô khao khát.
Cô đăng tin đó lên Wechat. Cô hài lòng nhưng thoáng chút tiếc nuối. “Tôi thực sự muốn đến Virginia” cô nói.
Tháng 5, Eli Lam, sinh viên tại Đại học Michigan vừa là chủ tịch Hội Sinh viên Trung Quốc của trường, đã nhận được một tá những câu hỏi từ các bậc phụ huynh. Họ nhắn tin hỏi anh về cách tiếp tế thuốc men, thiếu hụt hàng hóa trong siêu thị và các cuộc biểu tình làm rung chuyển một số thành phố ở Mỹ. “Họ hỏi tôi rằng làm sao con cái họ có thể sống ở đó?” Anh kể.
Gloria Chyou, đồng sáng lập của InitialView, một công ty chuyên phỏng vấn ứng viên quốc tế cho các tổ chức của Mỹ, cũng cho biết cha mẹ của các học sinh trung học Trung Quốc đang rất lo lắng.
Đến tháng 6, thị thực trở nên khó hơn và các chuyến bay vẫn còn khan hiếm. Jingchu nhận ra rằng cậu sẽ không thể đến New Haven kịp vào mùa thu.
Trong khi đó, Haila đang chuẩn bị đi Pháp.
“Đại sứ quán Pháp đang mở cửa,” cô nói với Jingchu.
“Ghen tị quá”, cậu nói.
Hy vọng và hối hận
Một mùa hè không được nghỉ ngơi.
Đại dịch đã lan rộng, cùng sự phong tỏa lần thứ hai ở Bắc Kinh và sự gia tăng ca nhiễm báo động trên khắp nước Mỹ.
Vào ngày 1/7, đại học Yale cho biết họ sẽ mở cửa lại vào mùa thu bằng cách vừa học trực tuyến vừa học truyền thống, nhưng Jingchu thì đang lo không biết cậu có đặt chân được đến bãi giữ xe của trường hay không. Cậu không muốn xin tạm nghỉ một năm vì đó chỉ là cách “kéo dài sự không chắc chắn”. Các lớp học trực tuyến tuy bị khác biệt về thời gian nhưng hoàn toàn có thể tham gia được.
Vài ngày sau, Mỹ tuyên bố rằng sinh viên nước ngoài sẽ không được nhập học vào Mỹ nếu họ chỉ tham gia các khóa học trực tuyến.
Sinh viên quốc tế muốn được nhận vào Mỹ phải trực tiếp đến lớp chứ chỉ học hình thức online thì không được. Luật lệ mới này ám chỉ rằng sinh viên quốc tế có thể bị trục xuất nếu trường học của họ không mở cửa.
Điều này thật kinh khủng với Jingchu.
Chỉ thị này làm những sinh viên không thể nhận được thị thực hoặc không muốn đến Mỹ giữa một đại dịch phải loay hoay. “Tôi không biết liệu tôi có cần phải đến Mỹ để sau này được công nhận hay không” Jingchu nói.
Tại Trung Quốc, mọi người đùa rằng Mỹ đang dạy cho các sinh viên Trung Quốc phải biết “yêu nước”, phải biết trân trọng quê hương. Còn phận sinh viên như Jingchu thì lại nghĩ rằng Mỹ xem sinh viên Trung như thứ có thể bỏ đi.
Sau một cuộc phản công nhanh từ các sinh viên luật trường Harvard và MIT, Mỹ đã phải hủy bỏ chỉ thị này. Sau đó, vào cuối tháng 7, các cán bộ nhập cư đã ban hành hướng dẫn mới rằng quy định này chỉ áp dụng cho tân sinh viên.
Chỉ còn vài tuần nữa thôi, Jingchu vẫn đang cố gắng thu thập thông tin về những gì sắp tới.
Karen Peart, giám đốc quan hệ truyền thông Đại học Yale, cho biết trường hiểu rằng nhiều sinh viên Trung Quốc sắp nhập học không thể nhận được thị thực. Trường chỉ biết hy vọng tân sinh viên sẽ có thể có mặt tại trường trong những tuần đầu tiên của học kỳ mùa thu.
ĐH Yale sẽ tổ chức một số lớp truyền thống cho sinh viên mới. Những người không thể đến New Haven có thể tham gia các khóa học trực tuyến.
Kế hoạch của Jingchu là học từ xa, theo giờ Mỹ. Học trực tuyến không phải là cách thức học mà cậu đã đăng ký, nhưng cậu sẽ “cố chịu đựng” – “Đại dịch này chắc chắn đã làm chúng tôi vỡ mộng về Mỹ” cậu nói.
Sự hối tiếc của Haila về việc bỏ lỡ cuộc sống sinh hoạt trong trường đại học Mỹ giờ đã phai nhạt. Tuy sẽ không thể làm cổ động viên trong sân bóng rổ nhưng cô sẽ có những chuyến đi chơi cuối tuần tới các thủ đô châu Âu cổ kính.
Cô tự hỏi liệu các học sinh Trung Quốc có khát khao với các trường đại học Mỹ như cô đã từng không. Cô cho biết, các học sinh lớp 10 tại trường trung học của cô sẽ nộp đơn vào một vài nước khác, để đề phòng.
Giờ đây, Haila đang hy vọng đến Pháp muộn nhất là vào tháng 9 hoặc tháng 10.
“Tôi không nghĩ giấc mơ Mỹ của tôi đã tan vỡ, chỉ là cần thêm một chút thời gian nữa”, cô nói.
Thủy Tiên (Theo Washington Post)
WHO: Thế giới trải qua ngày có số ca Covid-19 cao chưa từng thấy
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết toàn cầu ghi nhận 294.237 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, con số kỷ lục từ trước tới nay.