Cuộc chiến của John McCain để bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ
Từ một tù binh bị giam ở Việt Nam, McCain đã nỗ lực để hóa giải hận thù và bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
00:30 27/08/2018
John McCain (trái) chụp ảnh cùng Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam khi đó là Nguyễn Cơ Thạch ở Washington ngày 17/10/1990. Ảnh: AP. |
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Đức DPA tháng 10 năm ngoái, bà Dao Thi Tiec, 85 tuổi, sống ở cạnh hồ Trúc Bạch ở thủ đô Hà Nội, vẫn nhớ rõ ngày chiếc hồ cạnh nhà bà đi vào lịch sử như một phần của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đó là năm 1967, thời điểm Mỹ tiến hành mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam với các cuộc ném bom đánh phá ác liệt, buộc những gia đình như bà Tiec phải đưa con cái tản cư về vùng nông thôn, trong khi bà vẫn bám trụ ở thủ đô để làm việc.
Ngày 26/10/1967, bà nghe thấy tiếng xôn xao bên ngoài, khi mọi người truyền tai nhau rằng một máy bay Mỹ đã bị bắn rơi và đâm xuống nhà máy điện gần đó. Phi công nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và đã bị bộ đội, dân quân bắt sống.
Bà Tiec chạy ra ngoài, nhìn thấy lực lượng an ninh đang dẫn giải phi công Mỹ. Ông ta trông rất cao lớn, bà nhớ lại, và đang bị thương nặng. "Lúc đó tôi rất vui vì đã có quá nhiều người bị bom Mỹ giết hại", bà kể.
Phi công Mỹ bị bắn rơi và nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch đó chính là đại úy hải quân Mỹ John McCain, người sau đó bị giữ làm tù binh hơn 5 năm ở nhà tù Hỏa Lò. Sau khi được trao trả về Mỹ, McCain bắt đầu sự nghiệp chính trị, trở thành một nghị sĩ, thượng nghị sĩ, ứng viên tổng thống và là người đã nỗ lực hết mình cho mối quan hệ Việt - Mỹ.
Từ một tù binh bị giam giữ ở Việt Nam, McCain đã có những nỗ lực không biết mệt mỏi trong sự nghiệp của mình để hóa giải mối hận thù giữa hai đất nước, được nhiều người dân Việt Nam coi như một người bạn, một người kiến tạo hòa bình.
"Có một nghịch lý trong quan hệ Việt – Mỹ, đó là những người từng tham chiến lại trở thành nhà tiên phong trong hàn gắn quan hệ", nhà sử học Dương Trung Quốc ca ngợi nỗ lực của McCain trong việc bình thường hóa quan hệ hai nước. "Ở vị trí của mình, ông ấy đã có đóng góp to lớn để thúc đẩy sự hòa giải giữa hai đất nước".
Ngay từ năm 1977, McCain đã nổi tiếng là người ủng hộ nhiệt thành cho mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Mỹ. Ông lần đầu tiên trở lại Hà Nội vào năm 1985, 10 năm trước khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được khôi phục. Kể từ đó, ông thường xuyên tới thăm Việt Nam, trong đó lần gần đây nhất là chuyến đi của ông lên tàu USS John S. McCain ghé thăm cảng Cam Ranh hồi tháng 6/2017.
McCain (đứng, bên phải) từng là một đại úy phi công hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy. |
McCain luôn khẳng định rằng Việt Nam sẽ là một đối tác an ninh mạnh mẽ của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Washington đang thúc đẩy các nỗ lực vì hòa bình, an ninh, tuân thủ pháp luật quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Theo một số nhà quan sát, trong quá trình bị giam giữ ở Hỏa Lò, McCain có thể đã chứng kiến những đau thương mà bom Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam, khi có tới 1.624 dân thường thiệt mạng chỉ trong đợt ném bom vào ngày Giáng sinh năm 1972. Đây nhiều khả năng là động lực để McCain muốn nỗ lực mang lại những điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam.
Điều đó đã dẫn đến cuộc "khẩu chiến" giữa McCain và nghị sĩ Sam Johnson, người cũng từng là một tù binh Mỹ bị giam ở Việt Nam, trong cuộc tranh luận trước quốc hội Mỹ về việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995, theo Washington Post.
Trong cuộc tranh luận này, Johnson cho rằng Mỹ không nên nối lại quan hệ ngoại giao với vì "vẫn còn nhiều tù binh Mỹ bị che giấu", thậm chí tin rằng việc bình thường hóa quan hệ chỉ là "một nỗ lực của Hà Nội nhằm tiếp cận thị trường Mỹ".
Trái lại, McCain cho rằng bình thường hóa quan hệ với là điều cần thiết, việc để những cảm xúc cá nhân làm ảnh hưởng đến những gì tốt đẹp nhất cho sẽ là hành động "khước từ trách nhiệm".
Cuộc tranh luận giữa Johnson và McCain phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ về vấn đề Việt Nam. Liên đoàn Cựu chiến binh Mỹ (American Legion), tổ chức cựu binh lớn nhất nước Mỹ với rất nhiều thành viên từng tham chiến ở Việt Nam, thể hiện sự phản đối mạnh mẽ nhất với việc bình thường hóa quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, tổ chức cựu chiến binh lớn thứ hai là Cựu binh Chiến tranh ở nước ngoài (Veterans of Foreign Wars) đại diện cho 600.000 cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, lại ủng hộ nỗ lực của McCain nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù.
McCain đã tranh thủ sự hậu thuẫn của thượng nghị sĩ John F. Kerry và Tổng thống Bill Clinton để thúc đẩy nỗ lực của mình, với kết quả là Việt – Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ ngay trong năm 1995.
"Điều quan trọng cần xét tới là những đóng góp của cựu binh Mỹ này cho quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh. Dưới góc độ này, ông ấy là một nhân tố, một gương mặt của hòa giải", nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
McCain (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh tại tượng đài phi công Mỹ bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch vào năm 2012. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ. |
Trong những năm cuối đời, dù phải chống chịu với căn bệnh ung thư não, thượng nghị sĩ McCain vẫn tiếp tục đấu tranh để bảo vệ hòa bình, ổn định, trật tự theo pháp luật ở châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là với những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
McCain là một trong những tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, hành động mà ông mô tả là "như kẻ bắt nạt", theo Reuters.
"Tôi cho rằng Trung Quốc rõ ràng đang thực hiện hành động quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông và điều đó vi phạm luật pháp quốc tế", McCain phát biểu trong một hội thảo ở Sydney hồi năm ngoái. Thượng nghị sĩ này cũng khẳng định Mỹ phải cùng các đồng minh, đối tác có hành động để tìm giải pháp hòa bình trước hành vi của Trung Quốc.
McCain qua đời tại Arizona vào chiều 25/8 (sáng 26/8 giờ ) ở tuổi 81. Các lãnh đạo thế giới đã bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của ông. Truyền thông gọi ông là "người khổng lồ" của chính trường Mỹ.
Nguồn: Vnexpress.net
Di chúc của McCain: không mời ông Trump dự đám tang
The Hill –Gia đình thượng nghị sĩ John McCain thông báo với Tòa Bạch Ốc rằng nếu ông qua đời, họ chỉ mời phó tổng thống Mike Pence đến dự chứ không mời Tổng thống Donald Trump.