Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Thanh Thúy – Một tượng đài của dòng nhạc vàng
Ca sĩ Thanh Thúy là một trong những nữ ca sĩ có ảnh hưởng lớn nhất đến nền Tân nhạc Việt Nam trước năm 1975.
09:37 20/09/2023
Ca sĩ Thanh Thúy là một trong những nữ ca sĩ có ảnh hưởng lớn nhất đến nền Tân nhạc Việt Nam trước năm 1975. Cùng với Trúc Mai, Minh Hiếu, Phương Dung, thì Thanh Thúy được xem là thế hệ ca sĩ đầu tiên của dòng nhạc vàng Miền Nam được hình thành từ thập niên 1960.
Thanh Thúy đi hát từ rất sớm, khi mới 15-16 tuổi, và thời gian ban đầu của sự nghiệp (thập niên 1950) cô thường hát những bài ca tiền chiến. Sang thập niên 1960, tên tuổi của cô đã gắn liền với nhạc sĩ Trúc Phương như là một định mệnh. Ngoài ra Thanh Thúy cũng trình bày rất thành công nhạc của nhiều tác giả nhạc vàng nổi tiếng khác.
Không chỉ có sự nghiệp âm nhạc chói sáng, Thanh Thúy còn là một giai nhân nức tiếng, là người trong mộng của cả một thế hệ, được các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, đạo diễn truyền hình nổi tiếng… ca ngợi hết lòng với rất nhiều mỹ danh, trong đó nổi tiếng nhất là Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát khói sương, và Tiếng hát lúc 0 giờ.
Ca sĩ Thanh Thúy có thể được coi như là một trong những nữ ca sĩ gây được nhiều tiếng vang nhất trong làng âm nhạc Miền Nam trước năm 1975. Tiếng hát Thanh Thúy phủ sóng trên tất cả các phương tiện và lĩnh vực. Cô xuất hiện thường xuyên trên đài phát thanh, sau đó là đài truyền hình, hát trong nhiều đại nhạc hội, hợp tác với hầu hết các hãng băng dĩa lớn nhất Sài Gòn, hàng đêm cô hát ở các phòng trà và cộng tác gần như với tất cả các phòng trà, vũ trường lớn.
Danh ca Thanh Thúy sinh ngày 2 tháng 12 năm 1943 tại Thừa Thiên – Huế, trong gia đình có 5 chị em, nhưng chỉ có mình cô là ca sĩ, ngoài ra còn có người em tên Thanh Châu thỉnh thoảng cũng đi hát.
Cha của Thanh Thúy người gốc Bắc, vào Huế và lập gia đình với một phụ nữ Huế. Như vậy ở Thanh Thúy hội tụ đủ tinh hoa của cả 3 miền, khi cô chuyển vào và thành danh ở miền Nam.
Gia đình Thanh Thúy chuyển vào Sài Gòn khi cô còn nhỏ. Năm cô 15 tuổi, mẹ cô bị lao lực vì làm việc quá sức trong thời gian dài, nên Thanh Thúy đã đi hát để kiếm tiền phụ giúp thuốc thang cho mẹ với sự dẫn dắt của ca sĩ Kim Chi, đầu tiên là hát ở phòng trà Việt Long. Tuy nhiên chỉ 1 thời gian ngắn sau đó, mẹ của cô qua đời khi mới chỉ 39 tuổi. Thanh Thúy để tang mẹ 3 năm và đi hát với áo dài trắng cùng mảnh đen trên ngực áo.
Nhiều người nói có lẽ cô mang tâm trạng đau buồn vì thương nhớ mẹ, mà tiếng hát càng u sầu, não nùng, bi cảm, trong âm điệu mượt mà, ngọt ngào, du dương… khiến mọi người xúc động, tái tê từ phong cách trình diễn cho đến lời ca trầm mặc, thiết tha tạo nên nét độc đáo riêng biệt cho ngôi sao bồng bềnh giữa khói sương.
Đối với mẹ, Thanh Thúy hết mực yêu thương và ngưỡng mộ, nên dễ hiểu vì sao sự ra đi khi mới 39 tuổi của mẹ đã để lại ảnh hưởng quá lớn đến cuộc đời của Thanh Thúy. Theo mô tả của cô thì mẹ rất đẹp, rất hiền và rất giỏi, biết được nhiều thứ tiếng. Nhưng cũng vì vậy mà đa truân và bạc mệnh khi phải giã từ cõi đời quá sớm vì bạo bệnh.
Thanh Thúy có chất giọng trầm ấm hơi khàn, lối phát âm nhả chữ và luyến láy rất riêng và đầy cảm xúc, sâu lắng, nghẹn ngào và nức nở, với dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài. Thời điểm đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có gặp Thanh Thúy hàng đêm tại các phòng trà và ông đã sáng tác 2 ca khúc Ướt Mi và Thương Một Người để dành tặng cô. Thanh Thúy nói rằng đến tận sau này khi qua đến hải ngoại, cô mới biết là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết 2 ca khúc đó cho mình.
Lấy được vợ Tây nhờ quen qua mạng, đêm tân hôn mở cửa sổ mà choáng ngợp
Sau lần mở cửa sổ đêm tân hôn tại Mỹ, anh chàng mới vỡ ra nhiều sự thật về người vợ xinh đẹp của mình.