Cuộc chiến thương mại 'dễ dàng' của Trump đang ngày càng khó

Chiến thắng cho Mỹ được dự báo "không dễ" như Trump từng nói khi Bắc Kinh phát đi tín hiệu sẽ theo tới cùng thay vì đầu hàng.

02:30 28/05/2019

Tháng 6/2016, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, đứng giữa những người ủng hộ và những kiện nhôm phế liệu tại một nhà máy ở ngoại ô Pittsburgh (bang Pennsylvania), ông Donald Trump tuyên bố: "Nếu Trung Quốc không dừng các hoạt động phi pháp lại, trong đó có ăn cắp bí mật thương mại của Mỹ, tôi sẽ sử dụng mọi điều luật. Việc này dễ lắm, rất dễ. Tôi thích nói ra điều đó. Tôi sẽ sử dụng mọi quyền lực của một tổng thống để giải quyết tranh chấp thương mại".

3 năm sau, ông rõ ràng đã thực hiện cam kết này. Đánh thuế nhập khẩu vào hàng hóa Trung Quốc đúng là phần việc rất dễ dàng. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy, việc chiến thắng cuộc chiến thương mại - mà từng viết trên Twitter là "rất dễ dàng" - lại đang ngày càng khó khăn và kéo dài hơn dự báo. Bắc Kinh đang phát đi nhiều tín hiệu hơn về việc sẽ theo tới cùng, thay vì đầu hàng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Pennsylvania năm 2016. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Pennsylvania năm 2016. Ảnh: AFP

Từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, những người ủng hộ hướng tiếp cận quyết liệt của ông cho rằng cách duy nhất để khiến Trung Quốc thay đổi rõ rệt là liên tục ra đòn thẳng mặt cho đến khi họ đầu hàng. Tuy nhiên, câu hỏi hiện tại là liệu cách tiếp cận này có đang phản tác dụng hay không, nếu khiến cả nền kinh tế toàn cầu chịu hậu quả.

Sau khi Trump nâng thuế với hàng Trung Quốc đầu tháng này, và đưa đại gia viễn thông Huawei Techhologies vào danh sách đen, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân tham gia một cuộc "Vạn lý Trường chinh". Tờ Xinhua cuối tuần trước cũng dẫn lại câu nói này, cho rằng người dân Trung Quốc cần "dũng cảm hơn và kiên cường hơn, không bao giờ khuất phục trước sức ép bên ngoài".

Hy vọng căng thẳng hạ nhiệt đang dồn vào cuộc họp dự kiến giữa ông Trump và ông Tập bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối tháng 6 tại Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc gặp này còn chưa chắc đã diễn ra. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cuối tuần trước cho biết trên Bloomberg rằng hai bên chưa có cuộc thảo luận chính thức nào về buổi gặp.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai. Ảnh: Bloomberg

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải. Ảnh: Bloomberg

"Nếu mọi việc cứ tiếp diễn thế này, tại sao ông Tập lại muốn gặp ?", Jeffrey Schott - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định, "Mỗi ngày, khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc dường như lại lớn hơn. Có vẻ giữa hai bên chẳng có chiếc cầu nối nào cả".

Trung Quốc cũng không phải là bên duy nhất phát tín hiệu cuộc chiến sẽ kéo dài. Tuần trước, ông Trump thông báo gói hỗ trợ mới trị giá 16 tỷ USD cho nông dân chịu thiệt hại trong chiến tranh thương mại. Chỉ vài tuần trước, ông còn cam kết sẽ có một thỏa thuận với Trung Quốc, mang lại cơ hội lớn cho nông phẩm của họ.

Thị trường hàng hóa đã ngay lập tức phản ứng trước triển vọng u ám của đàm phán thương mại. Giá đậu tương Mỹ - sản phẩm Trung Quốc đã ngừng mua vì căng thẳng hai nước - đã xuống thấp nhất một thập kỷ ngay khi mùa gieo trồng bắt đầu. Tháng này, Des Moines Register - tờ báo lớn nhất bang Iowa còn đăng một bài nhận định về tình hình này, với dòng tít "Mọi chuyện không thể tệ hơn được nữa".

Rủi ro chính trị và kinh tế khác ông Trump đang phải đối mặt là nếu tiếp tục đánh thuế, hàng loạt mặt hàng tiêu dùng khác sẽ chịu ảnh hưởng, từ quần áo trẻ em đến smartphone nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi đó, toàn bộ nền kinh tế Mỹ sẽ nằm trong vùng tác động.

Nỗi lo tăng giá đã khiến Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin phải nhấc điện thoại gọi cho Giám đốc Tài chính Walmart - Brett Biggs. Biggs là người luôn cảnh báo thuế đánh lên hàng Trung Quốc sẽ khiến giá các mặt hàng tiêu dùng tại Mỹ tăng lên. "Tôi sẽ giám sát tình hình này chặt chẽ", Mnuchin cam kết trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ giữa tuần trước.   

Trung Quốc đang lật ngược tình thế với Mỹ, khi cáo buộc chính quyền Trump can thiệp quá sâu vào hoạt động của các công ty tư nhân. Dù nhiều người Mỹ tin rằng chính phủ có lý do chính đáng khi lo ngại về an ninh, việc cấm cửa các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, đang làm dấy lên lo ngại cuộc chiến công nghệ sẽ phản tác dụng với Mỹ.

"Thực sự họ đang làm gì dưới danh nghĩa an nình quốc gia? Chúng tôi không biết", Thôi Thiên Khải nói, "Liệu họ có thể chặn lại quá trình phát triển của công nghệ không? Họ có thể tước đoạt quyền hưởng lợi từ công nghệ của mọi người không? Tôi không cho là vậy. Họ có thực sự nghĩ đến quyền lợi của người Mỹ không? Tôi cũng cho là không".

Cuộc chiến giữa Mỹ với Huawei đang khiến các nhà cung cấp Mỹ mắc kẹt ở giữa, làm dấy lên nguy cơ họ sẽ chịu thiệt hại dài hạn tại thị trường béo bở như Trung Quốc. John Neuffer - Giám đốc Hiệp hội Ngành công nghiệp Chất bán dẫn cho biết các hãng chip, cũng như nhiều ngành công nghiệp khác của Mỹ, ủng hộ nỗ lực củng cố an ninh quốc gia của chính phủ. Tuy nhiên, họ cũng đang phải chịu "ảnh hưởng lớn và ngay lập tức" từ lệnh cấm Huawei.

Trung Quốc cho biết sẵn sàng tham gia một cuộc chiến dài hạn. Họ có thể đang nhìn vào tỷ lệ tín nhiệm thấp của ông Trump và kỳ vọng Đảng Dân chủ có thể đẩy bật ông ra khỏi ghế tổng thống trong cuộc bầu cử năm tới. Trump và những người thân cận gọi đây là tính toán sai lầm của Trung Quốc.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng có thể chính ông Trump cũng đang quá tự tin với suy nghĩ này. Vì kể cả khi đã áp thuế nhập khẩu thép từ Trung Quốc và các nước khác, ngành công nghiệp này của Mỹ vẫn chưa hồi sinh như cam kết của ông Trump.

"Chúng tôi thực sự chưa thấy nhiều sự thay đổi", Leanna Spada - Giám đốc Phòng thương mại Mon Valley ở Charleroi, Pennsylvania cho biết, "Có người nghĩ rằng việc này sẽ diễn ra. Nhưng số khác lại không. Họ thấy không khả thi chút nào".

Nguồn: Vnexpress.net

Tags:
TT Trump đòi người bảo trợ di dân phải bồi hoàn tiền nhận welfare

TT Trump đòi người bảo trợ di dân phải bồi hoàn tiền nhận welfare

Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Năm, 23 Tháng Năm, ký một chỉ thị ra lệnh cho các cơ quan chính phủ liên bang Mỹ phải thi hành một quy định đã có từ lâu nay, theo đó đòi hỏi những người bảo trợ giới di dân hợp pháp phải bồi hoàn lại cho chính phủ bất cứ trợ giúp nào của chính phủ mà di dân sử dụng, như Medicaid, food stamps.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất