Cuộc đời ẩn náu không yên của thiên tài nước Mỹ

Vào Đại học Harvard năm 11 tuổi, được kỳ vọng trở thành nhà toán học lừng lẫy, nhưng William James Sidis có cái kết bi thương.

02:00 03/07/2019

William James Sidis (1898 - 1944) là con của một cặp vợ chồng Mỹ gốc Do Thái, cả cha và mẹ ông đều có trí tuệ nổi trội. Ông Boris, cha của William, là một giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard. Còn mẹ, bà Sarah là một bác sĩ tài năng, tốt nghiệp Đại học Boston.

Cha mẹ của William tin vào việc giáo dục con cái sớm sẽ mang lại hiệu quả, vì thế họ đã dạy con mình ngay khi cậu bé chỉ vài tháng tuổi. Họ muốn con trở thành thiên tài.

Để biến điều này thành hiện thực, bà Sarah đã từ bỏ công việc bác sĩ, dành toàn thời gian dạy dỗ con. Cùng với trí thông minh sẵn có, William có thể đọc The New York Times lúc 18 tháng, tự viết được một bức thư từ chiếc máy đánh chữ bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, tự học tám ngôn ngữ (tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Do Thái, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Armenia) khi 8 tuổi, và phát minh ra một ngôn ngữ khác mà ông gọi là Vendergood.

Khi 9 tuổi, William nộp đơn xin vào đại học Harvard. Bài thi đầu vào không thể làm khó cậu bé nhưng William bị nhà trường từ chối với lý do chưa trưởng thành về mặt tâm lý, thể chất. Trong thời gian này, William học tại Đại học Tufts, dành phần lớn thời gian để sửa lỗi trong các cuốn sách về toán học, nghiên cứu các học thuyết của Einstein. Hai năm sau, cậu bé 11 tuổi chính thức trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử Đại học Harvard.

William từng được kỳ vọng sẽ trở thành nhà khoa học lừng lẫy. Ảnh: Geni.

William từng được kỳ vọng sẽ trở thành nhà khoa học lừng lẫy. Ảnh: Geni.

Tại Harvard, William vẫn thể hiện sự xuất chúng của mình, đặc biệt ở lĩnh vực toán học. Sau khi nghe bài diễn thuyết của cậu bé về không gian bốn chiều, giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts Daniel Comstock đưa ra dự đoán rằng William có khả năng sẽ trở thành một trong những nhà toán học hàng đầu thế kỷ 20. William xuất hiện trên nhiều tờ báo hàng đầu của Mỹ, với những biệt danh như "thần đồng", "siêu việt"... 

Năm 16 tuổi, William tốt nghiệp Harvard. Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Boston Herald ngay khi vừa ra trường, ông nói muốn có cuộc sống trọn vẹn, tránh xa những kỳ vọng về thần đồng. Ông cũng tuyên bố không bao giờ kết hôn, vì phụ nữ không có sức hấp dẫn mình.

Sau khi nhận bằng cử nhân, William tiếp tục học lên Cao học Nghệ thuật và Khoa học của Harvard. Nhưng sự khác biệt về tài năng, tuổi tác, khiến ông bị bạn bè cô lập. Sau khi con trai bị một nhóm sinh viên Harvard đe dọa đánh, cha mẹ đã tìm cho ông một công việc tại Đại học Rice ở Houston, Texas với vai trò trợ giảng môn toán.

Nhưng ở tuổi 17, William gặp nhiều khó khăn, áp lực khi giảng cho những sinh viên lớn tuổi hơn mình. Chưa đầy một năm sau, ông nghỉ việc với lý do bất đồng quan điểm về cách thức dạy. Ông quyết định quay trở lại Harvard học tiếp bằng luật năm 1916, nhưng rồi nhận ra không phù hợp, và quyết định dừng lại ba năm sau đó. William lúc này vật lộn để định hình bản thân sau quãng thời gian dài sống dưới sự sắp xếp của bố mẹ.

Năm 1919, ngay sau khi rời khỏi trường luật, William đã bị bắt vì tham gia một cuộc bạo động chống chiến tranh ở Boston. Ông bị kết án mười tám tháng tù, vì được cho có tư tưởng bạo động. Việc William bị bắt giữ nổi bật trên các báo. 

Cha mẹ William sau đó đã can thiệp để con trai không phải vào tù. Để lẩn tránh dư luận, họ đưa William đến nhà an dưỡng 2 năm ở California, và quản thúc con chặt chẽ. Họ tăng cường kiểm soát, theo dõi, cấm ông giao lưu với những người lạ. Họ còn đe dọa sẽ chuyển ông tới nhà thương điên.

Việc này khiến William cảm thấy ức chế. Ông chán nản chạy trốn gia đình, bắt đầu cuộc sống tách biệt hoàn toàn với người thân. Ông nhận những công việc bình thường như sửa máy móc, kế toán... để không thu hút sự chú ý. Ông cũng đi hết thành phố này tới thị trấn khác, đổi tên và làm việc trong thời gian ngắn rồi lại rời đi ngay vì sợ bố mẹ tìm thấy, hay công chúng phát hiện ra.

Trong thời gian này, ông tiếp tục đọc và nghiên cứu thêm nhiều về lịch sử nước Mỹ... Người ta cho rằng ông từng xuất bản nhiều cuốn sách dưới nhiều bút danh khác nhau nhưng không được đón nhận.

William định sống cuộc đời ẩn dật nhưng lại bị truyền thông phát hiện. Ảnh: Geni.

William được cho là xuất bản nhiều cuốn sách nhưng không được đón nhận. Ảnh: Geni.

Những tưởng William sẽ được sống cuộc đời ẩn dật như ông mong muốn. Thế nhưng năm 1924, truyền thông đã tìm ra ông. Cuộc sống nay đây mai đó, từ ánh hào quang tới trốn tránh dư luận của cậu bé thần đồng năm nào được đăng tải tràn ngập trên các mặt báo. Điều này khiến William xấu hổ và trầm cảm. 

The New Yorker thậm chí đăng một bài viết với tiêu đề "April fool!" (ý nói tài năng William chỉ như trò đùa), nói về sự thất bại của ông với những lời lẽ cay nghiệt.

Trong bài báo có nhiều chi tiết William cho là bịa đặt, không đúng sự thật, ảnh hưởng tới danh dự nên đã kiện lên tòa án. Ông thắng kiện nhưng cũng phải mất tới 7 năm dài đằng đẵng. Nhưng tổn hại từ sự việc này là quá lớn, ông gần như khánh kiệt vì vụ kiện và bị stress nặng.

Ông qua đời năm 1944 vì xuất huyết não ở tuổi 46 trong căn nhà thuê. Người ta tìm thấy trong ví ông chỉ còn mấy đồng xu lẻ.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Dấu ấn tuần qua: 2 sự kiện lịch sử trong 3 ngày nhằm ‘giữ nước Mỹ vĩ đại’ của Tổng thống Trump

Dấu ấn tuần qua: 2 sự kiện lịch sử trong 3 ngày nhằm ‘giữ nước Mỹ vĩ đại’ của Tổng thống Trump

Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump trong tuần qua đã tham gia vào hai sự kiện rất đáng chú ý nhằm tìm kiếm quyền lợi chính đáng cho đất nước ông, đàm phán thương mại với Chủ tịch Trung Quốc bên lề Thượng đỉnh G-20 và bắt tay “cậu bé tên lửa” Kim Jong Un trên lãnh thổ Triều Tiên.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất