Cuộc gặp Trump - Tập sẽ 'phủ bóng' thượng đỉnh G20?
Cuộc gặp Trump - Tập dự kiến bên lề Thượng đỉnh G20 chắc chắn sẽ làm phủ bóng lên Hội nghị quốc tế quan trọng sắp diễn ra ở Osaka Nhật Bản tuần này, một biên tập viên thời sự của World Service nói với với BBC Tiếng Việt tuần này.
09:30 29/06/2019
Hôm 27/6, biên tập viên thời sự vùng châu Á - Thái Bình Dương, Michael Bristow, bình luận tại Bàn tròn thứ Năm:
"Tôi cho rằng cuộc gặp bên lề ở Osaka dự kiến vào sáng thứ Bảy 29/6 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh, rõ ràng đó là một phần quan trọng bậc nhất của Thượng đỉnh G20. Chúng ta đặt câu hỏi về chữ nếu, nhưng chúng ta biết là hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại Osaka vào sáng thứ Bảy (29/6), trước khi diễn ra Hội nghị chính thức Thượng đỉnh G20.
"Và chắc chắn cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập sẽ phủ mờ nghị trình chính của Hội nghị G20, bởi vì chúng ta biết đây là hai cường quốc kinh tế đang tham gia và đang có cuộc chiến thương mại rất dữ dội và nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Cách mà họ giải quyết như thế nào đối với cuộc xung đột về thương mại của họ sẽ có tác động rất lớn chỉ với hai nước mà còn đối với phần còn lại của thế giới.
Trước câu hỏi, hai bên kỳ vọng sẽ đạt được gì ở cuộc gặp bên lề này và có đạt được không, nhà báo Michael Bristow, người từng có hơn 5 năm làm phóng viên của BBC tại Bắc Kinh và Trung Quốc, nói:
"Vấn đề giữa hai bên là rất sâu sắc và rất lớn, Trung Quốc nói rằng họ sẽ đưa ra một danh sách mà họ muốn phía Hoa Kỳ phải thực hiện trước khi họ làm điều mà Hoa Kỳ muốn. Còn ông Donald Trump nói rằng ông rất tự tin là muốn thỏa thuận sẽ đạt được giữa hai bên.
"Thế nhưng chúng ta nhớ rằng là vào tháng 12/2018, trước kỳ nghỉ Giáng Sinh, thực ra hai bên cũng đã gặp nhau tại một Hội nghị tương tự ở Buenos Aires, Argentina và lúc đó người ta cũng nói hai bên đã có thỏa thuận tạm thời sắp đạt được. Nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được gì. Vậy nếu lần trước họ đã không giải quyết được thì lần này có được không, thì đó là một câu hỏi lớn.
"Và chúng ta cũng cần nhớ rằng không chỉ có cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump mà còn rất nhiều cuộc gặp khác tại Hội nghị, ví dụ như ông Tập Cận Bình sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản là Abe Shinzo và hai nước Nhật Bản và Trung Quốc đã có rất nhiều cạnh tranh và có cả những căng thẳng về quân sự. Đây là một vấn đề rất lớn cho cả vùng Đông Á.
"Ngoài ra Hội nghị G20 sẽ có những cuộc tranh luận rất lớn, ví dụ về Biến đổi Khí hậu, mà hiện nay các nước vẫn còn đang tranh cãi và làm thế nào để viết vào bản tuyên bố chung."
Áp lực từ Hong Kong
Trung Quốc đã loại trừ thảo luận về các cuộc biểu tình phản đối ở Hong Kong tại hội nghị thượng đỉnh G20, theo truyền thông quốc tế, khi được hỏi liệu ông Tập Cận Bình có thể hoàn toàn tránh khỏi chủ đề này không và tác động đáng chú ý nhất của vấn đề Hong Kong đối với ban lãnh đạo Trung Quốc và ông Tập là gì, Michael Bristow nói:
"Mới hôm nay thôi, những người phản đối ông Tập Cận Bình đã đăng ba trang quảng cáo trên các báo phương Tây, ví dụ như tờ The Guardian ở Anh, tờ The Globe & Mail ở Canada và một tờ khác, họ yêu cầu Thế giới hãy thách thức ông Tập Cận Bình tại Hội nghị G20.
"Và để nhắc lại thì các quý vị khán, thính giả đã biết rằng những người biểu tình ở Hong Kong đã rất giận dữ vì dự thảo luật dẫn độ mà có thể cho phép Hong Kong gửi những người là nghi phạm về Trung Quốc để xét xử. Có lẽ vấn đề này những người ở G20 sẽ nói với ông Tập trong chốn riêng tư.
"Về tác động của biểu tình ở Hong Kong với Trung Quốc và sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, đây là một câu hỏi thú vị. Chúng ta biết rằng ông Tập Cận Bình có sự kiểm soát tuyệt đối đối với Đảng Cộng sản và Đảng Cộng sản kiểm soát tuyệt đối Trung Quốc bằng các chính sách, chẳng hạn như là kiểm duyệt.
"Năm vừa rồi, ông Tập Cận Bình đã hoàn toàn đóng cửa bất kỳ khả năng có thể đối kháng nào tại Trung Quốc đại lục. Nhưng còn Hong Kong thì rất là khác. Chúng ta đã thấy là người dân xuống đường phản đối ông ta.
"Ban đầu, ông Tập Cận Bình đã sử dụng biện pháp mà ông ta sử dụng biện pháp ông ta đã dùng ở đại lục, đó là biện pháp rất cứng rắn để đàn áp người biểu tình, thế nhưng như những tuần vừa qua cho thấy thì ông Tập Cận Bình không có vẻ gì cho thấy là ông đã kiểm soát được tình hình. Bởi vì ông ta đã không có kinh nghiệm, trải nghiệm thực sự để đối phó với một nơi như Hong Kong."
Chung một mô thức?
Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ở Osaka, Tổng thống Trump được cho là đã đe dọa Việt Nam, nói rằng đất nước này đã được hưởng lợi từ thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
"Đây là một kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong tất cả mọi người", ông Trump nói về Việt Nam và cho hay thêm rằng Hoa Kỳ sẽ "thảo luận" vấn đề này với Việt Nam.
Thế nhưng ông Trump được cho là cũng đã sử dụng phương pháp "đe dọa" này từ trước với nhiều nước khác, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ, khi được đề nghị đưa ra bình luận, nhà báo Michael Bristow nói:
"Kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền ở Nhà Trắng thì ông đã có một quan hệ rất khác đối với các đồng minh, thậm chí với cả những nước mà đã có quan hệ rất gần gũi từ nhiều thập niên với Mỹ hơn cả Việt Nam, ví dụ như là Nhật Bản và Hàn Quốc, thì ông Donald Trump đã nói với họ là họ phải trả tiền nhiều hơn cho quan hệ giữa hai nước, theo ông phải có quan hệ bình đẳng hơn giữa họ với Hoa Kỳ.
"Thế thì những lời bình luận của ông Donald Trump với Việt Nam cũng nằm trong cùng một mô thức như vậy. Đó là ông Donald Trump muốn xé bỏ những quan hệ cũ đi, những hợp đồng cũ, để làm một hợp đồng quan hệ mới mà theo ông là có lợi cho Hoa Kỳ hơn.
"Về bình phẩm cụ thể của ông Donald Trump về Việt Nam, tôi đã xem, nhưng không rõ về phát biểu của ông Trump, ông nói có hai ý, hay hai khả năng. Một là thặng dư thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mà hiện nay đã lên đến 40 tỷ đôla một năm, hay là ông ta muốn nói đến rằng Việt Nam có hưởng lợi từ cuộc chiến thuế má mà Hoa Kỳ áp đặt lên Trung Quốc.
"Bởi vì chúng ta đã biết là có những cáo buộc rằng gần đây, sau khi Hoa Kỳ áp đặt thuế lên Trung Quốc, thì đã có những hàng hóa từ Trung Quốc được chuyển ngược sang Việt Nam, sau đó được đưa sang Hoa Kỳ để tránh mức thuế của ông Trump đặt ra. Thế thì có thể ông Trump muốn nhắc đến điều này và ông ta cảm thấy giận dữ vì Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thuế ấy.
"Thế nhưng cũng cần lưu ý rằng chưa chắc Việt Nam là đối tượng thực sự mà ông Trump muốn nhắm đến. Bởi vì ông Trump đã viết trên Twitter rằng ông ta đã rất giận dữ vì việc Ấn Độ cũng áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Như vậy, rất có thể việc ông Trump bình luận về Việt Nam cũng nằm hoàn toàn trong một mô thức chung của ông, tức là ông muốn đặt lại quan hệ của nước Mỹ với các nước khác trên thế giới."
Sẽ kết thúc thế nào?
Trước câu hỏi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung này có thể sẽ kết thúc ra sao, biên tập viên thời sự vùng của BBC World Service nói:
"Tôi nghĩ rằng cuối cùng họ sẽ đạt được một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp về những điều mà đã khiến ông Donald Trump giận dữ. Ví dụ như là vấn đề buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc khi mà đầu tư và những vấn đề khác.
"Thế nhưng đây chỉ là những giải pháp tạm thời, bởi vì vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mang tính sâu sắc hơn mà không thể giải quyết được. Ví dụ như Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những vấn đề cạnh tranh về ai mạnh hơn ở một số nơi trên thế giới và vấn đề về cả hệ thống Trung Quốc.
"Vì thế mà gần đây Hoa Kỳ đã quyết tâm cấm cửa công ty Huawei khỏi nước Mỹ. Thế thì đây là những vấn đề vượt ra ngoài tầm của một cuộc chiến tranh thương thương mại và vì thế theo tôi vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không thể giải quyết được," nhà báo Michael Bristow nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt hôm 27/6.
Được biết, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ diễn ra ở Osaka, Nhật Bản từ ngày 28-29/6.
Bên lề Hội nghị này, ngoài cuộc gặp dự kiến giữa ông Trump và ông Tập, hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc này và chủ nhà Nhật Bản sẽ có nhiều cuộc gặp song phương với các quốc gia khác.
Đối với Trung Quốc, ông Tập Cận Bình dẫn đầu đoàn cấp cao tham dự Thượng đỉnh trong bối cảnh Thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục có những diễn biến phức tạp và chưa rõ sẽ giải quyết hoặc hạ nhiệt thế nào, trong khi đó, Hong Kong đã và tiếp tục diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn và rất lớn phản đối chính quyền đặc khu hành chính và chính quyền Bắc Kinh, điều được xem là những diễn biến có tính áp lực rất lớn với ban lãnh đạo Trung Quốc và cá nhân ông Tập.
Michael Bristow, biên tập viên châu Á / Thái Bình Dương, BBC World Service và tác giả của các cuốn sách "China in Drag", "Travels with a Cross-dresser", từng có thời gian (5 năm và 3 tháng) làm việc cho BBC với tư cách là phóng viên ở Bắc Kinh và Trung Quốc. Ông học tiếng Trung tại Đại học Liên minh Bắc Kinh năm 2005-2006 và trước đótốt nghiệp Đại học Newcastle (1987-1991) với chuyên ngành về Chính trị và Nghiên cứu Đông Á, Chính trị Đông Á.
Người già Trung Quốc đua lập di chúc để tránh chia tài sản cho dâu rể
Tỷ lệ thuận với các cặp đôi đưa nhau ra tòa, người già Trung Quốc cũng thi nhau lập di chúc để tránh tài sản rơi vào “người ngoài”.