Cuộc đấu khẩu của Trump ở Nhà Trắng
Phe Dân chủ giận dữ bỏ về khi Trump gọi Chủ tịch Hạ viện Pelosi là "chính trị gia hạng ba" giữa cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 16/10.
09:30 19/10/2019
hôm qua triệu tập cuộc họp với các lãnh đạo phe Dân chủ tại quốc hội để thảo luận về quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự ở nước này. Trước cuộc họp, Hạ viện thông qua nghị quyết chỉ trích quyết định rút quân của Trump với tỷ lệ áp đảo 354 phiếu thuận và 60 phiếu chống.
Khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer có mặt, Trump bắt đầu cuộc họp bằng một bài độc thoại dài, khoe khoang về lá thư "giận dữ" gửi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về quyết định tấn công vào miền bắc Syria, theo một phụ tá cấp cao của phe Dân chủ.
Bức ảnh Tổng thống Mỹ đăng trên Twitter về cuộc họp ngày 16/10. Ảnh: Donald Trump/Twitter. |
Cuộc họp sau đó nhanh chóng chuyển thành cuộc "đấu khẩu" xoay quanh quyết định rút quân khỏi Syria của Trump hôm 7/10, dọn đường cho lính Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào miền bắc Syria, tấn công dân quân người Kurd từng là đồng minh thân thiết của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong cuộc tranh luận, Schumer có đề cập tới cựu bộ trưởng quốc phòng James Mattis, người trong chương trình "Meet the Press" của đài NBC hôm 13/10 đã cảnh báo rằng quyết định rút quân khỏi Syria của Trump có thể dẫn đến sự hồi sinh của IS.
Theo nhiều trợ lý, Trump đã gọi Mattis là "vị tướng được đánh giá cao quá mức nhất thế giới". "Bạn biết tại sao không? Ông ta không đủ cứng rắn. Tôi đã diệt được IS. Mattis nói mất hai năm để làm điều đó, nhưng tôi chỉ cần một tháng", Trump nói.
Cuộc tranh luận nóng dần khi Chủ tịch Hạ viện Pelosi chỉ trích Trump về việc để Nga nhúng tay vào Syria. "Tất cả mọi con đường ông đi đều dẫn tới Putin", bà nói. Đáp lại, Trump tuyên bố thẳng thừng rằng Pelosi là "một chính trị gia hạng ba".
Đây dường như là "giọt nước tràn ly" khiến lãnh đạo phe Dân chủ nổi giận. "Cách nói của ông như vậy chẳng giúp ích gì", Hoyer đáp lời Trump, theo lời kể của phụ tá cấp cao phe Dân chủ.
Sau đó, cả Pelosi và Hoyer đồng loạt đứng dậy, rời khỏi phòng họp. "Tạm biệt, chúng ta sẽ gặp nhau tại cuộc bầu cử", Trump nói theo khi họ rời khỏi Nhà Trắng.
Ba lãnh đạo tại quốc hội sau đó có cuộc họp báo ngắn với các phóng viên bên ngoài . "Những gì chúng tôi chứng kiến từ tổng thống là một đợt sóng giận dữ. Thật tiếc khi phải nói vậy", Pelosi cho biết.
Chuck Schumer (giữa) phát biểu trước báo giới cùng với Steny Hoyer (trái) và Nancy Pelosi sau cuộc họp với Tổng thống Donald Trump hôm 16/10. Ảnh: Reuters. |
"Tôi nghĩ cuộc bỏ phiếu đó, với tỷ lệ phản đối hành động của tổng thống trong nội bộ đảng Cộng hòa là 2:1, có lẽ đã tác động tiêu cực đến ông ta. Đó là lý do chúng tôi không thể tiếp tục cuộc họp này vì ông ta không chấp nhận thực tế", Pelosi nói.
"Ông ta lăng mạ mọi người, đặc biệt là với Chủ tịch Hạ viện", Schumer tiếp lời trong cuộc họp báo. "Đây không còn là một cuộc đối thoại nữa. Đây là một cuộc công kích đầy ác ý".
Hoyer cũng cho rằng phe Dân chủ đã bị "xúc phạm nặng nề" từ cách Trump hành xử với Pelosi. Ông nói rằng trong thời gian làm việc tại quốc hội qua suốt 6 nhiệm kỳ tổng thống, ông "chưa bao giờ" chứng kiến một vị tổng thống "đối xử một cách thiếu tôn trọng" với cơ quan lập pháp như vậy.
Thư ký báo chí của Stephanie Grisham, phủ nhận cách phe Dân chủ mô tả về cuộc họp. "Tổng thống đã thận trọng, thực tế và quyết đoán, trong khi quyết định bỏ ra ngoài của Chủ tịch Pelosi thật khó hiểu nhưng không bất ngờ. Bà không có ý định lắng nghe hay đóng góp vào cuộc họp quan trọng về các vấn đề an ninh quốc gia này", Grisham nói.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện, cho rằng thật đáng thất vọng khi lãnh đạo phe Dân chủ rời khỏi cuộc họp. "Khi có khủng hoảng, lãnh đạo nên ở lại dù có muốn nghe hay không", ông nói.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra luận tội Trump. Đảng Dân chủ hôm 16/10 cho biết việc luận tội không được nêu ra trong cuộc họp với Tổng thống.
Tình huống trong cuộc họp hôm 16/10 gợi nhớ tới cuộc họp của Trump hồi tháng 5 về cơ sở hạ tầng tại với các lãnh đạo quốc hội. Lúc đó Pelosi nói rằng Trump "nổi giận lôi đình" và "ào ra" khỏi phòng họp. Trump cho rằng vào thời điểm đó, ông sẽ chỉ làm việc với đảng Dân chủ nếu họ chấm dứt việc điều tra ông.
Nhật Duy (Theo NBC News)
Tuyên bố nguyên tắc "không can thiệp" nhưng ứng xử của Trung Quốc cho thấy điều ngược lại
Khi chính quyền Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn trên khắp thế giới, ngày càng rõ ràng về nguyên tắc "không can thiệp" theo cách của Trung Quốc.