Cuộc chiến quanh các tượng đài Liên minh miền Nam ở Mỹ
Hơn 150 năm trôi qua từ khi cuộc nội chiến Mỹ kết thúc nhưng tranh cãi về cách lịch sử tưởng nhớ bên thua cuộc thế nào vẫn chưa nguôi.
02:18 22/08/2017
Hàng trăm bức tượng tôn vinh Liên minh miền Nam, bao gồm những bang ủng hộ chế độ nô lệ và đã nổi loạn chống lại chính phủ Mỹ vào thế kỷ 19, đang tồn tại trên khắp nước Mỹ. Chúng thường gợi nhớ về lịch sử nô lệ và đàn áp chủng tộc. Quyết định gần đây của các chính quyền địa phương nhằm dẹp bỏ những tượng đài này đã gây ra phản ứng dữ dội từ một nhóm người Mỹ xem việc phá hủy chúng là mưu đồ nhằm phá hoại lịch sử và văn hóa miền nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/8 xen vào cuộc tranh luận khi viết dòng tweet khen những tượng đài gây tranh cãi và nói rằng vẻ đẹp của chúng sẽ được "nhiều người nhớ tới" nếu các bức tượng bị đưa khỏi các thành phố, thị trấn và công viên.
Tôn vinh ai?
Hầu hết các tượng đài của Liên minh miền Nam đều được xây dựng gần 25 năm sau khi cuộc nội chiến nước Mỹ kết thúc vào năm 1865. Ngày nay, Mỹ có khoảng hơn 700 tượng đài tưởng niệm Liên minh miền Nam.
Một số tượng đài tưởng nhớ đến những người lính bộ binh thuộc Liên minh. Nhiều tượng đài khác lại khắc họa hình ảnh những đại tướng nổi tiếng của Liên minh như tướng Robert E. Lee hay Thomas "Stonewall" Jackson.
Hôm 16/8, những hậu duệ của đại tướng Jackson đã viết lá thư với nhan đề "Các tượng đài phải ra đi", kêu gọi dẹp bỏ những bức tượng ông ở thành phố Richmond, thủ phủ bang Virginia. Theo họ, "các bức tượng Liên minh miền Nam gợi nhớ hình ảnh biểu tượng xưa cũ cho những kẻ phân biệt chủng tộc".
Cụm từ "Các tượng đài phải ra đi" đang trở thành từ khóa nóng trên mạng xã hội Twitter ở Mỹ khi bức thư ngỏ mà những hậu duệ của tướng Jackson gửi tới các quan chức Richmond liên tục được chia sẻ.
Sau cuộc tuần hành của những người ủng hộ hội kín Ku Klux Klan và các nhóm tân phát xít ở Charlottesville nhằm phản đối di dời tượng đại tướng Robert E. Lee, người chút trai của ông đã lên tiếng chỉ trích "việc lạm dụng ký ức về Robert Lee" để "thúc đẩy thông điệp hận thù và không khoan dung".
Vì sao gây tranh cãi?
Bức tượng người lính Liên minh miền Nam trước tòa án hạt Durham, bang Bắc Carolina, bị người biểu tình đập phá hôm 14/8. Ảnh: Reuters. |
Những người bảo vệ các biểu tượng Liên minh miền Nam nói mục đích của họ không phải nhằm tưởng nhớ chế độ nô lệ mà các bang miền nam xưa kia đứng lên chiến đấu để bảo tồn.
Theo họ, cuộc nội chiến mà Liên minh miền Nam phát động nhằm đấu tranh cho "quyền của bang" và chống lại hệ thống liên bang. Họ cho rằng các biểu tượng, chẳng hạn như cờ chiến trận Liên minh miền Nam, gợi nhớ đến lịch sử và văn hóa khu vực.
Song hầu hết các nhà sử học đều nhận định các biểu tượng của Liên minh miền Nam chỉ làm gợi nhớ lại chế độ nô lệ. Những nhóm chủng tộc thiểu số, đặc biệt là người Mỹ da màu, cảm thấy bị xúc phạm trước các tượng đài Liên minh miền Nam ở những nơi công cộng.
Thống đốc bang Maine Paul LePage hôm 17/8 nói việc di dời các tượng đài Liên minh miền Nam chỉ đơn giản nhằm xóa trắng lịch sử. "Làm sao các thế hệ tương lai có thể rút ra bài học nếu chúng ta xóa bỏ lịch sử. Điều đó thật kinh khủng", LePage chia sẻ với đài truyền thanh WGAN.
Thậm chí, ông còn ví việc di dời tượng đài Liên minh miền Nam giống như di dời các tượng đài tưởng nhớ vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Lầu Năm Góc.
"Đối với tôi, điều này giống như đến thành phố New York và đập bỏ đài tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9", ông nhấn mạnh.
Không còn là biểu tượng vô hại
Tượng của đại tướng Robert E. Lee ở New Orleans, bang Louisiana, Mỹ bị di dời hồi tháng 5. Ảnh: AP. |
Năm 2015, chỉ vài ngày sau lễ kỷ niệm 150 năm ngày nội chiến nước Mỹ kết thúc, Dylann Roof, một kẻ theo thuyết người da trắng thượng đẳng, đã nổ súng sát hại 9 giáo dân ở một nhà thờ của người Mỹ gốc Phi tại bang Nam Carolina.
Những bức ảnh chụp y với lá cờ Liên minh miền Nam đã thay đổi cách nhiều người Mỹ nhìn nhận về các biểu tượng của liên minh này. Họ không còn xem chúng là những biểu tượng vô hại.
Sau khi chính quyền bang Nam Carolina quyết định hạ lá cờ Liên minh miền Nam xuống khỏi trụ sở hội đồng lập pháp bang này, nhiều chính quyền địa phương khác cũng hưởng ứng theo.
Giờ đây, làn sóng thứ hai của nỗ lực dẹp bỏ những biểu tượng đại diện cho Liên minh miền Nam tiếp tục diễn ra và châm ngòi cho các sự kiện bạo lực ở Charlottesville.
Cũng trong tuần trước, nhiều hành động đập phá nhắm vào những tượng đài Liên minh miền Nam cũng xảy ra ở các bang Ohio, Bắc Carolina và Maryland. Tuy nhiên, một số bang, ví dụ như Bắc Carolina, có luật ngăn chính quyền địa phương di dời các tượng đài nếu không có sự đồng thuận cao.
Kết quả cuộc khảo sát do Marist công bố ngày 17/8 cho thấy 62% người Mỹ tin các tượng đài Liên minh miền Nam nên được giữ lại như là "biểu tượng lịch sử".
Bức tượng đại tướng châm ngòi cho cuối tuần bão tố ở thành phố Mỹ
Tranh cãi quanh tượng đại tướng Lee trở thành nguồn cơn bùng phát bạo lực trong cuộc tuần hành cuối tuần qua ở Charlottesville.