'Cú vấp' của ông Biden

Ba tháng đầu nhiệm kỳ đã phơi bày những điểm yếu cố hữu của Tổng thống Biden, cho thấy những lời hứa khi tranh cử không dễ để hoàn thành.

07:00 20/04/2021

"Cú vấp" mới đây của Tổng thống Biden trước quyết định số người tị nạn tối đa nước Mỹ sẽ tiếp nhận đã giúp người ta thấy rõ tranh cử thì dễ, điều hành thực sự mới khó, theo Washington Post.

Trước khi trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, Joe Biden đã có 48 năm kinh nghiệm làm việc ở Thượng viện.

Để thuyết phục cử tri rằng ông hoàn toàn sẵn sàng cho vị trí người lãnh đạo đất nước, ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh bản thân có kinh nghiệm làm chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và sau đó là phó tổng thống.

"Nhà Trắng không phải là chỗ cho những người học việc", ông Biden tuyên bố dõng dạc hồi năm ngoái.

Thế nhưng, ba tháng nhiệm kỳ đầu tiên của ông Biden đã cho thấy không tân tổng thống nào hoàn toàn sẵn sàng, dù đã có 8 năm giữ chức phó tổng thống, theo Washington Post.

Hứa thì dễ, làm mới khó

Ởtuổi 78, ông Biden là người sống trong thế giới quyền lực của nước Mỹ lâu chẳng kém bất cứ ai tại Washington, D.C. Nhưng dù vậy, ông Biden không thực sự có kinh nghiệm hữu ích trên cương vị tổng tư lệnh.

Trong 8 năm phó tổng thống, ông Biden là người thân cận nhất có mặt bên cựu Tổng thống Obama khi những quyết định lớn lao được đưa ra từ Nhà Trắng.

Tuy nhiên, trọng trách nặng nề trước mỗi quyết định không thuộc về chính trị gia đến từ Delaware. Thay vì trực tiếp cầm lái con tàu nước Mỹ, ông Biden thực tế chỉ ngồi ở ghế hành khách.

ong biden that hua anh 1

8 năm làm phó tổng thống dưới thời ông Obama không mang lại kinh nghiệm trong vai trò tổng tư lệnh cho ông Biden. Ảnh: WSJ.

Việc tổng thống đưa ra quyết định rồi nhanh chóng thay đổi chỉ trong vòng 24 giờ về câu chuyện số người tị nạn tối đa nước Mỹ sẽ tiếp nhận, đã khiến giới chuyên gia chua chát rằng: Ông Biden đã hứa sẽ đảo ngược chính sách của ông Trump về người tị nạn, nhưng nay ông chỉ đang đảo ngược chính mình.

Sau khi rút lại lời hứa nâng mức trần tối đa người tị nạn được tiếp nhận từ 15.000 lên 62.500, tân tổng thống đứng trước làn sóng chỉ trích vũ bão của phe cấp tiến trong đảng Dân chủ, điều chưa từng có kể từ khi nhậm chức.

Trước đó, trong bài phát biểu hôm 4/2, ông Biden công bố một sắc lệnh hành pháp khôi phục chương trình tái định cư, nhằm giúp xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu, như muốn nhắc lại lịch sử nước Mỹ là quốc gia hình mẫu luôn mở rộng cửa chào đón người dân các nước khác.

"Sự lãnh đạo của Mỹ về vấn đề người tị nạn là điểm nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng trong những năm đầu tiên tôi tới Washington", Tổng thống Biden phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao.

Tuy vậy, Tổng thống Biden chưa bao giờ có những bước đi xa hơn để hiện thực hóa cam kết về tị nạn ấy. Làn sóng người nhập cư đổ về biên giới phía nam lớn chưa từng có khiến Nhà Trắng run rẩy khi phải nghĩ tới bài toán tái định cư những người tị nạn đến từ bên ngoài.

Đến cuối ngày 16/4, Nhà Trắng đầu hàng sức ép từ phe cấp tiến. Thư ký báo chí Jen Psaki tuyên bố sẽ nâng trần tiếp nhận người tị nạn từ giữa tháng 5.

Nhưng bà Psaki cũng phải điều chỉnh lời hứa ban đầu của ông Biden, cho biết đây là mục tiêu khó có thể đạt được bởi chính quyền cựu Tổng thống Trump đã "hủy hoại" chương trình tái định cư.

Năm 2015 và 2019, ông Biden đã chần chừ suốt nhiều tháng trước khi quyết định có ra tranh cử hay không. Đến năm 2019, ông Biden liên tiếp bỏ lỡ các hạn chót tự đặt ra trong nhiệm vụ lựa chọn ứng viên phó tổng thống.

Đến nay, ba tháng tại Phòng Bầu dục đã phơi bày mọi điểm yếu của tổng thống, cho thấy sự thiếu quyết đoán cố hữu của ông Biden.

Tính cách thiếu quyết đoán của ông Biden dường như được chính trường Mỹ vị tha hơn so với sự bốc đồng của người tiền nhiệm, nhưng nó vẫn khiến ông chủ Nhà Trắng phải trả giá.

Khoảng 35.000 người khắp thế giới đã được phê duyệt quy chế tị nạn và sẵn sàng bay tới Mỹ khi họ được cho phép. Việc chần chứ, liên tục thay đổi quyết định của Nhà Trắng đồng nghĩa hàng trăm chuyến bay chở người tị nạn bị hủy bỏ.

Thất hứa về Saudi Arabia

Những khó khăn trên mặt trận đối ngoại khiến mọi tổng thống, dù ít hay nhiều, đều có lúc gặp rắc rối và khó có thể hoàn thành những chính sách cam kết trong giai đoạn tranh cử.

Năm 1992, ông Bill Clinton từng hứa sẽ mạnh tay trừng phạt Trung Quốc. Nhưng khi đã lên nắm quyền, chính quyền Clinton đã tách vấn đề nhân quyền khỏi quan hệ thương mại, mở rộng quy chế tối huệ quốc cho Bắc Kinh.

Trước khi nắm quyền, ông Obama cũng hứa với các cử tri sẽ chấm dứt mọi cuộc chiến tranh ở hải ngoại của Mỹ. Nhưng rút cuộc, ông Obama tăng cường hiện diện quân sự ở cả Afghanistan và Iraq, đồng thời đưa Mỹ can dự vào cuộc nội chiến ở Libya dù chỉ ở quy mô hạn chế.

Tổng thống Biden giờ đây đứng trước bài bài toán khó tương tự. Thực tế, nhập cư chỉ là một trong những ví dụ về tình trạng khó giữ lời hứa ông Biden đang đối mặt.

Tại cuộc tranh luận nội bộ của đảng Dân chủ tháng 11/2019, ông Biden cam kết sẽ mạnh tay trừng phạt Saudi Arabia, sau khi Riyadh bị cáo buộc liên quan tới vụ sát hại nhà báo người Mỹ Jamal Khashoggi, cùng vấn đề nhân đạo trong cuộc chiến ở Yemen.

Sau khi nắm quyền, Tổng thống Biden tuân thủ yêu cầu của Quốc hội Mỹ công bố đánh giá tình báo cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman là người phê duyệt kế hoạch ám sát nhà báo Khashoggi năm 2018. Nhưng thay vì trực tiếp trừng phạt vị thái tử Saudi, chính quyền Mỹ chỉ nhắm tới các quan chức cấp thấp hơn.

ong biden that hua anh 2

Ông Biden gặp các quan chức Saudi Arabia năm 2011. Ảnh: AP.

Quan chức Nhà Trắng giải thích họ chỉ muốn điều chỉnh lại quan hệ với Saudi Arabia, chứ không phải làm rạn nứt liên minh quan trọng nhất của Mỹ trong thế giới Hồi giáo, đồng thời là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ.

Nhà Trắng cho biết sẽ không thể trừng phạt Thái tử Mohammed bin Salman mà không động chạm tới toàn bộ gia tộc nắm quyền tại Saudi, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Saudi đối với ổn định tại khu vực.

Thư ký báo chí Psaki bảo vệ quyết định làm trái cam kết của Tổng thống Biden, nói rằng trách nhiệm của tổng thống là "hành động vì lợi ích quốc gia của Mỹ, và đó chính xác là những gì ông ấy đang làm", bởi quan hệ giữa Mỹ và Saudi là vấn đề "phức tạp".

Bà Psaki không sai, quan hệ ngoại giao luôn là vấn đề phức tạp.

Nhưng sự phức tạp ấy không phải chỉ bây giờ mới có. Nó đã luôn tồn tại, trong ngày ông Biden hứa sẽ cứng rắn với Saudi Arabia, cũng như lúc ông công kích người tiền nhiệm Donald Trump vì không làm như vậy, hay khi ông tuyên bố sẽ bước vào Nhà Trắng với kinh nghiệm phong phú hơn mọi tổng thống Mỹ trong quá khứ.

Tags:
Điều gì chờ đón tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam?

Điều gì chờ đón tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam?

Ông Marc Knapper, người được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ kế tiếp ở Việt Nam, được cho là sẽ có nhiều thuận lợi khi nhận nhiệm vụ dựa vào bề dày kinh nghiệm của ông.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất